2010–2019
Các Môn Đồ Chân Chính của Đấng Cứu Rỗi
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


Các Môn Đồ Chân Chính của Đấng Cứu Rỗi

Chúng ta có thể cảm thấy niềm vui lâu dài khi Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài trở thành nền tảng vững mạnh mà trên đó chúng ta xây đắp cuộc sống của mình.

Trong Kinh Cựu Ước, trong sách A Ghê, có một đoạn mà người ta ít quen thuộc, đó là phần mô tả một nhóm người mà có thể sử dụng lời khuyên bảo của Anh Cả Holland. Họ đã sai lầm vì không đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm của cuộc sống và sự phục vụ của họ. A Ghê vẽ một số hình ảnh mô tả những lời kích thích sự suy nghĩ khi ông khiển trách những người này vì cứ ở trong ngôi nhà đầy tiện nghi của họ thay vì xây cất đền thờ của Chúa:

“Nay có phải là thì giờ các ngươi ở trong nhà có trần ván, khi nhà nầy hoang vu sao?

“Vậy bây giờ Đức Giê Hô Va vạn quân phán như vầy: Các ngươi khá xem xét đường lối mình.

“Các ngươi gieo nhiều mà gặt ít; ăn mà không no; uống mà không đủ; mặc mà không ấm; và kẻ nào làm thuê, đựng tiền công mình trong túi lủng.

“Đức Giê Hô Va vạn quân phán như vầy: Các ngươi khá xem xét đường lối mình.”1

Đây là những lời mô tả rất rõ ràng rằng thật là vô ích để đặt ưu tiên cho những điều không có giá trị vĩnh cửu lên trên những sự việc của Thượng Đế.

Trong một buổi họp Tiệc Thánh tôi vừa mới tham dự, một người truyền giáo được giải nhiệm trở về đã trích câu nói của một người cha là người đã đúc kết ý nghĩ này một cách hoàn hảo khi ông nói với con cái ông: “Điều chúng ta cần ở đây là quan tâm ít hơn đến Wi-Fi và nhiều hơn đến Nê Phi!”

Vì đã sống ở Tây Phi được năm năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều tấm gương của những người đặt phúc âm làm ưu tiên một cách đương nhiên và không hề ngượng ngùng. Một ví dụ như vậy là tên của một doanh nghiệp sửa lốp xe và cân bằng bánh xe ở Ghana. Người chủ đặt tên cho doanh nghiệp của mình là “Ngươi Sẽ Cân Đối theo Ý Ngài.”

Chúng ta có thể cảm thấy niềm vui lâu dài2 khi Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài trở thành nền tảng vững mạnh mà trên đó chúng ta xây đắp cuộc sống của mình. Tuy nhiên, thay vì thế, thật là dễ dàng để cho nền tảng đó trở thành những sự việc của thế gian, mà trong đó phúc âm là một sinh hoạt phụ tùy ý chọn, hoặc chỉ đơn giản là tham dự nhà thờ hai tiếng đồng hồ vào ngày Chủ Nhật. Khi trường hợp đó xảy ra, thì cũng giống như là để tiền lương của mình vào trong “túi lủng.”

A Ghê bảo chúng ta phải trở nên cam kết, trở nên giống như cách chúng tôi nói ở Úc là “fair dinkum” (tạm dịch là thật lòng) về việc sống theo phúc âm. Mọi người đều fair dinkum khi họ trở thành người mà họ nói là họ sẽ trở thành.

Tôi học được một chút về việc trở nên fair dinkum và cam kết trong khi chơi môn bóng rugby. Tôi học được rằng khi tôi thi đấu hết mình, khi tôi bỏ ra hết tâm huyết, thì niềm vui của tôi về trận đấu là ở mức cao nhất.

Hình Ảnh
Anh Cả Vinson cùng với đội bóng rudby cua ông.

Mùa bóng rugby tôi yêu thích nhất là vào năm học sau khi tôi tốt nghiệp trung học. Đội bóng của tôi rất giỏi và rất cam kết. Đội chúng tôi đã vô địch năm đó. Tuy nhiên, một ngày nọ khi chúng tôi thi đấu với một đội xếp hạng thấp, và sau trận đấu, chúng tôi đều có mời các bạn nữ cùng đi hẹn hò tham dự buổi khiêu vũ hoành tráng thường niên của trường đại học. Tôi đã nghĩ rằng vì đây sẽ là một trận đấu ngon ơ, tôi cần cố gắng tự vệ khỏi bị thương để tôi còn có thể vui hưởng trọn vẹn buổi khiêu vũ. Trong trận đấu đó, chúng tôi đã không cam kết nhiều trong khi va chạm với đối phương như chúng tôi đã từng cam kết, và chúng tôi đã thua. Thêm vào đó, tôi ra về với một đôi môi bị sưng vù và bầm tím, mà điều này không tô điểm thêm cho ngoại hình của tôi để chuẩn bị cho buổi hẹn hò chút nào. Có lẽ tôi phải học hỏi một điều gì đó.

