Viện Giáo Lý
Bài học 1 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Học Hỏi Giáo Lý về Gia Đình Vĩnh Cửu


“Bài học 1 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Học Hỏi Giáo Lý về Gia Đình Vĩnh Cửu,” Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài học 1 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Bài Học 1 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Học Hỏi Giáo Lý về Gia Đình Vĩnh Cửu

Giáo lý về gia đình liên quan đến tất cả chúng ta. Trong bài học này, học viên sẽ được mời đánh giá niềm tin của họ vào sự thông sáng Cha Thiên Thượng và kế hoạch của Ngài dành cho các gia đình. Học viên cũng sẽ suy ngẫm điều họ có thể làm để giúp thiết lập một môi trường đầy tình yêu thương, sự cảm thông, và tôn trọng giống Đấng Ky Tô khi thảo luận giáo lý về gia đình.

Lưu Ý: Nếu có thể, hãy liên hệ với những học viên đăng ký khóa học này trước ngày đến lớp và mời họ học tài liệu chuẩn bị cho bài học đầu tiên này. Hãy chắc chắn rằng tất cả các học viên khác đều có một quyển tài liệu chuẩn bị khi anh chị em bắt đầu lớp học. Trong cuộc thảo luận trên lớp của anh chị em, hãy sử dụng tài liệu chuẩn bị để học viên có thể thấy cách tài liệu này sẽ giúp họ chuẩn bị và làm phong phú thêm trải nghiệm học tập của họ. Đừng ngại dành ra 5 đến 10 phút vào đầu buổi học này để làm quen với nhau và chào đón các học viên tham dự khóa học.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúng ta có thể tin cậy vào tình yêu thương trọn vẹn và sự thông sáng của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Như một lời giới thiệu khóa học này, anh chị em có thể cho học viên thấy bảng mục lục hoặc chương trình học của nửa đầu khóa học. Để trở nên quen thuộc hơn với nhu cầu của học viên, hãy mời họ viết một bức thư ngắn không đề tên gửi cho anh chị em về những chủ đề mà họ hứng thú nhất hoặc muốn hiểu rõ hơn. Anh chị em cũng có thể mời họ viết bất kỳ câu hỏi nào mà họ hy vọng khóa học này sẽ giúp giải đáp cho họ. Hãy thu lại những câu trả lời của họ và suy ngẫm chúng trong khi anh chị em chuẩn bị cho các bài học trong tương lai.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Hãy khám phá nhu cầu và những mối quan tâm của học viên. Học viên sẽ cảm thấy có ước muốn học hỏi nhiều hơn khi họ cảm thấy rằng các bài học được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu và mối quan tâm của mình. Hãy mang lại các cơ hội cho học viên nói ra những mối quan tâm và thắc mắc của họ về gia đình. Dựa vào câu trả lời của học viên, hãy nghe theo Thánh Linh để biết khi nào cần nhấn mạnh và thảo luận những mối quan tâm và thắc mắc của họ trong khóa học.

Hãy cân nhắc hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Anh chị em tin tưởng những ai, và tại sao?

  • Anh chị em tin cậy những người này về điều gì?

Sắp xếp các học viên thành nhóm ba người. Đưa cho mỗi nhóm một tờ giấy phát tay sau đây, và mời họ làm theo các chỉ dẫn.

Tin cậy Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô

Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên—Bài Học1

Mời thành viên của mỗi nhóm đọc một trong các đoạn sau đây, và tìm kiếm các lẽ thật về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể giúp chúng ta tin cậy Hai Ngài: 2 Nê Phi 26:24; Mô Si A 4:9; và Ê Sai 55:8–9. Rồi thảo luận những câu hỏi sau đây:

  • Chúng ta có thể học được gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô từ những đoạn này? Những lẽ thật mà anh chị em khám phá ra ảnh hưởng như thế nào đến ước muốn của anh chị em để tin cậy Hai Ngài?

  • Khi nào anh chị em đã có kinh nghiệm hoặc chứng kiến giá trị của việc tin cậy Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Tin cậy Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô

Hình Ảnh
tài liệu phát tay của giảng viên

Hãy giải thích rằng một trong những minh chứng rõ ràng nhất về tình yêu thương và sự thông sáng của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô chính là giáo lý về gia đình vĩnh cửu. Sự tin cậy của chúng ta nơi Hai Ngài và kế hoạch của Đức Chúa Cha có thể giúp chúng ta biết được đường lối trong số những quan điểm trái chiều của thế gian về các vấn đề gia đình.

