2010–2019
Sau Khi Đức Tin Đã Được Thử Thách
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


Sau Khi Đức Tin Đã Được Thử Thách

Khi chúng ta tuân theo tiếng nói của Thượng Đế cùng con đường giao ước của Ngài, Ngài sẽ củng cố chúng ta trong các thử thách của chúng ta.

Khi tôi còn là một đứa trẻ, Frank Talley, một tín hữu của Giáo Hội, đã đề nghị giúp cho gia đình chúng tôi bay từ Puerto Rico tới Salt Lake City để chúng tôi có thể được làm lễ gắn bó trong đền thờ, nhưng chẳng mấy chốc, những trở ngại đã bắt đầu xuất hiện. Một trong các chị gái của tôi, Marivid, đã bị ốm rất nặng. Vì lo lắng, cha mẹ tôi đã cầu nguyện về điều cần làm và cảm thấy được thúc giục để tiếp tục hành trình. Họ đã tin rằng khi trung tín tuân theo sự thúc giục của Chúa, gia đình chúng tôi sẽ được bảo vệ và ban phước—và chúng tôi đã được như vậy.

Dù có bất kể trở ngại nào mà chúng ta đối mặt trong cuộc sống, chúng ta có thể tin cậy rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ chuẩn bị một con đường phía trước khi chúng ta bước đi với đức tin. Thượng Đế đã hứa rằng tất cả những ai sống theo các giao ước họ đã lập theo ý muốn của Ngài, thì trong kỳ định của Ngài, sẽ nhận được tất cả các phước lành đã được hứa. Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy: “Một số phước lành đến sớm, một số phước lành đến muộn, và một số phước lành không đến cho đến lúc ở trên thiên thượng; nhưng đối với những người nào hoàn toàn chấp nhận và tuân theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì những phước lành đó sẽ đến.”1

Mô Rô Ni đã dạy: “Đức tin là những gì người ta hy vọng nhưng không trông thấy được; vậy thì các người chớ nên tranh biện vì lẽ mình không trông thấy được, vì các người không thể nhận được bằng chứng cho đến khi đức tin của các người đã được thử thách.”2

Câu hỏi của chúng ta là: “Chúng ta cần làm gì để đối phó tốt nhất với những điều khó khăn đến với mình?”

Trong những lời phát biểu đầu tiên trước công chúng với tư cách Chủ Tịch của Giáo Hội, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Là một Chủ Tịch Đoàn mới, chúng tôi muốn bắt đầu với việc ghi nhớ mục tiêu. Vì lý do này, chúng tôi đang ngỏ lời với anh chị em hôm nay từ một đền thờ. Mục tiêu mà mỗi người chúng ta cố gắng đạt được là được làm lễ thiên ân với quyền năng trong một ngôi nhà của Chúa, được làm lễ gắn bó với gia đình, trung thành với các giao ước đã được lập trong một đền thờ mà cho chúng ta hội đủ điều kiện để nhận được ân tứ lớn nhất của Thượng Đế—đó là cuộc sống vĩnh cửu. Các giáo lễ của đền thờ và các giao ước mà anh chị em lập ở đó là chìa khóa để củng cố cuộc sống, hôn nhân và gia đình của anh chị em, và khả năng của anh chị em để chống lại những cuộc tấn công của kẻ nghịch thù. Sự thờ phượng của anh chị em trong đền thờ và sự phục vụ của anh chị em ở đó thay cho tổ tiên của mình sẽ ban phước cho anh chị em với nhiều sự mặc khải và sự bình an cá nhân hơn và sẽ củng cố cam kết của anh chị em để đứng vững trên con đường giao ước.”3

Khi chúng ta tuân theo tiếng nói của Thượng Đế cùng con đường giao ước của Ngài, Ngài sẽ củng cố chúng ta trong các thử thách của chúng ta.

Chuyến đi của gia đình tôi đến đền thờ nhiều năm trước thật là khó khăn, nhưng khi chúng tôi đến được đền thờ ở Salt Lake City, Bang Utah, thì mẹ tôi, tràn đầy niềm vui và đức tin, đã nói: “Chúng ta sẽ ổn thôi, Chúa sẽ bảo vệ chúng ta.” Gia đình chúng tôi đã được làm lễ gắn bó, và chị tôi đã hồi phục. Điều này đã xảy ra chỉ sau khi đức tin của cha mẹ tôi được thử thách và họ tuân theo những thúc giục của Chúa.

