Viện Giáo Lý
Bài Học 26 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Nhận Ra và Được Chữa Lành khỏi Hành Vi Lạm Dụng, Ngược Đãi


“Bài Học 26 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Nhận Ra và Được Chữa Lành khỏi Hành Vi Lạm Dụng, Ngược Đãi,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 26 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Bài Học 26 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Nhận Ra và Được Chữa Lành khỏi Hành Vi Lạm Dụng, Ngược Đãi

Các vị tiên tri và các sứ đồ đã khuyến cáo rằng “những cá nhân nào … ngược đãi người hôn phối hay con cái … một ngày kia sẽ đứng chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Bài học này sẽ giúp học viên hiểu rõ hơn cách thức để nhận ra và ứng phó với những trường hợp lạm dụng, ngược đãi. Học viên cũng sẽ thảo luận quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô để mang đến sự chữa lành cho tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi sự lạm dụng, ngược đãi.

Lưu ý: Anh chị em có thể có học viên bị ảnh hưởng bởi sự lạm dụng, ngược đãi. Bởi vì tính chất nhạy cảm và đầy thử thách của hành vi lạm dụng, ngược đãi, một số phần của bài học này có thể gây ra phản ứng về mặt cảm xúc ở các học viên là nạn nhân bị lạm dụng, ngược đãi, đặc biệt là những người chưa lên tiếng về điều đó. Anh chị em có thể muốn cho học viên biết trước rằng nếu có ai đó không cảm thấy thoải mái đến lớp khi bài học này được giảng dạy, thì họ có thể thu xếp cách khác với anh chị em. Cân nhắc một kinh nghiệm học tập khác đầy ý nghĩa mà anh chị em có thể mời họ tham dự ngoài lớp học.

Nếu thấy rằng học viên có thể nói với anh chị em về sự liên quan của cá nhân hoặc gia đình họ với hành vi lạm dụng, ngược đãi, thì anh chị em nên khéo léo để giải thích rằng anh chị em được đòi hỏi phải báo cáo những cáo buộc về mọi hình thức lạm dụng, ngược đãi bằng cách gọi đường dây giúp đỡ của Giáo Hội hoặc người tư vấn về pháp lý cho giáo vùng. Hãy kiên nhẫn, khéo léo, khích lệ, và thấu hiểu khi anh chị em hướng dẫn học viên của mình đến gặp vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh của học viên đó để thảo luận về tình trạng này. Hãy tuân theo cẩn thận các luật pháp ở địa phương về các bổ phận và trách nhiệm pháp lý để báo cáo hành vi lạm dụng, ngược đãi.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Hãy tế nhị đối với nhu cầu và cảm nghĩ của học viên. Cách thức anh chị em và học viên của mình thảo luận về sự lạm dụng, ngược đãi có thể gia tăng nỗi đau đớn hoặc mang đến niềm hy vọng. Anh chị em có thể muốn thảo luận với học viên tại sao là quan trọng để thấu hiểu và tế nhị đối với nỗi đau đớn và khổ sở mà các nạn nhân của hành vi lạm dụng, ngược đãi trải qua.

Những người nào lạm dụng, ngược đãi người khác sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thượng Đế.

Trưng ra câu phát biểu sau đây từ “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”: Những cá nhân nào ngược đãi người hôn phối hay con cái, một ngày kia sẽ đứng chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế (xin xem thêm Khải Huyền 20:12–13; 2 Nê Phi 9:15–17).

Cho học viên một vài phút để xem lại phần 1 và 2 của tài liệu chuẩn bị, và mời họ chia sẻ những câu hỏi hoặc ấn tượng mà họ có khi họ học các phần này. Nếu cần, anh chị em có thể đặt ra những câu hỏi như sau:

  • Lạm dụng, ngược đãi là gì? Các nguyên tắc phúc âm nào bị vi phạm khi hành vi lạm dụng, ngược đãi xảy ra?

  • Những lời cảnh báo và đề nghị nào nổi bật đối với anh chị em trong những phần này của tài liệu chuẩn bị?

  • Anh chị em đã có những suy nghĩ gì khi xem lại những dấu hiệu phổ biến của hành vi lạm dụng, ngược đãi?

  • Làm cách nào một người ở trong tình cảnh bị lạm dụng, ngược đãi có thể tìm kiếm sự giúp đỡ một cách an toàn? Nếu anh chị em biết về một tình trạng lạm dụng, ngược đãi, thì bằng cách nào anh chị em có thể báo cáo tình trạng đó một cách an toàn? (Cân nhắc dành thời gian để giúp học viên tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để báo cáo về hành vi lạm dụng. Ví dụ, xin xem “In Crisis? Talk Now” [abuse.ChurchofJesusChrist.org].)

Chúa Giê Su Ky Tô có thể chữa lành những người bị đau khổ vì hành vi lạm dụng, ngược đãi.

Hãy cân nhắc hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Trong những cách thức nào sự chữa lành khỏi hành vi lạm dụng, ngược đãi có thể đến? (Nếu cần, anh chị em có thể xem lại câu phát biểu thứ hai của Anh Cả Richard G. Scott trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Anh chị em sẽ chia sẻ gì với một người bạn đang vật lộn với những ảnh hưởng của hành vi lạm dụng, ngược đãi? Một số điều mà có thể gây khó khăn cho việc chữa lành khỏi hành vi lạm dụng, ngược đãi là gì?

Cùng nhau đọc Ê Sai 61:1–3, và nhận ra các lẽ thật mà có thể có ý nghĩa đối với một nạn nhân của hành vi lạm dụng, ngược đãi (xin xem thêm 2 Nê Phi 2:1–2). Trong số các lẽ thật khác, học viên có thể nhận ra một lẽ thật tương tự như sau: Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để chữa lành người có tấm lòng đau khổ và an ủi những người than khóc.

  • Anh chị em đã làm gì để mời gọi sự an ủi, giúp đỡ, và chữa lành từ Đấng Cứu Rỗi, trong bất cứ hoàn cảnh nào?

  • Đấng Cứu Rỗi đã thay thế cảm giác vô vọng hoặc tuyệt vọng với vẻ đẹp trong cuộc sống của anh chị em như thế nào?

  • Điều gì có thể giúp chúng ta trở nên kiên nhẫn và trung tín trong suốt thời gian mà có thể cần có để được chữa lành?

Cho học viên một vài phút để xem xét về những lời giảng dạy trong bài học này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của họ như thế nào. Khuyến khích họ ghi lại bất kỳ ấn tượng nào họ có thể nhận được.

Để kết thúc bài học, hãy mời học viên chia sẻ những gì họ học được về vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong việc giúp đỡ tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hành vi lạm dụng, ngược đãi.

Cho Buổi Học Lần Sau

Mời học viên nghĩ về những cách mà họ đã thấy Sa Tan và những người khác cố gắng phá hoại gia đình. Khuyến khích học viên, trong khi họ học tài liệu chuẩn bị cho bài học lần sau, hãy theo dõi kết quả của những gia đình tan vỡ trong xã hội và suy ngẫm điều gì họ có thể làm để bảo vệ những lời giảng dạy của Chúa về gia đình.