2010
Các Tín Hữu ở Haiti Tiến Bước, Vững Mạnh trong Phúc Âm
tháng Năm năm 2010


Các Tín Hữu ở Haiti Tiến Bước, Vững Mạnh trong Phúc Âm

Khi một trận động đất giáng xuống Haiti vào tháng Giêng năm 2010, Jean-Elie René chạy nhanh về nhà để chắc chắn rằng gia đình của mình được an toàn. Khi đến nơi, anh thấy một trong số ba đứa con trai của mình đang đứng khóc ngoài đường, và anh có thể nghe tiếng thét của một đứa con trai khác ở dưới đống gạch vụn nơi từng là nhà của gia đình anh.

Người cha 32 tuổi đi lần theo tiếng hét và đào xuyên qua đống gạch vụn cho đến khi anh tìm ra đứa con trai năm tuổi của mình và thi hài của người vợ đang mang thai, vẫn còn che chở cho đứa bé chín tháng của họ khỏi mái nhà sụp đổ.

Anh René phục vụ với tư cách là thư ký tiểu giáo khu trong Tiểu Giáo Khu Leogane, Giáo Khu Port-au-Prince Haiti. Mặc dù mất vợ, đứa con chưa sinh và nhà cửa, nhưng anh không than vãn hay nổi giận về hoàn cảnh của mình. Đa số những ngày tiếp theo trận động đất, người ta có thể thấy Anh René ở nhà hội, tay ôm đứa bé sơ sinh còn hai đứa con trai kia ở bên cạnh anh, đang giúp đỡ vị giám trợ phối hợp việc trợ giúp các tín hữu trong tiểu giáo khu và những người khác, họ đã dùng ngôi nhà hội làm nơi tạm trú.

Câu chuyện của Anh René rất cảm động nhưng không phải độc nhất. Các tín hữu của Giáo Hội ở khắp Haiti đều chịu nhiều đau khổ vì cảnh tàn phá của trận động đất với cường độ 7.0, nhưng thiên tai này đã giúp khám phá sức mạnh của con số các tín hữu đang gia tăng ở Haiti. Giống như Anh René, nhiều tín hữu—kể cả các tín hữu lâu đời lẫn các tín hữu thuộc thế hệ thứ nhất—đã đương đầu với thử thách một cách đáng phục cùng tìm ra sự bình an và an ủi trong việc trung tín và vâng lời.

Chứng Tỏ trong Thử Thách

Trong suốt các thử thách của mình, các tín hữu của Giáo Hội ở Haiti đã đứng vững trong phúc âm khi họ tiếp tục chăm sóc và củng cố lẫn nhau cũng như những người trong cộng đồng của họ.

Yves Pierre-Louis, giám trợ của Tiểu Giáo Khu Leogane, nói: “Đúng là tất cả những gì chúng tôi có, ngay cả tài sản vật chất và gia đình của chúng tôi đều biến mất. Nhưng đức tin của chúng tôi nơi Chúa Giê Su Ky Tô không bị hủy diệt. Đây là một cơ hội tốt để chúng tôi tự đánh giá với tư cách là các môn đồ của Đấng Ky Tô.”

Anh Cả Francisco J. Viñas thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, Chủ Tịch Giáo Vùng Caribbean, nói: “Đặc biệt, các vị lãnh đạo chức tư tế ở địa phương là tấm gương sáng về đức tin và chứng ngôn khi họ đương đầu với thử thách một cách đáng phục, học cách làm tròn sự kêu gọi của mình trong những lúc khó khăn và giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn.”

Ông nói: “Họ sử dụng các chìa khóa chức tư tế của mình để ban phước cho cuộc sống của các tín hữu và những người ngoại đạo. Mỗi ngày, họ làm việc trong hội đồng và nhận được sự hướng dẫn của Thánh Linh để đối phó với những thử thách khó khăn.”

Prosner Colin, chủ tịch Giáo Khu Port-au-Prince Haiti, nói rằng hậu quả tàn phá của trận động đất tạo ra một thử thách, nhất là đối với các vị giám trợ ở Haiti. Các vị giám trợ và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội chịu trách nhiệm chăm sóc và giúp đỡ hằng trăm tín hữu của tiểu giáo khu cũng như gia đình của họ.

