Viện Giáo Lý
Bài Học 15 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Lệnh Truyền Phải Sinh Sôi Nẩy Nở và Làm Cho Đầy Dẫy Trái Đất


“Bài Học 15 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Lệnh Truyền Phải Sinh Sôi Nẩy Nở và Làm Cho Đầy Dẫy Trái Đất,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài học 15 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
một đứa bé cùng với cha mẹ

Bài học 15 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Lệnh Truyền Phải Sinh Sôi Nẩy Nở và Làm Cho Đầy Dẫy Trái Đất

Anh chị em có hy vọng hoặc lo lắng gì về việc có con cái? Khi anh chị em học tài liệu sau đây, hãy cầu nguyện để gia tăng sự hiểu biết của anh chị em về các mục đích thiêng liêng mà đã được làm tròn trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng khi người chồng và người vợ chọn có con cái. Cân nhắc cách mà hai vợ chồng có thể hành động với đức tin để tôn trọng lệnh truyền thiêng liêng là phải sinh sôi nảy nở và làm cho đầy dẫy trái đất.

Phần 1

Việc có con cái đóng vai trò gì trong kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng?

Hãy nghĩ về những quan điểm khác nhau mà anh chị em đã từng nghe mọi người bày tỏ về việc có con cái. Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ một quan điểm của mẹ ông:

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Trên thế giới ngày nay có nhiều tiếng nói xem thường tầm quan trọng của việc có con cái hoặc đề nghị trì hoãn hay giới hạn số con trong một gia đình. Mới đây, các con gái của tôi nói cho tôi biết về một [trang blog] của một người mẹ Ky Tô hữu (không thuộc tín ngưỡng của chúng ta) có năm con. Người mẹ này viết rằng: “[Vì lớn] lên trong nền văn hóa này nên rất khó để có được một viễn cảnh như Kinh Thánh dạy về vai trò làm mẹ. … Việc có con cái bị [xếp] hạng dưới cả học vấn. Chắc chắn là dưới cả việc đi du lịch khắp thế giới. Dưới cả việc đi chơi buổi tối lúc rảnh rỗi. Dưới cả việc tập thể dục thẩm mỹ cho thân thể tại phòng tập thể thao. Dưới cả bất cứ công ăn việc làm [nào đang có hoặc hy vọng có được] nữa.” Rồi người mẹ ấy viết thêm: “Vai trò làm mẹ không phải là một thú tiêu khiển, mà là một sự kêu gọi. Ta không sưu tầm con cái vì ta thấy chúng xinh xắn hơn tem thư. Đó không phải là một điều gì đấy để làm nếu ta có thể nhét việc đó vào trong lịch trình bận rộn của mình. Việc có con cái là điều Thượng Đế ban cho ta thời giờ để làm” [Rachel Jankovic, “Motherhood Is a Calling (and Where Your Children Rank),” ngày 14 tháng Bảy năm 2011, desiringgod.org]. (“Con Cái,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 28)

Sau khi Thượng Đế tạo ra A Đam và Ê Va và cùng tham gia với họ trong giao ước mới và vĩnh cửu của hôn nhân, Ngài đã ban cho họ một lệnh truyền.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Sáng Thế Ký 1:27–28, và suy nghĩ về tầm quan trọng của lệnh truyền này khi là lệnh truyền đầu tiên mà Thượng Đế ban cho A Đam và Ê Va.

Các vị tiên tri ngày sau đã nhấn mạnh: “Lệnh truyền đầu tiên mà Thượng Đế ban cho A Đam và Ê Va liên quan đến tiềm năng làm cha mẹ của họ với tư cách là vợ chồng. Chúng tôi tuyên bố rằng lệnh truyền của Thượng Đế cho con cái của Ngài là phải sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy trái đất, thì vẫn còn hiệu lực” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org).

Hãy nghĩ về lý do mà lệnh truyền này cần phải được khẳng định lại trong thời kỳ của chúng ta. Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy rằng “Sự chống đối mãnh liệt nhất của Sa Tan là nhắm vào bất cứ điều gì quan trọng nhất đối với kế hoạch của Thượng Đế.” Sự chống đối này bao gồm cả việc tìm cách để “ngăn cản việc sinh đẻ con cái—đặc biệt với các cha mẹ sẽ nuôi dạy con cái trong lẽ thật” (“Lẽ Thật và Kế Hoạch,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 27).

