2010–2019
Niềm Vui của Các Thánh Đồ
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


Niềm Vui của Các Thánh Đồ

Niềm vui đến từ việc tuân giữ các lệnh truyền của Đấng Ky Tô, từ việc vượt qua nỗi buồn và sự yếu kém nhờ có Ngài, và từ việc phục vụ như Ngài đã phục vụ.

Tiên tri Ê Nót trong Sách Mặc Môn, là cháu nội của Lê Hi, đã viết về một kinh nghiệm đặc biệt mà đã xảy ra vào lúc ông còn niên thiếu. Khi đang săn bắn một mình trong rừng, Ê Nót đã bắt đầu suy ngẫm về những lời giảng dạy của cha ông là Gia Cốp. Ông kể lại rằng: “Những lời mà tôi thường nghe cha tôi nói về cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui của các thánh đồ in sâu vào tim tôi.”1 Trong niềm khao khát thuộc linh của tâm hồn mình, Ê Nót đã quỳ xuống cầu nguyện, một lời cầu nguyện đặc biệt kéo dài cả ngày lẫn đêm, một lời cầu nguyện mà đã mang đến cho ông những điều mặc khải, sự đảm bảo, và những lời hứa quan trọng.

Chúng ta có thể học được nhiều điều từ kinh nghiệm của Ê Nót, nhưng hôm nay điều nổi bật nhất trong tâm trí tôi chính là ký ức của Ê Nót về việc cha của ông thường nói về “niềm vui của các thánh đồ.”

Trong đại hội trung ương ba năm trước, Chủ Tịch Russel M. Nelson đã nói về niềm vui.2 Trong số nhiều điều khác, ông đã nói:

“Niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều đều tùy thuộc vào điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta.

“Khi điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta là vào kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế … và Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình. Niềm vui đến từ Ngài và vì Ngài. … Đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau, thì Chúa Giê Su Ky Tô chính là niềm vui!”3

Các Thánh Hữu là những người đã lập giao ước phúc âm qua phép báp têm và đang cố gắng noi theo Đấng Ky Tô với tư cách là những môn đồ của Ngài.4 Vì vậy, “niềm vui của các thánh đồ” có nghĩa là niềm vui của việc trở nên giống như Đấng Ky Tô.

Tôi muốn nói đến niềm vui mà đến từ việc tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, niềm vui nảy sinh vì nhờ Ngài mà chúng ta có thể khắc phục nỗi buồn và sự yếu kém, và niềm vui vốn có trong việc phục vụ như Ngài đã phục vụ.

Niềm Vui trong Việc Tuân Giữ Các Lệnh Truyền của Đấng Ky Tô

Chúng ta đang sống trong thời đại của chủ nghĩa khoái lạc khi mà nhiều người nghi ngờ tầm quan trọng của các lệnh truyền của Chúa hoặc đơn giản là phớt lờ các lệnh truyền đó. Khá thường xuyên, những người cố tình phớt lờ những hướng dẫn thiêng liêng như luật trinh khiết, tiêu chuẩn về tính trung thực, và sự thánh thiện của ngày Sa Bát dường như lại được thịnh vượng và tận hưởng những thú vui của cuộc sống, đôi lúc thậm chí còn hơn cả những người đang cố gắng để vâng lời. Một số người bắt đầu tự hỏi rằng liệu những nỗ lực và hy sinh của họ có đáng bõ công không. Dân Y Sơ Ra Ên thời xưa đã từng ta thán:

“Người ta hầu việc Đức Chúa Trời là vô ích; chúng ta giữ điều Ngài dạy phải giữ, và bước đi cách buồn rầu trước mặt Đức Giê Hô Va vạn quân, thì có lợi gì?

“Rày chúng ta kể kẻ kiêu ngạo là có phước, kẻ phạm sự hung ác là tấn tới: họ đã thử Đức Chúa Trời, và đã được giải thoát!”5

Chúa đã phán rằng họ chỉ cần chờ đợi cho đến “ngày ta làm cơ nghiệp riêng của ta. … Bấy giờ các ngươi sẽ … phân biệt giữa kẻ công bình và kẻ gian ác, giữa kẻ hầu việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu việc Ngài.”6 Kẻ tà ác có thể “chỉ vui mừng cho công việc của họ có một thời gian mà thôi,” nhưng nó luôn luôn chỉ là tạm thời.7 Niềm vui của các Thánh Đồ thì rất lâu dài.

