2023
“Ta Ban Sự Bình An Ta cho Các Ngươi”
Tháng Ba năm 2023


“Ta Ban Sự Bình An Ta cho Các Ngươi,” Liahona, tháng Ba năm 2023.

“Ta Ban Sự Bình An Ta cho Các Ngươi”

Cũng chính những lời Chúa Giê Su đã phán trên Biển Ga Li Lê trong đêm giông bão đó, Ngài phán cùng chúng ta trong những cơn bão tố của cuộc đời: “Hãy êm đi, lặng đi.”

Hình Ảnh
mưa rơi trên đại dương

Hình ảnh từ Getty Images

Đối với gia đình tôi và tôi, mùa đông lạnh lẽo năm 1944 là khoảng thời gian đầy sợ hãi và biến động. Vì cha tôi ở mặt trận phía tây xa xôi, mẹ tôi phải vất vả để cho bốn đứa con của mình được ăn no mặc ấm giữa lúc chiến tranh đe dọa ngôi nhà của chúng tôi ở Tiệp Khắc.

Mối nguy hiểm ngày càng cận kề hơn. Cuối cùng, mẹ tôi quyết định chạy trốn đến nhà của cha mẹ bà ở miền đông nước Đức. Bằng cách nào đó, bà đã xoay sở để đưa được tất cả chúng tôi lên một trong những chuyến tàu tị nạn cuối cùng hướng về miền tây. Các vụ nổ gần đó, những gương mặt lo âu, và những cái bụng đói cồn cào nhắc nhở mọi người trên tàu nhớ rằng chúng tôi đang đi qua vùng chiến sự.

Một đêm nọ sau khi đoàn tàu của chúng tôi dừng lại để lấy đồ tiếp tế, mẹ tôi vội vã xuống tàu để đi tìm thức ăn. Khi trở lại, bà kinh hoàng thấy rằng đoàn tàu chở mấy đứa con của bà đã rời khỏi!

Lo lắng tột độ, bà tìm đến Thượng Đế trong lời cầu nguyện tuyệt vọng và rồi cuống cuồng bắt đầu tìm kiếm chúng tôi ở nơi nhà ga tối tăm. Bà chạy từ đường ray này đến đường ray khác và từ đoàn tàu này sang đoàn tàu nọ. Bà biết rằng nếu đoàn tàu rời đi trước khi bà tìm được thì bà có thể không bao giờ gặp lại chúng tôi nữa.

Những Cơn Bão Tố trong Cuộc Đời Của Chúng Ta

Trong giáo vụ trên trần thế của Đấng Cứu Rỗi, các môn đồ của Ngài đã học được rằng Ngài có thể làm dịu những cơn bão tố trong cuộc đời của chúng ta. Một tối nọ, sau khi dành cả ngày giảng dạy bên bờ biển, Chúa đã nói cùng họ rằng: “hãy qua bờ bên kia” Biển Ga Li Lê (Mác 4:35).

Sau khi họ rời đi, Chúa Giê Su tìm một chỗ nghỉ trên thuyền và ngủ thiếp đi. Chẳng bao lâu sau, bầu trời tối sầm lại, “vả, có cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt vào thuyền, đến nỗi gần đầy nước” (xin xem Mác 4:37–38).

Chúng ta không biết các môn đồ đã phải vật lộn trước cơn bão trong bao lâu để giữ chiếc thuyền không bị đắm, nhưng cuối cùng họ không thể đợi được nữa. Họ hoảng sợ kêu gào rằng: “Thầy ôi, Thầy không lo chúng ta chết sao?” (Mác 4:38).

Tất cả chúng ta đều phải đương đầu với những cơn bão bất ngờ. Trong cuộc sống trần thế đầy những khó khăn và thử thách, chúng ta có thể cảm thấy đau khổ, chán nản, và thất vọng. Lòng chúng ta vụn vỡ vì chính chúng ta và những người chúng ta yêu thương. Chúng ta lo lắng, sợ hãi và đôi lúc đánh mất hy vọng. Trong những lúc như thế, chúng ta có thể kêu gào rằng, “Thầy ôi, Thầy không lo tôi chết sao?”

Khi còn niên thiếu, một trong những bài thánh ca yêu thích của tôi là “Master, the Tempest Is Raging.”1 Tôi có thể hình dung mình ở trong con thuyền đó khi “sóng [đang] tạt vào thuyền.” Phần chính yếu và hay nhất của bài thánh ca là câu tiếp theo: “Sóng và gió đều nghe theo ý Ngài: Hãy êm đi, lặng đi.” Rồi tiếp đến là một sứ điệp quan trọng: “Chẳng có biển cả nào có thể nhấn chìm con thuyền nơi Đấng Thầy của đại dương, trái đất và bầu trời đang nằm đó.”

