Viện Giáo Lý
Bài Học 5: Vai Trò của Sách Mặc Môn Là Gì?


5

Vai Trò của Sách Mặc Môn Là Gì?

Lời Giới Thiệu

Sách Mặc Môn là bằng chứng mạnh mẽ về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô và bằng chứng về Sự Phục Hồi qua Tiên Tri Joseph Smith. Sách Mặc Môn trả lời “những câu hỏi về con người” (xin xem Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 123) mà nhiều con cái của Cha Thiên Thượng có về cuộc sống của họ. Một phần thiết yếu của sự cải đạo là nhận được một sự làm chứng từ Đức Thánh Linh rằng Sách Mặc Môn là chân chính. Một người truyền giáo tương lai cần học Sách Mặc Môn mỗi ngày, có một chứng ngôn cá nhân về Sách Mặc Môn, và có được kinh nghiệm trong việc chia sẻ chứng ngôn đó với người khác.

Chuẩn Bị Trước

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Sách Mặc Môn là Bằng Chứng Mạnh Mẽ về Thiên Tính của Chúa Giê Su Ky Tô

Mời các sinh viên nhìn vào quyển Sách Mặc Môn của họ, hoặc giơ lên cho cả lớp xem xét. Rồi hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Nếu các em đã không biết bất cứ điều gì về Sách Mặc Môn, thì các em sẽ học được điều gì từ việc chỉ đọc tựa đề (Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô)?

  • Các em kỳ vọng tìm được điều gì trong quyển sách này?

Yêu cầu sinh viên giở đến trang tựa của Sách Mặc Môn và đọc đoạn thứ hai, cùng chú ý đến điều mà các tác giả của Sách Mặc Môn đã muốn thuyết phục thế giới. Rồi hỏi:

  • Các tác giả Sách Mặc Môn đã muốn thuyết phục thế giới về điều gì?

Viết câu sau đây lên trên bảng: Mục đích chính yếu của Sách Mặc Môn là thuyết phục tất cả mọi người rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.

Mời một sinh viên đọc to đoạn có tựa đề “Sách Mặc Môn Làm Chứng về Đấng Ky Tô” nằm ở trang 121 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta trong khi lớp học dò theo cùng tìm kiếm những cách mà Sách Mặc Môn đóng vai trò là một chứng thư về Chúa Giê Su Ky Tô.

Rồi sau đó hỏi các sinh viên:

  • Trong những phương diện nào Sách Mặc Môn đóng vai trò là một chứng thư về Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Sách Mặc Môn đã củng cố chứng ngôn của các em về Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

Mời các sinh viên chia sẻ với một sinh viên khác trong lớp chứng ngôn cá nhân của họ về Sách Mặc Môn, kinh nghiệm của họ trong việc đọc và cầu nguyện về sách đó, hoặc các đoạn ưa thích của họ về Đấng Cứu Rỗi và sứ mệnh của Ngài. Nói cho sinh viên biết rằng một trong những điều quan trọng nhất họ có thể làm trước khi vào Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo là đọc trọn vẹn Sách Mặc Môn và cầu nguyện về lẽ trung thực của sách đó. Khuyến khích các sinh viên tuân theo lời khuyên bảo của Chủ Tịch Ezra Taft Benson dành cho các tín hữu Giáo Hội là đọc Sách Mặc Môn 30 phút mỗi ngày.

Kinh Thánh và Sách Mặc Môn Hỗ Trợ Lẫn Nhau

Mời sinh viên giở đến trang 122 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Yêu cầu một vài sinh viên thay phiên nhau đọc to phần có tựa đề “Sách Mặc Môn và Kinh Thánh Hỗ Trợ Lẫn Nhau.”

Rồi hỏi:

  • Sách Mặc Môn và Kinh Thánh hỗ trợ lẫn nhau trong một số phương diện nào?

  • Tại sao những người truyền giáo cần sử dụng cả Sách Mặc Môn và Kinh Thánh khi họ giúp những người khác học hỏi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô? (Câu trả lời của sinh viên cần phản ảnh lẽ thật sau đây: Sách Mặc Môn và Kinh Thánh cùng hoạt động với tính cách là các chứng thư về Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài.)

