2010
Các Ngươi Là Đôi Tay Ta
tháng Năm năm 2010


“Các Ngươi Là Đôi Tay Ta”

Là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Chủ Tể của chúng ta, chúng ta được kêu gọi để hỗ trợ và chữa lành thay vì lên án.

Hình Ảnh
President Dieter F. Uchtdorf

Có câu chuyện kể rằng trong trận đánh bom một thành phố trong Đệ Nhị Thế Chiến, một bức tượng lớn của Chúa Giê Su Ky Tô bị hư hại nặng. Khi những người dân thành phố đó tìm ra được bức tượng ấy giữa đống gạch vụn thì họ thương tiếc vì bức tượng ấy từng là biểu tượng yêu dấu về đức tin của họ và về sự hiện diện của Thượng Đế trong cuộc sống của họ.

Các chuyên viên đã có thể sửa chữa lại hầu hết bức tượng đó, nhưng đôi tay của bức tượng bị hư hại nặng đến nỗi không thể nào sửa chữa lại được. Một số người đề nghị mướn một nhà điêu khắc làm đôi tay mới, nhưng những người khác lại muốn để y như vậy—một điều nhắc nhở thường xuyên về thảm cảnh chiến tranh. Cuối cùng, bức tượng không có tay. Tuy nhiên, những người dân trong thành phố đó đã thêm những dòng chữ này vào phần đế của bức tượng Chúa Giê Su Ky Tô: “Các ngươi là đôi tay ta.”

Chúng Ta Là Đôi Tay của Đấng Ky Tô

Có một bài học sâu sắc trong câu chuyện này. Khi nghĩ về Đấng Cứu Rỗi, tôi thường tưởng tượng ra Ngài với đôi tay dang rộng; dang ra để an ủi, chữa lành, ban phước và yêu thương. Và Ngài luôn luôn phán với dân chúng—chứ không bao giờ phán xuống dân chúng. Ngài yêu thương người khiêm nhường và nhu mì cùng bước đi ở giữa họ, phục sự cùng ban cho họ hy vọng và sự cứu rỗi.

Đó là điều Ngài đã làm trong cuộc sống trần thế của Ngài; đó là điều Ngài sẽ làm nếu Ngài hiện đang sống ở giữa chúng ta ngày nay; đó cũng là điều chúng ta cần phải làm với tư cách là các môn đồ của Ngài và các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Vào buổi sáng lễ Phục Sinh đẹp trời này, ý nghĩ và tấm lòng của chúng ta hướng đến Ngài—Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên và Sự Sáng của Thế Gian.

Khi chúng ta noi theo tấm gương hoàn hảo của Ngài thì đôi tay của chúng ta có thể trở thành đôi tay của Ngài; đôi mắt chúng ta là đôi mắt của Ngài, tấm lòng chúng ta là tấm lòng của Ngài.

Đôi Tay của Chúng Ta Có Thể Ôm Ghì

Tôi vô cùng cảm kích trước cách thức các tín hữu của Giáo Hội phục vụ những người khác. Khi nghe về sự hy sinh vị tha và lòng trắc ẩn tràn đầy của các anh chị em, chúng tôi tràn ngập lòng biết ơn và hạnh phúc. Các anh chị em là ánh sáng chiếu rọi cho thế gian cũng như các anh chị em được biết đến vì lòng nhân từ và trắc ẩn của mình trên khắp địa cầu.

Rủi thay, thỉnh thoảng chúng tôi cũng nghe về các tín hữu Giáo Hội trở nên chán nản và rồi ngừng đến tham dự các buổi họp Giáo Hội của chúng ta vì họ nghĩ rằng họ không thích hợp với giáo đoàn.

Khi tôi còn là thiếu niên, trong thời gian sau Đệ Nhị Thế Chiến, nước Đức bị kiệt quệ và đổ nát. Nhiều người đói khát, bệnh hoạn và chết. Tôi còn nhớ rõ những chuyến hàng viện trợ nhân đạo chở thức ăn và quần áo đến từ Giáo Hội ở Salt Lake City. Cho đến ngày nay, tôi vẫn còn nhớ mùi quần áo và tôi vẫn còn nhớ mùi vị của các quả đào đóng hộp.

Một số người gia nhập Giáo Hội vì những món đồ họ nhận được vào lúc đó. Một số tín hữu khinh thường những người mới cải đạo này. Họ còn gọi những người này bằng một cái tên đầy sỉ nhục: Büchsen Mormonen có nghĩa là “Những Người Mặc Môn Đóng Hộp.” Họ bực bội với những người tín hữu mới này vì họ tin rằng một khi những nhu cầu vật chất của những người này được đáp ứng thì những người này sẽ rời bỏ Giáo Hội.

