2010–2019
Giữ Những Lời Hứa và Giao Ước của Chúng Ta
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


Giữ Những Lời Hứa và Giao Ước của Chúng Ta

Tôi mời anh chị em hãy cân nhắc những lời hứa và các giao ước anh chị em lập với Chúa, và với người khác, với sự liêm chính thực sự, biết rằng mình luôn giữ lấy lời.

Thưa anh chị em, khi chúng ta kết thúc phiên họp này, cầu xin cho mỗi chúng ta ghi nhớ những chứng ngôn đã được chia sẻ ngày hôm nay về các lẽ thật phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta được ban phước có được thời gian thiêng liêng này cùng với nhau để củng cố lời hứa của mình với Chúa Giê Su Ky Tô rằng chúng ta là các tôi tớ của Ngài và Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Tầm quan trọng của việc lập và giữ những lời hứa và giao ước làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Việc anh chị em giữ lời hứa của mình quan trọng như thế nào? để được tin cậy? để làm điều mình hứa mình sẽ làm? để cố gắng tuân giữ các giao ước thiêng liêng của mình? để có được sự liêm chính? Bằng cách trung tín làm tròn những lời hứa của anh chị em với Chúa và với người khác, chúng ta bước đi trên con đường giao ước để trở về với Cha Thiên Thượng và cảm thấy tình yêu thương của Ngài trong cuộc sống.

Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta là tấm gương hoàn hảo cho chúng ta về việc lập và tuân giữ những lời hứa cùng các giao ước. Ngài xuống thế gian với lời hứa để làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Ngài giảng dạy các nguyên tắc phúc âm bằng lời lẽ và bằng hành động. Ngài chuộc tội lỗi của chúng ta để chúng ta có thể sống lại lần nữa. Ngài giữ mọi lời hứa của Ngài.

Người khác cũng có thể nói về mỗi người chúng ta như vậy không? Có gì nguy hiểm nếu chúng ta gian lận một chút, lén lút một chút, hoặc không hoàn toàn làm theo những điều mình cam kết? Nếu chúng ta từ bỏ các giao ước của mình thì sao? Những người khác sẽ “đến cùng Đấng Ky Tô” vì tấm gương của chúng ta không? Anh chị em có giữ lời của mình không? Việc giữ lời hứa không phải là một thói quen; mà đó là một đức tính của việc làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Vì Chúa luôn luôn nhớ đến những yếu kém của chúng ta trong cuộc sống trần thế, nên Ngài đã hứa: “Hãy vui lên, và chớ sợ hãi, vì ta là Chúa đang ở với các ngươi, và ta sẽ đứng bên các ngươi.”1 Tôi đã cảm thấy sự hiện diện của Ngài khi tôi cần được trấn an, an ủi, có được sự hiểu biết thuộc linh hoặc sức mạnh lớn lao hơn, và tôi cảm thấy vô cùng khiêm nhường và biết ơn về sự đồng hành thiêng liêng của Ngài.

Chúa đã phán: “Người nào biết từ bỏ tội lỗi của mình và đến cùng ta và kêu cầu danh ta, và vâng theo tiếng nói của ta cùng tuân giữ các giáo lệnh của ta, thì sẽ trông thấy mặt ta và biết rằng ta hằng sống.”2 Đó có lẽ là lời hứa lớn nhất của Ngài.

Tôi đã học được tầm quan trọng của việc giữ lời hứa trong thời niên thiếu của tôi. Một ví dụ điển hình là khi tôi đứng nghiêm đọc thuộc lòng Lời Tuyên Thệ của Hướng Đạo Sinh. Mối liên hệ của chúng ta với Tổ Chức Nam Hướng Đạo Hoa Kỳ, mà giờ đây đã đến lúc chấm dứt, sẽ luôn luôn là một di sản quan trọng đối với tôi và đối với Giáo Hội. Đối với tổ chức Hướng Đạo, đối với nhiều người nam và người nữ đã tận tâm phục vụ với tư cách là những người lãnh đạo Hướng Đạo, đối với những người mẹ—mà đã có công lao thực sự đáng kể—và đối với các thiếu niên đã tham gia chương trình Hướng Đạo, chúng tôi xin nói “Cảm ơn.”

