Viện Giáo Lý
Bài học 2 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Vai Trò của Các Vị Tiên Tri trong Việc Rao Giảng Giáo Lý về Gia Đình Vĩnh Cửu


“Bài học 2 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Vai Trò của Các Vị Tiên Tri trong Việc Rao Giảng Giáo Lý về Gia Đình Vĩnh Cửu,” Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài học 2 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
người canh gác trên tháp canh bằng đá thời xưa

Bài Học 2 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Vai Trò của Các Vị Tiên Tri trong Việc Rao Giảng Giáo Lý về Gia Đình Vĩnh Cửu

Chúng ta được ban phước để sống trong một thời kỳ khi Chúa kêu gọi các vị tiên tri tại thế hướng dẫn và bảo vệ chúng ta. Các vị tiên tri của Chúa đã giúp anh chị em hiểu giáo lý về gia đình vĩnh cửu như thế nào? Trong khi nghiên cứu bài học này, hãy suy ngẫm về cách mà anh chị em có thể đạt được một chứng ngôn mạnh mẽ hơn về các vị tiên tri tại thế và trông cậy hoàn toàn vào những lời của họ trong cuộc sống mình.

Phần 1

Tình yêu thương của Thượng Đế được bày tỏ trong lời khuyên dạy của các vị tiên tri như thế nào?

Khi Chúa kêu gọi Ê Xê Chi Ên trở thành một tiên tri, Ngài đã so sánh vai trò mới của Ê Xê Chi Ên với một người canh gác. Vào thời xưa, những người canh gác đứng trên tường thành hoặc trong các tháp để giúp bảo vệ thành phố, vườn nho, hoặc đồng ruộng (xin xem “Watchmen on the Tower,” Ensign, tháng Tư năm 2016, trang 28). Tầm nhìn được nâng cao của họ cho phép họ trông thấy những thứ mà người khác không thể thấy được và đưa ra những lời cảnh báo đúng lúc về các mối nguy hiểm đang đến gần.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Ê Xê Chi Ên 3:17–19, và nghĩ về việc các vị tiên tri của Chúa giống những người canh gác trên tháp như thế nào.

Hình Ảnh
người canh gác trên một ngọn tháp

Các vị tiên tri giúp chúng ta trông thấy những sự vật từ quan điểm vĩnh cửu của Thượng Đế. Ngài ban phước cho họ với tư cách là các vị tiên kiến để nhận được thiên ân về tầm nhìn thuộc linh. Họ có thể “biết được những việc đã xảy ra trong quá khứ cũng như những việc sẽ xảy đến trong tương lai” (Mô Si A 8:17; xin xem thêm các câu 15–16). Chúa đã đặt họ vào đúng vị trí để bảo vệ chúng ta khỏi mối nguy hiểm về mặt thuộc linh và thể chất.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy điều sau đây về động cơ thúc đẩy và trách nhiệm của những người canh gác của Chúa:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Mỗi vị sứ đồ của Chúa ở một vị thế để quan sát và cảm nhận tình yêu thường mà Cha Thiên Thượng dành cho con cái Ngài, đặc biệt cho những người đang vật lộn với khó khăn. …

Đôi khi, với tư cách là các lãnh đạo của Giáo Hội, chúng tôi bị chỉ trích vì đã giữ vững luật pháp của Thượng Đế, bảo vệ giáo lý của Đấng Cứu Rỗi, và chống lại áp lực từ xã hội trong thời đại chúng ta. Nhưng phận sự của chúng tôi, với tư cách là các vị sứ đồ đã được sắc phong, là “ra đi khắp thế gian để thuyết giảng phúc âm của [Ngài] cho mọi người” [Giáo Lý và Giao Ước 18:28]. Điều đó có nghĩa là chúng tôi được truyền lệnh phải giảng dạy lẽ thật.

Khi làm như vậy, đôi khi, chúng tôi bị buộc tội là thiếu quan tâm khi mà chúng tôi giảng dạy những yêu cầu của Đức Chúa Cha để có sự tôn cao trong vương quốc thượng thiên. Nhưng chẳng phải là sẽ thiếu quan tâm hơn nữa nếu chúng tôi không nói lên lẽ thật—tức là không giảng dạy điều Thượng Đế đã mặc khải?

