Viện Giáo Lý
Bài Học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Hân Hoan về Sự Giáng Sinh Thiêng Liêng của Chúa Giê Su Ky Tô


“Bài học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Hân Hoan về Sự Giáng Sinh Thiêng Liêng của Chúa Giê Su Ky Tô,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
Behold the Lamb of God (Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời), tranh do Walter Rane họa

Bài Học 9 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hân Hoan về Sự Giáng Sinh Thiêng Liêng của Chúa Giê Su Ky Tô

Sự giáng sinh kỳ diệu của Chúa Giê Su Ky Tô là một sự kiện vinh quang. Các sứ giả thiên thượng đã hát ngợi khen Thượng Đế (xin xem Lu Ca 2:11–14), những người chăn chiên khiêm nhường thờ phượng Chúa Giê Su trong chuồng gia súc (xin xem Lu Ca 2:15–16), và Các Thầy Thông Thái tôn vinh Ngài bằng các món quà (xin xem Ma Thi Ơ 2:11). Các bài học trong đơn vị 3 sẽ tạo cơ hội cho anh chị em nâng cao sự hiểu biết của mình về giáo vụ trần thế của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự giáng sinh và cuộc đời của Ngài thực sự mang lại “một sự vui mừng lớn cho muôn dân” (Lu Ca 2:10). Cân nhắc việc xem video “The Nativity (Chúa Giáng Sinh)” (2:59) để giúp định hình thái độ và tư duy cho việc học tập của anh chị em. 

Phần 1

Làm thế nào việc hiểu được nguồn gốc của Chúa Giê Su Ky Tô có thể gia tăng sự tin tưởng của tôi nơi quyền năng của Ngài để cứu tôi?

Giống như những đặc điểm đặc biệt mà anh chị em thừa hưởng từ gen di truyền của cha mẹ mình, Chúa Giê Su Ky Tô có những đặc điểm độc nhất vô nhị mà Ngài đã nhận được từ cha mẹ của Ngài. Trong Sách Mặc Môn, An Ma đã tiên tri rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ “do Ma Ri sinh ra … [bà] là một nữ đồng trinh, và là một bình chứa quý giá được chọn … và [bà sẽ] sinh ra một người con trai, phải, đó là Vị Nam Tử của Thượng Đế” (An Ma 7:10). Hãy nghĩ xem nguồn gốc của Đấng Cứu Rỗi được liên kết như thế nào với khả năng của Ngài để thực hiện sự chuộc tội cho tất cả mọi người.

Hình Ảnh
Ma Ri lắng nghe thiên sứ Gáp Ri Ên

Chúng ta bắt đầu thấy mối liên kết này giữa nguồn gốc của Đấng Cứu Rỗi và quyền năng của Ngài để giải cứu khi thiên sứ Gáp Ri Ên hiện đến cùng Ma Ri và nói với bà rằng bà sẽ sinh một người con trai được đặt tên là Giê Su (xin xem Lu Ca 1:26–31).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Lu Ca 1:32–35, và lưu ý cách Gáp Ri Ên mô tả Con Trai mà Ma Ri sẽ mang thai. Lưu ý: Các thánh thư đề cập đến sự thụ thai Chúa Giê Su Ky Tô cũng nhấn mạnh rằng Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế nhưng không tiết lộ phép lạ này đã xảy ra như thế nào [xin xem Ma Thi Ơ 1:18–20; 1 Nê Phi 11:15, 18–21; An Ma 7:10].)

Khi thiên sứ loan báo sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô cho những người chăn chiên gần đó, vị thiên sứ đã gọi đứa trẻ sơ sinh là “Đấng Cứu Thế, là Đấng Ky Tô, là Chúa” (Lu Ca 2:11, xin xem thêm Lu Ca 2:9–10). Chúa Giê Su Ky Tô khả dĩ có khả năng để làm Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là vì Ngài được sinh ra bởi một Người Cha bất diệt (Cha Thiên Thượng) và một người mẹ hữu diệt (Ma Ri). Nhờ người mẹ hữu diệt của mình, Chúa Giê Su có thể trải nghiệm trọn vẹn những nỗi đau đớn, buồn phiền, và cám dỗ của cuộc sống trần thế (xin xem Hê Bơ Rơ 4:15). Những kinh nghiệm trần thế này đã cho phép Đấng Cứu Rỗi “theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:12). Nhờ Người Cha bất diệt của mình, Chúa Giê Su có thể chịu đựng tất cả những thử thách của cuộc sống trần thế.

Nhờ người mẹ hữu diệt của mình, Chúa Giê Su có thể chết. Nhờ Người Cha bất diệt của mình, Ngài có thể chiến thắng cái chết.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Giăng 10:17–18, và suy ngẫm cách mà nguồn gốc độc nhất vô nhị của Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho Sự Chuộc Tội của Ngài có thể thực hiện được.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Sứ mệnh của [Chúa Giê Su Ky Tô] là Sự Chuộc Tội. Sứ mệnh đó là sứ mệnh độc nhất của Ngài. Được sinh ra từ một người mẹ hữu diệt và một Người Cha bất diệt, Ngài là Đấng duy nhất có thể tự nguyện hy sinh mạng sống của mình và sống lại lần nữa (xin xem Giăng 10:14–18). Những kết quả vinh quang của Sự Chuộc Tội của Ngài là vô hạn và vĩnh cửu. Ngài lấy cái nọc ra khỏi sự chết và làm cho nỗi sầu khổ về sự chết thành tạm thời. (“The Mission and Ministry of Jesus Christ,” Ensign, tháng Tư năm 2013, trang 34)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Nguồn gốc kép này của Chúa Giê Su Ky Tô dạy anh chị em điều gì về khả năng của Ngài để thấu hiểu anh chị em trên trần thế và cứu anh chị em trong thời vĩnh cửu?

