2010–2019
Tôn Vinh Danh Ngài
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


Tôn Vinh Danh Ngài

Khi có nguồn gốc và thuộc về giao ước này, chúng ta được gọi bằng danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đi cùng với niềm phấn khởi chờ đợi ngày đứa con chào đời là trách nhiệm của cha mẹ để chọn một cái tên cho em bé của mình. Có lẽ vào lúc chào đời, anh chị em đã được đặt cho một cái tên được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình mình. Hoặc có lẽ cái tên được đặt cho anh chị em là một cái tên phổ biến trong năm đó hoặc ở khu vực nơi anh chị em được sinh ra.

Tiên tri Hê La Man và vợ ông đã đặt cho các con trai sơ sinh Nê Phi và Lê Hi của họ những cái tên về nguồn gốc gia đình đầy ý nghĩa. Hê La Man sau đó đã kể cho các con trai của ông rằng:

“Cha đã đặt tên các con theo tên các tổ phụ đầu tiên của chúng ta … và cha làm như vậy là để khi các con nhớ đến tên mình thì các con nhớ đến họ; và khi các con nhớ đến họ thì các con sẽ nhớ đến những việc làm của họ … [rằng] tại sao người ta đã nói, và cũng đã viết ra, là những việc làm của họ tốt đẹp.

“Vậy nên, hỡi các con trai của cha, cha muốn các con làm những gì tốt đẹp.”1

Tên của Nê Phi và Lê Hi đã giúp họ ghi nhớ những việc làm tốt đẹp của tổ tiên họ và khuyến khích họ cũng làm những điều tốt như vậy.

Thưa các chị em, cho dù chúng ta sống ở đâu, nói ngôn ngữ nào, hay dù chúng ta mới 8 tuổi hoặc đã 108 tuổi, thì tất cả chúng ta đều chia sẻ một danh xưng đặc biệt mà có cùng các mục đích này.

“Vả, [chúng ta] thảy đều chịu phép báp têm trong Đấng Ky Tô, đều mặc lấy Đấng Ky Tô vậy … vì trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô, [chúng ta] thảy đều làm một.”2

Với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, “ngay từ đầu chúng ta [đã] cam kết sẵn lòng mang lấy danh của Đấng Ky Tô … bằng giao ước báp têm.”3 Qua giao ước này, chúng ta đã hứa luôn luôn tưởng nhớ Ngài, tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, và phục vụ người khác. Sự sẵn lòng của chúng ta để tuân giữ giao ước này được tái lập vào mỗi ngày Sa Bát khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh và một lần nữa vui mừng trong phước lành được “sống trong đời mới.”4

Cái tên mà chúng ta nhận được khi chào đời thể hiện danh tính cá nhân của chúng ta và cho chúng ta được thuộc vào gia đình trần thế của mình. Tuy nhiên, khi được “sinh lại” trong lễ báp têm, sự hiểu biết của chúng ta về việc mình là ai đã được mở rộng. “Nhờ giao ước mà các người đã lập, các người sẽ được gọi là con cái của Đấng Ky Tô, … vì này, … Ngài đã sinh ra các người theo thể thuộc linh; vì các người có nói rằng, lòng các người đã thay đổi nhờ có đức tin nơi danh Ngài; vậy nên các người được Ngài sinh ra.”5

Do đó, khi có nguồn gốc và thuộc về giao ước này, chúng ta được gọi bằng danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Và “không có một danh xưng nào khác được ban ra, hay một con đường hoặc một phương tiện nào khác mà nhờ đó sự cứu rỗi có thể đến với con cái loài người, chỉ có ở trong hay nhờ danh của Đấng Ky Tô, Chúa Vạn Năng mà thôi.”6

Danh của Chúa Giê Su đã được biết đến từ lâu trước khi Ngài giáng sinh. Một vị thiên sứ đã tiên tri cho Vua Bên Gia Min rằng: “Và Ngài sẽ được gọi là Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, … và mẹ của Ngài sẽ được gọi là Ma Ri.”7 Công việc của “tình yêu cứu chuộc” của Ngài8 cũng đã được biểu lộ cho con cái của Thượng Đế bất kể khi nào có phúc âm tồn tại trên thế gian, kể từ thời A Đam và Ê Va cho đến thời kỳ hiện tại của chúng ta, để họ có thể hiểu được “nguồn gốc nào mà [họ] có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của [họ].”9

Năm ngoái, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra “lời khẩn nài của vị tiên tri” cho các chị em “để ảnh hưởng tương lai bằng cách giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên đang bị phân tán.” Ông mời chúng ta đọc Sách Mặc Môn và “đánh dấu mỗi câu nói về hoặc ám chỉ Đấng Cứu Rỗi.” Ông yêu cầu chúng ta “chủ động nói về Đấng Ky Tô, hoan hỷ về Đấng Ky Tô, thuyết giảng về Đấng Ky Tô với [gia đình] và bạn bè [của chúng ta].” Có lẽ các chị em đã bắt đầu nhận thấy kết quả đến từ lời ông đã hứa rằng “họ và các chị em sẽ trở nên gần gũi hơn với Đấng Cứu Rỗi. … Và những thay đổi, ngay cả những phép lạ, sẽ bắt đầu xảy ra.”10

Lời hứa của chúng ta để luôn luôn tưởng nhớ Đấng Cứu Rỗi sẽ cho chúng ta sức mạnh để bênh vực lẽ thật và sự ngay chính—cho dù ở chốn đông người hay nơi hoang vắng, nơi mà không ai biết được các việc làm của chúng ta ngoại trừ Thượng Đế. Khi tưởng nhớ Ngài và mang lấy danh Ngài, chúng ta không còn dành tâm trí cho việc so sánh làm hạ thấp bản thân hoặc hống hách đánh giá người khác. Với đôi mắt tập trung vào Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ hiểu được mình thật sự là ai—một người con được Thượng Đế yêu thương.

