2010
Con Đường Bổn Phận của Chúng Ta
tháng Năm năm 2010


Con Đường Bổn Phận của Chúng Ta

Bổn phận không đòi hỏi phải hoàn hảo nhưng thật sự đòi hỏi phải siêng năng. Điều này không chỉ là điều hợp pháp mà còn là điều đạo đức nữa.

Hình Ảnh
Bishop Keith B. McMullin

Đây là một thế giới hỗn loạn. Mối bất hòa và tai họa ở khắp nơi. Đôi khi ta cảm thấy thể như chính loài người tự mình có thể bị đe dọa.

Chúa báo trước thời kỳ của chúng ta khi Ngài phán: “Các tầng trời sẽ rung chuyển, và luôn cả đất cũng vậy; và những gian truân lớn lao sẽ đến với con cái loài người, nhưng ta sẽ gìn giữ dân của ta.1 Chúng ta nên cảm thấy được an ủi nơi lời hứa này.

Mặc dù các tai họa tàn phá hoàn toàn “cuộc sống thường ngày [của chúng ta],”2 nhưng chúng không cần phải làm cho cuộc sống của chúng ta vĩnh viễn bị đảo lộn. Chúng có thể “nhắc nhở [chúng ta] nhớ,”3 “thức tỉnh [chúng ta] ý thức được bổn phận của mình đối với Thượng Đế,”4 và giữ chúng ta ở “trong con đường bổn phận của [mình].”5

Ở Hà Lan trong Đệ Nhị Thế Chiến, gia đình của Casper ten Boom đã sử dụng nhà của họ làm nơi trú ẩn cho những người đang bị Đảng Quốc Xã Đức săn đuổi. Đây là cách sống theo Ky Tô giáo của họ. Bốn người trong gia đình đó đã mất mạng vì cung cấp nơi trú ẩn này. Corrie ten Boom và em gái của mình là Betsie đã sống nhiều tháng ghê khiếp trong trại tập trung Ravensbrück. Betsie chết ở đó—Corrie được sống sót.

Ở Ravensbrück, Corrie và Betsie học biết được rằng Thượng Đế giúp chúng ta tha thứ. Sau chiến tranh, Corrie quyết tâm chia sẻ thông điệp này. Vào một dịp nọ, chị đã nói chuyện với một nhóm người ở Đức đang đau khổ vì cảnh tàn phá của chiến tranh. Thông điệp của chị là: “Thượng Đế tha thứ.” Chính lúc đó lòng trung tín của Corrie ten Boom đã mang đến phước lành.

Một người đi đến gần chị. Chị nhận ra người ấy là một người lính canh tàn ác nhất trong trại tập trung. Người ấy nói: “Chị đề cập đến Ravensbrück trong bài nói chuyện của chị. Tôi là người lính canh ở đó. Nhưng kể từ lúc đó, tôi đã trở thành một Ky Tô hữu. Người ấy đã giải thích rằng người ấy đã tìm kiếm sự tha thứ về những điều tàn ác mình đã làm ở đó. Người ấy đưa tay ra và hỏi “Chị tha thứ cho tôi chứ?”

Rồi Corrie ten Boom nói:

“Người ấy không đứng đó trong nhiều giây—tay đưa ra—nhưng đối với tôi thì dường như là nhiều giờ đồng hồ trong khi tôi vật lộn với điều khó khăn nhất mà tôi từng làm.

“… Thông điệp dạy rằng Thượng Đế tha thứ thì có một … điều kiện: rằng chúng ta tha thứ những người đã làm tổn thương mình… .

“Tôi thầm cầu nguyện: ‘Xin giúp con! Con có thể giơ tay lên. Con chỉ có thể làm đến thế thôi. Xin Ngài ban cho con cảm nghĩ tha thứ.’

“Một cách cứng nhắc, vụng về và máy móc, tôi duỗi thẳng tay ra. Trong khi tôi làm như vậy, thì có một điều lạ thường xảy ra. Một luồng điện bắt đầu từ vai tôi, chạy xuống cánh tay tôi, bật mạnh vào đôi tay đang bắt của chúng tôi. Và rồi sự ấm áp chữa lành này dường như lan tràn khắp châu thân, làm cho mắt tôi nhòa lệ.

“Tôi kêu lên: ‘Tôi hết lòng tha thứ cho anh đó.’

