Viện Giáo Lý
Bài học 14 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Nhận Ra Các Phép Lạ của Đấng Cứu Rỗi


“Bài học 14 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Nhận Ra Các Phép Lạ của Đấng Cứu Rỗi,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài học 14 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Bài Học 14 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Nhận Ra Các Phép Lạ của Đấng Cứu Rỗi

Chúa Giê Su Ky Tô phán: “Ta là một Thượng Đế có nhiều phép lạ” (2 Nê Phi 27:23). Trong bài học này, học viên sẽ có cơ hội để chia sẻ điều họ học được về Chúa Giê Su Ky Tô qua các phép lạ Ngài đã thực hiện trong giáo vụ trần thế của Ngài. Học viên cũng sẽ suy ngẫm điều họ có thể làm để nhận được các phép lạ của Chúa trong chính cuộc sống của họ và nhận ra các phép lạ mà họ đã có được.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúa Giê Su Ky Tô chữa lành cho mọi người về mặt thể chất lẫn thuộc linh.

Cân nhắc việc đưa ra trước khi lớp học diễn ra những hình ảnh sau đây về các phép lạ tương ứng với sinh hoạt “Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em” trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị. Khi lớp học bắt đầu, hãy hướng sự chú ý của học viên đến các bức tranh, và mời một hoặc hai học viên chia sẻ ngắn gọn những ấn tượng chung của họ về các phép lạ của Chúa Giê Su.

Biến nước thành rượu

Hình Ảnh
Marriage at Cana (Đám Cưới tại Ca Na), tranh do Carl Bloch họa

Làm yên cơn bão

Hình Ảnh
Stilling the Storm (Làm Yên Cơn Bão), tranh do Ted Henninger họa

Làm cho người chết sống lại

Hình Ảnh
người đàn ông sống lại từ cõi chết

Cho 5.000 người ăn

Hình Ảnh
cho 5.000 người ăn

Người mù thấy được

Hình Ảnh
Chúa Giê Su làm cho một người mù thấy được

Anh chị em có thể mời học viên mở lại sinh hoạt “Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em” trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị và ôn lại phép lạ họ đã học được trong khi chuẩn bị cho lớp học. Nếu họ không chuẩn bị, thì hãy mời họ chọn ra một phép lạ để nghiên cứu. Cho học viên một vài phút để ôn lại hoặc tìm hiểu phép lạ họ đã chọn và suy ngẫm về những câu trả lời của họ cho hai câu hỏi từ sinh hoạt này.

Sau khi đã cho học viên đủ thời gian để xem lại, hãy mời họ ghép thành các nhóm nhỏ với các học viên đã tìm hiểu về một phép lạ khác. Mỗi thành viên trong nhóm nên có cơ hội để tóm tắt ngắn gọn phép lạ mà người ấy đã nghiên cứu và thảo luận câu trả lời của người ấy cho ít nhất một trong hai câu hỏi kèm theo.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su chữa lành một người đàn ông

Anh chị em cũng có thể muốn mời một học viên tóm lược câu chuyện về Chúa chữa lành người đàn ông bị liệt, được ghi lại trong Mác 2:5–12, mà đã được thảo luận trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.

Sau đó anh chị em có thể giúp gia tăng sự hiểu biết của học viên bằng cách hỏi một hoặc cả hai câu hỏi sau đây:

  • Chúng ta học được điều gì về quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi từ phép lạ này? (Hãy giúp học viên nhận ra một lẽ thật chẳng hạn như Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để chữa lành chúng ta về mặt thuộc linh và thể chất.)

  • Trong những phương diện nào anh chị em hoặc một người nào đó anh chị em biết đã trải qua sự chữa lành về mặt thuộc linh hoặc thể chất? (Cân nhắc việc mời một hoặc hai học viên chuẩn bị trước khi đến lớp để chia sẻ những câu trả lời của họ cho câu hỏi này. Nhắc nhở họ rằng họ không nên cảm thấy bị áp lực để chia sẻ bất cứ điều gì quá riêng tư.)

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Mời một số học viên chuẩn bị trước khi đến lớp để chia sẻ. Việc học tập trong lớp học có thể được nâng cao khi chúng ta mời một vài học viên chuẩn bị trước câu trả lời cho những câu hỏi cụ thể từ bài học, chia sẻ những kinh nghiệm liên quan, hoặc chia sẻ chứng ngôn về các nguyên tắc cụ thể. Cách chuẩn bị này có thể giúp thúc đẩy cuộc thảo luận, làm cho việc học hỏi trở nên chuyên sâu hơn, và tạo cơ hội quan trọng để mọi người có thời gian chuẩn bị suy nghĩ của mình sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ.