Mặc dù có một số người bỏ đi, nhưng cũng có nhiều người khác ở lại—họ đến nhà thờ, dự phần vào vẻ tuyệt vời của phúc âm và cảm nhận được vòng tay dịu dàng của các anh chị em có lòng quan tâm. Họ khám phá ra “mái gia đình.” Và giờ đây, ba bốn thế hệ sau, nhiều gia đình đã truy nguyên vai trò tín hữu của họ trong Giáo Hội ngược trở lại tới những người cải đạo này.

Tôi hy vọng rằng chúng ta đều chào đón và yêu thương tất cả con cái của Thượng Đế, kể cả những người có thể ăn mặc, có ngoại hình, nói chuyện hoặc chỉ làm những điều khác biệt. Việc làm cho những người khác cảm thấy thể như họ là kém cỏi thì không tốt. Chúng ta hãy nâng đỡ những người xung quanh mình. Chúng ta hãy đưa ra bàn tay chào đón. Chúng ta hãy dành cho các anh chị em của mình trong Giáo Hội một mức độ đặc biệt về tình người, lòng trắc ẩn và bác ái để họ cảm thấy rằng cuối cùng họ đã tìm ra được mái gia đình.

Khi chúng ta bị cám dỗ để phê phán, hãy nghĩ về Đấng Cứu Rỗi, là Đấng “yêu mến thế gian, đến đỗi Ngài phải bỏ mạng sống của mình để lôi kéo tất cả loài người đến với Ngài.

“[Và] Ngài phán rằng: Hỡi tất cả mọi nguời ở các nơi tận cùng của trái đất, hãy đến cùng ta … [vì] mọi người đều hưởng một đặc quyền như nhau, và không một ai bị cấm đoán cả.”1

Khi tôi đọc thánh thư thì dường như những người bị Đấng Cứu Rỗi quở trách nặng nề nhất thường là những người tự cho mình là cao trọng vì sự giàu có, ảnh hưởng hoặc sự ngay chính của mình.

Vào một dịp nọ, Đấng Cứu Rỗi giảng dạy câu chuyện ngụ ngôn về hai người đi vào đền thờ cầu nguyện. Một người là người Pha Ra Si được nhiều người kính trọng, đã cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi.”

Người đàn ông kia, một người thu thuế bị nhiều người ghét, đứng “xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội.”

Và Chúa Giê Su phán: “Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia.”2

Thật ra, chúng ta “đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.”3 Chúng ta đều cần lòng thương xót. Trong ngày cuối cùng đó, khi chúng ta được gọi ra trước rào phán xét của Thượng Đế, chúng ta không hy vọng rằng nhiều điều không hoàn hảo của mình sẽ được tha thứ sao? Chúng ta không ao ước cảm nhận được vòng tay ôm ghì của Đấng Cứu Rỗi sao?

Dường như chỉ đúng và thích hợp khi chúng ta mang đến cho người khác điều chúng ta thiết tha mong muốn cho bản thân mình.

Tôi không đề nghị rằng chúng ta chấp nhận tội lỗi hoặc bỏ qua điều xấu xa trong cuộc sống cá nhân của mình hoặc trên thế gian. Tuy nhiên, trong khi quá sốt sắng, đôi khi chúng ta nhầm lẫn tội lỗi với người phạm tội cũng như chúng ta quá nhanh chóng lên án và với ít lòng trắc ẩn. Chúng ta biết từ điều mặc khải hiện đại rằng “dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao,”4 chúng ta không thể nào đo lường giá trị của người khác cũng như chúng ta không thể đo chiều dài của vũ trụ. Mỗi người chúng ta gặp đều quan trọng đối với Cha Thiên Thượng. Một khi hiểu được điều đó thì chúng ta có thể bắt đầu hiểu cách chúng ta nên đối xử với bạn bè của mình.

Một phụ nữ nọ đã trải qua nhiều năm thử thách và đau buồn nói qua màn lệ: “Tôi dần dần nhận biết rằng tôi giống như một tờ giấy bạc 20 đô la—nhàu nát, rách rưới, dơ dáy, bị chà đạp và đầy vết nhơ. Nhưng tôi vẫn là một tờ giấy bạc 20 đô la. Tôi vẫn còn có giá trị nào đó. Mặc dù tôi có thể không trông giống như tờ giấy bạc 20 đô la và mặc dù tôi đã bị tả tơi và xài qua, nhưng tôi vẫn đáng giá 20 đô la trọn vẹn.”

