Viện Giáo Lý
Bài Học 8 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chấp Nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Mê Si Đã Được Hứa


“Bài Học 8 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chấp Nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Mê Si Đã Được Hứa,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài Học 8 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Bài Học 8 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Chấp Nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Mê Si Đã Được Hứa

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Mê Si (hay “Đấng Chịu Xức Dầu”) của Kinh Tân Ước. Ngài đã được Cha Thiên Thượng chọn để làm Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Trong bài học này, học viên sẽ có cơ hội để thảo luận về việc chấp nhận sứ mệnh làm Đấng Mê Si của Chúa Giê Su Ky Tô có thể thay đổi cuộc sống của họ như thế nào. Học viên sẽ được khuyến khích suy ngẫm về cách mà Đấng Mê Si có thể giúp họ với những nỗi đau đớn hoặc hoạn nạn mà họ đang trải qua.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúa Giê Su Ky Tô tuyên phán Ngài là Đấng Mê Si.

Anh chị em có thể bắt đầu lớp học bằng cách trưng ra lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Không ai trong số họ được miễn khỏi bệnh tật và nỗi buồn. … Vết thương trong tâm hồn không phải là độc nhất vô nhị đối với người giàu sang hay người nghèo khó, đối với một nền văn hóa, một quốc gia, hay một thế hệ. Chúng đến với tất cả mọi người và là một phần của sự học hỏi chúng ta nhận được từ kinh nghiệm trần thế này. (Neil L. Andersen, “Bị Tổn Thương,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 84)

Cân nhắc việc viết cụm từ sau đây lên trên bảng: Vết thương trong tâm hồn.

Mời học viên chia sẻ những cách khác nhau mà chúng ta trải qua những vết thương trong tâm hồn, và ghi lại những câu trả lời của học viên lên trên bảng. Để làm cho sinh hoạt này phù hợp hơn với học viên, anh chị em có thể mời họ thầm xác định những vết thương trong tâm hồn của họ hoặc của một người nào đó họ yêu thương. Khuyến khích học viên tự suy ngẫm trong suốt buổi học về cách mà Chúa có thể cứu chữa những vết thương này.

Mời học viên định nghĩa hoặc giải thích danh hiệu Đấng Mê Si và lý do tại sao Đấng Mê Si được trông đợi lại quan trọng đối với dân giao ước của Thượng Đế trong thời Cựu Ước và thời Tân Ước.

Hãy nêu ra rằng Ê Sai 61:1–3 là một lời tiên tri về cách Đấng Mê Si sẽ giúp chữa lành những tâm hồn bị tổn thương. Mời học viên xem lại các câu này và tìm kiếm các từ và cụm từ mà có thể mang đến hy vọng cho những người đang đau khổ.

Khi học viên nghiên cứu, anh chị em có thể viết cụm từ sau đây lên bảng: Cách Đấng Mê Si giúp đỡ tâm hồn bị tổn thương. Sau đó, anh chị em có thể yêu cầu học viên chia sẻ những từ hoặc cụm từ mà họ thấy quan trọng nhất và viết chúng lên bảng. Để giúp học viên suy nghĩ kỹ lưỡng hơn, hãy cân nhắc việc hỏi một số câu hỏi sau đây:

  • Làm thế nào từ hoặc cụm từ này giúp chữa lành những vết thương của tâm hồn?

  • Tại sao từ hoặc cụm từ này quan trọng đối với anh chị em?

  • Từ hoặc cụm từ này dạy chúng ta điều gì về Đấng Mê Si và sứ mệnh của Ngài?

Sau khi dành thời gian để có cuộc thảo luận đầy ý nghĩa, anh chị em có thể trưng ra hình ảnh đi kèm về Chúa Giê Su trong nhà hội ở Na Xa Rét. Ôn lại ngắn gọn văn cảnh, và sau đó mời một học viên chia sẻ cách Chúa Giê Su Ky Tô đã sử dụng Ê Sai 61:1–2 để tuyên phán Ngài là Đấng Mê Si đã được hứa. (Nếu cần, yêu cầu học viên xem lại Lu Ca 4:18–22.)

Hình Ảnh
Jesus in the Synagogue at Nazareth (Chúa Giê Su đang ở trong Nhà Hội ở Na Xa Rét), tranh do Greg K. Olsen họa

Anh chị em có thể trưng ra lẽ thật sau đây: Chúa Giê Su là Đấng Mê Si đã được gửi đến để chữa lành những người đau khổ, giải thoát người bị bầm mình, và an ủi những người than khóc.

  • Làm thế nào Đấng Cứu Rỗi có thể giúp những người cảm thấy đau khổ hoặc bị bầm mình về mặt cảm xúc? (Cân nhắc đọc lời phát biểu của Anh Cả Gerrit W. Gong trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Đấng Cứu Rỗi đã giúp đỡ hay an ủi anh chị em hoặc một người nào đó mà anh chị em biết bằng cách nào?

Ê Sai và An Ma làm chứng về quyền năng của Đấng Mê Si để giúp đỡ chúng ta.

