2010–2019
Sứ Điệp, Ý Nghĩa và Đám Đông
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


Sứ Điệp, Ý Nghĩa và Đám Đông

Qua những tiếng động ầm ĩ không ngừng trong ngày của mình, cầu xin cho chúng ta cố gắng để nhìn thấy Đấng Ky Tô nơi trọng tâm của cuộc sống, đức tin và sự phục vụ của chúng ta.

Thưa anh chị em, đây là Sammy Ho Ching, bảy tháng tuổi, đang xem đại hội trung ương trên truyền hình ở nhà vào tháng Tư năm ngoái.

Hình Ảnh
Sammy Ho Ching đang xem đại hội

Khi đến lúc tán trợ Chủ Tịch Russell M. Nelson và Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương khác, cánh tay của Sammy đang bận cầm bình sữa của em. Vì vậy, em ấy đã làm điều hay nhất kế tiếp.

Hình Ảnh
Sammy Ho Ching trong lúc tán trợ

Sammy đưa ra ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ cho khái niệm biểu quyết tán trợ bằng đôi chân của mình.

Xin chào mừng anh chị em đến tham dự đại hội bán niên của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Để tạo tiền đề cho một cuộc thảo luận về ý nghĩa của những cuộc quy tụ hai lần một năm này, tôi mời anh chị em hãy nghĩ về cảnh tượng được ghi chép trong Kinh Tân Ước sách Lu Ca:1

“Đức Chúa Giê Su đến gần thành Giê Ri Cô, có một người đui ngồi xin ở bên đường:

“… Nghe đoàn dân đi qua, bèn hỏi việc gì đó.

“… Người ta trả lời rằng: Ấy là Giê Su, người Na Xa Rét đi qua.

“Người đui bèn kêu lên rằng: Lạy Giê Su, con vua Đa Vít, xin thương xót tôi cùng!”

Giật mình trước sự táo bạo của người ấy, đám đông cố gắng bắt người ấy phải nín nhưng sách chép rằng “người càng kêu lớn hơn nữa.” Do lòng kiên trì của mình nên người ấy được dẫn đến Chúa Giê Su là Đấng nghe lời cầu khẩn đầy đức tin của người ấy xin cho thị lực được phục hồi và Ngài chữa lành người ấy.2

Tôi cảm thấy được soi dẫn mỗi lần đọc kinh nghiệm ngắn ngủi nhưng sống động này. Chúng ta có thể cảm nhận được nỗi đau khổ của người này. Hầu như chúng ta có thể nghe được người ấy la to để có được sự chú ý của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta mỉm cười trước việc người ấy từ chối không lên tiếng—quả thực, quyết tâm của người ấy để la to hơn nữa khi mọi người bảo phải nói nhỏ lại. Đó là, một câu chuyện kỳ diệu tự nó nói về đức tin rất kiên quyết. Nhưng cũng như đối với tất cả các câu chuyện thánh thư khác, càng đọc câu chuyện thánh thư này, chúng ta càng tìm thấy lẽ thật trong đó.

Chỉ mới gần đây thôi, một ý nghĩ đầy ấn tượng nảy sinh trong tâm trí tôi là sự khôn ngoan của người này khi có được những người nhạy bén về phần thuộc linh xung quanh mình. Toàn bộ ý nghĩa của câu chuyện này xoay quanh một số ít người nam và người nữ vô danh, khi được bạn bè của họ hỏi: “Tình trạng náo loạn này có ý nghĩa gì vậy?” đã xác định rằng, nếu ta muốn nói thế, Đấng Ky Tô chính là lý do cho tiếng kêu la; Ngài là ý nghĩa trong sự việc này. Mỗi người chúng ta có thể học được một điều gì đó từ cuộc chuyện trò ngắn ngủi này. Trong vấn đề đức tin và lòng tin chắc, là điều hữu ích nếu chúng ta hướng câu hỏi của mình tới những người thực sự có đức tin và lòng tin! “Kẻ mù có thể dắt kẻ mù được chăng?” Chúa Giê Su có lần đã hỏi thế. “[Nếu như vậy thì,] cả hai há chẳng cùng té xuống hố sao?”3