“Trong một giây phút dài, chúng tôi nắm chặt tay nhau, người cựu lính canh và người cựu tù nhân. Tôi chưa bao giờ biết được tình yêu thương của Thượng Đế mãnh liệt như tôi biết lúc bấy giờ.”6

Đối với những người tránh điều xấu xa và sống cuộc sống tốt lành, là những người cố gắng cho một ngày mai sáng lạn hơn và tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế, thì những sự việc có thể trở nên càng tốt hơn ngay cả trong thảm cảnh. Đấng Cứu Rỗi đã chỉ cho chúng ta thấy con đường. Từ Vườn Ghết Sê Ma Nê, cây thập tự, và mộ phần, Ngài đã sống lại một cách đắc thắng, mang đến sự sống và hy vọng cho tất cả chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta: “Hãy theo ta.”7

Chủ Tịch Thomas S. Monson dạy: “Nếu phải bước đi với đầu ngẩng cao, chúng ta cần phải đóng góp cho đời. Nếu phải làm tròn vận số của mình và trở lại sống với Cha Thiên Thượng, chúng ta cần phải tuân giữ các lệnh truyền của Ngài và bắt chước sống như Đấng Cứu Rỗi đã sống. Bằng cách làm như vậy, chúng ta sẽ không những hoàn thành mục tiêu của mình về cuộc sống vĩnh cửu mà còn làm cho thế giới này được phong phú và tốt lành hơn nếu chúng ta đã không sống theo và thi hành các bổn phận của mình.”8

Trong Kinh Thánh có những lời đầy soi dẫn này: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.”9

Điều Gọi Là Bổn Phận Là Gì?

Bổn phận mà tôi đề cập đến là điều chúng ta được trông mong phải làm và phải có. Đó là một mệnh lệnh về mặt đạo đức mà trong đó điều đúng, điều chân chính và điều đáng kính nảy sinh từ các cá nhân và cộng đồng. Bổn phận không đòi hỏi phải hoàn hảo nhưng thật sự đòi hỏi phải siêng năng. Điều này không chỉ là điều hợp pháp mà còn là điều đạo đức nữa. Điều này không dành cho người mạnh mẽ hay nắm chức vụ cao, thay vì thế điều này dựa trên nền tảng của trách nhiệm, tính liêm khiết và lòng can đảm của cá nhân. Khi một người thi hành bổn phận của mình tức là biểu lộ đức tin của người ấy.

Chủ Tịch Monson đã nói về điều này: “Tôi yêu mến và quý trọng từ cao quý bổn phận.”10 Đối với các tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, con đường bổn phận của chúng ta là tuân giữ các giao ước của mình trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng Ta Có Bổn Phận Đối Với Ai và đối với Điều Gì?

Trước hết, con đường bổn phận của chúng ta là đối với Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu. Ngài là tác giả của kế hoạch cứu rỗi, “Đấng tạo dựng trời đất,” Đấng sáng tạo A Đam và Ê Va.11 Ngài là nguồn lẽ thật,12 hiện thân của tình thương,13 và lý do để có sự chuộc tội nhờ vào Đấng Ky Tô.14

Chủ Tịch Joseph F. Smith nói: “Tất cả những gì chúng ta có đều từ [Thượng Đế] mà đến… . Bản thân chúng ta chỉ là một cục đất sét không có sự sống. Sự sống, trí tuệ, sự thông sáng, óc xét đoán, khả năng lý luận đều là các ân tứ của Thượng Đế ban cho con cái loài người. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh thể xác cũng như khả năng trí tuệ… . Chúng ta cần phải vinh danh Thượng Đế với trí thông minh, sức mạnh, sự hiểu biết, sự thông sáng của mình với tất cả khả năng có được. Chúng ta cần phải tìm cách làm điều thiện trên thế gian. Đây là bổn phận của chúng ta.”15

Một người không thể thi hành bổn phận của mình đối với Thượng Đế Đức Chúa Cha nếu không làm như vậy đối với Vị Nam Tử của Thượng Đế, Chúa Giê Su Ky Tô. Lòng kính trọng đối với một Đấng này đòi hỏi lòng kính trọng đối với Đấng kia, vì Đức Chúa Cha đã quy định rằng chỉ trong và qua danh của Đấng Ky Tô mà người ta mới có thể sẵn sàng làm tròn bổn phận này.16 Ngài là Đấng gương mẫu, Đấng Cứu Chuộc và Vua của chúng ta.

Khi nam nữ trai gái đều làm bổn phận của mình đối với Thượng Đế, thì họ cảm thấy bắt buộc phải làm bổn phận của họ đối với nhau, đối với gia đình, giáo hội và quốc gia của họ, đối với tất cả những điều được giao phó cho họ để trông nom. Họ có bổn phận phải phát triển tài năng của mình và là những người tốt biết tôn trọng luật pháp. Họ trở nên khiêm nhường, biết phục tùng và dễ dạy. Sự tự kiềm chế chiến thắng tính buông thả; sự vâng lời hướng dẫn sự siêng năng của họ. Sự bình an trút xuống họ. Các công dân trở nên trung kiên, các cộng đồng trở nên nhân đức và những người lân cận trở thành bạn bè. Thượng Đế trên trời hài lòng, trái đất được hòa bình và thế giới này trở thành một chỗ tốt hơn.17

Làm Thế Nào Chúng Ta Biết Được Con Đường Bổn Phận của Mình trong lúc Khủng Hoảng?

