Viện Giáo Lý
Bài Học 25 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Hối Cải và Tha Thứ trong Cuộc Sống Gia Đình


“Bài Học 25 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Hối Cải và Tha Thứ trong Cuộc Sống Gia Đình,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 25 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
The Prodigal Son (Đứa Con Trai Hoang Phí), tranh do Clark Kelley Price họa

Bài Học 25 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Sự Hối Cải và Tha Thứ trong Cuộc Sống Gia Đình

“Các cuộc hôn nhân và các gia đình thành công được thiết lập và duy trì trên các nguyên tắc” phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Hai trong số các nguyên tắc này là hối cải và tha thứ. Các nguyên tắc này đóng vai trò gì trong cuộc sống gia đình của anh chị em? Khi anh chị em học tài liệu này, hãy xem xét cách Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp đỡ anh chị em trong nỗ lực của anh chị em để hối cải những điều sai trái hoặc sự phật lòng mà anh chị em có thể đã gây ra cho những người trong gia đình mình. Cũng hãy xem xét cách Đấng Cứu Rỗi có thể giúp đỡ anh chị em tha thứ cho những người trong gia đình mà có thể làm anh chị em bực tức hoặc tổn thương.

Phần 1

Sự hối cải của tôi có thể ban phước cho gia đình tôi như thế nào?

Trong khi phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi, Chị Cheryl A. Esplin đã dạy:

Hình Ảnh
Chị Cheryl A. Esplin

Chúa tạo ra gia đình trên thế gian nhằm giúp chúng ta học hỏi và sống theo phúc âm. (“Làm Tràn Đầy Nhà Chúng Ta với Ánh Sáng và Lẽ Thật,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 8)

Khi chúng ta cố gắng học hỏi và sống theo phúc âm của Đấng Cứu Rỗi trong nhà mình, sẽ có những lúc chúng ta phạm sai lầm. Mặc dù gia đình nào cũng có những bất đồng và những điều làm phật lòng nhau, nhưng như thế không có nghĩa là mọi người trong gia đình được miễn trở nên giống như Đấng Ky Tô trong cách chúng ta đối xử với nhau. Đúng hơn, những sai lầm cho chúng ta cơ hội để thực hành các nguyên tắc phúc âm về sự hối cải và tha thứ trong gia đình mình.

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích ý nghĩa của sự hối cải:

Hình Ảnh
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf

Sự hối cải có nghĩa là thay đổi tâm trí—chúng ta ngừng làm những điều sai trái và bắt đầu làm những điều đúng. Điều đó mang đến cho chúng ta một thái độ mới mẻ đối với Thượng Đế, đối với bản thân và cuộc sống nói chung. (“Điểm Trở Về An Toàn,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 100)

Đấng Cứu Rỗi kể một truyện ngụ ngôn về một người con trai đã cần phải hối cải vì những lựa chọn mà gây tổn hại cho bản thân và gia đình anh ta. Người con trai này đã sớm xin phần thừa kế của mình và phung phí gia tài đó với lối sống hoang phí. Nghèo khổ và đói khát, anh ta bắt đầu đi chăn heo và thậm chí còn tuyệt vọng đến mức phải ăn thức ăn của heo. (Xin xem Lu Ca 15:11–16.)

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Lu Ca 15:17–24, và cân nhắc đánh dấu các nguyên tắc anh chị em học được về sự hối cải trong cuộc sống gia đình.

Hình Ảnh
người cha vội vàng chạy đến ôm đứa con trai hoang phí

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về cách chúng ta và mọi người trong gia đình mình có thể được ban phước nhờ sự hối cải của chúng ta:

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Sự hối cải không những thay đổi chúng ta, mà còn ban phước cho gia đình và những người chúng ta yêu thương. Với sự hối cải ngay chính, theo kỳ định của Chúa, vòng tay dang rộng của Đấng Cứu Rỗi sẽ không những bao bọc chúng ta mà còn vươn ra đến cuộc sống của con cháu chúng ta. Sự hối cải luôn luôn có nghĩa rằng có một hạnh phúc lớn lao hơn trước mắt. (“Hối Cải … Để Ta Có Thể Chữa Lành Các Ngươi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 42)

Trong khi phục vụ với tư cách là thành viên trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, Anh Cả L. Whitney Clayton đã dạy việc thường xuyên tự kiểm điểm và hối cải kịp thời có thể ban phước cho hôn nhân như thế nào. Hãy xem xét những thói quen này có thể giúp ích như thế nào trong tất cả các mối quan hệ gia đình của anh chị em:

Hình Ảnh
Anh Cả L. Whitney Clayton

Tôi nhận thấy rằng hạnh phúc trong hôn nhân dựa vào ân tứ hối cải. Sự hối cải là một yếu tố thiết yếu trong tất cả các mối quan hệ hôn nhân tích cực. [Những cặp vợ chồng nào] thường xuyên tự xem xét và nhanh chóng thực hiện các bước cần thiết để hối cải [thì] có được kinh nghiệm tốt hơn để hàn gắn [cuộc] hôn nhân của họ. (“Hôn Nhân: Hãy Quan Sát và Học Hỏi,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 84)

Hình Ảnh
một người thành niên trẻ tuổi đang suy ngẫm
Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Dành ra một vài phút để cho học viên thành thật tự kiểm điểm bản thân. Anh chị em có cần hối cải về bất kỳ lựa chọn nào mà đã gây tổn thương hoặc đang gây tổn thương các mối quan hệ với bất kỳ người nào trong gia đình không? Nếu vậy thì anh chị em có thể làm gì để tìm đến Chúa và bắt đầu tiến trình này? Cũng hãy cân nhắc những lựa chọn anh chị em đang đưa ra mà ban phước cho các mối quan hệ của anh chị em với mọi người trong gia đình mình và cách anh chị em có thể tiếp tục đưa ra những lựa chọn tương tự.