Tấm gương đó của cha mẹ tôi vẫn ảnh hưởng tới cuộc sống chúng tôi ngày nay. Tấm gương của họ đã dạy chúng tôi các lý do của giáo lý phúc âm và đã giúp chúng tôi hiểu được ý nghĩa, mục đích, và các phước lành mà phúc âm mang tới. Việc hiểu các lý do của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cũng có thể giúp chúng ta đương đầu với các thử thách bằng đức tin.

Cuối cùng, mọi điều Thượng Đế mời gọi và phán truyền chúng ta làm là sự bày tỏ tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta và ước muốn của Ngài để ban cho chúng ta các phước lành mà đã được dành sẵn cho những người trung tín. Chúng ta không thể cho rằng con cái chúng ta sẽ tự học cách yêu thích phúc âm, đó là trách nhiệm của chúng ta để giảng dạy cho chúng. Khi chúng ta giúp con cái mình học cách sử dụng quyền tự quyết một cách khôn ngoan, tấm gương của chúng ta có thể soi dẫn chúng đưa ra các lựa chọn ngay chính. Việc các bậc cha mẹ sống trung tín sẽ dần dần giúp cho con cái họ biết lẽ thật của phúc âm.

Các thiếu niên và thiếu nữ, hãy lắng nghe lời vị tiên tri nói với các em ngày hôm nay. Hãy cố gắng học hỏi các lẽ thật thiêng liêng và cố gắng hiểu phúc âm cho bản thân mình. Mới đây, Chủ Tịch Nelson đã khuyên dạy: “Các em kém khôn ngoan trong việc gì? … Hãy noi theo gương của Tiên Tri Joseph. Tìm một nơi yên tĩnh. … Hạ mình khiêm nhường trước Thượng Đế. Trút lòng mình lên Cha Thiên Thượng. Tìm đến Ngài để có các câu trả lời.”4 Khi các em tìm kiếm sự hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng nhân từ, lắng nghe lời khuyên dạy của các vị tiên tri tại thế và nhìn vào tấm gương của các bậc cha mẹ ngay chính, các em cũng có thể trở thành một mắt xích mạnh mẽ của đức tin trong gia đình mình.

Xin gửi tới các bậc cha mẹ mà có con cái rời bỏ con đường giao ước, hãy nhẹ nhàng giảng dạy lại cho chúng. Giúp chúng thấu hiểu các lẽ thật của phúc âm. Hãy bắt đầu ngay bây giờ, không bao giờ là quá muộn cả.

Tấm gương của chúng ta trong việc sống ngay chính có thể tạo ra sự khác biệt. Chủ Tịch Nelson đã nói: “Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta đã trở nên quen thuộc với ý nghĩ về ‘nhà thờ’ như một điều gì đó diễn ra trong các nhà hội của chúng ta, được hỗ trợ bởi những gì diễn ra ở nhà. Chúng ta cần một sự điều chỉnh cho mẫu mực này. Đây là lúc phải có Giáo Hội đặt mái gia đình làm trọng tâm được hỗ trợ bởi những gì diễn ra bên trong các tòa nhà chi nhánh, tiểu giáo khu và giáo khu của chúng ta.”5

Thánh thư dạy, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”6

Thánh thư cũng nói rằng: “Và bấy giờ, vì việc giảng đạo có khuynh hướng dẫn dắt dân chúng làm điều chính đáng—phải, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí dân chúng hơn gươm đao, hay bất cứ điều gì khác, đã xảy đến cho họ—vậy nên, An Ma nghĩ rằng họ cần phải thử dùng tới hiệu năng của lời Thượng Đế.”7

Có một câu chuyện kể về một người phụ nữ rất tức giận vì con trai của mình đã ăn quá nhiều kẹo. Dù đã bao nhiêu lần người mẹ ấy nói nó ngừng lại, thì nó vẫn tiếp tục ăn để thỏa mãn sự ham thích đồ ngọt của nó. Hoàn toàn bất lực, người mẹ ấy đã quyết định đưa con trai mình đến gặp một người thông thái mà nó kính trọng.

Người mẹ ấy đến gặp ông ta và nói rằng: “Thưa ông, con trai tôi ăn quá nhiều kẹo. Ông có thể nói nó ngừng ăn kẹo được không?”

Ông chăm chú lắng nghe và nói với con trai của phụ nữ ấy rằng: “Hãy về nhà và quay lại đây trong hai tuần tới.”

Người mẹ ấy đưa con trai mình về nhà, và băn khoăn tại sao ông ấy không yêu cầu đứa bé ngừng ăn quá nhiều kẹo.

Hai tuần sau họ quay lại. Người thông thái này nhìn thẳng vào cậu bé và nói: “Cậu bé, cháu nên ngừng ăn quá nhiều kẹo. Điều đó không tốt cho sức khỏe của cháu đâu.”