Phần 2

Làm thế nào mà sự giáng sinh và cuộc sống của Chúa Giê Su Ky Tô lại là một cách biểu lộ tình yêu thương của Ngài dành cho tôi?

Hãy ngẫm nghĩ trong giây lát, thật là tuyệt vời biết bao khi Đấng Giê Hô Va Vĩ Đại, là Đấng đã sáng tạo thế gian, sẽ đến thế gian trong hình hài một đứa trẻ sơ sinh bé bỏng. Trong một khải tượng, Nê Phi đã thấy hành động này như là một cách biểu lộ tình yêu thương.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 1 Nê Phi 11:13–22, và suy ngẫm xem sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi có thể dạy anh chị em điều gì về tình yêu thương của Ngài và Cha Ngài dành cho anh chị em. (Lưu ý: Từ hạ cố có nghĩa là tự nguyện hạ mình từ một vị thế cao hơn xuống một địa vị hoặc thân phận thấp hơn. Hãy suy ngẫm về việc làm thế nào mà tấm lòng hạ cố được mô tả trong câu thánh thư này lại có thể áp dụng cho cả Đức Chúa Cha lẫn Vị Nam Tử.)

Hình Ảnh
Ma Ri bồng hài đồng Giê Su

Khi nói về tấm lòng hạ cố của Chúa Giê Su Ky Tô, Chủ Tịch Tad R. Callister, cựu Chủ Tịch Trung Ương Trường Chủ Nhật, đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Tad R. Callister

“Thượng Đế Đức Chúa Con đã đổi ngôi nhà trên trời của Ngài cùng với tất cả vẻ đẹp thượng thiên để xuống trần thế mà trải qua sự hữu diệt. … Ngài đã đổi quyền thống trị của một Thượng Đế để chấp nhận làm một hài nhi bé bỏng. … Đó là một sự đánh đổi hoàn cảnh không ai sánh được. … Đức Giê Hô Va vĩ đại, Đấng sáng tạo ra vô số thế giới, vô hạn trong đức hạnh và quyền năng, đã đến với cuộc đời này trong cái khăn quấn đặt trong một máng cỏ. (The Infinite Atonement [2000], trang 64)

Nê Phi biết thêm về tấm lòng hạ cố của Đấng Ky Tô khi ông nhìn thấy trong khải tượng Đấng Cứu Rỗi phục sự ở giữa dân chúng và chữa lành những nỗi thống khổ của họ (xin xem 1 Nê Phi 11:26–31).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc 1 Nê Phi 11:32–33, và suy ngẫm xem Đấng Cứu Rỗi đã hạ mình xuống thấp đến mức nào vì anh chị em (xin xem thêm 2 Nê Phi 26:24).

Hình Ảnh
Chúa Giê Su vác thập tự giá của Ngài

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Khi nói về sự Giáng Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, theo lẽ thường, chúng ta suy ngẫm về điều đã diễn ra tiếp theo. Sự giáng sinh của Ngài là vô cùng quan trọng vì những điều Ngài sẽ trải qua và chịu đựng để Ngài có thể giúp đỡ chúng ta tốt hơn—tất cả đều đạt đến đỉnh điểm trong Sự Đóng Đinh và Sự Phục Sinh của Ngài (xin xem An Ma 7:11–12). Nhưng sứ mệnh của Ngài cũng gồm có vẻ đẹp trong sự phục vụ của Ngài, các phép lạ trong giáo vụ Ngài, sự trợ giúp Ngài đã mang đến cho những người đau khổ, và niềm vui Ngài đã ban cho—và vẫn còn ban cho—những người than khóc. (“Be at Peace,” Liahona, tháng Mười Hai năm 2015, trang 30)

Hình Ảnh
Chúa Giê Su rửa chân cho các môn đồ của Ngài

Hãy suy ngẫm về tấm gương phi thường mà tấm lòng hạ cố của Đấng Cứu Rỗi mang đến cho chúng ta. Giám Trợ Richard C. Edgley, người đã phục vụ trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, đã giải thích:

Hình Ảnh
Giám Trợ Richard C. Edgley

Vậy thì điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Sự hiểu biết của chúng ta về tấm lòng hạ cố của Đấng Ky Tô sẽ giúp chúng ta không chỉ dừng lại ở những cảm nghĩ kính sợ và biết ơn sâu sắc. Là tín hữu trong Giáo Hội của Ngài, được kêu gọi để đại diện cho Ngài và làm chứng về Ngài, cơ hội tuyệt vời của chúng ta là cố gắng noi theo gương Ngài. …

Giống như Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể nhận được điều tốt lành lớn lao nhất qua việc phục sự, ngay cả cho “một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta” [Ma Thi Ơ 25:40]. Chúng ta cần phải nhớ rằng ở bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống hoặc chức vụ kêu gọi cụ thể nào, thì mỗi người đều là một người con yêu dấu của Thượng Đế; và chúng ta phải phục sự cả những người hèn mọn nhất và phục vụ họ giống như Đức Thầy sẽ phục vụ. (“The Condescension of God,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2001, trang 20, 21)

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Hãy dành chút thời gian để đọc hoặc lắng nghe lời của một hoặc hai bài thánh ca sau đây. Sau đó ghi lại những ý nghĩ và cảm nhận mà anh chị em có. Hãy suy ngẫm rằng Đấng Cứu Rỗi “đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật,” (Giáo Lý và Giao Ước 88:6) để Ngài có thể cứu anh chị em. Cũng hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể noi theo tấm gương của Ngài trong sự phục vụ người khác.

  • Hỡi Đức Chúa Trời Quang Cửu,” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 18)

  • Lòng Cảm Kích Vô Cùng,” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 22)