Thượng Đế nhìn thấy viễn cảnh thực sự của mọi việc, và Ngài chia sẻ viễn cảnh ấy với chúng ta qua các lệnh truyền của Ngài nhằm dẫn dắt chúng ta một cách hiệu quả để vượt qua những cạm bẫy và khó khăn trong cuộc sống trần thế để hướng đến niềm vui vĩnh cửu. Tiên Tri Joseph Smith đã giải thích: “Khi các lệnh truyền của Ngài giảng dạy chúng ta, thì đó là vì lý do vĩnh cửu; vì chúng ta được Thượng Đế xem như chúng ta đang sống trong cõi vĩnh cửu; Thượng Đế ngự trong cõi vĩnh cửu, và Ngài không nhìn những sự việc như chúng ta nhìn.”8

Tôi chưa từng gặp bất cứ ai tìm thấy phúc âm sau này trong cuộc sống mà không ước rằng giá mà mình đã làm điều đó sớm hơn. Họ sẽ nói: “Ôi, tôi đã có thể tránh được biết bao nhiêu lỗi lầm và lựa chọn sai lầm.” Các lệnh truyền của Chúa là để dẫn chúng ta đến những lựa chọn tốt hơn và những kết quả hạnh phúc hơn. Chúng ta nên vui mừng và tạ ơn Ngài vì đã cho chúng ta thấy đường lối tốt đẹp hơn này.

Hình Ảnh
Chị Kamwanya

Khi còn niên thiếu, Chị Kalombo Rosette Kamwanya đến từ Cộng Hòa Dân Chủ Congo, hiện đang phục vụ trong Phái Bộ Truyền Giáo Côte d’Ivoire Abidjan West, đã nhịn ăn và cầu nguyện trong ba ngày để tìm kiếm phương hướng mà Thượng Đế muốn chị đi theo. Trong một giấc chiêm bao đáng kinh ngạc, chị đã được cho thấy hai tòa nhà: một giáo đường và một tòa nhà khác mà bây giờ chị mới biết chính là đền thờ. Chị bắt đầu tìm kiếm và không bao lâu sau đã tìm được giáo đường mà chị đã trông thấy trong giấc chiêm bao. Tấm biển bên ngoài ghi là: “Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.” Chị Kamwanya đã chịu phép báp têm và sau đó là mẹ và sáu người anh em của chị. Chị Kamwanya đã nói: “Khi tôi tiếp nhận phúc âm, tôi cảm thấy như một con chim bị bắt đã được phóng thích. Tâm hồn tôi ngập tràn niềm vui. … Tôi có được sự đảm bảo rằng Thượng Đế yêu thương mình.”9

Việc tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế giúp cho chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Ngài một cách dễ dàng và trọn vẹn hơn. Con đường thẳng và hẹp của các lệnh truyền dẫn thẳng đến cây sự sống, và cây ấy và trái của nó, thứ tuyệt diệu nhất và “hấp dẫn hơn hết thảy mọi vật khác,”10 tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế và làm cho tâm hồn “tràn ngập nỗi vui mừng lớn lao.”11 Đấng Cứu Rỗi đã phán:

“Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.

“Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của ta trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn.”12

Niềm Vui của Việc Vượt Qua Thử Thách nhờ Đấng Ky Tô

Thậm chí khi chúng ta trung tín tuân giữ các lệnh truyền, thì vẫn có những thử thách và thảm kịch mà có thể làm gián đoạn niềm vui của chúng ta. Nhưng khi cố gắng khắc phục những thử thách này với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta gìn giữ được cả niềm vui mình đang cảm nhận bây giờ và niềm vui mà chúng ta mong đợi. Đấng Ky Tô đã trấn an các môn đồ của Ngài: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!”13 Khi chúng ta tìm tới Ngài, vâng lời Ngài, tự ràng buộc mình với Ngài thì những thử thách và sự đau buồn sẽ được biến thành niềm vui. Tôi đề cập đến một ví dụ.