Cậu bé gật đầu và hứa sẽ làm vậy.

Mẹ cậu bé hỏi: “Tại sao ông không nói với nó như vậy vào hai tuần trước?”

Người thông thái mỉm cười. “Hai tuần trước đây bản thân tôi vẫn còn đang ăn quá nhiều kẹo.”

Người thông thái này đã sống chính trực đến nỗi ông biết lời khuyên sẽ có sức mạnh chỉ khi ông cũng đang làm theo lời khuyên của chính mình vậy.

Ảnh hưởng của chúng ta đến con cái mình còn mạnh mẽ hơn khi chúng thấy chúng ta bước đi một cách trung tín trên con đường giao ước. Tiên tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn là một tấm gương về sự ngay chính như vậy. Con trai của Ông, Ê Nót, đã viết về sự ảnh hưởng từ những lời giảng dạy của cha mình:

“Tôi, Ê Nót, biết cha tôi là một người công minh—vì ông đã dạy tôi bằng ngôn ngữ của ông và theo sự dưỡng dục cùng sự khuyên răn của Chúa—phước thay danh Thượng Đế của tôi về vấn đề này. …

“… Những lời mà tôi thường nghe cha tôi nói về cuộc sống vĩnh cửu và niềm vui của các thánh đồ in sâu vào tim tôi.”8

Những người mẹ của các chiến binh trẻ tuổi đã sống theo phúc âm, và con cái họ tràn đầy niềm tin chắc. Vị lãnh đạo của họ đã thuật lại:

“Họ đã được mẹ của họ dạy rằng, nếu họ không nghi ngờ, Thượng Đế sẽ giải thoát họ.

“Và họ còn kể lại cho tôi nghe những lời của mẹ họ, và nói như vầy: Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc mẹ chúng tôi đã biết như vậy.”9

Ê Nót và các chiến binh trẻ tuổi đã được củng cố bởi đức tin của cha mẹ họ, mà đã giúp họ đương đầu với thử thách đức tin của chính mình.

Chúng ta được ban phước với phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô trong thời đại của chúng ta, là điều nâng đỡ chúng ta khi chúng ta cảm thấy nản lòng hoặc lo lắng. Chúng ta được cam đoan rằng nếu chúng ta vượt qua các thử thách của đức tin thì những nỗ lực bản thân sẽ mang đến các phước lành theo kỳ định của Chúa.

Gần đây, vợ tôi và tôi, cùng Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng, đã đồng hành với Anh Cả David A. Bednar đến dự lễ cung hiến Đền Thờ Port-au-Prince Haiti. Con trai chúng tôi, Jorge, đã đi cùng và nói về kinh nghiệm của nó rằng: “Thật tuyệt vời, Cha à! Ngay khi Anh Cả Bednar bắt đầu dâng lời cầu nguyện cung hiến, con có thể cảm thấy căn phòng đó tràn ngập sự ấm áp và ánh sáng. Lời cầu nguyện đó đã bổ sung rất nhiều điều vào sự hiểu biết của con về mục đích của đền thờ. Đó thực sự là nhà của Chúa.”

Trong Sách Mặc Môn, Nê Phi giảng dạy rằng khi chúng ta có ước muốn để biết về ý muốn của Thượng Đế, Ngài sẽ củng cố chúng ta. Ông đã viết: “Tôi, Nê Phi, vì hãy còn trẻ lắm … và có khát vọng lớn lao muốn biết về những điều kín nhiệm của Thượng Đế, vậy nên tôi đã kêu cầu Chúa; và này, Ngài đã đến với tôi và xoa dịu lòng tôi, khiến tôi thật sự tin tất cả những lời cha tôi đã nói; vậy nên, tôi không nổi lên chống ông như các anh tôi.”10

Các anh chị em, chúng ta hãy giúp con cái mình và tất cả những người xung quanh đi theo con đường giao ước của Thượng Đế để Thánh Linh có thể giảng dạy họ và làm mềm lòng họ để họ có ước muốn đi theo Ngài trong suốt cuộc đời.

Khi tôi suy ngẫm về tấm gương của cha mẹ tôi, tôi nhận ra rằng đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cho thấy con đường trở lại ngôi nhà thượng thiên của mình. Tôi biết những phép lạ đến sau khi đức tin của chúng ta được thử thách.

Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Tôi biết Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Giải Thoát của chúng ta. Ngài và Cha Thiên Thượng đã hiện đến vào buổi sáng mùa xuân năm 1820 trước mặt thiếu niên Joseph Smith, vị tiên tri của Sự Phục Hồi. Chủ Tịch Russell M. Nelson là vị tiên tri trong thời kỳ của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.