Viện Giáo Lý
Bài Học 12 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Vun Đắp Mối Quan Hệ Hôn Nhân


“Bài Học 12 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Vun Đắp Mối Quan Hệ Hôn Nhân,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 12 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

Hình Ảnh
hai vợ chồng hạnh phúc

Bài Học 12 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Vun Đắp Mối Quan Hệ Hôn Nhân

Anh chị em có bao giờ thấy một cặp vợ chồng với cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững và tự hỏi đâu là bí quyết cho sự thành công của họ không? Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nhận xét rằng: “Một cuộc hôn nhân tốt đẹp đòi hỏi thời gian. Nó đòi hỏi nỗ lực. Anh chị em phải bỏ công sức cho nó. Anh chị em phải vun đắp cho nó” (“Life’s Obligations,” Ensign, tháng Hai năm 1999, trang 4). Trong khi nghiên cứu giáo lý và các nguyên tắc trong bài học này, hãy suy xét điều anh chị em có thể làm để chuẩn bị bản thân cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc hoặc để vun đắp tốt hơn cuộc hôn nhân mà anh chị em đang có.

Phần 1

Tôi và người phối ngẫu của mình có thể tạo dựng một cuộc hôn nhân vĩnh cửu đầy hạnh phúc bằng cách nào?

Trong một thế giới nơi nhiều cuộc hôn nhân dường như gặp khó khăn hoặc kết thúc bằng ly hôn, một vài người có thể tự hỏi liệu hạnh phúc hôn nhân có thật sự dành cho họ không. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra sứ điệp sau đây về niềm hy vọng:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

Cho phép tôi tuyên bố một cách hùng hồn, chắc chắn, và mạnh dạn rằng những cuộc hôn nhân hạnh phúc không chỉ tồn tại mà còn phổ biến và không hề hiếm thấy.

Chị Holland và tôi là nhân chứng sống rằng anh chị em không chỉ hạnh phúc mà còn có thể hạnh phúc đến ngất ngây. …

Anh chị em phải nỗ lực trong hôn nhân. Mọi điều tốt đẹp mà tôi biết trên thế giới này đều đòi hỏi anh chị em phải nỗ lực.

Thượng Đế sẽ giúp đỡ anh chị em. Và trong số tất cả những điều trên thế giới này mà Ngài sẽ giúp đỡ anh chị em, Ngài sẽ giúp cho hôn nhân và gia đình của anh chị em, bởi vì nó quan trọng đối với Ngài, chí ít cũng bằng với tầm quan trọng của nó đối với anh chị em. (“You Asked—They Answered: Marriage and Family,” New Era, tháng Tám năm 2016, trang 3)

Hình Ảnh
cặp vợ chồng nắm tay nhau tại đền thờ

Hãy đọc câu phát biểu sau đây của Anh Cả L. Whitney Clayton, người đã phục vụ với tư cách là một thành viên trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, về những yếu tố làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc và vĩnh cửu. Hãy cân nhắc đánh dấu những nguyên tắc mà anh chị em tìm thấy.

Hình Ảnh
Anh Cả L. Whitney Clayton

Tôi đã quan sát thấy rằng trong các cuộc hôn nhân hạnh phúc nhất thì cả hai vợ chồng đều xem mối quan hệ của họ là trân châu vô giá, một kho tàng có giá trị vô hạn. … Họ biết rằng không có mối quan hệ nào khác có thể mang lại nhiều niềm vui, tạo ra nhiều điều tốt lành, hoặc giúp đỡ nhau trở nên tốt hơn nhiều như vậy. …

… Các cuộc hôn nhân vĩnh cửu thành công được xây đắp trên nền tảng của đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và việc tuân thủ những lời giảng dạy của Ngài [xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org]. …

… Hạnh phúc trong hôn nhân dựa vào ân tứ hối cải. …

Khiêm nhường là bản chất của sự hối cải. Khiêm nhường là [vị tha] chứ không phải [ích kỷ]. … Khiêm nhường có nghĩa là cả hai vợ chồng đều tìm cách ban phước, giúp đỡ, và nâng đỡ lẫn nhau, xem người kia là quan trọng hơn trong mỗi quyết định. …

… Tôi đã thấy các cuộc hôn nhân hạnh phúc nhất đều [tỏa ra sự] vâng phục [theo] một trong số những giáo lệnh hạnh phúc nhất—[đó là] chúng ta “sống với nhau trong tình thương” [Giáo Lý và Giao Ước 42:45]. (“Hôn Nhân: Hãy Quan Sát và Học Hỏi,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 83, 84, 85)

Hình Ảnh
biểu tượng, thảo luận

Thảo Luận để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nghĩ về một cặp vợ chồng mà anh chị em biết là có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hãy tìm đến họ và mời họ chia sẻ về các nguyên tắc quan trọng đối với thành công của họ. Trong khi họ nói, hãy ghi lại điều anh chị em học được và sẵn sàng để chia sẻ trong lớp.