Trong chính phiên họp này, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, và Anh Cả Quentin L. Cook đã loan báo những sự điều chỉnh mà sẽ làm cho chúng ta tái tập trung vào giới trẻ và sắp xếp các tổ chức của chúng ta với lẽ thật được mặc khải. Ngoài ra, Chủ Nhật tuần trước, Chủ Tịch Nelson và Chủ Tịch M. Russell Ballard đã giải thích chương trình mới có tên là Trẻ Em và Giới Trẻ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô cho toàn thể Giáo Hội. Đây là một sáng kiến toàn cầu tập trung vào Chúa và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đều hợp nhất trong hướng đi mới này, và tôi chia sẻ lời chứng cá nhân của tôi rằng Chúa đã hướng dẫn chúng tôi trong mỗi quyết định chúng tôi đưa ra. Tôi rất phấn khởi cho các trẻ em và giới trẻ của Giáo Hội để được kinh nghiệm sự tập trung phối hợp này vào họ cả ở nhà lẫn ở nhà thờ—qua việc học hỏi phúc âm, sự phục vụ và các buổi sinh hoạt, cùng sự phát triển cá nhân.

Chủ đề của giới trẻ cho năm tới, năm 2020, nói về lời hứa kinh điển của Nê Phi là hãy “đi và làm.” Ông viết: “Và chuyện rằng, tôi, Nê Phi, bèn thưa với cha tôi rằng: Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh, vì con biết Chúa không ban ra một lệnh truyền nào cho con cái loài người mà Ngài lại không chuẩn bị sẵn một đường lối để họ có thể thực hiện được những điều Ngài phán truyền.”3 Mặc dù đã được nói ra từ lâu, nhưng chúng ta trong Giáo Hội vẫn giữ lời hứa đó ngày nay.

Hãy “đi và làm” có nghĩa là làm theo đường lối của Chúa chứ không phải đường lối của thế gian, tiếp nhận và hành động theo sự mặc khải cá nhân, sống ngay chính với hy vọng và đức tin vào tương lai, lập và tuân giữ các giao ước để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, và nhờ đó gia tăng tình yêu thương của chúng ta dành cho Ngài, Đấng Cứu Rỗi của thế gian.

Một giao ước là một lời hứa hai chiều được lập giữa chúng ta với Chúa. Với tư cách là các tín hữu Giáo Hội, chúng ta giao ước khi chịu phép báp têm để mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô, để sống giống như Ngài đã sống. Giống như những người được báp têm tại Dòng Suối Mặc Môn, chúng ta giao ước để trở thành dân Ngài, “mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho gánh nặng ấy được nhẹ nhàng; … “để than khóc với những ai than khóc; … an ủi những ai cần được an ủi, và đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu.”4 Việc chúng ta phục sự lẫn nhau trong Giáo Hội phản ảnh sự cam kết của chúng ta để giữ đúng những lời hứa này.

Khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh, chúng ta tái lập giao ước đó để mang lấy danh Ngài và lập thêm các giao ước khác để tiến bộ hơn. Những ý nghĩa và hành động hàng ngày của chúng ta, cả lớn lẫn nhỏ, đều phản ánh sự cam kết của chúng ta với Ngài. Đổi lại, lời hứa thiêng liêng của Ngài là: “Nếu các ngươi luôn luôn tưởng nhớ tới ta thì các ngươi sẽ được Thánh Linh của ta ở cùng với các ngươi.”5

Câu hỏi của tôi ngày hôm nay là chúng ta có giữ những lời hứa và giao ước của mình không hay là đôi khi chỉ là những cam kết nửa vời, được lập một cách hời hợt và do đó rất dễ dàng bị phá vỡ? Khi chúng ta nói với một người nào đó: “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn,” chúng ta có cầu nguyện không? Khi chúng ta cam kết: “Tôi sẽ đến để giúp,” chúng ta có đến không? Khi chúng ta tự hứa là sẽ trả một món nợ, thì chúng ta có trả không? Khi chúng ta giơ tay lên để tán trợ một người cùng là tín hữu trong một chức vụ kêu gọi mới, có nghĩa là chúng ta ủng hộ người đó, thì chúng ta có ủng hộ không?