Một cuộc tìm kiếm đức tin và lòng tin chắc như vậy là mục đích của chúng tôi trong các đại hội này, và bằng cách tham gia với chúng tôi hôm nay, anh chị em sẽ nhận ra rằng cuộc tìm kiếm này là một nỗ lực được mọi người chia sẻ. Hãy nhìn xung quanh anh chị em. Anh chị em có thể thấy ở nơi đây tại khu vực diễn ra Đại Hội này, các gia đình lớn, nhỏ khác nhau đến từ khắp nơi. Những người bạn cũ ôm nhau trong cuộc hội ngộ vui vẻ, một ca đoàn tuyệt vời đang chuẩn bị hát và những người biểu tình la hét trên đường. Những người truyền giáo đã phục vụ hồi trước tìm kiếm những người bạn đồng hành trước đây của họ, trong khi những người truyền giáo mới được giải nhiệm trở về thì tìm kiếm những người bạn đồng hành hoàn toàn mới (nếu anh chị em hiểu ý tôi muốn nói gì!). Và ảnh chụp thì sao? Có rất nhiều! Với máy điện thoại di động trong tay mỗi người, chúng ta đã biến đổi từ “mỗi tín hữu là một người truyền giáo” thành “mỗi tín hữu là một nhiếp ảnh gia.” Ở giữa tất cả cảnh náo loạn đầy thú vị này, người ta có thể hỏi một cách chính đáng: “Mọi sự này có nghĩa là gì?”

Như trong câu chuyện từ Kinh Tân Ước của chúng ta, những người được phước với sự hiểu biết sẽ nhận ra rằng, mặc dù có mọi thứ khác mà truyền thống của đại hội này có thể mang đến cho chúng ta, thì nó vẫn sẽ có ý nghĩa rất nhỏ hoặc không có ý nghĩa gì trừ khi chúng ta tìm thấy Chúa Giê Su ở trọng tâm của mọi truyền thống đó. Để đạt được sự hiểu biết mà mình đang tìm kiếm, sự chữa lành mà Ngài hứa, tầm quan trọng mà mình biết là bằng cách nào đó có ở đây, thì chúng ta không nên bị xao lãng vì tình trạng náo loạn đó—cho dù nó có vui vẻ đi chăng nữa—mà phải chú trọng vào Ngài. Lời cầu nguyện của mỗi người nói chuyện, niềm hy vọng của tất cả những người hát, sự nghiêm trang của mọi người khách—đều được dành riêng để mời Thánh Linh của Ngài đến. Ngài là Đấng mà Giáo Hội này thuộc về—là Đấng Ky Tô hằng sống, Chiên Con của Thượng Đế, Hoàng Tử Bình An.

Nhưng chúng ta không cần phải ở trong một trung tâm đại hội mới tìm thấy Ngài. Khi một đứa trẻ lần đầu đọc Sách Mặc Môn và say mê với lòng can đảm của A Bi Na Đi hoặc cuộc hành quân của 2.000 chiến sĩ trẻ tuổi, thì chúng ta cũng có thể nhỏ nhẹ nói thêm rằng Chúa Giê Su là nhân vật chính và ở khắp mọi nơi trong quyển sách kỳ diệu này, Ngài là sự soi dẫn toàn diện trong hầu hết mọi trang sách và mang lại mối liên kết cho tất cả các nhân vật khác đang xây đắp đức tin trong đó.

