Viện Giáo Lý
Bài học 15 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Đến Gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn qua Tiệc Thánh


“Bài học 15 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Đến Gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn qua Tiệc Thánh,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài học 15 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Bài học 15 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Đến Gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn qua Tiệc Thánh

Anh Cả Peter M. Johnson thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy: “Sự soi sáng về mặt thuộc linh nhận được trong lễ Tiệc Thánh mang tính cá nhân, đầy quyền năng, và rất cần thiết” (“Sức Mạnh để Khắc Phục Kẻ Nghịch Thù,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 112). Trong bài học này, học viên sẽ có cơ hội để chia sẻ cách mà Tiệc Thánh có thể là một ảnh hưởng mang tính cá nhân và mạnh mẽ trong cuộc sống của họ. Họ cũng sẽ cân nhắc điều họ có thể làm để đến với Đấng Cứu Rỗi một cách hữu hiệu hơn khi họ dự phần Tiệc Thánh và cố gắng tưởng nhớ tới Ngài luôn luôn.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúa Giê Su Ky Tô thiết lập Tiệc Thánh như một sự nhắc nhở về sự hy sinh chuộc tội lớn lao của Ngài.

Hãy nhắc học viên nhớ rằng vào đêm trước khi bị đóng đinh, Đấng Cứu Rỗi đã ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua với các môn đồ của Ngài. Trong bữa ăn này, Đấng Cứu Rỗi đã giới thiệu Tiệc Thánh.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Mời học viên hình dung ra các đoạn thánh thư và các câu chuyện. Điều này có thể giúp họ hiểu biết và cảm thông hơn với những nhân vật họ đang tìm hiểu. Nó cũng có thể giúp họ cảm nhận được lẽ thật và tầm quan trọng của các nguyên tắc họ đang học.

Để giúp học viên cảm thấy tầm quan trọng của Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, anh chị em có thể trưng bày một hình ảnh mô tả sự kiện này và mời một học viên đọc to Ma Thi Ơ 26:19–20, 26–30 (anh chị em cũng có thể nêu ra những phần bổ sung được đưa vào bản dịch Joseph Smith). Mời học viên tưởng tượng việc có mặt ở đó khi Đấng Cứu Rỗi thực hiện Tiệc Thánh lần đầu tiên là như thế nào. Khuyến khích một vài học viên chia sẻ điều họ nghĩ hoặc cảm thấy.

Cân nhắc mời học viên tưởng tượng rằng họ không phải là Ky Tô hữu và đang chứng kiến việc thực hiện Tiệc Thánh lần đầu tiên tại một buổi họp của Giáo Hội. Trong buổi họp, giáo đoàn hát bài “Hỡi Đức Chúa Trời Quang Cửu” (Thánh Ca Và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 18) và bánh và nước Tiệc Thánh được ban phước và chuyền đi. (Có thể là điều hữu ích để yêu cầu học viên đọc lời của bài thánh ca này.) Mời học viên viết một vài câu hỏi mà họ có thể có về Tiệc Thánh nếu họ không phải là Ky Tô hữu.

Sau khi học viên đã ghi lại những câu hỏi, hãy yêu cầu họ lập thành các nhóm nhỏ. Mời các thành viên trong nhóm thay phiên nhau hỏi và trả lời những câu hỏi của mình.

Khi học viên thảo luận những câu hỏi đó, hãy đi quanh phòng và lắng nghe điều họ đang chia sẻ. Dựa trên điều anh chị em nghe được, hãy xác định xem việc đặt ra bất cứ câu hỏi nào sau đây có giúp học viên của anh chị em tìm hiểu sâu hơn trong một cuộc thảo luận trong lớp học không:

  • Các biểu tượng của Tiệc Thánh tượng trưng cho điều gì? (Học viên có thể nhận ra lẽ thật như sau: Bánh và rượu, hoặc nước, tượng trưng cho thể xác và máu của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài dành cho chúng ta.)

  • Thánh thư dạy điều gì về Đấng Cứu Rỗi qua các biểu tượng bánh, rượu, và nước? Tại sao điều quan trọng là bánh mì bị bẻ ra trước khi chúng ta ăn?

  • Tại sao có thể là điều quan trọng để chúng ta ăn bánh và uống nước mà không chỉ nhìn chúng? (Anh chị em có thể muốn xem lại các chấm đầu dòng trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị để nâng cao nội dung cuộc thảo luận của mình.)

