2010–2019
Cái Chạm Tay của Đấng Cứu Rỗi
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


Cái Chạm Tay của Đấng Cứu Rỗi

Khi chúng ta đến cùng Ngài, Thượng Đế sẽ đến cứu chúng ta, dù là để chữa lành hay để ban cho chúng ta sức mạnh để đối mặt với bất kỳ tình huống nào.

Gần 2.000 năm trước, Đấng Cứu Rỗi đã đi xuống núi sau khi giảng dạy Những Lời Chúc Phước và các nguyên tắc phúc âm khác. Trên đường đi, một người đàn ông bị bệnh phong tiến lại gần Ngài. Người đàn ông cho thấy lòng tôn kính khi quỳ xuống trước Đấng Ky Tô, tìm kiếm sự giải thoát khỏi nỗi đau đớn của mình. Lời cầu khẩn của ông rất đơn giản: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được.”

Khi ấy Đấng Cứu Rỗi đã đưa tay Ngài ra rờ đến người ấy và phán rằng: “Ta khứng, hãy sạch đi.”1

Chúng ta học được ở đây rằng Đấng Cứu Rỗi luôn luôn muốn ban phước cho chúng ta. Một số phước lành có thể đến ngay lập tức, những phước lành khác sẽ đến muộn hơn, và thậm chí sẽ đến sau cuộc sống này, nhưng cuối cùng các phước lành rồi cũng sẽ đến.

Cũng giống như người bị bệnh phong, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh và niềm an ủi trong cuộc sống này bằng cách chấp nhận ý muốn của Ngài và biết rằng Ngài muốn ban phước cho chúng ta. Chúng ta có thể tìm được sức mạnh để đối mặt với bất kỳ thử thách nào, để vượt qua các cám dỗ, và để thấu hiểu cùng kiên trì chịu đựng hoàn cảnh khó khăn của mình. Chắc chắn rằng, trong những giây phút thống khổ nhất của cuộc đời Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã được tiếp thêm sức mạnh để kiên trì chịu đựng khi Ngài thưa với Cha Ngài: “Xin ý Cha được nên.”2

Người bị bệnh phong đã không đưa ra lời thỉnh cầu của mình một cách tự phụ hay đòi hỏi. Những lời ông nói cho thấy một thái độ khiêm nhường, với kỳ vọng cao nhưng cũng có một ước muốn chân thành rằng ý muốn của Đấng Cứu Rỗi được nên. Đây là tấm gương về thái độ mà chúng ta cần phải có để đến cùng Đấng Ky Tô. Chúng ta có thể đến cùng Đấng Ky Tô với sự chắc chắn rằng ước muốn của Ngài hiện tại và sẽ luôn luôn là điều tốt nhất cho cuộc sống trần thế và vĩnh cửu của chúng ta. Ngài có một quan điểm vĩnh cửu mà chúng ta không có. Chúng ta phải đến cùng Đấng Ky Tô với một ước muốn chân thành rằng ý muốn của chúng ta sẽ lọt vào trong ý muốn của Đức Chúa Cha, giống như ý muốn của Ngài đã lọt vào ý muốn của Đức Chúa Cha.3 Việc này sẽ chuẩn bị chúng ta cho cuộc sống vĩnh cửu.

Chúng ta khó mà tưởng tượng được nỗi đau khổ về thể xác và cảm xúc đè nặng lên người bị bệnh phong mà đã đến cùng Đấng Cứu Rỗi. Bệnh phong ảnh hưởng đến hệ thần kinh và da, gây biến dạng và khuyết tật. Thêm vào đó, nó còn là sự kỳ thị khiến nhiều người xa lánh. Một số người khi bị bệnh phong đã phải rời xa những người thân yêu và sống cô lập với xã hội. Những người bị bệnh phong bị xem là ô uế, cả về phần thể xác lẫn thuộc linh. Vì lý do này, luật pháp Môi Se bắt buộc những người bị bệnh phong mặc quần áo rách rưới và hô to “Ô uế!” khi bước đi.4 Vì bị đau ốm và khinh miệt, những người bị bệnh phong cuối cùng phải sống trong các ngôi nhà hoang hay mộ phần.5 Thật không khó cho chúng ta để tưởng tượng rằng người bị bệnh phong mà đến gần Đấng Cứu Rỗi đang bị đau khổ.

Đôi khi—theo cách này hay cách khác—chúng ta cũng có thể cảm thấy đau khổ, dù vì những hành động của chính mình hay của người khác, trong những hoàn cảnh chúng ta có thể hoặc không thể kiểm soát được. Trong những giây phút đó, chúng ta có thể đặt ý muốn của mình vào tay Ngài.

