2010
Siêng Năng Thi Hành
tháng Năm năm 2010


Siêng Năng Thi Hành

Chúng ta phải học hỏi bổn phận của mình từ Chúa và rồi siêng năng thi hành, không hề lười biếng hoặc biếng nhác.

Hình Ảnh
President Henry B. Eyring

Thưa các anh em, tôi biết ơn được có mặt với các anh em buổi tối hôm nay. Và tôi hạ mình trước điều tôi biết về sự phục vụ trung tín của các anh em chức tư tế. Buổi tối hôm nay, tôi ngỏ lời với các anh em về sự siêng năng phục vụ Chúa. Những kinh nghiệm mới đây đã đưa tôi đến việc chọn đề tài đó.

Một kinh nghiệm mới đây là việc tôi nghiên cứu kỹ quyển sách mới rất xuất sắc dành cho Chức Tư Tế A Rôn như Anh David L. Beck đã nói và có tựa đề là Làm Tròn Bổn Phận của Tôi đối với Thượng Đế. Khi đọc cùng suy ngẫm điều được kỳ vọng nơi các thiếu niên để làm và con người mà họ phải trở thành, thì tôi nhận biết rằng quyển sách đó đang mô tả điều Chủ Tịch Brigham Young đã hứa với bất cứ người nào đang nắm giữ chức tư tế và siêng năng suốt cuộc sống của mình: “Một người nắm giữ chức tư tế và tiếp tục trung tín với sự kêu gọi của mình, là người tiếp tục hân hoan trong khi làm những điều Thượng Đế đòi hỏi mình phải làm đồng thời tiếp tục suốt đời thực hiện mỗi bổn phận mà sẽ mang đến cho mình không những đặc ân tiếp nhận mà còn hiểu được cách tiếp nhận những sự việc của Thượng Đế, để người ấy có thể liên tục biết được ý định của Thượng Đế.”1

Cách đây một vài tuần, tôi thấy một thầy trợ tế mới bắt đầu con đường chuyên cần đó. Cha của em ấy chỉ cho tôi thấy một biểu đồ do con trai của mình tạo ra và cho thấy mỗi dãy ghế trong giáo đường của họ, con số các tín hữu mà mỗi thầy trợ tế sẽ được chỉ định chuyền Tiệc Thánh và hướng đi của mỗi em trong khắp giáo đường để phục vụ Tiệc Thánh cho các tín hữu. Người cha đó và tôi mỉm cười nghĩ rằng đứa con trai ấy, mặc dù đã không được bảo phải làm điều đó, đã lập kế hoạch để chắc chắn rằng nó sẽ thành công trong sự phục vụ với chức tư tế của mình.

Tôi nhận thấy trong sự siêng năng của nó mẫu mực từ quyển sách nhỏ mới Bổn Phận đối với Thượng Đế. Điều đó là học biết điều Chúa kỳ vọng nơi các em, lập một kế hoạch để làm và siêng năng thực hiện kế hoạch của mình, rồi chia sẻ với những người khác cách mà kinh nghiệm của các em đã thay đổi các em cũng như ban phước cho những người khác như thế nào.

Người thầy trợ tế lập ra biểu đồ đó phải chắc chắn rằng mình sẽ có thể làm điều Chúa đã kêu gọi mình để làm. Lúc người này bắt đầu phục vụ với chức tư tế của mình, Chúa giảng dạy cho người ấy biết hân hoan trong “việc làm những điều Thượng Đế đòi hỏi mình phải làm.”2

Buổi tối hôm nay, một kinh nghiệm khác đưa tôi đến việc nói chuyện với các em về sự siêng năng là việc quan sát một người vào lúc gần cuối sự phục vụ với chức tư tế của mình trong cuộc sống này. Ông ta đã làm giám trợ hai lần. Sự kêu gọi đầu tiên của ông với tư cách là giám trợ là vào nhiều năm trước khi tôi gặp ông, chắc hẳn khi ông còn trẻ. Giờ đây, ông đã lớn tuổi, giải nhiệm lần thứ nhì với tư cách là giám trợ. Sức khỏe càng ngày càng giới hạn của ông làm cho bất cứ sự phục vụ nào với chức tư tế rất khó khăn.