Chúng ta cầu nguyện! Đó là cách chắc chắn cho mọi người để biết; đó là đường giao thông huyết mạch đến thiên thượng. Sứ Đồ Phi E Rơ nói: “Mắt Chúa đoái trông người công bình, tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện người.”18

Lời cầu nguyện khiêm nhường, chân thành, đầy soi dẫn dành sẵn cho mỗi người chúng ta sự hướng dẫn thiêng liêng mà chúng ta vô cùng cần đến. Brigham Young dạy: “Đôi khi, con người lúng túng, đầy lo âu và rắc rối … ; tuy nhiên óc xét đoán của chúng ta dạy rằng bổn phận của chúng ta là cầu nguyện.”19

Chúa Giê Su dạy:

“Các ngươi phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn luôn, kẻo các ngươi sa vào cám dỗ;

“Vậy nên, các ngươi phải luôn luôn cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha trong danh ta;

“Hãy cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha trong gia đình các ngươi, luôn luôn trong danh ta, để vợ con các ngươi được phước.”20

Để được hiệu quả, những lời cầu nguyện cần phải hòa hợp với kế hoạch của thiên thượng. Lời cầu nguyện với đức tin có kết quả khi có sự hòa hợp như vậy, và sự hòa hợp này tồn tại khi những lời cầu nguyện được Đức Thánh Linh soi dẫn. Thánh Linh biểu hiện điều mà chúng ta cần phải thỉnh cầu.21 Nếu không có sự hướng dẫn đầy soi dẫn này, chúng ta có khuynh hướng sẽ “cầu xin trái lẽ,”22 chỉ tìm kiếm ý muốn của mình chứ không phải “ý muốn của Ngài.”23 Việc được Đức Thánh Linh hướng dẫn trong khi cầu nguyện thì cũng quan trọng như việc được cùng một Thánh Linh ấy soi sáng trong khi nhận được sự đáp ứng cho lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện như vậy mang đến các phước lành của thiên thượng vì Đức Chúa Cha “biết [chúng ta] cần sự gì trước khi [chúng ta] chưa xin Ngài.”24 và Ngài đáp ứng mỗi lời cầu nguyện chân thành. Cuối cùng, chính Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử đã hứa: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.”25

Tôi làm chứng rằng con đường bổn phận của chúng ta đã được đánh dấu rõ ràng bởi một đức tin trọn vẹn cùng sự tin tưởng nơi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, cũng như trong quyền năng của sự cầu nguyện. Con đường này nên được tất cả các con cái của Thượng Đế đi theo là những người yêu mến Ngài và mong nuốn tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Đối với giới trẻ, con đường này dẫn đến thành tích và sự chuẩn bị cá nhân; đối với người lớn, con đường này dẫn đến đức tin và quyết tâm được đổi mới; đối với thế hệ lớn tuổi hơn, con đường này dẫn đến viễn cảnh và việc chịu đựng đến cùng trong sự ngay chính. Con đường này trang bị cho mỗi lữ khách trung tín sức mạnh của Chúa, bảo vệ người ấy khỏi những điều tội lỗi trong ngày, và mang đến cho người ấy sự hiểu biết rằng “lời kết của lý thuyết nầy [là] khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.”26 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Môi Se 7:61; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  2. Joseph F. Smith, Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 (1939), 156.

  3. Mô Si A 1:17.

  4. An Ma 7:22.

  5. Hê La Man 15:5.

  6. Corrie ten Boom, Tramp for the Lord (1974), 54–55.

  7. Lu Ca 18:22.

  8. Được sử dụng với sự cho phép của Thomas S. Monson.

  9. Truyền Đạo 12:13; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  10. Thomas S. Monson, “Duty Calls,” Ensign, tháng Năm năm 1996, 43.

  11. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:17–19.

  12. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:36.

  13. Xin xem 1 Giăng 4:8.

  14. Xin xem Giăng 3:16; Hê La Man 5:10–11.

  15. Joseph F. Smith, trong Conference Report, tháng Mười năm 1899, 70; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  16. Xin xem Mô Rô Ni 10:32–33; Giáo Lý và Giao Ước 59:5.

  17. Xin xem An Ma 7:23, 27.

  18. 1 Phi E Rơ 3:12.

  19. Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young (1997), 45; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  20. 3 Nê Phi 18:18–19, 21.

  21. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 50:29–30.

  22. Gia Cơ 4:3.

  23. Ma Thi Ơ 6:10.

  24. Ma Thi Ơ 6:8.

  25. Ma Thi Ơ 7:7; xin xem thêm Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 7:12–13, trong bản phụ lục Kinh Thánh.

  26. Truyền Đạo 12:13; sự nhấn mạnh được thêm vào.