Một vài năm trước, Zulma—vợ tôi, nửa kia xinh đẹp và tốt lành của tôi—đã nhận một tin xấu chỉ hai tuần trước đám cưới của một đứa con của chúng tôi. Cô ấy có một khối u trong tuyến mang tai của mình, và nó đang lan rất nhanh. Mặt của vợ tôi bắt đầu sưng lên, và ngay lập tức cô ấy phải trải qua một cuộc phẫu thuật tinh vi. Nhiều ý nghĩ đến trong tâm trí vợ tôi và làm cho cô ấy lo lắng. Đây có phải là khối u ác tính không? Cơ thể của cô sẽ hồi phục ra sao? Liệu mặt của cô có bị liệt không? Cơn đau sẽ khủng khiếp đến mức nào? Mặt cô có bị vết sẹo mãi mãi không? Liệu khối u có tái phát sau khi đã bị cắt bỏ không? Liệu cô có thể tham dự đám cưới của con trai chúng tôi không? Khi nằm trong phòng giải phẫu, vợ tôi đã cảm thấy tuyệt vọng.

Vào giây phút rất quan trọng đó, Thánh Linh đã thì thầm với cô ấy rằng cô ấy phải tuân theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Rồi cô ấy đã quyết định đặt lòng tin cậy của mình vào Thượng Đế. Cô ấy cảm thấy một cách mãnh liệt rằng bất kể kết quả ra sao đi nữa thì ý muốn của Ngài sẽ là điều tốt nhất cho mình. Chẳng mấy chốc sau, vợ tôi chìm vào cơn mê.

Về sau, cô ấy đã viết thành thơ trong nhật ký của mình: “Trên bàn phẫu thuật con cúi đầu trước Ngài và tuân phục ý Ngài, con chìm vào giấc ngủ. Con biết mình có thể tin cậy Ngài, vì chẳng có điều xấu nào có thể đến từ Ngài.”

Vợ tôi đã tìm được quyền năng và sự an ủi khi tuân phục ý muốn của mình theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Vào ngày hôm đó, Thượng Đế đã ban phước dồi dào cho cô ấy.

Bất kể hoàn cảnh của chúng ta ra sao, thì chúng ta có thể thực hành đức tin của mình để đến cùng Đấng Ky Tô và tìm thấy Đấng Thượng Đế mà chúng ta có thể tin cậy. Như một trong những đứa con của tôi, Gabriel, đã từng viết:

Lời tiên tri kể lại, gương mặt Thượng Đế sáng hơn ánh mặt trời

mái tóc Ngài trắng hơn cả tuyết mùa đông,

giọng Ngài âm vang trầm ấm như sóng cuộn,

cạnh bên Ngài, loài người chẳng là chi …

Tôi vỡ vụn khi nhận ra mình chẳng là gì.

Để rồi khi ấy lóng ngóng tôi tìm một thượng đế mà tôi tin cậy.

Chỉ khi ấy mới tìm thấy được Đấng Thượng Đế tôi trao lòng tin.6

Đấng Thượng Đế mà chúng ta có thể tin cậy sẽ khuyến khích chúng ta tiếp tục hy vọng. Chúng ta có thể tin cậy Ngài bởi vì Ngài yêu thương chúng ta và muốn điều tốt nhất cho chúng ta trong mỗi hoàn cảnh.

Người bị bệnh phong tiến về phía Ngài bởi quyền năng của niềm hy vọng. Thế gian không cho ông ấy một lối thoát nào, cũng không hề có sự an ủi. Do vậy, cái chạm nhẹ của Đấng Cứu Rỗi hẳn phải giống như sự quan tâm duy nhất đến với cả tâm hồn ông ấy. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng được những cảm nghĩ sâu đậm đầy biết ơn mà người bị bệnh phong có khi Đấng Cứu Rỗi chạm vào ông, đặc biệt khi ông nghe được những lời: “Ta khứng; hãy sạch đi.”

Câu chuyện kể rằng “tức thì người [bị bệnh phong] được sạch.”7

Chúng ta cũng có thể cảm nhận được bàn tay chữa lành đầy yêu thương của Đấng Cứu Rỗi chạm vào chúng ta. Niềm vui, hy vọng, và lòng biết ơn dường nào sẽ đến với tấm lòng chúng ta khi biết rằng Ngài muốn giúp chúng ta được thanh sạch! Khi chúng ta đến cùng Ngài, Thượng Đế sẽ đến cứu chúng ta, dù là để chữa lành hay để ban cho chúng ta sức mạnh để đối mặt với bất kỳ tình huống nào.

Dù sao đi nữa, việc tuân theo ý muốn của Ngài—không phải ý muốn của chúng ta—sẽ giúp chúng ta hiểu được hoàn cảnh của mình. Chẳng có điều xấu nào có thể đến từ Thượng Đế. Ngài biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta. Có lẽ Ngài sẽ không nhấc các gánh nặng khỏi chúng ta ngay lập tức. Đôi khi, Ngài có thể làm cho các gánh nặng đó được nhẹ nhàng hơn, giống như Ngài đã làm nhẹ gánh nặng của An Ma và dân ông.8 Cuối cùng, nhờ vào các giao ước, các gánh nặng sẽ được nhấc khỏi9 trong cuộc sống này hoặc vào lúc Phục Sinh thiêng liêng.