Nhưng ông đã có một kế hoạch làm việc siêng năng. Mỗi ngày Chúa Nhật khi ông có thể đi nhà thờ, ông kiếm chỗ ngồi ở dãy ghế gần cửa nhất nơi mà phần đông mọi người sẽ bước vào lễ Tiệc Thánh. Ông đến đó sớm để chắc chắn rằng chỗ đó còn trống. Mỗi người đến đều có thể thấy được ánh mắt yêu thương và chào đón của ông, cũng giống như họ đã thấy khi ông ngồi trên bục chủ tọa với tư cách là giám trợ của họ. Ảnh hưởng của ông sưởi ấm lòng và nâng cao chúng tôi vì chúng tôi biết một điều gì về cái giá ông đã trả để phục vụ. Nhiệm vụ của ông với tư cách là giám trợ đã hoàn tất; sự phục vụ với chức tư tế của ông không kết thúc.

Các anh em là một tấm gương tương tự về các tôi tớ nắm giữ chức tư tế. Buổi tối hôm nay, tôi sẽ cố gắng nói cho các anh em nghe về điều tôi đã học được về các tôi tớ nắm giữ chức tư tế. Điều đó bắt đầu với việc họ học hỏi để biết mình đang phục vụ ai và với mục đích gì. Khi sự hiểu biết đó bén rễ trong lòng họ thì nó làm cho họ trở thành các tôi tớ tốt hơn.

Trước hết, tôi sẽ nói trực tiếp với các thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn. Các em sẽ trở nên siêng năng hơn khi các em cảm nhận được tầm quan trọng của sự tin cậy Thượng Đế đặt nơi các em. Có một sứ điệp từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn dành cho các em trong quyển sách nhỏ Bổn Phận đối với Thượng Đế đó: “Cha Thiên Thượng tin cậy và tin tưởng nhiều nơi các em và có một sứ mệnh quan trọng cho các em để làm tròn. Ngài sẽ giúp đỡ các em khi các em tìm đến Ngài trong sự cầu nguyện, hãy nghe theo những thúc giục của Thánh Linh, hãy tuân theo các lệnh truyền và tuân giữ các giao ước các em đã lập.”3

Giăng Báp Tít trở lại thế gian để phục hồi chức tư tế mà các em là các thiếu niên nắm giữ. Ông nắm giữ các chìa khóa của Chức Tư Tế A Rôn. Chúa Giê Su đi đến Giăng để chịu phép báp têm. Giăng biết ai là người kêu gọi ông. Ông thưa với Chúa: “Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp têm.”4

Giăng biết rằng chức tư tế A Rôn “nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải và của phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi” khi Chúa gửi ông đến sắc phong cho Joseph Smith và Oliver Cowdery vào ngày 15 tháng Năm năm 1829.5 Ông biết ai đã kêu gọi ông và ông được gửi đến vì mục đích vinh quang nào.

Chức tư tế của các em cho phép các em thực hiện Tiệc Thánh của Chúa cho các tín hữu của Giáo Hội Ngài ngày nay. Đó cũng là cùng một đặc ân Đấng Cứu Rỗi ban cho Mười Hai Vị Sứ Đồ trong giáo vụ trần thế của Ngài. Ngài đã ban cho quyền năng này một lần nữa khi Ngài kêu gọi mười hai môn đồ sau khi Ngài phục sinh để hướng dẫn Giáo Hội của Ngài.

Như đã được mô tả trong Sách Mặc Môn, chính Chúa đã ban cho các biểu tượng về sự hy sinh vô hạn của Ngài và thực hiện các biểu tượng đó cho dân chúng. Hãy nghĩ đến Ngài và việc Ngài quý trọng các em biết bao khi các em phục vụ với chức tư tế của mình. Khi tuởng nhớ đến Ngài, các em sẽ quyết tâm thực hiện thánh lễ đó, càng giống y như Ngài đã làm càng tốt, cùng trung tín như Ngài.6

Điều đó có thể trở thành mẫu mực trong cuộc sống của các em, mẫu mực đó sẽ làm gia tăng quyền năng của các em để được siêng năng trong mỗi sự phục vụ với chức tư tế mà Chúa đang chuẩn bị cho các em và Ngài sẽ kêu gọi các em với chức tư tế đó. Quyết tâm đó sẽ giúp các em chuẩn bị để tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, mà đã được gọi từ thời xưa là “Chức Tư Tế theo Ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế.”7

Giờ đây, tôi muốn ngỏ lời cùng những người đã được kêu gọi và có vinh dự để phục vụ trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Giống như chức tư tế A Rôn, Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là tin cậy nhiều hơn để làm điều Chúa thường làm. Đó là một lời mời gọi để trở thành giống như Ngài. Đây là lời hứa của Ngài:

“Vì những ai trung thành để nhận được hai chức tư tế mà ta đã nói tới, và làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của họ, thì được thánh hóa bởi Thánh Linh để thể xác của họ được đổi mới.

