2019
Một Cái Mũ Trắng cho Florence
Tháng Mười năm 2019


Một Cái Mũ Trắng cho Florence

Tác giả sống ở Michigan, Hoa Kỳ.

Hình Ảnh
A White Cap for Florence

Florence Onyejekwe mười ba tuổi đã đến được địa điểm quen thuộc của mình tại một khu chợ ngoài trời đông đúc ở Onitsha, Nigeria. Con đường đầy những người bán hàng đang mời mọc những người đi mua sắm bận rộn. Phụ nữ thì đội các bó đồ được thăng bằng trên đầu họ trong khi bước đi. Trường học chỉ vừa nghỉ lễ, và Florence biết rằng bạn bè mình đang tận hưởng kỳ nghỉ mà không phải đi học. Nhưng Florence lại dành kỳ nghỉ của mình để bán lá đắng tại khu chợ này. Đó là cơ hội duy nhất để Florence kiếm tiền học phí cho mình.

Mặc dù vậy, Florence không hề ta thán. Dù sao thì, mẹ của bà đã phải bán khoai ở chợ trong nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày để có tiền mua thực phẩm cho gia đình. Mama làm việc rất cực nhọc. Cả ba và mẹ đều chịu khó. Nhưng vì không có nhiều học vấn, họ chỉ có thể làm những công việc vất vả. Florence sắp hoàn tất chương trình tiểu học. Có lẽ nếu bà có thể tiếp tục đến trường, bà sẽ kiếm được công việc làm trả lương cao và giúp đỡ gia đình mình.

Khi trở về nhà, Florence đi tìm ba mẹ và hỏi: “Ba mẹ có nghĩ là con có thể đi học trung học không? Và có lẽ đại học?”

Mama nhìn sang Nnam (ba) và lắc đầu. Nnam nói: “Chi phí ở đại học cao hơn những gì ba mẹ có.” Florence nhìn xuống đôi giày của mình. Bà không muốn Mama và Nnam thấy bà thất vọng biết bao.

Ít ngày sau, Florence ngừng lại tại bệnh viện để lấy một ít thuốc. Bệnh viện cũng đông đúc gần như chợ, mặc dù không ồn ào bằng. Florence nhìn chăm chăm vào các y tá đội những chiếc mũ cứng màu trắng. Bà hình dung chính mình trong một bộ đồng phục giống như vậy, đang giúp đỡ những người bệnh và chăm sóc các em bé tại một bệnh viện lớn. Có lẽ có thể trở thành một y tá.

Florence biết rằng ba mẹ nói đúng—sẽ rất khó khăn để được đi học. Nhưng Florence biết cách làm việc chăm chỉ. Bà quyết định cố gắng.

Bất kể phải làm bao nhiêu công việc nhà trong ngày thì Florence vẫn dành thời gian để học. Bà thi đậu những kỳ thi dành cho trường trung học, và Nnam vay mượn đủ tiền cho bà tiếp tục học. Sau đó bà biết được rằng chính phủ sẽ giúp chi trả cho trường y tá. Giấc mơ của bà là nằm trong tầm tay!

Nhưng khi đến lúc bắt đầu học trường y tá, Florence đã cảm thấy một chút nghi ngờ. Nếu như nó quá khó thì sao? Nếu như bà thấy cô đơn thì sao? Florence cúi đầu và cầu nguyện: “Thưa Thượng Đế, xin cho con sức mạnh để đi học trường y tá và học hành chăm chỉ.”

Tại trường y tá, Florence học cách cho bệnh nhân uống thuốc và tiệt trùng các dụng cụ cho sạch sẽ để không bị nhiễm khuẩn. Đôi khi các bệnh nhân của bà khỏe hơn, nhưng đôi khi thì không. Florence thường xuyên cầu nguyện xin có được can đảm. Sau ba năm dài, Florence tốt nghiệp với giải thưởng dành cho sinh viên giỏi nhất trong lớp. Giấc mơ của bà đã trở thành hiện thực! Bà được đội chiếc mũ trắng của y tá, bà đã có thể kiếm đủ tiền để giúp đỡ gia đình mình.

Nhiều năm sau đó, Florence đến thăm một chi nhánh nhỏ thuộc Phái Bộ Truyền Giáo Ghana Accra. Chồng bà, Christopher Chukwurah, đã là chủ tịch phái bộ truyền giáo tại đó. Florence gặp một vài trẻ em trong chi nhánh mà không được đi học thường xuyên. Các em không chắc phải làm gì với tương lai của mình. Chúng nhắc Florence nhớ lại chính mình khi còn là một đứa trẻ. “Con có thể nói gì để giúp chúng đây?” Florence đã cầu nguyện thầm như vậy.

Rồi bà cảm thấy một sự thúc giục rõ ràng: Hãy kể với bọn trẻ về cuộc đời con.

Florence nghĩ về cuộc đời bà. Bà đã làm việc tại các bệnh viện ở Nigerian và Hoa Kỳ. Bà đã kết hôn với một người đàn ông tử tế, và họ cùng nhau tìm được Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Bà trở thành một người mẹ. Giờ đây bà đang giúp những người truyền giáo giữ gìn sức khỏe và làm việc chăm chỉ. Cha Thiên Thượng đã giúp bà trở thành một y tá. Ngài đã giúp bà làm được nhiều điều hơn cả những gì bà từng tưởng tượng. Ngài có thể làm như vậy cho các trẻ em này.

Florence nhìn các em và mỉm cười. “Các con biết những cái mũ trắng mà y tá luôn đội không? Bác đã thấy một cái mũ như vậy và quyết định trở thành một y tá …”