Chủ Tịch Colin nói: “[Các vị giám trợ] tiếp tục giúp đỡ. Họ hiểu rằng họ đã mất nhiều thứ nhưng họ có phúc âm. Họ khuyến khích [các tín hữu] tiếp tục sống xứng đáng.”

Giám Trợ Pierre-Louis trở thành người lãnh đạo cộng đồng sau trận động đất. Qua nhiều tuần và nhiều tháng tiếp theo sự tàn phá ở Haiti, ông đã dành hết đời mình để phục vụ các tín hữu và những người ngoại đạo ở Leogane—phục vụ cho nhu cầu của hằng trăm người.

Chad Peterson, một bác sĩ từ Arizona đã làm việc với Giám Trợ Pierre-Louis với tư cách là một người tình nguyện sau trận động đất: “Ông là một tôi tớ kỳ diệu, khiêm nhường nhất ta từng gặp.”

Đức Tin cho Bây Giờ và Tương Lai

Nhiều câu chuyện đã được chia sẻ về các tín hữu ở khắp Haiti mà tính kiên cường và đức tin của họ nơi Chúa đã mang họ vượt qua thử thách.

Anh Cả Wilford W. Anderson thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã nói tại đại hội trung ương tháng Tư năm 2010: “Mặc dù Các Thánh Hữu Haiti trung tín đã chịu nhiều đau khổ, nhưng lòng họ tràn đầy niềm hy vọng cho tương lai. Giống như những người tiền phong đầu tiên vào năm 1846, lòng họ đau khổ nhưng tinh thần của họ vững mạnh. Họ cũng dạy cho chúng ta biết rằng niềm hy vọng, hạnh phúc và niềm vui không phải là kết quả của hoàn cảnh mà là đức tin nơi Chúa.”

Các buổi nhóm họp của Giáo Hội đã tiến hành không hề gián đoạn chính là kết quả của sự vâng lời và đức tin như vậy ngay sau trận động đất.

Mặc dù quốc gia của họ bị tàn phá, các tín hữu ở Haiti vẫn đến nhà thờ mặc đồ trang trọng với nụ cười nở trên gương mặt. Phúc âm là sự hỗ trợ, là nơi nương tựa của nhiều người để kéo họ ra khỏi nỗi buồn phiền và thất vọng.

Anh Peterson nói: “Mặc dù mất nhà cửa, công việc làm và những người trong gia đình, nhưng các tín hữu vẫn có thái độ tử tế, đầy hy vọng và vui vẻ. Họ có đức tin kỳ diệu.”

Ngày nay, Giáo Hội tiếp tục phát triển ở Haiti. Chủ Tịch Colin nói: Con số các tín hữu tham dự lễ Tiệc Thánh đã gia tăng, và người dân ở Haiti tiếp tục cố gắng xây đắp lại cộng đồng của họ.

Ông nói: “Các tín hữu rất đắc lực phục vụ những người khác. Họ đi thăm những người này; họ đang tìm kiếm cơ hội làm việc cho mình và cho những người khác.”

Berthony Theodor, một người dân Haiti và giám đốc chương trình an sinh của Giáo Hội ở Haiti, nói rằng ông và các vị lãnh đạo khác hiện nay và tương lai của Giáo Hội ở Haiti đã nhận được kinh nghiệm quý báu do tai họa này mà có.

Anh nói: “Chúng tôi có cơ hội phục vụ những người khác, một lần nữa cho họ thấy chúng tôi yêu thương họ biết bao. Chúng tôi dần dần biết được một lần nữa rằng chúng ta không cô đơn một mình trên thế gian, rằng chúng ta đều là tín hữu của dân Chúa.”

Anh Theodor nói rằng trận động đất—hoặc bất cứ tai họa nào khác—không thể lấy đi sự bình an hay niềm vui của các tín hữu ở Haiti.

Anh nói: “Chứng ngôn của tôi là Chúa không bao giờ quên con cái của Ngài. Ngài biết tôi đang ở đâu và hoàn cảnh của tôi. Ngài sẽ không bao giờ bỏ mặc tôi một mình nữa.”