Một kinh nghiệm khác xảy ra vào trận đấu sau đó mà tôi đã hoàn toàn cam kết. Có lúc tôi đã chạy với mục đích thực sự là đụng vào một cầu thủ đối phương; ngay lập tức tôi cảm thấy đau ở mặt. Vì đã được cha tôi dạy là tôi không bao giờ nên để cho đối phương biết là tôi bị thương, nên tôi tiếp tục chơi hết trận đấu. Tối hôm đó, trong khi cố gắng ăn, tôi nhận thấy rằng mình không nhai được. Sáng hôm sau, tôi đi bệnh viện và kết quả chụp X-ray xác nhận là tôi bị vỡ xương hàm. Cả bộ hàm của tôi bị băng bó trong suốt sáu tuần sau đó.

Tôi đã học được bài học từ truyện ngụ ngôn này về đôi môi bầm tím và xương hàm bị vỡ. Mặc dù những ký ức của tôi về những cơn thèm thức ăn đặc đến mức không chịu nổi trong suốt 6 tuần khi mà tôi chỉ có thể ăn được thức ăn lỏng, nhưng tôi không hề cảm thấy hối tiếc vì xương hàm bị vỡ bởi vì đó là kết quả của nỗ lực mà tôi đã làm hết sức mình. Nhưng tôi có cảm thấy hối tiếc về đôi môi bầm tím vì nó tượng trưng cho việc tôi đã không nỗ lực hết sức mình.

Làm hết sức mình không có nghĩa là chúng ta sẽ liên tục chỉ có được những kinh nghiệm tốt đẹp hoặc luôn luôn thành công. Nhưng nó có nghĩa là chúng ta sẽ có niềm vui. Niềm vui không phải là thú vui nhất thời, hoặc thậm chí hạnh phúc tạm thời. Niềm vui là sự kiên trì chịu đựng và đến với chúng ta khi Chúa chấp nhận nỗ lực của chúng ta.3

Một tấm gương về sự chấp nhận như vậy là câu chuyện về Oliver Granger. Như Chủ Tịch Boyd K. Packer đã nói: “Khi Các Thánh Hữu bị đuổi ra khỏi Kirtland, … Oliver đã bỏ lại đất đai nhà cửa của họ, để bán đi với bất cứ giá nào. Lúc đó đã không có nhiều cơ hội để ông được thành công. Và, quả thật, ông đã không thành công!”4 Ông đã được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn giao cho một nhiệm vụ khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Nhưng Chúa đã khen ngợi ông vì những nỗ lực hiển nhiên là không thành công của ông bằng những lời sau:

“Ta nhớ đến tôi tớ Oliver Granger của ta; này, thật vậy, ta nói cho hắn biết rằng danh của hắn sẽ được ghi nhớ một cách thiêng liêng từ thế hệ này đến thế hệ khác, mãi mãi và đời đời, lời Chúa phán.

“Vậy nên, hãy để cho hắn thực tâm tranh đấu cho sự cứu chuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội ta, … và khi hắn ngã xuống thì hắn sẽ đứng lên lại, vì đối với ta sự hy sinh của hắn sẽ thiêng liêng hơn sự thành công của hắn, lời Chúa phán.”5

Điều đó có thể đúng đối với tất cả chúng ta—đó không phải là thành công của chúng ta, mà đúng hơn là sự hy sinh và nỗ lực của chúng ta mới quan trọng đối với Ngài.

Một tấm gương khác về môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô là một người bạn thân của chúng tôi ở Bờ Biển Ngà, Tây Phi. Người phụ nữ tuyệt vời, trung tín này đã trải qua sự ngược đãi thậm tệ về tình cảm, và thậm chí phần nào về mặt thể chất, từ chồng chị trong một thời gian dài, và cuối cùng họ đã ly dị. Chị không bao giờ dao động trong đức tin và sự tử tế của mình, nhưng vì anh ấy đã đối xử tàn nhẫn với chị, nên chị cảm thấy bị tổn thương vô cùng trong nhiều năm. Chị miêu tả bằng lời riêng chuyện xảy ra:

“Mặc dù tôi nói là tôi đã tha thứ cho anh ấy, nhưng tôi luôn luôn có một vết thương trong lòng; và vết thương đó ám ảnh tôi nhiều ngày. Nó giống như một vết bỏng trong tim tôi. Nhiều lần, tôi cầu nguyện lên Chúa xin Ngài cất nó khỏi tôi, nhưng tôi cảm thấy đau đớn đến mức hoàn toàn tin rằng tôi sẽ sống suốt đời với vết thương đó. Nó đau đớn hơn cả khi mẹ tôi mất lúc bà tuổi còn rất trẻ; nó đau hơn cả khi cha tôi mất và thậm chí khi con trai tôi mất. Nó dường như lan tràn và bao trùm khắp tim tôi, khiến tôi có cảm giác là mình thậm chí có thể chết bất cứ lúc nào.

“Vài lần khác tôi tự hỏi Đấng Cứu Rỗi sẽ làm gì nếu Ngài ở trong hoàn cảnh của tôi, và tôi thà nói rằng ‘Thưa Chúa, như vậy là quá nhiều.’