Anh chị em có thể trưng ra các bức hình đi kèm về Đấng Cứu Rỗi và mời học viên chia sẻ ngắn gọn những hình thức khác nhau mà Ngài đã chịu đau khổ trên trần thế.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su bị xét xử
Hình Ảnh
Chúa Giê Su cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê
Hình Ảnh
The Crucifixion (Bị Đóng Đinh trên Thập Tự Giá), tranh do Harry Anderson họa

Cân nhắc yêu cầu học viên phối hợp với một người bạn trong nhóm. Một người có thể nghiên cứu Ê Sai 53:3–6, 8, 11–12 và người kia có thể nghiên cứu An Ma 7:11–12. Mời học viên tìm kiếm hai điều: (1) Đấng Mê Si chịu đau khổ ra sao, và (2) cách Ngài có thể ban phước cho chúng ta nhờ nỗi đau khổ của Ngài. Sau khi học viên đã thảo luận với người bạn trong nhóm điều họ đã khám phá ra, hãy mời một số học viên chia sẻ điều họ đã học được với cả lớp.

Khi học viên chia sẻ, có thể là điều hữu ích để tóm tắt điều họ học được trong một lời phát biểu tương tự như sau: Vì Đấng Mê Si đã mang sự đau buồn, phiền muộn, và phạm giới của chúng ta, nên Ngài có thể chữa lành chúng ta, mang lại cho chúng ta sự bình an, gánh chịu những điều bất chính của chúng ta, tha thứ, an ủi và giúp đỡ chúng ta. Hãy cân nhắc hỏi thêm câu hỏi sau đây:

  • Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta đối phó với những nỗi đau đớn và hoạn nạn nào? (Điều quan trọng có thể là phải ôn lại ý nghĩa của từ trợ giúp và sau đó đọc to những lời phát biểu của Chủ Tịch Jean B. BinghamChủ Tịch Dallin H. Oaks trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

Anh chị em có thể dành ra một khoảng thời gian để giúp học viên nhận ra các ví dụ thực tế trong cuộc sống về cách Đấng Cứu Rỗi trợ giúp chúng ta. Những ví dụ này có thể đến từ thánh thư, các vị lãnh đạo Giáo Hội, hoặc cuộc sống của học viên. Anh chị em cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm riêng của mình.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Hãy cho học viên thời gian để yên tĩnh suy ngẫm. Có những giây phút mà ngôn từ có thể là một trở ngại cho việc học hỏi thuộc linh. Sự im lặng có thể là một ân tứ thiêng liêng mà cho phép học viên suy ngẫm một cách kỹ càng hơn về điều họ đang học hỏi và nghe một cách rõ ràng hơn những lời mách bảo dịu dàng của Đức Thánh Linh.

Học viên có thể nghĩ lại về “vết thương” mà họ, hoặc một người họ yêu thương, đang trải qua. Trưng ra các câu hỏi sau đây và mời học viên suy ngẫm về mỗi câu hỏi này. Cho học viên thời gian để ghi lại những suy nghĩ và ấn tượng của họ.

  • Việc biết được rằng Đấng Cứu Rỗi hiểu tất cả mọi điều anh chị em đang trải qua ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em nhìn nhận những nỗi đau đớn và hoạn nạn của chính mình?

  • Anh chị em có những suy nghĩ hoặc cảm nhận gì về Chúa Giê Su Ky Tô khi anh chị em suy ngẫm điều Ngài đã chịu đựng để Ngài có thể giúp đỡ anh chị em? Điều này soi dẫn anh chị em làm việc gì?

  • Làm thế nào sự hiểu biết này có thể ban phước cho một người nào đó mà anh chị em biết mà đang gặp khó khăn? Làm thế nào anh chị em có thể chia sẻ điều đó với họ?

Nếu thời gian cho phép, anh chị em có thể cung cấp cho mỗi học viên một mảnh giấy nhớ hoặc tờ giấy nhỏ. Mời họ viết câu trả lời cho câu hỏi sau đây:

  • Hãy nghĩ về một người nào đó anh chị em biết mà đang vật lộn trong một tình huống đầy thử thách. Anh chị em có thể chia sẻ sứ điệp nào với họ về khả năng của Chúa Giê Su Ky Tô để củng cố và chữa lành chúng ta?

Sau đó yêu cầu học viên đặt tờ giấy của họ quanh phòng. Cho học viên một vài phút để đi xung quanh và đọc những câu trả lời khác nhau.

Cho Buổi Học Lần Sau

Để khuyến khích học viên đọc tài liệu chuẩn bị cho bài học 9, anh chị em có thể gửi cho họ hình ảnh và sứ điệp sau đây trước buổi học kế tiếp: Hãy dành thời gian để học tài liệu chuẩn bị cho bài học 9 và suy ngẫm lý do tại sao sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô không những được kỷ niệm vào lễ Giáng Sinh mà còn suốt cả năm.

Hình Ảnh
Ma Ri, Giô Sép và hài nhi Giê Su