Viện Giáo Lý
Bài Học 23 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Khi Các Phước Lành về Hôn Nhân Vĩnh Cửu hoặc về Con Cái Bị Trì Hoãn


“Bài Học 23 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Khi Các Phước Lành về Hôn Nhân Vĩnh Cửu hoặc về Con Cái Bị Trì Hoãn,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 23 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Bài Học 23 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Khi Các Phước Lành về Hôn Nhân Vĩnh Cửu hoặc về Con Cái Bị Trì Hoãn

Nhiều tín hữu Giáo Hội có những ước muốn ngay chính về các phước lành của hôn nhân vĩnh cửu hoặc về con cái nhưng bị trì hoãn hoặc bị gián đoạn. Trong bài học này, học viên sẽ thảo luận cách họ có thể hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô nếu họ đối mặt với các thử thách loại này. Học viên cũng sẽ xác định điều gì họ có thể làm để hòa nhập với những người khác trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của họ, bất kể hoàn cảnh gia đình của họ ra sao.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúng ta có thể chọn thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi các phước lành mong muốn bị trì hoãn.

Trưng ra và cùng nhau đọc câu phát biểu của Anh Cả Neil L. Andersen trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị. Anh chị em có thể tô đậm hoặc liệt kê lên trên bảng các hoàn cảnh mà ông đã đề cập đến thường không hoàn toàn tương xứng với những lý tưởng được giảng dạy trong bản tuyên ngôn về gia đình.

  • Anh chị em nghĩ tại sao các vị lãnh đạo Giáo Hội tiếp tục giảng dạy những lý tưởng của cuộc sống gia đình nếu hầu hết các tín hữu Giáo Hội hiện không có được những lý tưởng này? (Cân nhắc tham khảo câu phát biểu của Chị Sharon Eubank trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

Đưa ra hình ảnh Áp Ra Ham và Sa Ra trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị, và yêu cầu học viên tóm tắt các phước lành đã bị trì hoãn hoặc không được ứng nghiệm trong cuộc đời của Áp Ra Ham và Sa Ra.

Mời các học viên tự xem lại Hê Bơ Rơ 11:8, 11–13, tìm kiếm các cụm từ nêu bật đức tin của Áp Ra Ham và Sa Ra. Yêu cầu một vài học viên chia sẻ điều họ tìm được.

  • Làm thế nào tấm gương của Áp Ra Ham và Sa Ra có thể giúp các tín hữu Giáo Hội thời hiện đại mà có đức tin bị thử thách khi các phước lành được hứa bị trì hoãn hoặc không được ứng nghiệm trong cuộc đời này? (Sau khi học viên chia sẻ suy nghĩ của họ, hãy viết nguyên tắc sau đây lên trên bảng: Khi chúng ta trung thành với Chúa và tin cậy vào kỳ định của Ngài, chúng ta sẽ nhận được các phước lành đã được Ngài hứa trong cuộc sống trần thế hoặc trong thời vĩnh cửu.)

Anh chị em có thể nhắc học viên nhớ rằng việc nhận được các phước lành đã được hứa thường không phải là vấn đề về sự ngay chính mà là về kỳ định của Chúa. Trưng ra lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Một số phước lành đến sớm, một số phước lành đến muộn, và một số phước lành không đến cho đến lúc ở trên thiên thượng; nhưng đối với những người nào hoàn toàn chấp nhận và tuân theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì những phước lành đó sẽ đến. Tôi đích thân làm chứng về điều đó. (“An High Priest of Good Things to Come,” Ensign, tháng Mười Một năm 1999, trang 38)

Cân nhắc thảo luận một số câu hỏi sau đây để giúp học viên gia tăng sự hiểu biết của họ về nguyên tắc trên bảng:

  • Làm thế nào để các tín hữu Giáo Hội trong các hoàn cảnh mà Anh Cả Andersen đã đề cập đến (trong câu phát biểu của ông trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị, được tham khảo khi bắt đầu phần này) có thể tiếp tục thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài về gia đình?

  • Những kinh nghiệm hoặc những lời giảng dạy nào đã hình thành sự tin tưởng của anh chị em rằng Chúa sẽ làm ứng nghiệm những lời hứa của Ngài ngay cả khi các phước lành bị trì hoãn? (Hãy mời học viên xem lại điều họ đã viết cho sinh hoạt “Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em” trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Có khi nào anh chị em, hoặc người nào đó anh chị em biết đã tiến bước với đức tin nơi Chúa khi bị trì hoãn một phước lành liên quan đến việc kết hôn hoặc có con cái không? Anh chị em đã học được điều gì về Chúa từ kinh nghiệm đó?

Là một phần của cuộc thảo luận, hãy cân nhắc chia sẻ câu chuyện sau đây về một người thành niên trẻ độc thân mà Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã chia sẻ:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dallin H. Oaks

Tôi nhận được thư của một phụ nữ trẻ đang học tại đại học Harvard. Tôi rất ấn tượng với nội dung trong thư.

Cô ta nói: “Tôi chỉ mới 26 tuổi và đã cảm thấy bị chế ngự bởi những thử thách của cuộc sống độc thân.”