Đôi Tay Chúng Ta Có Thể An Ủi

Với điều này trong tâm trí, chúng ta hãy để cho tấm lòng và đôi tay của mình mở rộng với lòng trắc ẩn đối với những người khác, vì mọi người đều đang bước đi trên con đường khó khăn của mình. Là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Chủ Tể của chúng ta, chúng ta được kêu gọi để hỗ trợ và chữa lành thay vì lên án. Chúng ta được truyền lệnh phải “than khóc với những người nào than khóc” và “an ủi những người đang cần sự an ủi.”5

Với tư cách là các Ky Tô hữu, thật là điều không xứng đáng cho chúng ta khi nghĩ rằng những người đang đau khổ thì đáng bị đau khổ. Ngày Chúa Nhật lễ Phục Sinh là một ngày tốt để nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi đã sẵn lòng mang lấy nỗi đau đớn và bệnh tật cùng nỗi đau khổ của tất cả chúng ta—ngay cả những người trong chúng ta dường như đáng bị đau khổ.6

Trong sách Châm Ngôn, chúng ta đọc rằng “Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn; Và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn.”7 Chúng ta hãy luôn luôn yêu thương. Và đặc biệt chúng ta hãy có mặt với các anh chị em của mình trong lúc nghịch cảnh.

Đôi Tay Chúng Ta Có Thể Phục Vụ

Một truyện cổ tích Do Thái kể về hai anh em, Abram và Zimri, cùng sở hữu một cánh đồng và làm việc chung. Họ đồng ý phân chia đồng đều công việc và số thu hoạch. Một đêm nọ, khi gần đến mùa thu hoạch, Zimri không thể ngủ vì dường như không đúng cho Abram phải nuôi ăn một vợ và bảy con trai mà chỉ nhận được có nửa vụ thu hoạch trong khi Zimri chỉ một mình lại có nhiều như vậy.

Vậy nên Zimri mặc quần áo vào và đi nhanh ra đồng, nơi đó anh ta lấy một phần ba số thu hoạch của mình và để vào đống thu hoạch của anh mình. Rồi anh ta đi ngủ hài lòng biết rằng điều mình làm là đúng.

Trong khi đó, Abram cũng không thể ngủ được. Anh ta nghĩ rằng người em nghèo khó của mình là Zimri, chỉ một thân một mình, không có con trai để giúp đỡ công việc. Dường như không đúng để Zimri, là người làm việc khó nhọc một mình như vậy, chỉ nhận được có nửa số thu hoạch. Chắc chắn, điều này không làm hài lòng Thượng Đế. Vậy nên, Abram lặng lẽ đi ra đồng, nơi đó anh ta lấy một phần ba số thu hoạch của mình và để vào đống thu hoạch của người em thân yêu của mình.

Sáng hôm sau, hai anh em đi ra đồng và cả hai đều kinh ngạc thấy đống thu hoạch trông vẫn như cùng kích thước. Buổi tối hôm đó, cả hai anh em lẻn ra khỏi nhà mình để lặp lại nỗ lực của đêm hôm trước. Nhưng lần này, họ phát hiện ra nhau và lúc đó, hai anh em ôm chầm lấy nhau khóc. Không một ai có thể nói ra được, nhưng lòng họ đầy tràn tình yêu thương và sự biết ơn.8

Đây là lòng trắc ẩn: chúng ta yêu thương người khác như chính mình,9 tìm kiếm hạnh phúc của họ và làm điều gì cho họ như chúng ta muốn họ cũng làm như thế cho mình.10

Tình Yêu Thương Thật Sự Đòi Hỏi Phải Có Hành Động

Tình yêu thương thật sự đòi hỏi phải có hành động. Chúng ta có thể nói về tình yêu thương suốt ngày—chúng ta có thể viết những lá thư ngắn hoặc những bài thơ để bày tỏ tình yêu thương, hát những bài ca khen ngợi tình yêu thương và đưa ra những bài thuyết giảng khuyến khích yêu thương—nhưng chỉ đến khi nào chúng ta bày tỏ tình yêu thương đó bằng hành động, nếu không thì những lời của chúng ta chỉ là “đồng kêu lên hay là chập chõa vang tiếng.”11

Đấng Ky Tô không chỉ nói về tình yêu thương không mà thôi; Ngài còn cho thấy tình yêu thương mỗi ngày trong cuộc sống của Ngài. Ngài không xa lánh những người khác. Chúa Giê Su tìm đến từng người ở giữa đám đông. Ngài giải cứu người lạc đường. Không phải Ngài chỉ giảng dạy một lớp học về việc tìm đến người khác trong tình yêu thương và rồi ủy thác công việc cho những người khác. Ngài không những giảng dạy mà còn chỉ cho chúng ta thấy cách “cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”12

Đấng Ky Tô biết cách phục sự những người khác một cách trọn vẹn. Khi Đấng Cứu Rỗi dang đôi tay của Ngài ra, thì những người Ngài chạm vào sẽ được nâng cao và do đó trở thành những người cao trọng, vững mạnh và tốt hơn.