Hãy mời một học viên đọc to lời phát biểu của Chủ Tịch Dallin H. Oaks trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị, và cân nhắc việc đặt ra một hoặc nhiều câu hỏi sau đây để giúp học viên của anh chị em học hỏi chuyên sâu hơn:

  • Anh chị em nghĩ tại sao một sự thay đổi lớn lao trong lòng có thể được coi là một phép lạ lớn lao hơn các phép lạ về thể chất? Tại sao là điều thiết yếu để chúng ta trông cậy vào Đấng Cứu Rỗi về phép lạ này?

  • Anh chị em sẽ giải thích như thế nào về phép lạ thay đổi tấm lòng cho một người nào đó mà không chắc chắn về ý nghĩa của điều đó?

  • Mọi người có thể làm gì để cho Chúa thấy rằng họ mong muốn phép lạ này? Anh chị em có thể thực hiện hành động cụ thể nào để cho Chúa thấy ước muốn của anh chị em để thay đổi tấm lòng của mình nhiều hơn? (Anh chị em có thể cần phải nhắc nhở học viên rằng một sự thay đổi trong lòng là một tiến trình, chứ không phải là một sự kiện. Có thể hữu ích để cho học viên thời gian để ghi lại những ý nghĩ và ấn tượng của họ.)

Các phép lạ xảy ra thể theo đức tin của chúng ta và theo ý muốn của Thượng Đế.

Nhắc học viên nhớ rằng một phép lạ mà Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện trong giáo vụ trên trần thế của Ngài là chữa lành một người bị bệnh phung. Mời một học viên chia sẻ ngắn gọn cuộc sống của một người bị bệnh phung là như thế nào trong thời Tân Ước và việc được chữa lành sẽ thay đổi cuộc sống của người ấy như ra sao.

Cùng nhau đọc Mác 1:40–42, và mời học viên tìm kiếm cách mà người bị phung đó đã đến gần Chúa để có được một phép lạ.

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ câu chuyện này về cách tìm đến Chúa khi tìm kiếm một phép lạ? (Anh chị em có thể muốn xem lại lời phát biểu của Anh Cả Jorge F. Zeballos trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị. Hãy giúp học viên nhận ra một nguyên tắc giống như nguyên tắc này: Khi chúng ta thực hành đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài có thể thực hiện các phép lạ trong cuộc sống của chúng ta theo ý muốn của Ngài.)

  • Làm thế nào chúng ta có thể phát triển đức tin để tin cậy vào ý muốn của Chúa khi tìm kiếm một phép lạ? (Cân nhắc việc xem lại những lời phát biểu của các vị lãnh đạo Giáo Hội trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

Có thể hữu ích để mời một số học viên trước khi lớp học ôn lại các câu chuyện được Chủ Tịch Oaks hoặc Anh Cả David A. Bednar chia sẻ bên dưới câu hỏi “Làm thế nào tôi có thể phát triển đức tin để tin cậy vào ý muốn của Chúa khi tìm kiếm một phép lạ?” trong phần “Muốn Thêm Thông Tin?” của tài liệu chuẩn bị. Trong lớp học, anh chị em có thể mời các học viên này chia sẻ một trong những lời tường thuật và điều họ đã học được từ lời tường thuật đó về các phép lạ và việc tin cậy vào ý muốn của Chúa.

Cân nhắc việc đọc lời phát biểu của Anh Ronald A. Rasband trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị. Mời học viên chia sẻ những ví dụ về những phép lạ nhỏ nhặt tầm thường mà họ đã chứng kiến. (Học viên có thể đề cập đến các phép lạ chẳng hạn như nhận được sự mặc khải, khắc phục một thói quen có hại, nhận được sức mạnh để tha thứ cho một người nào đó, được củng cố khi đối mặt với nghịch cảnh, có thêm khả năng để hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn, và v.v.)

  • Sự phổ biến của “những phép lạ nhỏ nhặt” này tiết lộ điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Để giúp học viên áp dụng điều họ đã học được từ bài học này, hãy cân nhắc việc cho họ thời gian để suy ngẫm và ghi lại những ý nghĩ và cảm nghĩ của họ về câu hỏi sau đây:

  • Tôi có thể làm gì để nhận thức rõ hơn và sẵn lòng tiếp nhận các phép lạ của Chúa trong cuộc sống của mình?

Cân nhắc việc chia sẻ chứng ngôn rằng Chúa Giê Su Ky Tô là một Thượng Đế có nhiều phép lạ, hoặc anh chị em có thể mời một hoặc nhiều học viên làm như vậy.

Cho Buổi Học Lần Sau

Để khuyến khích học viên chuẩn bị cho buổi học lần sau, hãy cân nhắc việc gửi hình ảnh và thông điệp sau đây: Kinh nghiệm gần đây nhất của anh chị em với lễ Tiệc Thánh là như thế nào? Khi anh chị em học tài liệu chuẩn bị cho bài học 15, hãy suy ngẫm về lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô muốn anh chị em tham gia vào giáo lễ thiêng liêng này hằng tuần.

Hình Ảnh
một mẩu bánh mì và một cốc nước nhỏ