Phần 2

Làm thế nào việc noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp tôi vun đắp cho cuộc hôn nhân của tôi?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy về tầm quan trọng của việc vun đắp hôn nhân:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Hôn nhân đem lại nhiều tiềm năng lớn lao về hạnh phúc hơn bất cứ mối quan hệ nào khác của nhân loại. Tuy vậy, có một số cặp vợ chồng không đạt đến tiềm năng trọn vẹn của họ. Họ để cho tình yêu lãng mạn của họ trở nên nhàm chán, xem việc có nhau là chuyện dĩ nhiên, để cho những sở thích [khác] hay bóng mây của sự hờ hững làm mờ khuất viễn ảnh thật sự của hôn nhân của họ. Hôn nhân sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu được vun đắp một cách kỹ lưỡng hơn. (“Vun Đắp Hôn Nhân,” Liahona, tháng Năm năm 2006, trang 36)

Ngay trong sự chỉ dẫn mà Sứ Đồ Phao Lô đưa ra cho các tín hữu của Giáo Hội tại Ê Phê Sô có cả lời khuyên về hôn nhân.

Hình Ảnh
biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Ê Phê Sô 5:25, 28–31, và nghĩ về việc noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp vợ chồng vun đắp hôn nhân bằng cách nào.

Hình Ảnh
Jesus Washing the Apostles’ Feet (Chúa Giê Su Rửa Chân cho Các Sứ Đồ), tranh do Del Parson họa

Việc noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi có thể giúp vợ chồng làm trọn “trách nhiệm trọng đại [của họ] là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn Cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Một số nỗ lực để vun đắp hôn nhân có thể lớn, nhưng những hành động có ý nghĩa và hiệu quả nhất thì lại “nhỏ nhặt tầm thường” (An Ma 37:6). Như Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi đó thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy: “Những cuộc hôn nhân hạnh phúc được xây đắp dần dần, từng ngày, trong suốt cuộc đời” (“Lời Khen Ngợi Những Người Bảo Vệ Gìn Giữ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 78).

Chủ Tịch Linda K. Burton, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã đưa ra một số câu hỏi đơn giản cho chúng ta sử dụng để đánh giá các nỗ lực vun đắp hôn nhân của mình:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Linda K. Burton

Bằng cách sửa lại một chút cho thích hợp, những câu hỏi này có thể áp dụng cho hầu hết chúng ta, cho dù chúng ta đã kết hôn hoặc còn độc thân bất kể hoàn cảnh trong nhà của chúng ta có thể là gì đi nữa.

  1. Khi nào là lần cuối tôi đã chân thành khen ngợi người bạn đời của mình, chỉ một mình hoặc trước mặt con cái?

  2. Khi nào là lần cuối tôi đã nói lời cám ơn, bày tỏ tình yêu thương, hoặc tha thiết khẩn nài trong đức tin cho người bạn đời trong lời cầu nguyện?

  3. Khi nào là lần cuối tôi đã kiềm chế bản thân mình để không nói một điều gì mà tôi biết có thể gây ra tổn thương?

  4. Khi nào là lần cuối tôi chịu xin lỗi và khiêm nhường xin được tha thứ—mà không nói thêm những lời như “nhưng nếu [anh/em] đã” hay “nhưng nếu [anh/em] đừng”?

  5. Lần gần đây nhất tôi đã chọn để được vui vẻ thay vì đòi hỏi “mình [phải] đúng”? …

Các anh chị em sẽ cùng tham gia với tôi trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh để dạy cách chúng ta có thể đưa ra lời khuyến khích tốt hơn cho nhau trong các vai trò bù đắp cho nhau với tư cách là các con trai và con gái của giao ước của cha mẹ thiên thượng đầy lòng nhân từ không? (“Chúng Ta Sẽ Cùng Thăng Tiến,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 31–32)

Hình Ảnh
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nghĩ về một ví dụ hoặc lời giảng dạy cụ thể từ cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi mà có thể giúp một ai đó chuẩn bị hoặc vun đắp cho hôn nhân.

Phần 3

Tôi gắn bó với người phối ngẫu của mình bằng cách nào?