Tương tự như vậy, khi có một người bạn đang tìm hiểu về tôn giáo của chúng ta, người đó có thể hơi bị choáng ngợp bởi một số yếu tố độc đáo và từ vựng lạ lẫm về lối thực hành tôn giáo của chúng ta—những hạn chế trong chế độ ăn uống, nguồn vật dụng lương thực trong trường hợp khẩn cấp, những đoạn đường kéo xe của người tiền phong và sơ đồ gia phả được số hóa, với vô số trung tâm giáo khu nơi mà một số người kỳ vọng chắc chắn sẽ được phục vụ một miếng thịt bò thăn hảo hạng, nướng tái vừa. Vì vậy, khi những người bạn mới của chúng ta nghe và thấy vô số những điều mới mẻ đối với họ, thì chúng ta phải giúp họ hiểu ý nghĩa và mục đích của tất cả tình trạng náo loạn và những điều xao lãng mà họ nghe và thấy cùng tập trung hoàn toàn vào phúc âm vĩnh cửu—tình yêu thương của Đấng Phụ Mẫu Thiên Thượng, ân tứ chuộc tội của Vị Nam Tử thiêng liêng, sự hướng dẫn làm an tâm của Đức Thánh Linh, sự phục hồi ngày sau của tất cả những lẽ thật này và nhiều hơn nữa.

Khi một người lần đầu đi đến đền thờ thánh, người ấy có thể hơi kinh ngạc trước kinh nghiệm đó. Công việc của chúng ta là bảo đảm rằng các biểu tượng thiêng liêng và các nghi lễ đã được mặc khải, trang phục nghi lễ và những phần trình bày bằng hình ảnh, không bao giờ nên làm xao lãng mà thay vì thế tập trung vào Đấng Cứu Rỗi, là Đấng mà chúng ta đang ở đó để thờ phượng. Đền thờ là ngôi nhà của Ngài và Ngài phải là quan trọng hơn hết trong tâm trí và tấm lòng chúng ta—giáo lý vĩ đại của Đấng Ky Tô tràn ngập trong lòng chúng ta như khi nó tràn ngập trong các giáo lễ đền thờ—từ lúc chúng ta đọc dòng chữ khắc trên cánh cửa trước cho đến giây phút cuối cùng chúng ta ở trong tòa nhà đó. Trong tất cả những điều kỳ diệu mà mình gặp, chúng ta phải thấy, trên hết mọi điều khác, ý nghĩa của Chúa Giê Su trong đền thờ.

Hãy suy nghĩ về số lượng lớn những sáng kiến táo bạo và những thông báo mới trong Giáo Hội chỉ trong những tháng gần đây. Khi phục sự lẫn nhau, hoặc cải thiện kinh nghiệm trong ngày Sa Bát của mình, hoặc chấp nhận một chương trình mới dành cho trẻ em và giới trẻ, chúng ta sẽ bỏ qua lý do thực sự về những điều chỉnh đã được mặc khải này nếu xem chúng là những yếu tố rời rạc, không liên quan thay vì là một nỗ lực liên kết chặt chẽ với nhau để giúp chúng ta xây dựng vững chắc trên Đá Cứu Rỗi của mình.4 Chắc chắn, đây là điều mà Chủ Tịch Russell M. Nelson có ý định cho chúng ta sử dụng cái tên đã được mặc khải của Giáo Hội.5 Nếu Chúa Giê Su—danh của Ngài, giáo lý của Ngài, tấm gương của Ngài, thiên tính của Ngài—có thể là trọng tâm của sự thờ phượng của mình, thì chúng ta đang củng cố lẽ thật tuyệt vời mà An Ma đã từng dạy: “Sẽ có nhiều sự việc xảy đến; [nhưng] này, sẽ có một việc quan trọng hơn hết thảy— … Đấng Cứu Chuộc sẽ sống và đến giữa dân Ngài.”6

