Viện Giáo Lý
Bài Học 7 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đón Nhận Công Lý, Lòng Thương Xót và Tình Yêu Thương của Thượng Đế


“Bài Học 7 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đón Nhận Công Lý, Lòng Thương Xót và Tình Yêu Thương của Thượng Đế,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài Học 7 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
His Hand Is Stretched Out Still (Ngài Vẫn Dang Tay Ra), tranh do Elizabeth Thayer họa

Bài Học 7 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đón Nhận Công Lý, Lòng Thương Xót và Tình Yêu Thương của Thượng Đế

Môi Se dạy rằng Đấng Giê Hô Va là “công bình và chánh trực” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:4). Ông cũng nói rằng Chúa “nhân từ [và] thương xót” (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 34:6). Anh chị em có bao giờ tự hỏi làm thế nào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể vừa công bằng lẫn đầy lòng thương xót không? Các thuộc tính thiêng liêng này không những dạy về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho anh chị em mà còn cung cấp một ví dụ về cách anh chị em có thể biểu lộ tình yêu thương dành cho người khác.

Lưu ý: Trong thánh thư, danh hiệu Đức Chúa Trời có thể chỉ về Cha Thiên Thượng hoặc Chúa Giê Su Ky Tô. Cả Hai Ngài đều là hình mẫu của mọi thuộc tính thiêng liêng. Bất cứ điều gì chúng ta học được về Đấng này thì cũng đúng về Đấng kia (xin xem Giăng 14:9; 17:21).

Phần 1

Công lý của Thượng Đế có thể dạy tôi điều gì về tình yêu thương của Ngài?

Một số người cho rằng “Thượng Đế của Kinh Cựu Ước” hành động khác với “Thượng Đế của Kinh Tân Ước.” Họ xem Thượng Đế của Kinh Cựu Ước, Đấng Giê Hô Va, là hay trả thù, hay đòi hỏi và hà khắc. Và họ thấy Thượng Đế của Kinh Tân Ước, Chúa Giê Su Ky Tô, là nhân từ, tha thứ và thương xót. Nhưng như anh chị em đã học được trong một bài học trước đây, “[Chúa Giê Su Ky Tô] là Đấng Giê Hô Va Vĩ Đại của Kinh Cựu Ước, [] Đấng Mê Si của Kinh Tân Ước” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” ChurchofJesusChrist.org). Làm thế nào cùng một Thượng Đế có thể vừa khắt khe vừa nhân từ, nóng giận khoan dung, công bằng thương xót?

Những thuộc tính dường như tương phản này là những ví dụ về chiều sâu và bề rộng trong thiên tính của Thượng Đế. Một sự hiểu biết về cách mà Ngài thể hiện tất cả những thiên tính này cho phép chúng ta tin cậy Ngài nhiều hơn. Hãy nghĩ về những vấn đề chúng ta có thể gặp phải trong cuộc sống của mình nếu chúng ta cho rằng nếu Ngài có một thuộc tính này thì không thể có một thuộc tính khác—rằng Ngài chỉ công bằng và khắt khe hoặc đầy lòng trắc ẩn và tha thứ. Khi anh chị em học thánh thư, hãy nghĩ về cách mà tất cả các thuộc tính của Thượng Đế liên quan đến tình yêu thương trọn vẹn của Ngài.

Chúng ta hãy bắt đầu với thuộc tính công bằng. Anh chị em nghĩ gì khi đọc từ này? Đôi khi trong thánh thư, công lý của Thượng Đế có thể nghe có vẻ hà khắc. Một số câu chuyện trong Kinh Cựu Ước sử dụng những từ như nổi giậntức giận để mô tả công lý của Thượng Đế đối với những kẻ bất tuân và tà ác (xin xem Ê Sai 1:4; Giê Rê Mi 32:30). Ví dụ, vì sự bất tuân của dân chúng, Sô Đôm và Gô Mô Rơ bị lửa từ trời hủy diệt (xin xem Sáng Thế Ký 19:15–25), gia tộc Y Sơ Ra Ên bị A Si Ri phân tán (xin xem 2 Các Vua 15:27–31), và quốc gia Giu Đa bị người Ba Bi Lôn bắt cầm tù (xin xem 2 Các Vua 24:10–16). Nói tóm lại, kẻ tà ác thường trải qua gánh nặng công lý của Thượng Đế.

Hình Ảnh
Destruction of Jerusalem (Sự Hủy Diệt Giê Ru Sa Lem), tranh do Gary L. Kapp họa

Khi đọc về cơn tức giận của Thượng Đế, chúng ta không nên cho rằng những cảm nghĩ và biểu hiện tức giận của chúng ta, là những người sa ngã, cũng giống như cơn tức giận ngay chính của Thượng Đế. Như tiên tri Ê Sai nhắc nhở chúng ta: “Đấng Giê Hô Va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta” (Ê Sai 55:8).

