Viện Giáo Lý
Bài Học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Nhận Ra và Được Chữa Lành khỏi Hành Vi Lạm Dụng, Ngược Đãi


“Bài Học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Nhận Ra và Được Chữa Lành khỏi Hành Vi Lạm Dụng, Ngược Đãi,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
hai người đang ôm lấy nhau

Bài Học 26 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Nhận Ra và Được Chữa Lành khỏi Hành Vi Lạm Dụng, Ngược Đãi

Lạm dụng, ngược đãi là một tội lỗi nghiêm trọng. Các vị tiên tri và các sứ đồ đã khuyến cáo rằng “những cá nhân nào … ngược đãi người hôn phối hay con cái … một ngày kia sẽ đứng chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Khi anh chị em nghiên cứu bài học này, hãy tìm kiếm cách mà anh chị em có thể nhận ra khi nào nạn lạm dụng, ngược đãi đang xảy ra và làm cách nào những người bị ảnh hưởng bởi sự lạm dụng, ngược đãi có thể được Chúa chữa lành.

Phần 1

Lạm dụng, ngược đãi là gì?

Những lựa chọn của chúng ta có thể có nhiều hậu quả khác nhau đối với chúng ta và những người khác. Buồn thay, một số người sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức của họ một cách bất chính để lạm dụng, ngược đãi người khác.

“Thường thì không có một định nghĩa duy nhất nào về sự lạm dụng, ngược đãi có thể được áp dụng trong mọi tình huống. Thay vì thế, có nhiều mức độ nghiêm trọng trong hành vi lạm dụng, ngược đãi. Mức độ này đi từ việc thỉnh thoảng sử dụng những lời nói gay gắt đến việc gây ra tổn hại nghiêm trọng.” (Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mục 38.6.2.4, ChurchofJesusChrist.org). Sự lạm dụng, ngược đãi có thể xảy ra qua việc thờ ơ hoặc đối xử tệ bạc người khác về phương diện thể chất, tình dục, cảm xúc, hoặc tài chính.

Như có ghi trong một ấn phẩm của Giáo Hội:

Chúa mong muốn chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để ngăn ngừa sự lạm dụng, ngược đãi, để bảo vệ và giúp đỡ những ai đã từng là nạn nhân. Không một ai muốn chịu đựng hành vi lạm dụng, ngược đãi. …

… Các nạn nhân … không bao giờ phải bị đổ lỗi vì hành vi tai hại của người khác—bất kể ai là người lạm dụng, ngược đãi họ. Nạn nhân không phải là người có tội. (Gospel Topics, “Abuse,” topics.ChurchofJesusChrist.org)

Hình Ảnh
một người thành niên trẻ tuổi đang ngồi một mình

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đề cập đến trách nhiệm của chúng ta với tư cách là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô không được lạm dụng, ngược đãi người khác, đặc biệt là những người trong gia đình mình:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Chúng ta phải cẩn thận gấp đôi để không tham gia vào các hành vi như vậy.… Chúng ta không được phạm vào bất kỳ hình thức ngược đãi hoặc sự thống trị bất chính hay sự cưỡng ép vô luân nào—về mặt thể chất, tinh thần, tôn giáo, hoặc bất kỳ hình thức nào khác. …

Trong rất nhiều trường hợp, những đàn ông, phụ nữ, và thậm chí là trẻ em trung tín vẫn có thể phạm lỗi nói lời không tử tế, thậm chí mang tính hủy hoại, đối với những người có thể đã được gắn bó với họ bằng giáo lễ thánh trong đền thờ của Chúa. Tất cả mọi người đều có quyền được yêu thương, cảm thấy bình an, và an toàn ở nhà. Cầu xin cho chúng ta hãy cố gắng gìn giữ bầu không khí đó. Lời hứa của việc làm người hòa giải là anh chị em sẽ có được Đức Thánh Linh luôn đồng hành với mình và các phước lành sẽ đến với anh chị em mà mãi mãi “không có cách gì cưỡng chế được” [Giáo Lý và Giao Ước 121:46]. (“Chẳng Phải như Thế Gian Cho,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 37; xin xem thêm Ê Phê Sô 4:29–32)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Các nguyên tắc phúc âm nào bị vi phạm khi hành vi lạm dụng, ngược đãi xảy ra?

Phần 2

Làm cách nào tôi có thể nhận ra liệu sự lạm dụng, ngược đãi có đang xảy ra hay không?

“Có những dấu hiệu phổ biến để theo dõi cách mà hành vi lạm dụng, ngược đãi thường bắt đầu và tiếp diễn” (“Recognizing Patterns of Abuse,” abuse.ChurchofJesusChrist.org). Việc nhận ra và hiểu được những dấu hiệu này có thể mở cánh cửa để cho Chúa sử dụng anh chị em nhằm giúp chấm dứt tình trạng lạm dụng, ngược đãi hoặc ngăn cản những tình huống mà có thể dẫn đến hành vi này.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hình Ảnh
một người thành niên trẻ tuổi đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ một vị lãnh đạo chức tư tế

Đừng bao giờ coi nhẹ mức độ trầm trọng của sự lạm dụng, ngược đãi đối với bản thân mình hoặc bất kỳ ai khác. “Nếu anh chị em hoặc người nào đó anh chị em biết đã bị lạm dụng, ngược đãi, thì hãy lập tức tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền dân sự, các vị lãnh đạo chức tư tế, các dịch vụ bảo vệ trẻ em, hoặc các dịch vụ bảo vệ người lớn” (“In Crisis? Talk Now,” abuse.ChurchofJesusChrist.org).