Hoàn toàn đúng như vậy, bởi vì chúng tôi vô cùng quan tâm đến mọi con cái của Thượng Đế nên chúng tôi mới rao giảng lẽ thật của Ngài. Chúng tôi có lẽ không luôn luôn nói cho người ta nghe điều họ muốn nghe. Các vị tiên tri thường hiếm khi được mọi người yêu thích. Nhưng chúng tôi sẽ luôn luôn giảng dạy lẽ thật! (“The Love and Laws of God” [buổi họp đặc biệt tại trường Brigham Young University, ngày 17 tháng Chín năm 2019], trang 3, speeches.byu.edu)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em cảm thấy tình yêu thương của Thượng Đế qua những lời cảnh báo, sửa chỉnh, và khuyên dạy của các vị tiên tri tại thế như thế nào?

Phần 2

Bản tuyên ngôn về gia đình là minh chứng cho việc các vị tiên tri của Chúa hành động như những người canh gác thời nay ra sao?

Vào ngày 23 tháng Chín, năm 1995, trong một buổi họp trung ương của Hội Phụ Nữ, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã công bố “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.” Trước khi làm điều đó, ông đã giải thích lý do tại sao Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ cảm thấy sự cần thiết để đưa ra bản tuyên ngôn này:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley

Vì có quá nhiều ý nghĩ sai lầm mà được coi là lẽ thật, vì có quá nhiều sự lừa dối về những tiêu chuẩn đạo đức, vì có quá nhiều sự lôi cuốn và cám dỗ dần dần trở thành sự ô uế của thế gian, nên chúng tôi cảm thấy cần phải khuyến cáo và cảnh báo anh chị em. Để xúc tiến việc này, giờ đây chúng tôi, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Hội Đồng Mười Hai Vị Sứ Đồ, công bố một bản tuyên ngôn cùng Giáo Hội và cùng thế giới như là một lời tuyên bố và tái khẳng định các tiêu chuẩn, giáo lý, và thủ tục liên quan tới gia đình mà các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải của Giáo Hội đã đề cập đến nhiều lần trong suốt lịch sử của Giáo Hội. (“Stand Strong against the Wiles of the World,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 100)

Hình Ảnh
các khung ảnh với hình gia đình và bản tuyên ngôn về gia đình

Đoạn trích sau đây từ tiểu sử của Chủ Tịch Nelson mô tả điều Chúa đã cho phép Các Vị Sứ Đồ của Ngài trông thấy để đưa đến việc viết ra bản tuyên ngôn về gia đình:

“Một ngày nọ vào năm 1994, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dành ra một ngày trong phòng hội đồng trong Đền Thờ Salt Lake [để] thảo luận về những vấn đề liên quan tới gia đình. Họ xem xét mọi điều từ việc hình ảnh sách báo khiêu dâm dường như có ở khắp mọi nơi đến nhiều luật lệ có khả năng chống lại gia đình. Đây không phải là [một] cuộc thảo luận mới, nhưng ngày hôm đó, toàn bộ [nội dung cuộc họp] tập trung vào chủ đề quan trọng này.

Mười Hai Vị Sứ Đồ đã xem lại các giáo lý lẫn chính sách, cân nhắc những điều mà không thể thay đổi—[tức là] giáo lý—và những điều mà có thể thay đổi—[tức là] các chính sách. Họ thảo luận những vấn đề họ thấy sắp xảy đến, kể cả áp lực đang gia tăng từ xã hội để chấp nhận hôn nhân đồng tính và quyền của người [chuyển giới]. Anh Cả Nelson giải thích: “Nhưng những gì chúng tôi thấy được không chấm dứt ở đó. Chúng tôi còn thấy nhiều cộng đồng khác nhau cố gắng bỏ đi tất cả mọi tiêu chuẩn và giới hạn về hoạt động tình dục. Chúng tôi thấy sự rối loạn về giới tính. Chúng tôi đã có thể thấy tất cả những điều đó [sắp] xảy ra.”

Cuộc thảo luận mở rộng này, cùng với nhiều cuộc thảo luận khác trong một thời gian, đã dẫn đến kết luận rằng Mười Hai Vị Sứ Đồ cần chuẩn bị một văn kiện, thậm chí có lẽ là một bản tuyên ngôn, vạch rõ lập trường của Giáo Hội về gia đình để đệ trình lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn xem xét. (Sheri Dew, Insights from a Prophet’s Life: Russell M. Nelson [năm 2019], trang 208)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Điều gì nổi bật đối với anh chị em từ câu phát biểu của Chủ Tịch Hinckley và lời kể của Chủ Tịch Nelson? Việc công bố bản tuyên ngôn về gia đình cho thấy vai trò của các vị tiên tri với tư cách là những người canh gác trên tháp như thế nào?