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã đưa ra quan điểm sau đây:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Chúng ta đọc đi đọc lại trong Kinh Thánh và các thánh thư thời hiện đại về cơn giận của Thượng Đế đối với kẻ tà ác và về hành động của Ngài trong cơn thịnh nộ đối với những người vi phạm các luật pháp của Ngài. Cơn giận và cơn thịnh nộ là bằng chứng về tình yêu thương của Ngài như thế nào? … Tình yêu thương của Thượng Đế toàn hảo đến nỗi Ngài đã nhân từ đòi hỏi chúng ta tuân theo các giáo lệnh của Ngài vì Ngài biết rằng chỉ qua việc tuân theo các luật pháp của Ngài chúng ta mới có thể trở thành toàn hảo giống như Ngài. Vì lý do này, cơn giận của Thượng Đế và cơn thịnh nộ của Ngài không mâu thuẫn với tình yêu thương của Ngài mà là bằng chứng về tình yêu thương đó. (“Tình Yêu Thương và Luật Pháp,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 27)

Kỳ định trong công lý của Thượng Đế cũng là một dấu hiệu về tình yêu thương của Ngài dành cho con cái của Ngài. Hãy lấy câu chuyện về Nô Ê và Trận Lụt làm ví dụ. Trong thời Nô Ê, “thế gian bại hoại trước mắt Thượng Đế” (Môi Se 8:28). Bạo lực lan tràn và người dân liên tục phạm vào điều ác. Trong khoảng 120 năm, Nô Ê đã cảnh báo dân chúng rằng nếu họ không hối cải, họ sẽ bị hủy diệt bởi một trận lụt (xin xem Môi Se 8:17–30). Họ đã bỏ qua lời khẩn nài đầy yêu thương của Thượng Đế, và tất cả mọi người, ngoại trừ Nô Ê và gia đình ông, đều đã chết trong Trận Lụt (xin xem Sáng Thế Ký 8:15–21).

Hình Ảnh
con tàu trên biển

Thoạt nhìn, sự kiện này có thể chỉ đơn giản là việc thực thi công lý một cách nghiêm khắc và chính xác. Nhưng từ một khải tượng mà tiên tri Hê Nóc đã nhận được vào thời Nô Ê, chúng ta có được những hiểu biết sâu sắc đáng kể về mối quan hệ giữa công lý của Thượng Đế và tình yêu thương của Ngài.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Môi Se 7:28–29, 32–33, 37, và tìm kiếm bằng chứng về tình yêu thương sâu đậm của Thượng Đế ngay cả đối với những người không chịu nghe theo các lệnh truyền của Ngài.

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về cảnh tượng đầy cảm động này:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Chỉ một cảnh tượng độc nhất, cảm động đó có tác dụng giảng dạy về bản chất thật của Thượng Đế hơn bất cứ luận án thần học nào có thể giảng dạy được. …

Thật là một hình ảnh sâu đậm về lòng thiết tha của Thượng Đế đối với cuộc sống của chúng ta! … Thật dễ dàng biết bao để yêu thương một người nào đó mà yêu thương mình một cách đặc biệt! (“Sự Vĩ Đại của Thượng Đế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2003, trang 72)

Khi anh chị em nghĩ về ý nghĩa của tình yêu thương của Thượng Đế đối với mình, hãy nghĩ về cách tốt nhất để mô tả tình yêu thương đó cho người khác. Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

Có rất nhiều cách để mô tả và nói về tình yêu thương thiêng liêng. Một trong những từ mà chúng ta thường nghe thấy sử dụng ngày nay để mô tả tình yêu thương của Thượng Đế là “vô điều kiện.” Mặc dù về một phương diện, điều đó là đúng, nhưng sự miêu tả vô điều kiện như vậy không tìm thấy ở bất cứ chỗ nào trong thánh thư. Thay vì thế, tình yêu thương của Ngài được mô tả trong thánh thư là “tình thương yêu bao la và kỳ diệu,”[Giáo Lý và Giao Ước 138:3], “tình thương trọn vẹn,”[1 Giăng 4:18; Mô Rô Ni 8:16], “tình yêu cứu chuộc,” [An Ma 5:26], và “sự yêu thương đời đời” [Giê Rê Mi 31:3]. Đây là những từ hay hơn vì từ vô điều kiện có thể truyền đạt một ý nghĩ sai lầm về tình yêu thương thiêng liêng, chẳng hạn như Thượng Đế khoan dung và tha thứ cho bất cứ điều gì chúng ta làm sai vì tình yêu thương của Ngài là vô điều kiện, hoặc Thượng Đế không đòi hỏi gì nơi chúng ta vì tình yêu thương của Ngài là vô điều kiện, hoặc tất cả mọi người đều được cứu rỗi vào vương quốc của Thượng Đế vì tình yêu thương của Thượng Đế là vô điều kiện. Tình yêu thương của Thượng Đế là vô hạn và sẽ tiếp tục mãi mãi, nhưng ý nghĩa của tình yêu thương đối với mỗi người chúng ta tùy thuộc vào cách chúng ta đáp ứng [với] tình yêu thương của Ngài. (“Ở trong Sự Yêu Thương Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 48)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em sẽ giải thích thế nào về mối liên hệ giữa công lý của Thượng Đế và tình yêu thương của Ngài dành cho con cái của Ngài?