“Rồi một buổi sáng, tôi tìm kiếm trong tim mình nỗi đau đớn mà đến từ tất cả những điều này, và tìm kiếm sâu hơn trong tâm hồn tôi. Tôi không thể nào tìm thấy nỗi đau đớn đó ở đâu cả. Tâm trí tôi lập tức nghĩ tới tất cả những lý do mà tôi [đã có] để cảm thấy bị tổn thương, nhưng tôi không cảm thấy đau đớn gì cả. Tôi chờ suốt cả ngày để xem mình có cảm thấy nỗi đau đớn đó trong lòng không; nhưng tôi không hề cảm thấy nó. Rồi tôi quỳ xuống và tạ ơn Thượng Đế vì đã làm cho sự hy sinh chuộc tội của Chúa có hiệu quả đối với tôi.”6

Chị phụ nữ này giờ đây đã được làm lễ gắn bó hạnh phúc với một người đàn ông tuyệt vời, trung tín, là người yêu chị hết lòng.

Vậy thì thái độ của chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta là các môn đồ chân chính của Đấng Ky Tô? Và phúc âm có giá trị gì đối với chúng ta khi chúng ta “xem xét đường lối mình,” như A Ghê đề nghị?

Tôi thích tấm gương về thái độ đúng đắn mà Cha của Vua La Mô Ni đã cho thấy. Chuyện kể rằng thoạt đầu ông rất tức giận khi biết rằng con trai ông cùng đi với Am Môn, một người Nê Phi—là người dân mà dân La Man rất thù ghét. Ông vung gươm lên để đánh với Am Môn và lập tức bị lưỡi gươm của Am Môn chặn ở cổ. “Bấy giờ vì vua sợ mất mạng nên nói rằng: Nếu ngươi tha cho ta thì ta sẽ ban cho ngươi bất cứ những điều gì ngươi xin, dù cho đó là một nửa vương quốc của ta cũng được.”7

Hãy lưu ý đến lời đề nghị của vua—một nửa vương quốc của vua để cứu mạng sống mình.

Nhưng rồi, sau khi hiểu phúc âm, vua lại đưa ra một lời đề nghị khác. “Vua bèn hỏi: Vậy trẫm phải làm gì để trẫm có thể có được cuộc sống vĩnh cửu như khanh vừa nói đó? Phải, trẫm phải làm gì để trẫm có thể được Thượng Đế sinh ra, để cho ác linh này được nhổ ra khỏi lồng ngực trẫm, và để tiếp nhận Thánh Linh của Ngài ngõ hầu được tràn đầy niềm vui sướng và khỏi bị khai trừ vào ngày sau cùng? Vua nói, này, trẫm sẽ từ bỏ tất cả những gì trẫm có, phải, trẫm sẽ từ bỏ vương quốc của mình để trẫm có thể nhận được niềm vui lớn lao này.”8

Lần này, vua đã sẵn sàng từ bỏ tất cả vương quốc của mình, bởi vì phúc âm đáng giá hơn tất cả những gì vua có! Vua đã fair dinkum về phúc âm.

Vậy thì, câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta là: Chúng ta cũng fair dinkum về phúc âm không? Bởi vì nếu chúng ta chỉ cam kết nửa vời thì không phải là fair dinkum! Và người nào không hoàn toàn cam kết thì không được Chúa ngợi khen.9

Không có kho báu nào, hay bất cứ sở thích nào, hay bất cứ địa vị nào, hay bất cứ phương tiện truyền thông xã hội nào, hay bất cứ trò chơi điện tử nào, hay bất cứ môn thể thao nào, hay bất cứ mối liên hệ nào với một người nổi tiếng, hay bất cứ thứ gì trên thế gian mà lại quý báu hơn cuộc sống vĩnh cửu. Vì thế lời khuyên bảo của Chúa dành cho mỗi người là “hãy xem xét đường lối mình.”

Cảm nghĩ của tôi được bày tỏ rõ nhất trong những lời của Nê Phi: “Tôi hãnh diện trong sự minh bạch; tôi hãnh diện trong lẽ thật; tôi hãnh diện trong Chúa Giê Su của tôi, vì Ngài đã cứu chuộc linh hồn tôi ra khỏi ngục giới.”10

Chúng ta có phải là các môn đồ chân chính của Ngài là Đấng đã ban tất cả những gì Ngài có cho chúng ta không? Ngài là Đấng Cứu Chuộc và Đấng Biện Hộ cho chúng ta với Đức Chúa Cha. Ngài là Đấng mà Chính Ngài đã hoàn toàn cam kết trong sự hy sinh chuộc tội của Ngài và giờ đây trong tình yêu thương của Ngài, lòng thương xót của Ngài, và mong muốn của Ngài dành cho chúng ta để có được niềm vui vĩnh cửu. Tôi khẩn nài tất cả các anh chị em đang nghe và đọc những lời này: Xin vui lòng, xin hãy đừng trì hoãn sự cam kết hoàn toàn của mình cho đến khi nghĩ rằng mình có thời giờ để thực hiện nó vào một thời điểm không tồn tại trong tương lai. Hãy trở nên fair dinkum bây giờ và cảm nhận được niềm vui! Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.