Trong một điều mặc khải được ban cho vào năm 1831, Chúa đã đưa ra một số quy luật ứng xử chung cho các tín hữu Giáo Hội. Quy luật này bao gồm lệnh truyền “các ngươi phải yêu thương vợ mình hết lòng, và chỉ kết hợp với vợ mình, chớ không với một ai khác” (Giáo Lý và Giao Ước 42:22; xin xem thêm Sáng Thế Ký 2:24; Ma Thi Ơ 19:5).

Trong thánh thư, từ kết hợp có nghĩa là gắn liền với, hợp tác cùng, hoặc dính chặt vào nhau. “Theo định nghĩa trong thánh thư, lúc này, chúng ta thấy rằng Thượng Đế kỳ vọng chúng ta ‘trung thành,’ tức là ‘dính’ lấy người phối ngẫu mình” (Matthew O. Richardson, “Three Principles of Marriage,” Ensign, tháng Tư năm 2005, trang 22).

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy điều sau đây về cụm từ “không với một ai khác” (Giáo Lý và Giao Ước 42:22):

Hình Ảnh
Chủ Tịch Spencer W. Kimball

“Các từ không với một ai khác tức là không tính đến mọi người khác và mọi điều khác. Khi ấy, vợ chồng trở thành ưu tiên số một trong cuộc sống của nhau, và cũng chẳng có đời sống xã hội hay nghề nghiệp hay chính trị nào hay bất cứ sở thích hoặc người nào hay vật nào được ưu tiên hơn người bạn đời cả. (The Miracle of Forgiveness [năm 1969], trang 250)

Anh Cả Clayton đã giải thích cách trung thành với người phối ngẫu của chúng ta khi sử dụng mạng xã hội:

Hình Ảnh
Anh Cả L. Whitney Clayton

Các vị tiên tri đã dạy rằng hai người trong một cuộc hôn nhân thành công đều phải “chung thủy tuyệt đối” với nhau [xin xem Thomas S. Monson, “Quyền Năng Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 68; Gordon B. Hinckley, “Life’s Obligations,” trang 4]. Họ phải chắc chắn là luôn luôn xứng đáng trong mọi phương diện trong khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Họ không được giấu giếm những kinh nghiệm bí mật trên internet. Họ công khai chia sẻ với nhau mật khẩu của mạng xã hội của mình. Họ không nhìn vào hồ sơ trực tuyến của bất cứ ai trong bất cứ cách nào mà có thể phản bội niềm tin thiêng liêng của người phối ngẫu của mình. Họ không bao giờ làm hoặc nói bất cứ điều gì liên quan đến diện mạo không [đứng đắn], [trên] trực tuyến [lẫn] trong thực tế. (“Hôn Nhân: Hãy Quan Sát và Học Hỏi,” trang 84)

Hình Ảnh
một cặp vợ chồng trẻ đang tản bộ cùng nhau

Nói về tầm quan trọng của việc làm cho người phối ngẫu trở thành ưu tiên cao nhất của anh chị em, Chủ Tịch Nelson đã dạy điều sau đây trong một phiên họp đại hội trung ương dành cho chức tư tế. Mặc dù lời khuyên này dành cho những người chồng, nó áp dụng đồng đều cho cả chồng và vợ.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson

[Hãy] yêu thương và chăm sóc vợ mình. Hiệp một với vợ mình. Là người bạn đời của [cô ấy]. … [Đừng] đặt ưu tiên [cho] sinh hoạt nào khác trong cuộc sống [cao hơn] việc xây đắp mối quan hệ vĩnh cửu với [vợ]. Không có điều gì trên TV, thiết bị di động hay máy tính [mà] quan trọng hơn sự an lạc của [vợ]. Hãy xem xét lại cách các anh em dành thời gian và nơi [mà] các anh em [sử dụng sức lực] của mình. Việc đó sẽ cho các anh em biết điều quan trọng nhất của các anh em là gì. Hãy cầu nguyện để tâm hồn của các anh em hòa hợp với tâm hồn của vợ mình. Hãy tìm cách mang lại niềm vui cho [cô ấy]. (“Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Thành Người Tốt Hơn”, Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 68–69)

Hình Ảnh
biểu tượng, hành động

Hành Động

Hãy làm theo lời mời của Chủ Tịch Nelson “xem xét lại cách các anh em dành thời gian và nơi [mà] các anh em [sử dụng sức lực] của mình” (“Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Thành Người Tốt Hơn,” trang 68). Anh chị em cần có những điều chỉnh nào bây giờ để chuẩn bị tốt hơn cho việc gắn bó mật thiết với người phối ngẫu tương lai hoặc để gắn bó trọn vẹn hơn với người bạn đời của mình nếu đã kết hôn? Hãy ghi lại một kế hoạch hoặc mục tiêu mà anh chị em có thể xúc tiến tuần này.