“Họ trở thành con trai của Môi Se và A Rôn, và dòng dõi của Áp Ra Ham, và giáo hội và vương quốc, và dân chọn lọc của Thượng Đế.

“Và ngoài ra, tất cả những ai tiếp nhận chức tư tế này tức là tiếp nhận ta, lời Chúa phán vậy;

“Vì kẻ nào tiếp nhận các tôi tớ ta tức là tiếp nhận ta;

“Và kẻ nào tiếp nhận ta tức là tiếp nhận Cha ta;

“Và kẻ nào tiếp nhận Cha ta tức là tiếp nhận vương quốc của Cha ta; vậy nên tất cả những gì Cha ta có sẽ được ban cho kẻ đó.”8

Tất cả những người nắm giữ chức tư tế đều được ban cho phước lành vinh quang đó qua một mẫu mực. Chúa ban mẫu mực đó cho chúng ta trong thánh thư, ở tiết 107 của sách Giáo Lý và Giao Ước:

“Vậy nên, giờ đây mọi người phải học hỏi bổn phận của mình và để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định.

“Người nào biếng nhác thì sẽ không được xem là xứng đáng để ở, và người nào không học hỏi bổn phận của mình, và tự cho thấy là không được chấp nhận, thì sẽ không được xem là xứng đáng để ở lại. Quả thật vậy. A Men.”9

Chúng ta phải học hỏi bổn phận của mình từ Chúa và rồi siêng năng thi hành, không hề lười biếng hoặc biếng nhác. Mẫu mực này rất giản dị nhưng không dễ theo. Chúng ta dễ bị xao lãng. Việc xem tin tức hằng ngày có thể dường như thú vị hơn sách học của chức tư tế. Việc ngồi xuống để nghỉ ngơi có thể hấp dẫn hơn là hẹn đi thăm viếng những người cần chúng ta phục vụ với chức tư tế.

Khi thấy mình xao lãng các bổn phận chức tư tế của mình bởi vì những sở thích khác, và khi cơ thể tôi muốn được nghỉ ngơi thì tôi tự khuyến khích bằng những lời này: “Hãy tưởng nhớ đến Ngài.” Chúa là tấm gương hoàn hảo của chúng ta về sự siêng năng phục vụ trong chức tư tế. Ngài là Đấng chỉ huy của chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta. Ngài đi trước chúng ta. Ngài chọn chúng ta để đi theo Ngài và mang những người khác với chúng ta.

Buổi tối hôm nay, tôi tưởng nhớ Ngài và điều đó làm tôi cảm động. Đây là buổi tối thứ Bảy trước ngày Chúa Nhật lễ Phục Sinh khi chúng ta tưởng nhớ Sự Phục Sinh của Ngài. Tôi nhớ đến tấm gương của Ngài trong những ngày trước khi Ngài chết.

Vì tình yêu thương dành cho Cha Ngài và cho chúng ta, Ngài tự để cho mình đau khổ quá khả năng chịu đựng của con người trần thế. Ngài phán bảo chúng ta về một số điều sự hy sinh vô hạn đòi hỏi nơi Ngài. Các em còn nhớ những lời này:

“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;

“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy;

“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm—

“Tuy nhiên, vinh quang là thuộc về Đức Chúa Cha, và ta đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người.”10

Từ cây thập tự trên Đồi Sọ, Đấng Cứu Rỗi đã nói: “Mọi việc đã được trọn.”11 Rồi linh hồn của Ngài rời khỏi thể xác Ngài và thi hài của Ngài được trìu mến đặt vào một ngôi mộ. Ngài đã giảng dạy cho chúng ta một bài học về điều Ngài đã làm ba ngày trong thế giới linh hồn trước khi Ngài phục sinh, tôi nhớ bài học đó bất cứ khi nào tôi bị cám dỗ để cảm thấy rằng mình đã làm xong một nhiệm vụ khó khăn nào đó trong sự phục vụ Ngài và đáng được nghỉ ngơi.

