Viện Giáo Lý
Bài học 22 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tham Gia với Chúa Giê Su Ky Tô trong Sự Phục Hồi Liên Tục


“Bài học 22 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tham Gia với Chúa Giê Su Ky Tô trong Sự Phục Hồi Liên Tục,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài học 22 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Bài học 22 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Tham Gia với Chúa Giê Su Ky Tô trong Sự Phục Hồi Liên Tục

Chủ Tịch Russell M. Nelson làm chứng: “Chúng ta là nhân chứng cho một tiến trình phục hồi. Nếu anh chị em nghĩ là Giáo Hội đã được phục hồi một cách trọn vẹn, thì thật ra anh chị em chỉ đang thấy sự khởi đầu. Còn nhiều điều nữa sẽ đến” (“Latter-day Saint Prophet, Wife and Apostle Share Insights of Global Ministry,” ngày 30 tháng Mười, năm 2018, newsroom.ChurchofJesusChrist.org). Trong bài học này, học viên sẽ nhận ra điều họ làm hoặc có thể làm để tham gia vào Sự Phục Hồi liên tục. Họ cũng sẽ suy ngẫm về sự giúp đỡ họ có thể nhận được từ Đấng Cứu Rỗi khi làm công việc của Ngài.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúa Giê Su Ky Tô hướng dẫn công việc của Sự Phục Hồi liên tục.

Hãy trưng ra lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Nelson:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Bất kể anh chị em đang sống ở đâu hay hoàn cảnh của anh chị em ra sao đi nữa, thì Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của anh chị em và vị tiên tri của Thượng Đế, Joseph Smith, là vị tiên tri của anh chị em. Ông đã được tiền sắc phong trước khi thế gian này được thiết lập để trở thành vị tiên tri của gian kỳ sau cùng này, khi mà “sẽ không có một điều gì bị giữ lại” khỏi Các Thánh Hữu. Sự mặc khải tiếp tục trút xuống từ Chúa trong tiến trình phục hồi lâu dài.

Việc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trên thế gian có ý nghĩa gì đối với anh chị em? (“Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 88, sự nhấn mạnh được thêm vào)

Mời một số học viên trả lời câu hỏi của Chủ Tịch Nelson và chia sẻ ý nghĩa của Sự Phục Hồi đối với họ. Sau đó anh chị em có thể hỏi:

  • Việc Sự Phục Hồi là một tiến trình liên tục có ý nghĩa gì đối với anh chị em?

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Đặt ra thêm những câu hỏi giúp soi dẫn việc học hỏi sâu sắc hơn. Khi học viên trả lời các câu hỏi, chia sẻ cảm nghĩ, hoặc đưa ra sự hiểu biết sâu sắc, hãy chăm chú lắng nghe điều họ nói và cách họ nói điều đó. Phân biệt xem liệu một câu hỏi dựa trên những điều đó có thể giúp học viên suy nghĩ sâu sắc hơn, rút ra được kinh nghiệm cá nhân hoặc khám phá những cảm nghĩ trong lòng của họ không. Các câu hỏi bổ sung cần phải tự nhiên, chứ không bắt buộc. Chúng cần thu hút các học viên tham gia chứ không nên độc đoán.

Mời học viên chia sẻ những ví dụ về Sự Phục Hồi liên tục. (Có thể là điều hữu ích để xem lại lời phát biểu của Anh Cả LeGrand R. Curtis Jr. trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị và chia sẻ một hoặc hai ví dụ anh chị em đã nhận ra.) Khi học viên chia sẻ, anh chị em có thể ngừng lại và đặt ra thêm những câu hỏi, chẳng hạn như những câu sau đây:

  • Làm thế nào [ví dụ của học viên] đã giúp anh chị em hoặc một người anh chị em biết đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

  • Anh chị em nghĩ [ví dụ của học viên] có thể giúp chuẩn bị chúng ta cho Ngày Tái Lâm ra sao?

  • Làm thế nào [ví dụ của học viên] đã củng cố chứng ngôn của anh chị em rằng đây là công việc của Chúa?

Để giúp học viên hết lòng biết ơn về tầm quan trọng của sự quy tụ Y Sơ Ra Ên trong Sự Phục Hồi liên tục, hãy cân nhắc trưng ra lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Nelson: “[Sự quy tụ Y Sơ Ra Ên] là điều quan trọng nhất đang diễn ra trên thế gian ngày nay” (Russell M. Nelson và Wendy W. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” [buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], phần bổ sung cho tạp chí New EraEnsign, trang 8, ChurchofJesusChrist.org).