Năm 1989, Jack Rushton đang phục vụ với tư cách là chủ tịch của Giáo Khu Irvine California tại Hoa Kỳ. Trong một kỳ nghỉ của gia đình ở bờ biển California, Jack đang lướt sóng không ván khi một đợt sóng cuốn anh ta vào một tảng đá ngầm, làm anh bị gãy cổ và làm tổn thương nghiêm trọng đến tủy sống của anh. Sau đó Jack đã nói: “Trong khoảnh khắc va chạm, tôi biết mình đã bị liệt.”14 Anh ta đã không còn có thể nói chuyện hoặc thậm chí là tự thở.15

Hình Ảnh
Gia đình và bạn bè đang giúp đỡ gia đình Rushton

Gia đình, bạn bè, và các tín hữu trong tiểu giáo khu đã vây quanh để hỗ trợ cho Anh Rushton và vợ anh là chị Jo Anne, bên cạnh nhiều việc khác, họ đã giúp sửa sang một phần ngôi nhà của anh chị để thích nghi với chiếc xe lăn của Jack. Jo Anne đã trở thành người chăm sóc chính cho Jack trong 23 năm tiếp theo. Khi đề cập đến các câu chuyện trong Sách Mặc Môn về cách mà Chúa đã viếng thăm dân Ngài trong những hoạn nạn của họ và làm cho gánh nặng của họ được nhẹ nhàng,16 Jo Anne đã nói: “Tôi thường kinh ngạc về sự nhẹ nhàng trong lòng mà tôi cảm thấy khi chăm sóc cho chồng mình.”17

Hình Ảnh
Jack và Jo Anne Rushton

Một sự điều chỉnh nhỏ cho hệ thống hô hấp của Jack đã phục hồi khả năng nói cho anh, và trong vòng một năm, Jack đã được kêu gọi với tư cách là giảng viên lớp Giáo Lý Phúc Âm và là vị tộc trưởng của giáo khu. Khi anh ban phước lành tộc trưởng, một người nắm giữ chức tư tế khác giúp đặt tay của Anh Rushton lên đầu của người thụ lễ và giúp nâng đỡ cánh tay và bàn tay của anh trong suốt thời gian ban phước lành. Jack đã qua đời vào Ngày Giáng Sinh năm 2012, sau 22 năm phục vụ tận tâm.

Hình Ảnh
Jack Rushton

Một lần trong một buổi phỏng vấn, Jack đã nhận xét: “Các vấn đề sẽ xảy đến trong cuộc sống của tất cả chúng ta; nó là một phần của cuộc sống trần thế. Và một số người nghĩ rằng tôn giáo hoặc việc có đức tin nơi Thượng Đế sẽ bảo vệ họ khỏi những điều tồi tệ. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ rằng điểm mấu chốt là nếu đức tin của chúng ta vững mạnh, khi những điều tồi tệ xảy đến, và chúng chắc chắn sẽ đến, thì chúng ta sẽ có thể đối phó với chúng. … Đức tin của tôi chưa bao giờ lay chuyển, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không cảm thấy chán nản. Tôi nghĩ lần đầu tiên trong đời khi tôi bị đẩy đến giới hạn, và thực sự tôi không biết tìm đến ai, và tôi đã tìm đến Chúa, và cho đến ngày hôm nay, tôi cảm thấy một niềm vui vô hạn.”18

Đây là thời kỳ của những sự công kích đôi lúc tàn nhẫn từ phương tiện truyền thông xã hội lẫn cá nhân chống lại những người tìm cách duy trì tiêu chuẩn của Chúa trong cách ăn mặc, giải trí, và sự trong sạch về mặt tình dục. Trong số các Thánh Hữu, giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi, cũng như phụ nữ và những người mẹ, là những người thường phải hứng chịu sự chế nhạo và ngược đãi. Thật không dễ dàng để vượt qua những sự ngược đãi như vậy, nhưng hãy ghi nhớ những lời của Phi E Rơ: “Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng [Ky Tô] chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em.”19

Trong vườn Ê Đen, A Đam và Ê Va đã “ở trong trạng thái ngây thơ, không có sự vui sướng, vì họ đâu biết sự khổ sở.”20 Giờ đây, là những người có trách nhiệm, chúng ta tìm thấy niềm vui khi vượt qua sự đau khổ trong mọi hình thức, cho dù đó là tội lỗi, thử thách, hoặc bất kỳ trở ngại hạnh phúc nào. Đây là niềm vui khi cảm thấy sự tiến bộ trên con đường làm môn đồ; niềm vui khi “nhận được sự xá miễn tội lỗi của mình và có được sự yên ổn trong lương tâm”;21 niềm vui khi cảm thấy tâm hồn mình được mở rộng và phát triển qua ân điển của Đấng Ky Tô.22

Niềm Vui của Việc Phục Vụ giống như Đấng Ky Tô Phục Vụ

Đấng Cứu Rỗi tìm thấy niềm vui khi mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho chúng ta.23 Khi đề cập đến Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Chủ Tịch Russel M. Nelson đã nói:

“Cũng giống như trong tất cả mọi điều, Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương tột bậc của chúng ta, ‘là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá’[Hê Bơ Rơ 12:2]. Hãy suy nghĩ về điều đó! Để chịu đựng được kinh nghiệm cay nghiệt nhất mà chưa người nào trên thế gian từng phải chịu đựng như vậy, Đấng Cứu Rỗi đã tập trung vào niềm vui!