Tấm gương của Đấng Cứu Rỗi mang đến cho tôi lòng can đảm để tiếp tục. Công việc của Ngài trên trần thế đã hoàn tất, nhưng Ngài bước vào thế giới linh hồn với quyết tâm tiếp tục công việc vinh quang của Ngài để cứu rỗi các linh hồn. Ngài tổ chức công việc của các linh hồn trung tín để giải cứu những linh hồn là những linh hồn vẫn có thể được ban phước nhờ vào lòng thương xót của Ngài, mà Ngài có thể thực hiện được qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Hãy nhớ những lời trong tiết 138 của sách Giáo Lý và Giao Ước:

“Nhưng này, ở giữa những người ngay chính, Ngài đã tổ chức các lực lượng của Ngài cùng chỉ định các sứ giả, khoác cho họ quyền năng và thẩm quyền, và ủy thác cho họ ra đi mang ánh sáng phúc âm đến với những kẻ ở trong bóng tối, nghĩa là tất cả những linh hồn con người; và phúc âm được thuyết giảng cho người chết là như vậy.

“Và các sứ giả được chọn đã ra đi rao truyền ngày ban ơn của Chúa và rao truyền sự tự do cho những kẻ bị ràng buộc, nghĩa là cho tất cả những ai biết hối cải tội lỗi của mình và tiếp nhận phúc âm.”12

Bất cứ khi nào chúng ta tưởng nhớ đến Ngài, thì điều đó trở nên dễ dàng hơn để chống lại cám dỗ là muốn nghỉ ngơi khỏi những công việc của chức tư tế của mình. Ngày nay chúng ta cần phải tưởng nhớ đến Ngài vì chúng ta có mặt nơi đây để học hỏi các bổn phận của mình, quyết tâm làm điều chúng ta đã cam kết để siêng năng làm. Và nhờ vào tấm gương của Ngài, chúng ta sẽ kiên trì đến cùng đối với các nhiệm vụ Ngài ban cho chúng ta trong cuộc sống này, cũng như cam kết làm theo ý muốn của Cha Ngài mãi mãi như Ngài đã và đang cam kết làm.

Đây là Giáo Hội của Chúa. Ngài kêu gọi chúng ta và tin cậy chúng ta mặc dù Ngài biết là chúng ta có những yếu kém. Ngài biết những thử thách chúng ta sẽ đối phó. Nhờ sự phục vụ trung tín và qua Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta có thể dần dần muốn điều Ngài muốn và trở thành con người chúng ta phải trở thành để ban phước cho những người mình phục vụ thay cho Ngài. Khi phục vụ Ngài đủ lâu rồi và một cách siêng năng thì chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta có thể tiếp tục trở nên giống như Ngài hơn.

Tôi thấy bằng chứng về phép lạ đó trong cuộc sống của các tôi tớ Ngài. Tôi thấy điều đó cách đây một vài tuần trong căn phòng khác của một người trung tín nắm giữ chức tư tế.

Tôi biết anh ấy với tư cách là một thầy trợ tế, người cha, giám trợ và thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu. Tôi đã quan sát anh ấy qua nhiều thập niên trong việc siêng năng phục vụ con cái của Thượng Đế với chức tư tế của mình.

Gia đình của anh ấy ngồi quanh anh ấy trong căn phòng khách. Anh ấy mỉm cười trong chiếc áo sơ mi trắng, bộ com lê và cái cà vạt. Tôi rất ngạc nhiên, bởi vì tôi đã có mặt ở đó và vì tôi được cho biết là anh ấy đang trải qua quá trình điều trị y khoa đầy đau đớn nhưng chưa được chữa lành.

Tuy nhiên anh ấy chào tôi như anh ấy phải tươi cười chào hằng trăm người khách khác trong suốt cuộc đời phục vụ với chức tư tế. Tôi đã đến để giúp đỡ trong những thử thách anh ấy đang đối phó, nhưng cũng như điều thường xảy ra trong sự phục vụ với chức tư tế, tôi đã được giúp đỡ và đã học hỏi được.