Hình Ảnh
một người cha và mẹ mặc đồ cho đứa bé của họ

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô ban phước cho chúng ta với một quan điểm thiêng liêng về tầm quan trọng của con cái (xin xem, ví dụ, Thi Thiên 127:3Ma Thi Ơ 19:13–15). Anh Cả Andersen đã dạy:

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Thật là một đặc ân tột bực đối với một cặp vợ chồng để có thể sinh con cái nhằm cung ứng thể xác hữu diệt cho các con cái linh hồn này của Thượng Đế. …

Khi một đứa con được một cặp vợ chồng sinh ra, thì họ đã làm tròn phần vụ trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng để mang con cái đến thế gian. Chúa phán: “Đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” [Môi Se 1:39]. Trước khi có sự bất diệt, phải có sự hữu diệt. (“Con Cái,” trang 28)

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng việc có con cái là một phần mục đích của cuộc sống trần thế:

Hình Ảnh
Chủ Tịch M. Russell Ballard

Mục đích của cuộc sống trần thế là để trở nên giống Thượng Đế hơn bằng cách có được thể xác hữu diệt, thực hành quyền tự quyết, và đảm nhận vai trò mà trước đây chỉ thuộc về cha mẹ thiên thượng—vai trò của người chồng, người vợ, và của cha mẹ. …

…Một mục đích chính yếu của cuộc sống trần thế là chúng ta có thể tự mình tái tạo kinh nghiệm đó của gia đình, nhưng lần này với tư cách là cha mẹ thay vì chỉ là con cái. …

Cha Thiên Thượng muốn chúng ta … vâng theo lệnh truyền đầu tiên của Ngài là phải “sinh sản, thêm nhiều, và làm cho đầy dẫy đất ”—không chỉ để làm tròn kế hoạch của Ngài mà còn để tìm được niềm vui mà kế hoạch của Ngài được tạo ra để ban cho các con trai và con gái của Ngài. (“The Opportunities and Responsibilities of CES Teachers in the 21st Century” [buổi họp tối với Vị Thẩm Quyền Trung Ương, ngày 26 tháng Hai năm 2016], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

Hình Ảnh
biểu tượng, thảo luận

Thảo Luận để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Thảo luận những câu hỏi sau đây với một người đã có con. Nếu anh chị em đã kết hôn và có con, thì hãy cân nhắc thảo luận các câu hỏi này với người phối ngẫu của mình.

  • Anh chị em đã học hỏi được gì về Cha Thiên Thượng từ kinh nghiệm của anh chị em với tư cách là cha mẹ?

  • Cuộc sống của anh chị em đã trở nên phong phú hơn như thế nào khi được làm cha mẹ?

Phần 2

Làm sao vợ chồng tôi có thể quyết định khi nào thì nên có con và có bao nhiêu con?

Các cặp vợ chồng đã kết hôn đương đầu với những câu hỏi quan trọng về khi nào thì nên có con và có bao nhiêu con.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc An Ma 37:37, và tìm kiếm lời khuyên bảo có thể giúp một cặp vợ chồng đã kết hôn để đưa ra những quyết định này.

Anh Cả Andersen đã đề cập đến tầm quan trọng của việc cầu vấn Chúa khi đưa ra những quyết định này:

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Việc khi nào thì nên có con và có bao nhiêu con là những quyết định riêng giữa người chồng, người vợ và Chúa. Đây là những quyết định thiêng liêng—những quyết định mà cần phải được chọn với lời cầu nguyện chân thành và làm theo với đức tin lớn lao. …

Thưa các anh chị em, chúng ta đừng nên phê phán nhau trong trách nhiệm thiêng liêng và riêng tư này. (“Con Cái,” trang 28, 30)

Hình Ảnh
một cặp vợ chồng cùng nhau cầu nguyện

Một số người có ước muốn ngay chính để có con nhưng có thể không có cơ hội đó trong cuộc sống này. Anh Cả Andersen đã dạy về đề tài này:

Hình Ảnh
Anh Cả Neil L. Andersen

Việc có con cũng có thể là một đề tài làm đau lòng các cặp vợ chồng ngay chính đã kết hôn và thấy rằng mình không thể có con như họ hằng nôn nóng mong đợi, hoặc những cặp vợ chồng dự định sẽ có một gia đình đông con nhưng được ban phước với một gia đình ít con hơn.

Chúng ta không thể luôn luôn giải thích được những khó khăn trong cuộc sống trần thế của mình. Đôi khi, cuộc đời dường như rất bất công—nhất là khi ước muốn lớn nhất của chúng ta là làm đúng theo điều Chúa đã truyền lệnh. Với tư cách là tôi tớ của Chúa, tôi cam đoan với các anh chị em rằng lời hứa này là chắc chắn: “Các tín hữu trung thành nào mà có hoàn cảnh không cho phép họ nhận được các phước lành của hôn nhân vĩnh cửu và vai trò làm cha mẹ trong cuộc sống này thì sẽ nhận được tất cả các phước lành đã được hứa trong thời vĩnh cửu, [khi] họ tuân giữ các giao ước mà họ đã lập với Thượng Đế ” [Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mục 38.1.4, ChurchofJesusChrist.org]. (“Con Cái,” trang 30)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Tại sao việc hai vợ chồng cầu vấn lên Cha Thiên Thượng về khi nào thì nên có con và có bao nhiêu con lại quan trọng?