Nếu chúng ta chào đón Chúa Giê Su Ky Tô, Hoàng Tử Bình An, vào thuyền của mình, thì chúng ta không cần phải sợ hãi. Chúng ta sẽ biết rằng chúng ta có thể tìm thấy sự bình an giữa những cơn bão trong lòng và xung quanh chúng ta. Sau khi các môn đồ của Ngài kêu cầu Ngài giúp họ, Chúa Giê Su “thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi. Gió liền dứt và đều yên lặng như tờ” (Mác 4:39).

Cũng chính những lời Chúa Giê Su đã phán trên Biển Ga Li Lê trong đêm giông bão đó, Ngài phán cùng chúng ta trong những cơn bão tố của cuộc đời: “Hãy êm đi, lặng đi.”

“Chẳng Phải như Thế Gian Cho”

Cùng với các môn đồ, chúng ta có thể hỏi rằng: “Vậy thì người nầy là ai, mà gió và biển đều vâng lịnh người?” (Mác 4:41).

Chúa Giê Su không giống như bất kỳ ai. Là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Ngài được kêu gọi để làm tròn sứ mệnh mà không một ai khác có thể làm tròn.

Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, và theo một cách thức mà chúng ta không thể hiểu hết, Đấng Cứu Rỗi đã mang lấy “mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ” (An Ma 7:11) và “gánh nặng chồng chất của tất cả mọi tội lỗi trên trần thế.”2

Mặc dù Ngài không mắc nợ công lý, nhưng Ngài đã chịu đựng “trước pháp luật trọn vẹn” (An Ma 34:16). Theo lời của Chủ Tịch Boyd K. Packer (1924–2015), Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ rằng: “Ngài không làm điều gì sai. Tuy nhiên, một sự tích lũy tất cả mọi mặc cảm tội lỗi, nỗi sầu khổ và buồn phiền, nỗi đau đớn và nhục nhã, tất cả nỗi dày vò về tinh thần, tình cảm và thể chất mà con người biết được—Ngài đều trải qua tất cả.”3 Và Ngài đã vượt qua tất cả những điều đó.

An Ma đã tiên tri rằng Đấng Cứu Rỗi “sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:12).

Ngài là một món quà thiêng liêng được sinh ra trong nỗi đau đớn tột cùng, và vì tình yêu thương dành cho chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô đã trả cái giá để cứu chuộc, củng cố, và cứu rỗi chúng ta. Chỉ nhờ vào Sự Chuộc Tội mà chúng ta mới có thể tìm thấy sự bình an mà chúng ta rất muốn và cần có trong cuộc sống này. Như Đấng Cứu Rỗi đã hứa: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).

Hình Ảnh
ảnh Chúa Giê Su Ky Tô

Cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô cho chúng ta những cách thức để cảm nhận được sự bình an của Ngài nếu chúng ta hướng về Ngài.

Christ’s Image (Hình Ảnh Đấng Ky Tô), tranh do Heinrich Hofmann họa

Những Cách Thức dẫn đến Sự Bình An

Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng điều khiển các nguyên tố, cũng có thể làm nhẹ gánh nặng của chúng ta. Ngài có quyền năng để chữa lành các cá nhân và mang lại hòa bình cho các quốc gia. Ngài đã cho chúng ta thấy con đường dẫn đến sự bình an thật sự, vì Ngài là “Hoàng Tử Bình An” (Ê Sai 9:6). Sự bình an mà Đấng Cứu Rỗi ban cho có thể thay đổi cuộc sống của tất cả nhân loại nếu con cái của Thượng Đế cho phép điều đó xảy ra. Cuộc sống và những lời giảng dạy của Ngài ban cho chúng ta những cách thức để cảm nhận được sự bình an của Ngài nếu chúng ta hướng về Ngài.

Ngài phán rằng: “Hãy học hỏi nơi ta và lắng nghe những lời của ta; hãy bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh ta, rồi ngươi sẽ có được sự bình an trong ta” (Giáo Lý và Giao Ước 19:23).

Chúng ta học hỏi nơi Ngài khi hướng tâm hồn mình lên Ngài bằng lời cầu nguyện chân thành, học hỏi về cuộc đời và những lời giảng dạy của Ngài, và “đứng vững … tại những nơi thánh thiện,” kể cả đền thờ (Giáo Lý và Giao Ước 87:8, xin xem thêm 45:32). Hãy đến ngôi nhà của Chúa càng thường xuyên càng tốt. Đền thờ là một nơi ẩn náu bình an khỏi những cơn bão tố đang ngày càng tăng trong thời kỳ của chúng ta.