Nếu chúng ta là đôi tay của Ngài thì chúng ta chẳng nên làm như vậy sao?

Chúng Ta Có Thể Yêu Thương Như Ngài Yêu Thương

Đấng Cứu Rỗi mặc khải những ưu tiên trọn vẹn về cuộc sống, mái gia đình, tiểu giáo khu, cộng đồng và quốc gia của chúng ta khi Ngài phán về tình yêu thương với tư cách là giáo lệnh lớn tức là “Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”13 Chúng ta có thể dành hết những ngày của đời mình ám ảnh về những chi tiết đẹp đẽ nhất của cuộc đời, luật pháp, và bản liệt kê dài về những việc cần làm; nhưng nếu chúng ta xao lãng những giáo lệnh lớn, thì chúng ta không hiểu cốt lõi của vấn đề và chúng ta như mây mà không có mưa, trôi giạt trong gió; và cây mà không có trái.14

Nếu không có tình yêu mến này đối với Thượng Đế Đức Chúa Cha và đồng bào của mình thì chúng ta chỉ là các môn đồ của Giáo Hội Ngài theo hình thức mà thôi—nhưng không có thực chất. Lời giảng dạy của chúng ta có tốt không nếu thiếu tình yêu thương? Người truyền giáo, đền thờ hoặc công việc an sinh có tốt không nếu không có tình yêu thương?

Tình yêu thương là điều được Cha Thiên Thượng soi dẫn để sáng tạo linh hồn của chúng ta; tình yêu thương chính là điều đưa Đấng Cứu Rỗi đến Vườn Ghết Sê Ma Nê để phó mạng Ngài cho sự chuộc tội của chúng ta. Tình yêu thương là động cơ lớn lao của kế hoạch cứu rỗi; đó là nguồn hạnh phúc, nguồn suối chữa lành luôn đổi mới, nguồn hy vọng quý báu.

Khi chúng ta dang tay ra và mở rộng lòng hướng tới những người khác trong tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô, thì một điều kỳ diệu xảy đến cho chúng ta. Tâm hồn của chúng ta trở nên được chữa lành, được cải tiến và vững mạnh hơn. Chúng ta trở nên vui vẻ, thanh thản, hòa nhã và dễ lãnh hội hơn đối với những lời mách bảo của Đức Thánh Linh.

Với hết lòng và hết tâm hồn, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Cha Thiên Thượng về tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, về việc ban cho Vị Nam Tử của Ngài, về cuộc sống và tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô cũng như sự hy sinh vô tội và vị tha của Ngài. Tôi hân hoan về sự kiện rằng Đấng Ky Tô không chết mà sống lại từ mộ phần! Ngài hằng sống và đã trở lại thế gian để phục hồi thẩm quyền cùng phúc âm của Ngài cho loài người. Ngài đã ban cho chúng ta tấm gương hoàn hảo về con người chúng ta cần phải trở thành.

Vào ngày Chúa Nhật lễ Phục Sinh này, cũng như mỗi ngày khi chúng ta suy ngẫm một cách nghiêm trang và kính sợ về việc Đấng Cứu Rỗi ôm chúng ta, an ủi và chữa lành chúng ta biết bao. Chúng ta hãy cam kết trở thành đôi tay của Ngài để qua chúng ta, những người khác có thể cảm nhận được vòng tay yêu thương của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. 2 Nê Phi 26:24–25, 28; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  2. Xin xem Lu Ca 18:9–14.

  3. Rô Ma 3:23.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 18:10.

  5. Mô Si A 18:9.

  6. Xin xem An Ma 7:11–13; Giáo Lý và Giao Ước 19:16.

  7. Châm Ngôn 17:17.

  8. Xin xem Clarence Cook, “Abram and Zimri,” trong Poems by Clarence Cook (1902), 6–9.

  9. Xin xem Ma Thi Ơ 22:39.

  10. Xin xem Ma Thi Ơ 7:12.

  11. 1 Cô Rinh Tô 13:1.

  12. Giáo Lý và Giao Ước 81:5.

  13. Ma Thi Ơ 22:40.

  14. Xin xem Giu Đe 1:12.