Chúng tôi ngồi nói chuyện vui vẻ. Anh ấy nói với tôi cách cha của anh ấy đã săn sóc cho mẹ tôi khi bà gần kề cái chết. Tôi không biết điều đó. Rồi tôi nhận thấy rằng anh ấy đã học hỏi từ người cha siêng năng nắm giữ chức tư tế của mình cách phục vụ người khác khi anh ấy còn niên thiếu. Ý nghĩ đó làm cho tôi biết ơn những lần tôi dẫn theo mấy đứa con trai nhỏ của mình trong những cuộc thăm viếng của chức tư tế để an ủi và ban phước cho những người khác.

Sau một vài phút, anh ấy hỏi nhỏ: “Nếu tôi yêu cầu anh ban cho tôi một phước lành thì có thích hợp không?” Vị chủ tịch giáo khu cũ của anh ấy, là người phục vụ cùng anh ấy trong nhiều năm, xức lên đầu của anh ấy dầu đã được thánh hóa bởi quyền năng của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

Khi làm lễ ấn chứng phước lành, tôi đã được Đức Thánh Linh giảng dạy ít nhất một phần về điều Chúa đã làm cho người nắm giữ chức tư tế trung tín này. Anh ấy đã được trong sạch, tội lỗi của anh đã được rửa sạch. Cá tính của anh đã được thay đổi để muốn điều Đấng Cứu Rỗi muốn. Anh ấy không sợ hãi cái chết. Ước muốn của lòng anh là sống để phục vụ gia đình mình và những con cái khác của Cha Thiên Thượng là những người cần đến anh.

Tôi bước vào màn đêm với lòng biết ơn đã chứng kiến sự nhân từ của Chúa đối với các tôi tớ luôn luôn siêng năng với chức tư tế của Ngài. Ngài thay đổi tấm lòng của họ để muốn điều Ngài muốn và để hành động như Ngài thường hành động.

Giờ đây tôi kết thúc với lời khuyên bảo này cho các tôi tớ nắm giữ chức tư tế của Chúa. Hãy suy ngẫm sâu xa và siêng năng về thánh thư cùng những lời của các vị tiên tri tại thế. Hãy kiên trì trong sự cầu nguyện để cầu xin Đức Thánh Linh mặc khải cho các anh em về thiên tính của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài. Hãy khẩn nài để Thánh Linh sẽ chỉ cho các anh em thấy điều Chúa muốn các anh em phải làm. Hãy hoạch định để làm điều đó. Hãy hứa với Ngài để vâng lời. Hãy quyết tâm hành động cho đến khi các anh em đã làm xong điều Ngài phán bảo. Và rồi cầu nguyện để cảm tạ cơ hội được phục vụ và biết điều các anh em có thể làm kế tiếp.

Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Hai Ngài là các Đấng phục sinh, vinh quang và yêu thương cùng trông nom chúng ta. Các chìa khóa của chức tư tế được các thiên sứ phục hồi cho Tiên Tri Joseph Smith. Các chìa khóa này được chuyển giao trong một hệ thống liên tục đến Chủ Tịch Thomas S. Monson. Các chìa khóa đó được mỗi Vị Sứ Đồ tại thế nắm giữ.

Tôi để lại cho các anh em phước lành của tôi để các anh em có thể dần dần cảm nhận được qua Thánh Linh tầm quan trọng của sự tin cậy và những lời hứa mà các anh em đã nhận được với tư cách là các tôi tớ nắm giữ chức tư tế trong Giáo Hội chân chính của Chúa. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young (1997), 128.

  2. Teachings: Brigham Young, 128.

  3. Làm Tròn Bổn Phận của Tôi đối với Thượng Đế: Dành cho Những Người Nắm Giữ Chức Tư Tế A Rôn (quyển sách nhỏ, 2010), 5.

  4. Ma Thi Ơ 3:14.

  5. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 13.

  6. Xin xem 3 Nê Phi 20:3–9.

  7. Giáo Lý và Giao Ước 107:3; Xin xem thêm An Ma 13:1–9.

  8. Giáo Lý và Giao Ước 84:33–38.

  9. Giáo Lý và Giao Ước 107:99–100.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 19:16–19.

  11. Giăng 19:30.

  12. Giáo Lý và Giao Ước 138:30–31.