Phần 3

Làm thế nào tôi có thể tiếp nhận và hưởng ứng một cách trung tín với những lời của các vị tiên tri của Chúa?

Hình Ảnh
một người phụ nữ đang ghi chép trong khi xem đại hội trung ương

Tại quê nhà của Ngài ở Na Xa Rét, Đấng Cứu Rỗi đã bị chối bỏ khi Ngài tuyên bố rằng Ngài là Đấng Mê Si đã được hứa. Để đáp lại nhiều nỗi nghi ngờ, Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Không có một đấng tiên tri nào được trọng đãi trong quê hương mình” (Lu Ca 4:24).

Tương tự, trong thời kỳ của chúng ta, một số người chọn không chấp nhận các vị tiên tri của Chúa. Đôi khi, anh chị em thậm chí có thể thấy khó để hiểu hoặc làm theo lời khuyên bảo và giảng dạy của các vị tiên tri ở thời hiện đại.

Vào ngày mà Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được tổ chức, Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được một điều mặc khải từ Chúa về một lệnh truyền và lời hứa cho các tín hữu của Giáo Hội của Ngài.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 21:4–6 (lưu ý rằng các câu này nói đến Tiên Tri Joseph Smith và, mở rộng ra, có thể được áp dụng cho Vị Chủ Tịch hiện tại của Giáo Hội của Chúa). Hãy tìm kiếm xem các tín hữu Giáo Hội cần phải ra sao để tiếp nhận lời của vị tiên tri và các phước lành mà Chúa hứa khi chúng ta làm như vậy. (Lưu ý: Một ý nghĩa của từ rung chuyển trong câu 6 là việc một cái gì đó sẽ thoát ra hoặc bung ra từ một thùng chứa hoặc vật chống đỡ [xin xem Merriam-Webster.com Dictionary, “shake”]. Vì thế, một cách giải thích câu này là khi Chúa khiến “các tầng trời sẽ rung chuyển vì lợi ích [của chúng ta],” Ngài đang ban cho những điều mặc khải và những phước lành, trút chúng xuống trên những ai vâng theo các vị tiên tri tại thế của Ngài.)

Hình Ảnh
các tín hữu giơ tay tán trợ

Hãy nghĩ về ý nghĩa của việc tiếp nhận lời của Chúa qua các vị tiên tri “với tất cả lòng kiên nhẫn và đức tin” (câu 5). Cũng hãy suy ngẫm về các phước lành đã được hứa khi làm như vậy. Thánh thư có nhiều câu chuyện về những người chọn thực hành tính kiên nhẫn và đức tin vào lời của các vị tiên tri. Hãy chọn một hoặc nhiều đoạn thánh thư sau đây để nghiên cứu:

  • 1 Nê Phi 2:11–16 (Nê Phi rời Giê Ru Sa Lem theo sự chỉ dẫn của tiên tri Lê Hi)

  • 1 Các Vua 17:8–24 (người đàn bà góa ở thành Sa Rép Ta làm theo yêu cầu của tiên tri Ê Li trong nạn đói)

  • 2 Các Vua 5:9–14 (Na A Man, người Sy Ri, tìm cách được chữa lành khỏi bệnh phong nhờ tiên tri Ê Li Sê)

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Khi nghĩ về điều anh chị em vừa đọc, hãy ghi lại những câu trả lời của mình cho các câu hỏi này trong một quyển vở hoặc ứng dụng ghi chú:

  1. Anh chị em có thể học hỏi được gì từ nỗ lực của người đó để tiếp nhận lời của một vị tiên tri với sự kiên nhẫn và đức tin?

  2. Tại sao có thể khó để tiếp nhận và nghe theo lời của vị tiên tri của Chúa trong những tình huống này?

  3. Anh chị em học được điều gì về Chúa qua điều Ngài yêu cầu ở người mà anh chị em đã đọc?

Trong khi phục vụ với tư cách là Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, Chị Carol F. McConkie đã lưu ý:

Hình Ảnh
Chị Carol F. McConkie

Theo các tiêu chuẩn của thế gian, việc noi theo vị tiên tri có thể không được ai thích, không sáng suốt về mặt chính trị, hoặc không được xã hội chấp nhận. Nhưng việc tuân theo vị tiên tri thì luôn luôn đúng. (“Sống Theo Những Lời Nói của Các Vị Tiên Tri,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 78)

Chúng ta có thể tin chắc vào việc tuân theo các vị tiên tri của Chúa.