Để giúp lớp học hiểu khái niệm này, hãy yêu cầu một sinh viên đọc to 2 Nê Phi 3:12. Yêu cầu một sinh viên khác đọc to Ê Xê Chi Ên 37:15–17. Cho cả lớp tìm kiếm các cụm từ ám chỉ Kinh Thánh và các cụm từ ám chỉ Sách Mặc Môn. Sau khi các sinh viên đã đọc các đoạn này rồi, hãy hỏi lớp học:

  • Làm thế nào các đoạn thánh thư này hỗ trợ ý kiến về hai chứng thư?

  • Các phước lành nào đã được hứa do việc Sách Mặc Môn và Kinh Thánh song hành với nhau?

Để minh họa thêm cách Sách Mặc Môn và Kinh Thánh cùng đóng vai trò là các chứng thư về Chúa Giê Su Ky Tô, yêu cầu một sinh viên đọc đoạn trích dẫn sau đây của Anh Cả Tad R. Callister thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, hoặc cho xem đoạn video về đoạn trích dẫn đó.

Hình Ảnh
Anh Cả Tad R. Callister

“Nhưng tại sao Sách Mặc Môn lại thiết yếu như thế nếu chúng ta đã có Kinh Thánh để dạy về Chúa Giê Su Ky Tô rồi? Các anh chị em có từng tự hỏi tại sao có quá nhiều Ky Tô giáo trên thế giới ngày nay nếu họ nhận được các giáo lý cũng từ một quyển Kinh Thánh cơ bản không? Đó là vì họ giải thích Kinh Thánh khác nhau. Nếu họ giải thích Kinh Thánh giống nhau, thì họ đã thuộc vào một giáo hội rồi. Đây không phải là tình trạng Chúa muốn, vì Sứ Đồ Phao Lô đã nói rằng ‘chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp têm” (Ê Phê Sô 4:5). Để giúp mang lại tính chất độc nhất này, Chúa đã thiết lập một luật pháp thiêng liêng về những người làm chứng. Phao Lô dạy: ‘Mọi việc sẽ định cứ lời khai của hai hoặc ba người làm chứng’ (2 Cô Rinh Tô 13:1).

“Kinh Thánh là một chứng thư về Chúa Giê Su Ky Tô; Sách Mặc Môn là một chứng thư khác. Tại sao chứng thư thứ hai này lại chủ yếu như vậy? Ví dụ minh họa sau đây có thể giúp ích: Các anh chị em có thể vẽ bao nhiêu đường thẳng qua một điểm duy nhất trên một tờ giấy? Câu trả lời là vô số đường thẳng. Trong một chốc lát, hãy giả sử rằng điểm duy nhất đó tượng trưng cho Kinh Thánh, và hằng trăm đường thẳng vẽ xuyên qua điểm đó tượng trưng cho những cách giải thích khác nhau về Kinh Thánh, và rằng mỗi một trong những cách giải thích đó tượng trưng cho một giáo hội khác.

“Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu trên tờ giấy đó, có một điểm thứ hai tượng trưng cho Sách Mặc Môn? Các anh chị em có thể vẽ bao nhiêu đường thẳng giữa hai điểm chuẩn này tượng trưng cho Kinh Thánh và Sách Mặc Môn? Chỉ một đường thẳng mà thôi. Chỉ một cách giải thích rằng các giáo lý của Đấng Ky Tô có thể tồn tại nhờ vào lời chứng của hai chứng thư này.

“Không biết bao nhiều lần Sách Mặc Môn khẳng định, làm sáng tỏ và thống nhất rằng các giáo lý được giảng dạy trong Kinh Thánh là chỉ có ‘một Chúa, một đức tin, một phép báp têm’” (“Sách Mặc Môn—một Quyển Sách Từ Thượng Đế,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 75).

Sau khi đã cho xem video hoặc đọc đoạn trích dẫn, hãy hỏi:

  • Giá trị của việc có hai chứng thư về Chúa Giê Su Ky Tô là gì?