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy suy ngẫm về cách anh chị em có thể sử dụng những lời giảng dạy trong mục này để bảo vệ bản thân và trở thành một công cụ của Chúa trong việc bảo vệ người khác khỏi hành vi lạm dụng, ngược đãi.

Phần 3

Làm thế nào tôi có thể được chữa lành nếu tôi bị lạm dụng, ngược đãi?

Các nạn nhân của hành vi lạm dụng, ngược đãi phải chịu đựng những vết thương sâu. Nỗi đau đớn và sang chấn mà họ trải qua có thể dẫn đến những thử thách về tâm thần, cảm xúc, thuộc linh, và thể chất.

Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã cảnh báo:

Hình Ảnh
Anh Cả Richard G. Scott

Nếu các anh chị em đã bị lạm dụng, thì Sa Tan sẽ gắng sức thuyết phục các anh chị em rằng sẽ không có giải pháp nào cả. … Chiến lược của nó là tìm đủ mọi cách để có thể ngăn cách các anh chị em với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài. Xin đừng để cho Sa Tan thuyết phục các anh chị em rằng các anh chị em đang ở trong tình trạng vô phương cứu chữa. (“Để Chữa Lành Những Hậu Quả Nguy Hại của Sự Lạm Dụng,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 41)

Đấng Thầy Thuốc Đại Tài, Chúa Giê Su Ky Tô, có thể mang đến hy vọng và cuối cùng là sự chữa lành cho tất cả con cái của Thượng Đế. Anh Cả Scott cũng dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Richard G. Scott

Tiêu chuẩn đạo đức là yếu tố quan trọng trong kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng của chúng ta. Ngài hiểu rằng một số con cái linh hồn của Ngài sẽ sử dụng tiêu chuẩn đó một cách không thích đáng và gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho những người khác. Một số người thậm chí còn vi phạm sự tin cậy thiêng liêng, như một người cha hoặc một người trong gia đình lạm dụng một đứa trẻ ngây thơ. Vì Cha Thiên Thượng của chúng ta thì tuyệt đối công bằng, nên phải có một cách để vượt qua những hậu quả bi thương của việc sử dụng nguy hại quyền tự quyết như vậy đối với cả nạn nhân lẫn thủ phạm. Sự chữa lành mang tính bảo đảm đó có được qua quyền năng của Sự Chuộc Tội của Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô nhằm sửa chỉnh lại điều không công bình. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi quyền năng của Ngài để chữa lành cung ứng cho người bị lạm dụng phương tiện để vượt qua những hậu quả khủng khiếp của những hành động bất chính của người khác. …

Sự chữa lành có thể bắt đầu với một vị giám trợ hay chủ tịch giáo khu đầy quan tâm hay một người cố vấn chuyên nghiệp sáng suốt. Nếu các anh chị em bị gãy chân thì các anh chị em sẽ không quyết định để tự mình chữa trị. Sự lạm dụng nghiêm trọng cũng có thể được giúp ích từ sự giúp đỡ chuyên môn. Có nhiều cách để bắt đầu sự chữa lành, nhưng hãy nhớ rằng liều thuốc trọn vẹn có được nhờ vào Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, Đức Thầy và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Hãy có đức tin rằng cùng với nỗ lực, thì Sự Chuộc Tội hoàn hảo, vĩnh cửu, vô hạn của Ngài có thể chữa lành cho nỗi đau từ những hậu quả của hành vi lạm dụng. (“Để Chữa Lành Những Hậu Quả Nguy Hại của Sự Lạm Dụng,” trang 40, 42)

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô ôm người đàn ông mà Ngài đã chữa lành

Tiên Tri Ê Sai đã nói về sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi và quyền năng để chữa lành.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Ê Sai 61:1–3, và tìm kiếm niềm hy vọng mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho bất kỳ người nào phải chịu đựng hành vi lạm dụng, ngược đãi.

Để hiểu rõ cụm từ “mão hoa … thay vì tro bụi” (câu 3), có thể hữu ích khi biết rằng theo truyền thống, dân Y Sơ Ra Ên thường đổ tro bụi lên đầu họ vào những lúc buồn bã hay tuyệt vọng. Chúa đã hứa sẽ thay thế tro bụi này bằng mão hoa, hoặc bằng vương miện hoặc khăn trùm đầu đẹp đẽ. Những người nào thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô đều có thể có được ân tứ thiêng liêng này của sự chữa lành và tình yêu thương.

Chủ Tịch Jean B. Bingham, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã khẳng định lại:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Jean B. Bingham

Bất kể điều gì chúng ta đã chịu đựng, thì [Chúa Giê Su Ky Tô] cũng là nguồn gốc chữa lành. Những người nào đã chịu đựng bất cứ hành vi lạm dụng nào … cũng đều có thể được Đấng Cứu Chuộc của thế gian chữa lành. Tuy nhiên, Ngài sẽ không làm điều đó nếu không được mời. Chúng ta phải đến cùng Ngài và để cho Ngài làm phép lạ. (“Hầu Cho Sự Vui Mừng của Các Ngươi Được Trọn Vẹn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 86)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em đã làm gì để mời gọi sự an ủi, giúp đỡ, và chữa lành từ Đấng Cứu Rỗi, trong bất cứ hoàn cảnh nào? Điều gì có thể giúp anh chị em trở nên kiên nhẫn và trung tín trong suốt thời gian có thể cần có để được chữa lành?