Một buổi tối nọ khi tôi còn niên thiếu, mẹ tôi ngồi cùng tôi ở cuối giường của bà và khẩn thiết nói với tôi về tầm quan trọng của việc sống theo Lời Thông Sáng. Mẹ tôi nói: “Mẹ biết từ kinh nghiệm của những người khác, từ cách đây nhiều năm, sự mất mát phần thuộc linh và mất khả năng nhạy bén là đến từ việc không tuân theo Lời Thông Sáng.” Mẹ tôi nhìn thẳng vào mắt tôi và tôi cảm thấy những lời bà nói xuyên thấu trái tim tôi: “Ronnie à [bà gọi tôi là Ronnie], con hãy hứa với mẹ, ngày hôm nay, là con sẽ luôn luôn sống theo Lời Thông Sáng.” Tôi đã long trọng hứa với bà, và tôi vẫn giữ lời hứa đó trong suốt những năm qua.

Sự cam kết đó đã giúp tôi rất nhiều trong thời niên thiếu của tôi và những năm về sau trong công việc kinh doanh khi tôi rơi vào vòng xoáy của giới kinh doanh nơi mà hầu hết mọi người đều uống rượu. Tôi đã đưa ra một quyết định từ trước để tuân theo các luật pháp của Thượng Đế, và tôi không bao giờ phải quyết định lại một lần nữa. Chúa đã phán: “Ta, là Chúa, bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán; nhưng khi các ngươi không làm theo những điều ta phán thì các ngươi chẳng được lời hứa hẹn nào cả.”6 Ngài phán bảo điều gì với những người tuân theo Lời Thông Sáng? Rằng chúng ta sẽ có được lời hứa về sức khỏe, sức mạnh, sự khôn ngoan, sự hiểu biết, và các thiên sứ bảo vệ chúng ta.7

Cách đây nhiều năm, Chị Rasband và tôi ở tại Đền Thờ Salt Lake tham dự lễ gắn bó của một đứa con gái của chúng tôi. Trong khi chúng tôi đang đứng ở ngoài đền thờ cùng với một đứa con gái nhỏ hơn, chưa đủ tuổi để tham dự lễ gắn bó, tôi đã nói về tầm quan trọng của việc được làm lễ gắn bó trong đền thờ thánh của Thượng Đế. Như mẹ tôi đã dạy tôi nhiều năm trước, chúng tôi nói với con gái của mình: “Cha mẹ muốn con được làm lễ gắn bó an toàn trong đền thờ, và cha mẹ muốn con hứa với cha mẹ là khi con tìm được người bạn đời vĩnh cửu của mình, thì con sẽ sắp xếp một ngày để được làm lễ gắn bó với cậu ấy trong đền thờ.” Con gái chúng tôi đã giữ lời hứa của nó.

Hình Ảnh
Vợ chồng con gái của Anh Cả Rasband

Kể từ lúc đó nó nói rằng cuộc chuyện trò của chúng tôi và lời hứa của nó đã bảo vệ nó và nhắc nhở nó về “điều gì là quan trọng nhất.” Về sau nó đã lập các giao ước thiêng liêng khi được làm lễ gắn bó với chồng của nó trong đền thờ.

Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Chúng ta … gia tăng quyền năng của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình khi chúng ta lập các giao ước thiêng liêng và tuân giữ các giao ước đó một cách chính xác. Các giao ước của chúng ta ràng buộc chúng ta với Ngài và ban cho chúng ta quyền năng tin kính.”8

Khi chúng ta giữ lời hứa của mình với người khác thì chúng ta thường dễ giữ lời hứa với Chúa hơn. Hãy nhớ những lời Chúa phán: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”9

Chúng ta hãy cùng suy ngẫm những ví dụ về lời hứa trong thánh thư. Am Môn và các con trai của Mô Si A trong Sách Mặc Môn đã cam kết để “thuyết giảng lời của Thượng Đế.”10 Khi Am Môn bị các lực lượng dân La Man bắt, ông được giải đến trước Vua của dân La Man là La Mô Ni. Ông cam kết với nhà vua: “Thần chỉ muốn làm tôi tớ cho bệ hạ.”11 Khi bọn cướp đến để đánh cắp đàn chiên của nhà vua, Am Môn đã chặt tay của bọn chúng. Nhà vua rất đỗi kinh ngạc, nhà vua lắng nghe sứ điệp của Am Môn về phúc âm và được cải đạo.

Ru Tơ trong Kinh Cựu Ước, hứa với mẹ chồng mình: “Mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó.”12 Bà đã giữ đúng lời hứa của mình. Người Sa Ma Ri nhân lành, trong truyện ngụ ngôn trong Kinh Tân Ước, hứa với người chủ quán trọ rằng nếu ông ta chăm sóc cho người lữ hành bị thương, thì “nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả.”13 Giô Ram trong Sách Mặc Môn, hứa đi vào vùng hoang dã với Nê Phi và các anh của ông. Nê Phi kể lại: “Sau khi Giô Ram thề với chúng tôi như vậy, thì sự lo ngại của chúng tôi về hắn không còn nữa.”14

Lời hứa cổ xưa nào “đã được lập với những người cha” mà đã được mô tả trong thánh thư rằng “lòng con cái sẽ trở lại cùng những người cha mình”?15 Trong cuộc sống tiền dương thế, khi chúng ta chọn kế hoạch của Thượng Đế, chúng ta hứa giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che. Cách đây nhiều năm, Anh Cả John A. Widtsoe giải thích: “Chúng ta cộng tác với Chúa. Như vậy việc thực hiện kế hoạch đó không chỉ là công việc của Đức Chúa Cha và của Đấng Cứu Rỗi mà còn là công việc của chúng ta nữa.”16

Chủ Tịch Nelson đã nói khi ông hành trình khắp thế giới: “[Sự] quy tụ là điều quan trọng nhất đang diễn ra trên trái đất ngày nay.” “Khi nói về sự quy tụ, chúng ta đang nói một cách đơn giản về lẽ thật quan trọng này: mỗi một người con của Cha Thiên Thượng, ở cả hai bên bức màn che, đều xứng đáng được nghe về sứ điệp của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.”17

Với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi kết thúc với một lời mời và một lời hứa. Thứ nhất, là lời mời: Tôi mời anh chị em hãy cân nhắc những lời hứa và các giao ước mình lập với Chúa, và với người khác, với sự liêm chính thực sự, biết rằng mình luôn giữ lời hứa ấy. Thứ hai, tôi hứa với anh chị em, rằng khi anh chị em làm điều này, Chúa sẽ thiết lập lời nói của anh chị em và ban phước cho hành động của anh chị em khi tận tụy cố gắng mà không hề mệt mỏi để xây đắp cuộc sống của mình, của gia đình mình, và của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài sẽ ở cùng với anh chị em, các anh chị em thân mến của tôi, và anh chị em có thể, với sự tin tưởng, trông mong “được thu nhận vào thiên thượng, để nhờ đó [anh chị em] có thể ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận. Hãy ghi nhớ, hãy ghi nhớ rằng những điều này là có thật… vì Đức Chúa Trời đã phán vậy.”18

Tôi làm chứng và hứa điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.