Phần 2

Lòng thương xót của Chúa có thể dạy tôi điều gì về tình yêu thương của Ngài?

Cảm giác thật tuyệt khi Thượng Đế ban phước cho chúng ta vào lúc chúng ta vâng lời. Nhưng cũng rất khó khăn để phải trải qua những hậu quả vì những lựa chọn sai lầm của chính chúng ta. Và khi hậu quả là nghiêm trọng, thì nó có thể đáng sợ. Vào những lúc như vậy, chúng ta có thể nài xin lòng thương xót của Chúa.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, những người phạm tội không nhận ra được sự cần thiết phải có lòng thương xót của Thượng Đế. Hãy xem xét trường hợp của Cô Ri An Tôn, con trai của An Ma Con. Sau khi từ bỏ công việc truyền giáo của mình và phạm một số tội lỗi nghiêm trọng, Cô Ri An Tôn cảm thấy là “điều bất công” đối với một người phạm tội để bị trừng phạt và trải qua nỗi khổ sở (xin xem An Ma 42:1).

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc An Ma 42:15, 22, 24–25, và tìm kiếm điều An Ma đã dạy về công lý, lòng thương xót, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. (Lưu ý: Một người ăn năn là “người biết hối cải tội lỗi; một người buồn rầu vì sự phạm giới của mình” [Webster’s Dictionary (năm 1828), “Penitent”].)

Hình Ảnh
Christ in Gethsemane (Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê), tranh do Harry Anderson họa

Chúa Giê Su Ky Tô, với tình yêu thương sâu đậm dành cho mỗi anh chị em và mọi người, làm trung gian giữa chúng ta và công lý mà đang đợi chúng ta (xin xem Mô Si A 15:9). Ngài đã trả cái giá vô cùng đớn đau cho tội lỗi của chúng ta. Và Ngài muốn ban lòng thương xót cho người ăn năn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 19:16–18). Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi là cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Chúng ta không thể kiếm được con đường của mình lên thiên thượng; những đòi hỏi của công lý giống như cái rào cản, mà chúng ta không có khả năng để tự mình vượt qua.

Nhưng chưa hẳn là đã mất tất cả. …

Tội lỗi của chúng ta, cho dù chúng có thể như màu hồng điều cũng có thể trở thành màu trắng như tuyết. Vì Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta “đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người” [1 Ti Mô Thê 2:6], nên một lối vào vương quốc trường cửu của Ngài được cung cấp cho chúng ta. (“Ân Tứ về Ân Điển,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 108)

Hãy suy nghĩ một lần nữa về khải tượng của Hê Nóc về Trận Lụt. Hê Nóc đã học được rằng trong thế giới linh hồn, ngay cả những người bất tuân đã chết trong Trận Lụt cuối cùng cũng có thể đến đứng “bên tay phải của Thượng Đế” nếu họ thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải tội lỗi của mình (Môi Se 7:57, cũng xem Môi Se 7:38, 55–56; Giáo Lý và Giao Ước 138:6–8, 28–37).

Anh Cả Lynn G. Robbins thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy về việc ân điển của Chúa mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để thay đổi như thế nào:

Hình Ảnh
Anh Cả Lynn G. Robbins

Chúng ta hết sức kinh ngạc trước ân điển của Đấng Cứu Rỗi vì đã ban cho chúng ta các cơ hội thứ hai trong việc khắc phục tội lỗi, hoặc thất bại trong những lựa chọn.

Không một ai muốn chúng ta được thành công hơn Đấng Cứu Rỗi. …

Vì biết rằng con đường chật và hẹp sẽ đầy dẫy những thử thách và chúng ta sẽ có thất bại hằng ngày, nên Đấng Cứu Rỗi đã trả một cái giá vô hạn để ban cho chúng ta có càng nhiều cơ hội hơn để sống qua cuộc sống hữu diệt một cách thành công. …

Bởi vì chúng ta không muốn chết cho đến khi chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi, chúng ta cần tiếp tục đứng lên mỗi khi vấp ngã, với mong muốn tiếp tục tăng trưởng và tiến triển bất kể những yếu kém của mình. (“Đến Bảy Mươi Lần Bảy,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 22, 23)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em có những suy nghĩ hoặc cảm nghĩ gì về Chúa Giê Su Ky Tô, khi biết rằng Ngài đã đáp ứng những đòi hỏi của công lý để anh chị em có thể hối cải và nhận được lòng thương xót? Anh chị em có thể làm gì để cho thấy lòng biết ơn của mình về sự hy sinh chuộc tội mà Ngài đã thực hiện thay cho anh chị em?