  • Các em học được điều gì từ bài nói chuyện của Anh Cả Callister mà có thể giúp các em giảng dạy lẫn nhau về cách Sách Mặc Môn và Kinh Thánh cùng hoạt động với nhau?

Vai Trò của Sách Mặc Môn trong việc Quy Tụ Y Sơ Ra Ên

Để chuẩn bị nội dung khi anh chị em dạy nguyên tắc kế tiếp, anh chị em có thể cho các sinh viên đọc lại đoạn thứ hai trong trang tựa của Sách Mặc Môn và gạch dưới hoặc tô đậm lời hứa mà độc giả có thể “biết được những giao ước của Chúa, ngõ hầu họ không bị khai trừ mãi mãi.” Giải thích rằng đoạn này ám chỉ sự thật là các con cái của Thượng Đế trong gia tộc đã bị phân tán của Y Sơ Ra Ên cần phải được quy tụ. Nhắc các sinh viên nhớ rằng trong thời xưa, Thượng Đế đã lập các giao ước với con cái của Ngài. Tuy nhiên, Chúa phân tán dân chúng thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên ra khắp mặt đất vì kết quả của sự bất chính và phản nghịch của họ.

Chỉ định sinh viên đọc một trong các đoạn thánh thư sau đây và tìm kiếm cách con cái của Thượng Đế được quy tụ: 1 Nê Phi 10:14; 3 Nê Phi 16:4–5; hoặc 3 Nê Phi 20:13. Rồi hỏi những câu hỏi như sau để giúp họ nhận ra giáo lý được giảng dạy trong các đoạn thánh thư này:

  • Theo như các đoạn này, điều gì cần phải xảy ra để cho các cá nhân được quy tụ lại với tư cách là một phần của gia tộc Y Sơ Ra Ên? (Họ cần phải được mang đến sự hiểu biết về Chúa Giê Su Ky Tô.)

  • Sách Mặc Môn đóng vai trò gì trong tiến trình này? (Mặc dù sinh viên có thể dùng các từ khác nhau, nhưng họ cần nhận ra lẽ thật sau đây: Sách Mặc Môn đóng vai trò như là một công cụ nhằm giúp quy tụ các con cái của Thượng Đế bằng cách giúp họ có được sự hiểu biết về Chúa Giê Su Ky Tô.)

Đọc lời phát biểu sau đây, trong đó Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–1985) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đề cập đến vai trò của Sách Mặc Môn trong việc quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Hình Ảnh
Anh Cả Bruce R. McConkie

“Về vấn đề quy tụ Y Sơ Ra Ên, Sách Mặc Môn là quyển sách quan trọng nhất mà đã từng hoặc sẽ từng được viết ra. Đây là quyển sách mà quy tụ Y Sơ Ra Ên và tiết lộ giáo lý về sự quy tụ, trong một cách rõ ràng và hoàn hảo. … Chính là Sách Mặc Môn mà đã khiến cho con người tin vào phúc âm và gia nhập Giáo Hội, và như chúng ta đã thấy trước đây, đó là quyền năng mà mang đến sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên” (A New Witness for the Articles of Faith [1985], 554).

Sau đó, hỏi những câu hỏi như sau:

  • Những người truyền giáo tham gia vào việc quy tụ gia tộc Y Sơ Ra Ên bằng cách nào? (Bằng cách giúp những người khác học hỏi và hiểu Sách Mặc Môn để họ có thể đến với Đấng Ky Tô qua đức tin, sự hối cải, phép báp têm, lễ xác nhận, và kiên trì đến cùng.)

  • Tại sao là điều quan trọng để những người truyền giáo sử dụng Sách Mặc Môn khi họ giúp những người khác đến với Đấng Ky Tô?

Việc Nhận Được một Chứng Ngôn về Sách Mặc Môn Là một Phần Thiết Yếu của Sự Cải Đạo

Mời một sinh viên đọc to câu chuyện sau đây từ tiểu sử của Sứ Đồ Parley P. Pratt (1807–1857), mà trong đó ông mô tả kinh nghiệm của ông khi ông đọc Sách Mặc Môn lần đầu tiên:

Hình Ảnh
Anh Cả Parley P. Pratt

“Tôi hăm hở mở quyển sách đó ra, và đọc trang tựa của sách. Rồi tôi đọc chứng ngôn của vài nhân chứng về cách thức mà sách được tìm thấy và phiên dịch. Sau đó, tôi bắt đầu đọc nội dung của sách theo thứ tự. Tôi đọc suốt ngày; ăn uống cũng không còn quan trọng đối với tôi bằng việc đọc sách; tôi không còn thèm muốn thức ăn; ngủ cũng không quan trọng khi đêm đến, bởi vì tôi thích đọc hơn là ngủ.