Sau khi chia sẻ thêm trong bức thư của mình, cô ta kết luận: “Một buổi chiều cách đây một năm, khi đang đi bộ về nhà sau giờ làm, tôi đã trút hết lòng cầu nguyện lên Thượng Đế, thổ lộ với Ngài mong muốn sâu thẳm nhất của tôi là được làm vợ và làm mẹ. Bỗng nhiên, tôi ngừng cầu nguyện khi một ý nghĩ và cảm giác mạnh mẽ len lỏi vào lòng và tâm trí tôi. Ý nghĩ đó cho biết tôi đã sai. Mong muốn sâu thẳm nhất của lòng tôi phải là trở thành môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và rồi thứ nhì mới có thể là làm mẹ và làm vợ. Quan điểm của tôi về cuộc sống đã thay đổi kể từ khi đó. Tôi đã đảo ngược lại thứ tự những mong muốn của mình. Tôi biết tất cả các phước lành đã được hứa đều sẽ là của tôi, nhưng điều này sẽ xảy đến theo kỳ định của Chúa chứ không phải của tôi.” Thật là một ý nghĩ mạnh mẽ! (Facebook, ngày 11 tháng Bảy năm 2016, facebook.com/dallin.h.oaks)

Mời học viên ghi lại những điều họ có thể làm để tiếp tục thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi họ chờ đợi để nhận được các phước lành họ mong muốn.

Anh chị em có thể khuyến khích học viên tìm kiếm sự hướng dẫn và hỗ trợ của Chúa trong việc học cách để có được niềm vui, sự toại nguyện, và sự phát triển vào lúc này, bất kể hoàn cảnh gia đình của họ ra sao.

Mỗi tín hữu Giáo Hội là một phần quan trọng của thân thể Đấng Ky Tô.

Mời học viên xem lại 1 Cô Rinh Tô 12:12–27, tìm kiếm những điều mà phép so sánh của Sứ Đồ Phao Lô dạy chúng ta về Giáo Hội và các tín hữu Giáo Hội.

  • Chúng ta có thể học được các lẽ thật nào từ phép so sánh này? (Trong số các lẽ thật mà học viên có thể nhận ra, hãy chắc chắn nhấn mạnh lẽ thật sau đây: Mỗi tín hữu của Giáo Hội đều được cần đến và có thể có đóng góp quan trọng cho Giáo Hội.)

Để giúp học viên xem xét cách để bao gồm người khác và chọn để tham gia trong các môi trường của Giáo Hội, anh chị em có thể chia sẻ tình huống sau đây (hoặc điều chỉnh tình huống này khi thích hợp để phù hợp hơn với học viên của anh chị em):

Victoria gần đây mới trải qua một cuộc ly hôn. Cô ấy tâm sự với anh chị em rằng cô ấy không cảm thấy là mình hòa nhập được trong Giáo Hội nữa. Cô ấy ngồi một mình trong các buổi họp ở nhà thờ và cảm thấy lạc lõng khi Hội Phụ Nữ thảo luận các đề tài liên quan đến hôn nhân và gia đình. Cô ấy thắc mắc không hiểu trong hoàn cảnh hiện tại của mình, cô ấy có gì để đóng góp cho tiểu giáo khu của cô ấy không.

Cân nhắc sắp xếp các học viên theo cặp và trưng ra các câu hỏi sau đây. Mời một học viên trong mỗi cặp suy ngẫm xem học viên ấy sẽ trả lời câu hỏi của Victoria từ quan điểm của Victoria như thế nào. Mời học viên kia suy ngẫm các câu hỏi khác từ quan điểm của một người nào đó trong tiểu giáo khu của Victoria. Sau một vài phút, mời học viên thảo luận câu trả lời của họ với nhau.

Victoria

Tín Hữu trong Tiểu Giáo Khu

Tôi cảm thấy như mình không thuộc vào Giáo Hội. Tôi có thể làm gì để cảm thấy được hòa nhập hơn?

Tôi có thể hỗ trợ Victoria trong hoàn cảnh hiện tại của cô ấy bằng cách nào?

Có những quan điểm riêng và những đóng góp nào mà tôi có thể thêm vào cho tiểu giáo khu của mình?

Tôi có thể làm gì để hiểu Victoria hơn và giúp cô ấy cảm thấy được coi trọng và hòa nhập trong tiểu giáo khu của chúng ta?

Tôi có thể làm gì để cho phép Đấng Cứu Rỗi giúp tôi hiểu và cảm nhận được giá trị và vị trí của tôi trong Giáo Hội của Ngài?

Làm cách nào tôi có thể gồm cả các tín hữu trong tiểu giáo khu mà đang trải qua những hoàn cảnh như là một người thành niên độc thân, một người cha hay mẹ đơn thân, hoặc đã kết hôn nhưng chưa có con?

Sau khi đã cho học viên đủ thời gian, hãy mời một vài học viên chia sẻ với cả lớp những gì họ đã học được từ sinh hoạt này.

Cho học viên thời gian để ghi lại và hoạch định cách họ sẽ hành động theo những ấn tượng của mình để hỗ trợ các tín hữu khác trong Giáo Hội, bất kể hoàn cảnh gia đình của họ ra sao. Anh chị em có thể mời học viên nghĩ về các tín hữu cụ thể trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh mà họ có thể hỗ trợ.

Cân nhắc kết thúc bài học bằng cách làm chứng về tình yêu thương và sự hỗ trợ không hề lay chuyển của Cha Thiên Thượng đối với những người mà có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cũng hãy làm chứng rằng mỗi tín hữu trong Giáo Hội của Chúa đều được cần đến và có thể có những đóng góp đầy ý nghĩa.

Cho Buổi Học Lần Sau

Mời học viên nghĩ về những người họ biết đang trải qua những thử thách về sức khỏe tâm thần hoặc cảm xúc. Khuyến khích học viên đọc tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau với những người này trong tâm trí. Anh chị em cũng có thể khuyến khích học viên tìm ra thời gian để ở một mình và đánh giá sức khỏe tâm thần của riêng họ.