Một ý nghĩ vào lúc kết thúc: Vùng nông thôn của Joseph Smith vào thế kỷ 19 có rất đông những người lòng đầy nhiệt tình ganh đua với nhau để làm nhân chứng Ky Tô hữu.7 Nhưng trong cảnh hỗn loạn mà họ đã tạo ra, thì trớ trêu thay, các giáo sĩ đầy nhiệt tình này đã làm cho Đấng Cứu Rỗi trở nên lu mờ, chính là Đấng mà thiếu niên Joseph đã rất tha thiết tìm kiếm. Trong khi vật lộn với điều mà ông gọi là “tình trạng tối tăm và hoang mang,”8 ông đã lui vào một khu rừng vắng vẻ nơi mà ông đã thấy và nghe một bằng chứng vinh quang về tầm quan trọng của Đấng Cứu Rỗi đối với phúc âm hơn bất cứ điều gì chúng ta đã đề cập ở đây buổi sáng hôm nay. Với một ân tứ không tưởng tượng được và không hề kỳ vọng là được cho thấy, Joseph đã thấy được trong khải tượng Cha Thiên Thượng, Thượng Đế vĩ đại của vũ trụ và Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai Độc Sinh hoàn hảo của Ngài. Sau đó, Đức Chúa Cha đã nêu cao tấm gương mà chúng ta đã ngợi khen buổi sáng hôm nay: Ngài chỉ vào Chúa Giê Su và phán: “Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!”9 Không có lời nào kỳ diệu hơn về thiên tính của Chúa Giê Su, tính ưu việt của Ngài trong kế hoạch cứu rỗi và vị thế của Ngài trong mắt của Thượng Đế có thể vượt quá lời phán ngắn ngủi đó.

Có tình trạng náo loạn và hoang mang trên thế giới không? Có đám đông và cảnh ganh đua trên thế giới không? Có rất nhiều tất cả tình trạng đó trong thế giới của chúng ta. Quả thật, những người hoài nghi và người trung tín vẫn còn tranh cãi về khải tượng này và hầu như mọi điều khác mà tôi đã đề cập ngày hôm nay. Trong trường hợp anh chị em có thể đang cố gắng để thấy rõ hơn và tìm kiếm ý nghĩa ở giữa vô số ý kiến, thì tôi khuyến khích anh chị em hãy tìm kiếm câu trả lời từ cùng một Chúa Giê Su đó và tôi làm chứng với tư cách là một sứ đồ về kinh nghiệm của Joseph Smith, là nó sẽ đến như khoảng 1.800 năm sau khi người bạn mù của chúng ta đã nhận được thị lực của mình trên con đường Giê Ri Cô thời xưa. Tôi làm chứng với hai người này và rất nhiều người khác nữa đến tận ngày nay rằng chắc chắn cảnh tượng và âm thanh hào hứng nhất trong cuộc sống là Chúa Giê Su không những đi ngang qua10 mà Ngài còn đến với chúng ta, dừng chân lại bên chúng ta và ở với chúng ta nữa.11

Thưa anh chị em, qua những tiếng động ầm ĩ không ngừng trong thời kỳ của mình, cầu xin cho chúng ta cố gắng để nhìn thấy Đấng Ky Tô ở trọng tâm của cuộc sống, đức tin và sự phục vụ của chúng ta. Đó là nơi mà có ý nghĩa đích thực. Và nếu một vài ngày nào đó, sự hiểu biết của chúng ta bị hạn chế hoặc sự tin tưởng của chúng ta bị suy giảm hay niềm tin của chúng ta đang bị thử thách và tinh lọc—chắc chắn sẽ là như vậy rồi—thì chúng ta có thể kêu to hơn: “Hỡi Đức Chúa Giê Su, con vua Đa Vít, xin thương tôi cùng.”12 Bằng lòng nhiệt thành của một sứ đồ và lòng tin chắc của một tiên tri, tôi hứa rằng Ngài sẽ lắng nghe anh chị em và, sớm hay muộn, sẽ phán: “Hãy sáng mắt lại; đức tin của ngươi đã chữa lành ngươi.”13 Xin chào mừng anh chị em đến tham dự đại hội trung ương. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.