Người bạn yêu quý của tôi là Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) đã dạy rằng: “Khi chúng ta đi vào [đền thờ], và ghi nhớ các giao ước mình đã lập trong đó, thì chúng ta sẽ có thể chịu đựng mọi thử thách và khắc phục mọi cám dỗ. Đền thờ cung ứng mục đích cho cuộc sống của chúng ta. Đền thờ mang sự bình an đến cho tâm hồn của chúng ta—chứ không phải sự bình an do loài người cung ứng mà là sự bình an đã được Vị Nam Tử của Thượng Đế hứa.”4

Chúng ta lắng nghe lời Ngài khi chú ý đến những lời giảng dạy của Ngài trong thánh thư và từ các vị tiên tri tại thế của Ngài, noi theo gương Ngài, và đến với Giáo Hội của Ngài, nơi mà chúng ta được kết tình thân hữu, được giảng dạy và được nuôi dưỡng bằng lời tốt đẹp của Thượng Đế.

Chúng ta bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh Ngài khi yêu thương như Ngài đã yêu thương, tha thứ như Ngài đã tha thứ, hối cải, và làm cho ngôi nhà của chúng ta thành nơi mà chúng ta có thể cảm nhận được Thánh Linh của Ngài. Chúng ta cũng bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh Ngài khi giúp đỡ người khác, hân hoan phục vụ Thượng Đế, và cố gắng trở thành “những tín đồ hiền hòa của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:3).

Các bước đi này của đức tin và việc làm dẫn đến sự ngay chính, ban phước cho chúng ta trên cuộc hành trình làm môn đồ của mình, và mang đến cho chúng ta sự bình an và mục đích vĩnh cửu.

“Các Ngươi Có Lòng Bình Yên trong Ta”

Vào cái đêm tối tăm ở nhà ga xe lửa nghiệt ngã cách đây nhiều năm, mẹ tôi phải đối mặt với một lựa chọn. Bà có thể ngồi than khóc về nghịch cảnh đau thương lạc mất đàn con của mình, hoặc bà có thể biến đức tin và hy vọng của mình thành hành động. Tôi biết ơn vì đức tin của bà đã chiến thắng nỗi sợ hãi, và niềm hy vọng của bà đã khắc phục nỗi tuyệt vọng.

Cuối cùng, bà đã tìm thấy đoàn tàu của chúng tôi ở một khu vực hẻo lánh của nhà ga. Cuối cùng, ở nơi đó, chúng tôi đã được đoàn tụ. Đêm ấy, và trong bao ngày đêm giông bão sắp tới, tấm gương của mẹ tôi về việc đặt đức tin vào hành động đã tiếp sức cho chúng tôi khi chúng tôi hy vọng và nỗ lực cho một tương lai tươi sáng hơn.

Ngày nay, nhiều người trong số con cái của Thượng Đế cũng thấy rằng đoàn tàu của họ cũng đã chuyển sang đường ray khác. Những hy vọng và mơ ước của họ về tương lai đã bị đánh mất bởi chiến tranh, dịch bệnh, cùng việc mất đi sức khỏe, việc làm, cơ hội học vấn, và những người thân yêu. Họ chán nản, cô đơn, lạc lõng.

Các anh chị em và bạn bè thân mến, tất cả chúng ta đều có những lúc nguy nan. Các quốc gia bị rối ren, sự đoán phạt trong xứ và hòa bình đã bị cất khỏi thế gian (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:35; 88:79). Cho dù chúng ta gặp đau khổ, đau buồn, và phải trông đợi Chúa thì sự bình an vẫn ở trong lòng chúng ta.

Nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp ứng. Mặc dù mọi việc đều theo kỳ định của Thượng Đế, nhưng tôi làm chứng rằng những ước muốn ngay chính của chúng ta một ngày nào đó sẽ được thực hiện và rằng tất cả những mất mát của chúng ta sẽ được bù đắp, miễn là chúng ta sử dụng ân tứ thiêng liêng về sự hối cải và tiếp tục trung tín.5

Chúng ta sẽ được chữa lành—về mặt thể chất lẫn thuộc linh.

Chúng ta sẽ đứng một cách thanh sạch và thánh thiện trước rào phán xét.

Chúng ta sẽ được đoàn tụ với những người thân yêu trong sự phục sinh vinh quang.

Cho đến khi đó, tôi cầu xin cho chúng ta được an ủi và khích lệ khi trông cậy vào lời hứa của Đấng Cứu Rỗi rằng: “Các ngươi có lòng bình yên trong ta” (Giăng 16:33).