Phần 2

Làm sao tôi có thể tha thứ cho một người trong gia đình mà đã đối xử không phải với tôi?

Trong truyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi về đứa con trai hoang phí, người con trai cả từ chối không tham gia bữa tiệc được tổ chức để chào mừng em mình trở về (xin xem Lu Ca 15:25–32). Giống như người con trai cả này, sẽ có những lúc chúng ta cần áp dụng lời khuyên bảo sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Hãy để cho người ta hối cải. Hãy để cho người ta tiến triển. Hãy tin rằng con người ta có thể thay đổi và cải thiện. (“‘Remember Lot’s Wife’: Faith Is for the Future” [buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 13 tháng Một năm 2009], speeches.byu.edu)

Cũng giống như có những lúc anh chị em có thể cần phải tìm kiếm sự tha thứ từ một người thân trong gia đình, đôi khi anh chị em có thể cần phải rộng lòng tha thứ cho một người thân trong gia đình mà đã làm mình phật lòng hoặc bị tổn thương.

Hình Ảnh
một cặp nam nữ đang trò chuyện
Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 64:8–11, tìm kiếm những điều Chúa đã dạy cho Các Thánh Hữu Ngày Sau thời kỳ đầu.

Sau khi trích dẫn một phần của đoạn thánh thư này, Anh Cả Holland đã giải thích:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Điều quan trọng đối với một số người trong số anh chị em đang sống trong đau khổ là hãy để ý đến điều [Chúa] không nói. Ngài không nói rằng: “Các ngươi không được phép cảm thấy nỗi đau hoặc sự đau khổ thật sự từ những kinh nghiệm đầy tổn thương do người khác gây ra.” Ngài cũng không nói rằng: “Để được hoàn toàn tha thứ, các ngươi phải tiếp tục một mối quan hệ không lành mạnh hoặc quay trở về tình trạng bị ngược đãi, bị tổn thương.” Nhưng ngay cả khi những hành vi xúc phạm nặng nề nhất có thể xảy đến, chúng ta có thể vượt lên khỏi nỗi đau của mình chỉ khi nào chúng ta đặt chân lên trên con đường của sự chữa lành thật sự. Con đường đó là con đường đầy vị tha mà Chúa Giê Su của Na Xa Rét đã đi [qua]. Ngài là Đấng mời gọi mỗi người chúng ta: “Hãy đến mà theo Ta” [Lu Ca 18:22]. (“Chức Vụ Giảng Hòa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 79)

Hình Ảnh
một người thành niên trẻ tuổi đang cầu nguyện

Thỉnh thoảng anh chị em có thể cảm thấy miễn cưỡng hoặc không thể tha thứ được. Hoặc anh chị em có thể cảm thấy khoảng cách giữa anh chị em và một người thân trong gia đình là quá lớn để mối quan hệ đó được hòa giải. Hãy cân nhắc cách mà lời khuyên bảo sau đây của Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn có thể giúp anh chị em trong nỗ lực của mình để tha thứ:

Hình Ảnh
Chủ Tịch James E. Faust

Chúng ta cần phải nhận ra và thừa nhận những cảm nghĩ tức giận. Sẽ phải có lòng khiêm nhường để làm điều này, nhưng nếu chúng ta chịu quỳ xuống và cầu xin Cha Thiên Thượng ban cho một cảm nghĩ tha thứ, thì Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta. …

…Không phải là điều dễ dàng để quên đi và trút nỗi oán giận day dứt ra khỏi lòng mình. Đấng Cứu Rỗi đã ban cho tất cả chúng ta một sự bình an quý báu nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra được khi chúng ta sẵn lòng loại bỏ những cảm nghĩ tiêu cực, tức giận, thù oán hoặc trả thù. (“Quyền Năng Chữa Lành của Sự Tha Thứ,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 69)

Anh Cả Massimo De Feo thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào Đấng Cứu Rỗi:

Hình Ảnh
Anh Cả Massimo De Feo

Các anh chị em thân mến của tôi, nếu các anh chị em đang vật lộn để tìm kiếm sức mạnh cho việc tha thứ, thì đừng suy nghĩ về những điều người khác đã làm cho anh chị em, mà hãy nghĩ về những điều Chúa đã làm cho anh chị em, và anh chị em sẽ tìm thấy sự bình an trong những phước lành cứu chuộc của Sự Chuộc Tội của Ngài. (“Tình Yêu Thương Thanh Khiết: Dấu Hiệu Thực Sự của Mỗi Môn Đồ Chân Chính của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 82)

Sự tha thứ và chữa lành có thể mất nhiều thời gian. Hãy kiên nhẫn với bản thân mình khi anh chị em tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa và ân tứ chữa lành của Ngài.

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi lại

Ghi Lại Những Suy Nghĩ của Anh Chị Em

Xem xét những gì anh chị em đã học và cảm nhận được trong khi học tài liệu này. Ghi lại những mong muốn hoặc mục tiêu của anh chị em liên quan đến sự hối cải và sự tha thứ trong cuộc sống gia đình của anh chị em. Anh chị em có thể mời Đấng Cứu Rỗi giúp đỡ trong nỗ lực của mình như thế nào?