Phần 3

Việc hiểu tính chất thiêng liêng của mạng sống trong kế hoạch của Thượng Đế có thể ảnh hưởng như thế nào đến những lựa chọn của chúng ta?

Qua các vị tiên tri tại thế, Chúa đã nhấn mạnh đến tính chất thiêng liêng của sinh mạng con người và những gì mà tất cả các con cái, gồm cả những người chưa được sinh ra, có quyền có được:

Chúng tôi xác nhận tính thiêng liêng của mạng sống và tầm quan trọng của mạng sống trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế. …

… Con cái phải được sinh ra trong vòng ràng buộc hôn nhân và được nuôi nấng bởi một người cha và một người mẹ biết tôn trọng những lời thệ ước hôn nhân với lòng chung thủy trọn vẹn. (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”)

Hình Ảnh
một em bé nhìn lên người mẹ của mình

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy về tính thiêng liêng của sinh mạng:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Không một ai có thể ôm ấp một đứa bé sơ sinh vô tội, nhìn vào đôi mắt xinh đẹp đó, sờ vào những ngón tay nhỏ nhắn đó, và hôn lên má của đứa bé mà không có được một lòng kính trọng sâu xa đối với mạng sống và đối với Đấng Sáng Tạo. Sự sống sinh ra mầm sống. Đó không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên. Đó là một ân tứ từ Thượng Đế. (“Phá Thai: Sự Tấn Công Người Không Có Khả Năng Tự Vệ,” Liahona, tháng Mười năm 2008, trang 37)

Những lời tuyên bố trong bản tuyên ngôn về gia đình lên tiếng chống lại nhiều lối thực hành đang được chấp nhận rộng rãi ngày nay, chẳng hạn như phá thai và có con ngoài giá thú. Đối với vấn đề phá thai, ở nhiều nơi trên thế giới, hành vi này được xã hội chấp nhận, và có hàng triệu ca phá thai đã được thực hiện mỗi năm.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã đưa ra chỉ dẫn sau đây về sự phá thai:

Chúa đã truyền lệnh: “Các ngươi chớ … giết người hay làm bất cứ điều gì tương tự điều này” (Giáo Lý và Giao Ước 59:6). Giáo Hội lên án việc [chọn] phá thai vì thuận tiện cho cá nhân hoặc xã hội. Các tín hữu không được phép chấp nhận, thực hiện, thu xếp, trả [tiền], đồng ý, hoặc khuyến khích một vụ phá thai. Các ngoại lệ khả thi chỉ là khi:

  • Việc mang thai là do cưỡng hiếp hoặc loạn luân.

  • Một bác sĩ giỏi xác định rằng sinh mạng hoặc sức khỏe của người mẹ đang trong tình trạng nguy kịch trầm trọng.

  • Một bác sĩ giỏi xác định rằng bào thai có các khuyết tật nghiêm trọng mà sẽ không cho phép đứa trẻ sống sót sau khi sinh.

Ngay cả trong những trường hợp này cũng [không mặc nhiên] bào chữa cho sự phá thai. Hành vi phá thai là một vấn đề nghiêm trọng nhất và chỉ nên được cân nhắc sau khi những người chịu trách nhiệm đã hội ý với các giám trợ của họ và nhận được sự xác nhận thiêng liêng qua lời cầu nguyện. (Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, mục 38.6.1)

Một số cha mẹ không kết hôn lựa chọn việc phá thai vì họ cảm thấy là họ không thể chu cấp cho con mình “sự an toàn, nuôi dưỡng, và mối quan hệ kiên định” mà đứa bé cần. Trong trường hợp này, việc cho con để người khác nuôi có thể là “một quyết định vô vị kỷ, đầy yêu thương mà ban phước cho đứa con, cha mẹ ruột, và cha mẹ nuôi trong cuộc sống này và trong suốt thời vĩnh cửu” (Lời phát biểu của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 4 tháng Mười năm 2006, như đã được trích trong Liahona, tháng Mười năm 2008, trang 37).

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em đã học được điều gì từ những lời giảng dạy về Cha Thiên Thượng của chúng ta trong phần này? Làm cách nào anh chị em có thể sử dụng những điều anh chị em biết về kế hoạch của Thượng Đế để giải thích tại sao “việc [chọn] phá thai vì thuận tiện cho cá nhân hoặc xã hội” là trái với ý muốn của Ngài? (Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, mục 38.6.1).