Hãy cung cấp cho học viên một bản “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” (ChurchofJesusChrist.org), hoặc mời họ truy cập nó ở dạng kỹ thuật số. Mời học viên chọn một vài đoạn để đọc và đánh dấu các cụm từ mô tả những phước lành và niềm hạnh phúc mà Cha Thiên Thượng mong muốn cho họ và gia đình họ. Sau khi họ có đủ thời gian để đọc, hãy mời vài học viên chia sẻ điều họ đã đánh dấu và lý do.

  • Những ước muốn của anh chị em dành cho gia đình mình hòa hợp ra sao với những ước muốn của Cha Thiên Thượng dành cho gia đình anh chị em?

  • Có giá trị nào trong việc tin cậy vào sự thông sáng và quan điểm vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn là sự khôn ngoan và quan điểm của thế gian?

Hãy làm chứng hoặc mời học viên làm chứng về sự thông sáng và ước muốn của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô dành cho gia đình hiện tại và gia đình tương lai của chúng ta.

Chúng ta có thể tạo ra một môi trường học hỏi đầy yêu thương và tôn trọng.

Hãy trưng ra một bức ảnh của gia đình anh chị em. Chia sẻ một vài điều anh chị em yêu thích về gia đình mình và một số điểm độc nhất về hoàn cảnh của gia đình anh chị em.

Mời một học viên đọc to lời phát biểu của Anh Cả Neil L. Andersen trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.

  • Anh chị em ấn tượng với điều gì do Anh Cả Andersen giảng dạy? (Anh chị em có thể muốn giúp học viên nhận ra lẽ thật sau đây: Bởi vì tất cả các gia đình đều khác biệt, chúng ta cần thảo luận mẫu mực của Chúa dành cho các gia đình bằng một cách thức thấu đáo và tình cảm.)

Anh chị em có thể mời học viên chia sẻ điều chúng ta có thể học từ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về tình yêu thương, sự cảm thông, và lòng trắc ẩn dành cho những người đã trải qua thử thách trong hoàn cảnh riêng hoặc gia cảnh của họ. (Các ví dụ có thể được tìm thấy trong phần “Muốn Thêm Thông Tin?” của tài liệu chuẩn bị.)

Cân nhắc cho học viên một vài phút để ghi lại suy nghĩ của họ về câu hỏi sau đây:

  • Tôi có thể làm gì để giúp người khác cảm thấy được yêu thương và tôn trọng trong khi thảo luận về gia đình và những chủ đề nhạy cảm? (Nếu học viên đã nghiên cứu phần 2 của tài liệu chuẩn bị thì họ có thể đã ghi lại một số suy nghĩ về câu hỏi này. Anh chị em có thể cho họ thời gian để xem lại những gì họ đã viết.)

Mời một vài học viên chia sẻ một số suy nghĩ mà họ đã ghi lại.

Bằng lời riêng của mình, anh chị em có thể giải thích rằng trong suốt khóa học này, học viên sẽ thảo luận nhiều lẽ thật mà cần có sự trợ giúp của Đức Thánh Linh để hiểu được. Bởi tính độc nhất của các hoàn cảnh cá nhân và gia cảnh, học viên sẽ cần sự mặc khải cá nhân để hiểu được cách áp dụng những lời giảng dạy đó. Do một số cảm xúc mãnh liệt nhất của chúng ta liên quan đến gia đình mình, khả năng để học hỏi lẫn nhau và học từ Thánh Linh đòi hỏi chúng ta có một môi trường đầy yêu thương, cảm thông, và tôn trọng giống như Đấng Ky Tô. Hãy mời học viên làm phần vụ của họ để góp phần tạo ra một môi trường như vậy.

Anh chị em có thể kết thúc buổi học bằng cách cho học viên thấy cách truy cập tài liệu chuẩn bị. Hãy mời họ suy ngẫm cách mà việc học tập riêng tài liệu chuẩn bị trước mỗi buổi học có thể giúp cả lớp học được giáo lý về gia đình một cách kỹ lưỡng hơn. Mời họ thành tâm chuẩn bị cho mỗi buổi học.

Cho Buổi Học Lần Sau

Hãy khuyến khích học viên trong việc học tập của họ cho buổi học lần sau tìm kiếm lý do tại sao các vị lãnh đạo của Giáo Hội của Chúa tin tưởng vững vàng vào giáo lý về gia đình được ghi trong bản tuyên ngôn về gia đình, mặc cho những ý kiến phổ biến chống lại giáo lý này.