Cân nhắc việc mời học viên suy ngẫm về tầm quan trọng của các biểu tượng Tiệc Thánh và cách chúng có thể giúp nhắc nhở chúng ta về tính chất cá nhân trong sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi.

Chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh bằng sự chiêm nghiệm.

Hãy trưng ra tình huống sau đây.

Mặc dù Julia không cố ý, nhưng chị thường cảm thấy chán trong lúc chuyền Tiệc Thánh. Chị ấy biết Tiệc Thánh rất quan trọng nhưng rất khó để cảm nhận Thánh Linh. Khi Tiệc Thánh được thực hiện cho giáo đoàn, chị thường suy nghĩ về những điều như công việc và những bài tập ở trường, cuộc sống xã hội của chị, và điều chị sẽ làm sau khi đi nhà thờ. Đôi khi chị ấy lướt mạng xã hội trên điện thoại của mình.

  • Anh chị em sẽ mô tả cách Julia dự phần Tiệc Thánh như thế nào? Julia có thể bỏ lỡ những cơ hội và phước lành nào do cách chị dự phần Tiệc Thánh?

  • Anh chị em nghĩ kinh nghiệm của Julia có thể thay đổi như thế nào nếu chị đang được chính Đấng Cứu Rỗi phục vụ bánh và nước?

Mời một số học viên đọc thầm 3 Nê Phi 18:7, 10–12; 20:8–9, một số học viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79, và những học viên khác tìm hiểu lời phát biểu của Chị Cheryl A. Esplin trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị. Hãy mời học viên tìm kiếm các nguyên tắc, thái độ, và phước lành khác nhau liên quan đến Tiệc Thánh. Anh chị em hoặc họ có thể viết những điều họ tìm thấy lên trên bảng.

Khi học viên chia sẻ điều họ tìm thấy, anh chị em cũng có thể mời họ chia sẻ những kinh nghiệm hoặc ví dụ cá nhân liên quan đến những hiểu biết sâu sắc của họ. Họ cũng có thể chia sẻ những ví dụ hoặc kinh nghiệm từ những người mà họ đã nói chuyện để chuẩn bị cho lớp học (xin xem “Thảo Luận để Chuẩn Bị cho Lớp Học” trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

Khi học viên thảo luận ý nghĩa của việc luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi, anh chị em có thể hỏi:

  • Việc luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta như thế nào? Làm thế nào anh chị em có thể làm điều này tốt hơn trong suốt cả tuần?

Cân nhắc việc cho học viên thời gian để suy ngẫm và viết về việc dự phần Tiệc Thánh của chính họ. Họ có thể suy ngẫm cách cải thiện kinh nghiệm trong lễ Tiệc Thánh và những nỗ lực của họ để “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 20:77).

Nếu học viên có câu hỏi về việc xứng đáng dự phần Tiệc Thánh, hoặc nếu anh chị em cảm thấy được thúc giục để thảo luận đề tài này với cả lớp, hãy tham khảo phần 3 của tài liệu chuẩn bị. Anh chị em cũng có thể hỏi:

  • Tại sao việc chúng ta “tự xét” bản thân mình khi chuẩn bị tiếp nhận Tiệc Thánh lại là điều quan trọng? (xin xem 1 Cô Rinh Tô 11:27–29).

  • Anh chị em có những cảm nghĩ gì về lời phát biểu của Anh Cả John H. Groberg về việc xứng đáng dự phần Tiệc Thánh (trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị)? Làm thế nào lời khuyên dạy này lại mang đến hy vọng cho những người đang vật lộn với những yếu kém, tội lỗi, hoặc những thử thách khác?

Để kết thúc buổi học, học viên hoặc anh chị em có thể chia sẻ chứng ngôn về cách giáo lễ Tiệc Thánh giúp chúng ta đến cùng Đấng Cứu Rỗi. Hoặc học viên có thể chia sẻ điều họ cảm thấy và học được từ bài học.

Cho Buổi Học Lần Sau

Để khuyến khích sự chuẩn bị cho buổi học lần sau, hãy cân nhắc việc gửi sứ điệp sau đây (hoặc một sứ điệp của riêng anh chị em) trong tuần: Khi học tài liệu chuẩn bị, hãy suy ngẫm lý do tại sao Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.