“Và sự vui mừng đã đặt trước mặt Ngài là gì? Chắc chắn sự vui mừng đó gồm có niềm vui thanh tẩy, chữa lành, và củng cố chúng ta; niềm vui của việc chuộc trả tội lỗi của tất cả những người sẽ hối cải; niềm vui mà làm cho anh chị em và tôi có thể trở về nhà—trong sạch và xứng đáng—để sống với Cha Mẹ Thiên Thượng và gia đình của mình.”24

Tương tự như vậy, niềm vui “được đặt trước mặt chúng ta” là niềm vui được phụ giúp Đấng Cứu Rỗi trong công việc cứu chuộc. Với tư cách là dòng dõi và con cái của Áp Ra Ham,25 chúng ta tham gia vào việc ban phước cho tất cả các gia đình trên thế gian “với những phước lành của Phúc Âm, là những phước lành cứu rỗi, tức là cuộc sống vĩnh cửu.”26

Tôi nghĩ đến những lời này của An Ma:

“Đây là sự khoe khoang của tôi, mà nhờ đó tôi có thể trở thành một công cụ trong tay Thượng Đế để đem một linh hồn nào đó tới sự hối cải; và đó là điều vui mừng của tôi vậy.

“Và này, khi tôi trông thấy nhiều đồng bào của tôi thực sự biết ăn năn, và đến với Chúa, Thượng Đế của họ, thì tâm hồn tôi tràn ngập nỗi vui mừng. …

“Nhưng không phải tôi chỉ vui mừng cho sự thành công của riêng tôi, mà niềm vui của tôi lại càng được trọn vẹn hơn nhờ sự thành công của các anh em tôi khi họ lên xứ Nê Phi. …

“Giờ đây, mỗi khi tôi nghĩ tới sự thành công của các anh em tôi, thì tâm hồn tôi lại quá hân hoan sung sướng đến độ dường như nó rời xa khỏi thể xác tôi, như vậy là sự vui sướng của tôi thật lớn lao vô cùng.”27

Những kết quả của việc chúng ta phục vụ lẫn nhau trong Giáo Hội là một phần của niềm vui “đã được đặt trước mặt chúng ta.” Thậm chí trong những lúc chán nản hoặc căng thẳng, chúng ta vẫn có thể phục sự một cách kiên nhẫn nếu chúng ta tập trung vào niềm vui của việc làm hài lòng Thượng Đế và mang ánh sáng, sự trợ giúp, và hạnh phúc đến cho con cái của Ngài, cũng chính là những anh chị em của chúng ta.

Khi ở Haiti vào tháng trước để tham dự lễ cung hiến Đền Thờ Port-au-Prince, Anh Cả David Bednar và Chị Susan Bednar đã gặp một chị phụ nữ trẻ tuổi có chồng vừa qua đời cách đó vài ngày trong một tai nạn thảm khốc. Họ đã cùng khóc với chị ấy. Tuy nhiên vào Chủ Nhật, người phụ nữ đáng mến này đã vào vị trí của mình với tư cách là người dẫn chỗ tại các buổi lễ cung hiến với một nụ cười hiền hậu và chào đón cho tất cả những người bước vào đền thờ.

Tôi tin rằng “niềm vui [tột bậc] của các thánh đồ” đến từ việc biết rằng Đấng Cứu Rỗi bênh vực cho lý lẽ của họ,28 “và cũng chẳng có ai hiểu thấu được sự vui mừng [tràn ngập] tâm hồn chúng tôi [khi] chúng tôi [nghe Chúa Giê Su] cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho chúng tôi.”29 Cùng với Chủ Tịch Russel M. Nelson, tôi làm chứng rằng niềm vui là một ân tứ cho các Thánh Hữu trung tín “là những người đã gánh thập tự giá của thế gian”30 và những người có “ý định để sống một cuộc sống ngay chính, như đã được Chúa Giê Su Ky Tô dạy.”31 Cầu xin cho sự vui mừng của anh chị em được trọn vẹn, tôi cầu nguyện trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.