Một ước muốn chân thành rằng ý muốn của Ngài sẽ được nên, cùng với sự hiểu biết về thiên tính của Đấng Cứu Chuộc, sẽ giúp chúng ta phát triển loại đức tin mà người bị bệnh phong đã cho thấy để được thanh sạch. Chúa Giê Su Ky Tô là một Thượng Đế của tình yêu thương, một Thượng Đế của niềm hy vọng, một Thượng Đế của sự chữa lành, một Thượng Đế muốn ban phước và giúp chúng ta được thanh sạch. Đó là điều Ngài đã muốn trước khi đến thế gian này khi tình nguyện giải cứu chúng ta lúc chúng ta rơi vào tội lỗi. Đó là điều Ngài đã muốn trong Vườn Ghết Sê Ma Nê khi đối mặt với nỗi đau đớn không người trần nào có thể chịu đựng nổi trong lúc chịu thống khổ để trả giá cho tội lỗi. Đó là điều Ngài muốn bây giờ khi khẩn nài thay cho chúng ta trước Đức Chúa Cha.10 Đó là lý do tại sao tiếng Ngài vẫn còn vang vọng: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”11

Ngài có thể chữa lành chúng ta và nâng chúng ta lên bởi vì Ngài có khả năng làm như vậy. Ngài nhận lấy tất cả nỗi đau của thể xác và linh hồn để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót để có thể giúp chúng ta trong mọi điều và chữa lành cùng nâng đỡ chúng ta.12 Những lời của Ê Sai, như đã được A Bi Na Đi trích dẫn, đã diễn tả điều đó thật tuyệt vời và đầy cảm xúc:

“Quả thật người đã mang sự đau khổ của chúng ta, và gánh lấy sự sầu muộn của chúng ta. …

“… Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi của chúng ta, người đã bị bầm mình vì những điều bất chính của chúng ta; bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi quất vào người mà chúng ta được lành bệnh.”13

Bài thơ sau đây cũng giảng dạy khái niệm này:

“Hỡi Người Thợ Mộc thành Na Xa Rét,

Trái tim này đã nát tan mà không thể được chữa lành,

Cuộc đời này đã bị hủy hoại đến cận kề cái chết,

Hỡi Người Thợ Mộc, Ngài có thể ghép lại những mảnh vỡ này không?”

Và bởi lòng nhân từ Ngài sẵn lòng giang tay cứu giúp,

Đem tốt đẹp đời Ngài dệt vào những nỗi khổ đau đời tôi

Cho đời tôi biến chuyển vững vàng

Một Sự Sáng Tạo Mới—“tất cả đều mới.”

“Những gì tan vỡ và thiếu thốn của tâm hồn,

Ước muốn, hoài bão, hy vọng, và đức tin,

Xin bổ khuyết chúng, toàn thiện chúng,

Hỡi Người Thợ Mộc thành Na Xa Rét!”14

Nếu anh chị em cảm thấy trong bất kỳ phương diện nào mà bản thân mình không được thanh sạch, nếu anh chị em cảm thấy đau khổ thì xin hãy biết rằng anh chị em có thể được làm cho thanh sạch, anh chị em có thể được chữa lành, bởi vì Ngài yêu thương anh chị em. Hãy tin cậy rằng chẳng có điều xấu nào có thể đến từ Thượng Đế.

Bởi vì Ngài “đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật,”15 Ngài làm cho mọi khổ đau trong cuộc sống của chúng ta có thể được chữa lành, và do đó chúng ta có thể được hòa thuận lại cùng Thượng Đế. Qua Ngài, vạn vật sẽ được hòa thuận lại, cả những gì ở trên thế giới và những gì ở trên trời, “bởi huyết Ngài trên thập tự giá [mà được trở nên] hòa bình.”16

Chúng ta hãy đến cùng Đấng Ky Tô và thực hiện mọi điều được đòi hỏi. Khi làm như vậy, cầu xin cho thái độ của chúng ta trở nên giống với lời nói: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được.” Nếu làm như vậy thì chúng ta có thể nhận được cái chạm nhẹ chữa lành của Đấng Thầy, cùng với tiếng nói êm dịu vang vọng của Ngài: “Ta khứng, hãy sạch đi.”

Đấng Cứu Rỗi là một Thượng Đế mà chúng ta có thể tin cậy. Ngài là Đấng Ky Tô, Đấng Được Xức Dầu, Đấng Mê Si mà tôi xin làm chứng trong thánh danh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.