Mời học viên dành ra một vài phút để xem lại phần 2 của tài liệu chuẩn bị và tìm kiếm những lý do mà sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên là rất quan trọng. Sau đó, anh chị em có thể yêu cầu họ đóng diễn với một người bạn trong nhóm hoặc cả lớp cách họ sẽ phản ứng trong một hoặc nhiều tình huống sau đây:

  • Giải thích cho một lớp giáo lý ở trường trung học về tầm quan trọng của sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên.

  • Chia sẻ với một người nào đó không thuộc tín ngưỡng của chúng ta về việc quy tụ Y Sơ Ra Ên có thể ban phước cho tất cả mọi người như thế nào.

  • Giải thích những cách chúng ta có thể phụ giúp Chúa trong việc quy tụ Y Sơ Ra Ên cho một tín hữu của Giáo Hội mà cảm thấy không chắc về cách họ có thể giúp đỡ.

Sau khi đóng diễn, anh chị em có thể mời một học viên đọc to lời phát biểu của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị. Anh chị em có thể cho học viên thời gian để ghi lại những suy nghĩ của họ về các câu hỏi sau đây:

  • Anh chị em sẽ mô tả những nỗ lực của mình như thế nào để đẩy mạnh công việc của Chúa trong Sự Phục Hồi liên tục?

  • Một sự đóng góp mà anh chị em có thể thực hiện bây giờ để đẩy mạnh công việc của Ngài là gì? (Hãy cân nhắc xem lại lời phát biểu của Anh Cả Jeffrey R. Holland trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

Đấng Cứu Rỗi lao nhọc với chúng ta khi chúng ta làm công việc của Ngài.

Cân nhắc chia sẻ tình huống sau đây:

Maria đã nhận được một sự kêu gọi mới trong tiểu giáo khu của mình và cảm thấy quá sức. Khi rời khỏi văn phòng của vị giám trợ, chị ấy tự nhủ: “Làm thế nào tôi có thể thực hiện được sự kêu gọi này? Tôi không đủ tốt. Có những người khác xứng đáng hơn rất nhiều. Có lẽ tôi nên yêu cầu vị giám trợ tìm một người khác.”

  • Anh chị em sẽ đưa ra lời khuyên nào cho Maria?

Mời học viên xem lại Gia Cốp 5:70–72, Giáo Lý và Giao Ước 38:7, và Giáo Lý và Giao Ước 49:27 và tìm kiếm một nguyên tắc có thể giúp Maria. Học viên có thể nhận ra một nguyên tắc như sau: Khi chúng ta làm công việc của Chúa, Ngài đang ở giữa chúng ta và lao nhọc với chúng ta.

  • Sự hiểu biết rằng Đấng Cứu Rỗi đang lao nhọc với chúng ta có thể giúp đỡ Maria như thế nào? Sự hiểu biết này có thể giúp đỡ anh chị em như thế nào?

  • Tại sao là điều quan trọng để biết rằng Đức Chúa Cha đã ở cùng Đấng Cứu Rỗi trong giáo vụ trần thế của Ngài? (Anh chị em có thể xem lại lời phát biểu của Anh Cả Kim B. Clark trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị để giúp học viên trả lời câu hỏi này.)

  • Có khi nào anh chị em đã cảm thấy một sự bảo đảm rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã ở cùng với anh chị em khi anh chị em làm công việc của Hai Ngài không?

Học viên có thể suy ngẫm về sự sẵn lòng của Đấng Cứu Rỗi để lao nhọc với họ khi họ làm công việc của Ngài. Khi họ suy ngẫm, anh chị em có thể trưng ra bản liệt kê các dấu chấm đầu dòng sau đây và mời học viên đọc câu thánh thư đã được chọn ra cho mỗi bài thánh ca. Khuyến khích học viên ghi lại những ý nghĩ và cảm nghĩ của họ về điều họ đọc.

  • Nào Cùng Nhau Bước Mạnh” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 10), câu 3

  • Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46), câu 3

Để kết thúc lớp học, anh chị em có thể yêu cầu một hoặc hai học viên chia sẻ kinh nghiệm của họ liên quan đến lẽ thật này: Khi chúng ta làm công việc của Chúa, Ngài đang ở giữa chúng ta và lao nhọc với chúng ta.

Cho Buổi Học Lần Sau

Cân nhắc việc khuyến khích học viên học tài liệu chuẩn bị cho bài học 23 một vài ngày trước buổi học lần sau.