Việc luôn nhớ đến giao ước sẽ giúp chúng ta dẹp yên những nỗi lo lắng trần tục, biến nỗi nghi ngờ bản thân thành sự dũng cảm, và mang lại hy vọng khi gặp thử thách.

Và khi phạm lỗi lầm và vấp ngã trong sự tiến triển của mình trên con đường giao ước, chúng ta chỉ cần nhớ đến danh Ngài và lòng thương yêu nhân từ Ngài dành cho chúng ta. “Ngài có đủ mọi quyền năng, mọi sự thông sáng và mọi sự hiểu biết; Ngài thông suốt tất cả mọi điều, Ngài là một Đấng đầy lòng thương xót … cho bất cứ ai hối cải và tin nơi danh Ngài.”11 Chắc hẳn sẽ không có âm thanh nào êm ái hơn danh của Chúa Giê Su dành cho tất cả những ai có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, đang tìm cách “làm tốt hơn và trở nên tốt hơn.”12

Chủ Tịch Nelson đã dạy rằng: “Đã qua rồi những ngày mà anh chị em có thể làm một Ky Tô Hữu thầm lặng và sống an nhàn. Tôn giáo của anh chị em không chỉ là việc đi đến nhà thờ vào ngày Chủ Nhật. Mà là trở thành một môn đồ đích thực từ sáng Chủ Nhật cho đến tối thứ Bảy. … Chúng ta không thể nào làm những môn đồ ‘bán thời gian’ của Chúa Giê Su Ky Tô.”13

Sự sẵn lòng của chúng ta để mang lấy danh của Đấng Ky Tô thì không chỉ dừng lại ở sự giao tiếp trịnh trọng bằng từ ngữ. Nó không chỉ là một lời hứa thụ động hay sự bày vẽ về mặt văn hóa. Nó không chỉ là một nghi thức hay một tấm bảng tên mà chúng ta đeo. Nó không chỉ là một câu nói để chúng ta đặt lên trên kệ hay treo lên tường. Danh Ngài là danh xưng để “mặc lấy,”14 được viết trong tấm lòng chúng ta, và được “ghi khắc trên mặt [chúng ta].”15

Sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi cần phải được luôn luôn ghi nhớ trong ý nghĩ, hành động, và trong cách chúng ta giao tiếp với nhau. Ngài không chỉ nhớ tên của chúng ta, mà Ngài còn luôn luôn nhớ đến chúng ta. Đấng Cứu Rỗi đã tuyên phán rằng:

“Vì người đàn bà há dễ quên được đứa con còn bú của mình, để đến nỗi không thương hại đến đứa con trai ruột thịt của mình hay sao? Phải, dầu có thể là họ quên, nhưng ta sẽ không quên ngươi đâu, hỡi gia tộc Y Sơ Ra Ên.

“Nầy ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta.”16

Chủ Tịch George Albert Smith dạy rằng: “Hãy tôn vinh danh mà [chị em] mang lấy, bởi vì đến một ngày nào đó [chị em] sẽ có đặc ân và trách nhiệm để trình báo … với Cha Thiên Thượng của mình … về những gì [chị em] đã làm với các danh xưng ấy.”17

Giống như những cái tên đã được lựa chọn kỹ lưỡng của Nê Phi và Lê Hi, liệu người ta có thể nói và viết về chúng ta rằng chúng ta là các môn đồ đích thực của Chúa Giê Su Ky Tô không? Chúng ta có tôn vinh danh của Chúa Giê Su Ky Tô là danh mà chúng ta đã sẵn lòng mang lấy không? Chúng ta có vừa “[phục sự] và [cả] làm chứng”18 về tình yêu thương nhân từ và quyền năng cứu chuộc của Ngài không?

Cách đây không lâu, tôi đã lắng nghe Sách Mặc Môn. Trong chương cuối sách 2 Nê Phi, tôi đã nghe Nê Phi nói một điều gì đó mà tôi chưa bao giờ đọc được giống vậy trước đây. Xuyên suốt biên sử của mình, ông giảng dạy và làm chứng về “Đấng Cứu Chuộc,” “Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên,” “Chiên Con của Thượng Đế,” và “Đấng Mê Si.” Nhưng khi ông kết thúc biên sử của mình, tôi đã nghe ông nói những lời này: “Tôi hãnh diện trong sự minh bạch; tôi hãnh diện trong lẽ thật; tôi hãnh diện trong Chúa Giê Su của tôi, vì Ngài đã cứu chuộc linh hồn tôi.”19 Khi nghe những lời này, lòng tôi vui sướng và tôi đã phải nghe đi nghe lại nhiều lần. Tôi nhận biết và đáp ứng lại câu thánh thư đó y như tôi đã nhận biết và đáp ứng lại với chính tên của mình.

Chúa đã phán: “Phải, phước thay cho dân này là những người sẵn lòng mang danh ta; vì họ sẽ được gọi theo danh ta, và họ thuộc về ta.”20

Với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, cầu xin cho chúng ta “sung sướng được mang danh Đấng Ky Tô”21 bằng cách tôn vinh danh Ngài với tình yêu thương, sự tận tâm, và những việc làm tốt đẹp. Tôi làm chứng rằng Ngài là “Chiên Con của Thượng Đế, phải, Vị Nam Tử của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu.”22 Trong tôn danh Con Thánh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.