Khi tôi đọc, thánh linh của Chúa ngự trên tôi, và tôi biết và thấu hiểu rằng quyển sách này là chân chính, rõ ràng và hiển nhiên như một người thấu hiểu và biết rằng mình hiện hữu” (Autobiography of Parley P. Pratt, do Parley P. Pratt Jr. [1874] biên tập, trang 38).

  • Làm thế nào Thánh Linh của Chúa đã tác động đến Parley P. Pratt khi ông đọc Sách Mặc Môn?

  • Các em có thể chia sẻ một thời gian mà Thánh Linh làm cho các em cảm động khi đọc một đoạn hoặc câu đặc biệt trong Sách Mặc Môn không?

Mời sinh viên gạch dưới hoặc tô đậm câu sau đây trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 120: “Sách Mặc Môn, phối hợp với Thánh Linh, là một nguồn tài liệu mạnh mẽ nhất của các anh chị em trong sự cải đạo.” Để giúp sinh viên hiểu lẽ thật này, hãy cho họ đọc phần “Sách Mặc Môn Mang Người Ta Đến Gần Thượng Đế Hơn” ở trang 124 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Rồi hỏi:

  • Theo như phần này trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, một số điều cụ thể nào có thể xảy ra khi một người bắt đầu học Sách Mặc Môn?

  • Tại sao việc giúp những người tầm đạo học và đạt được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn là một trong các mục tiêu quan trọng nhất của người truyền giáo?

Giải thích cho lớp học biết rằng họ có thể giúp những người tầm đạo cảm thấy được quyền năng cải đạo của Sách Mặc Môn bằng cách giúp những người tầm đạo tìm được những câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất của cuộc sống trong những trang sách này. Cho một vài sinh viên thay phiên nhau đọc to các đoạn và các câu hỏi được tìm thấy ở trang 123 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Yêu cầu lớp học tìm kiếm ý nghĩa của cụm từ “những câu hỏi về con người.” Rồi thảo luận những câu sau đây:

  • Cụm từ “những câu hỏi về con người” có ý nghĩa gì đối với các em?

Viết lên trên bảng lẽ thật sau đây:

Những lời giảng dạy của Sách Mặc Môn trả lời những câu hỏi về con người.

Thảo luận những câu hỏi sau đây với sinh viên:

  • Các em sẽ sử dụng Sách Mặc Môn để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi về con người như thế nào?

  • Các em đã tìm thấy trong Sách Mặc Môn các câu trả lời cho những câu hỏi nào về con người?

Cân nhắc việc đưa ra một phần trình bày ngắn cho lớp học về cách sử dụng Sách Mặc Môn để tìm kiếm những câu trả lời cho những câu hỏi về con người. Chọn ra một trong những câu hỏi trong bản liệt kê ở trang 123 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Sử dụng các đoạn trong Sách Mặc Môn được liệt kê cùng với câu hỏi, hãy trình bày cách Sách Mặc Môn trả lời cho câu hỏi mà anh chị em chọn ra. Cũng hãy cân nhắc việc cho thấy cách sử dụng phần Topical Guide, Bible Dictionary, hoặc Sách Hướng Dẫn Thánh Thư để tìm câu trả lời cho những câu hỏi. Chia sẻ cảm nghĩ của anh chị em với lớp học về cách Sách Mặc Môn cũng có thể giúp họ và những người tầm đạo của họ tìm kiếm các câu trả lời cho những câu hỏi của họ.

Sau khi đưa ra ví dụ này cho các sinh viên, hãy mời họ tuân theo cùng một tiến trình. Yêu cầu họ chọn ra một trong những câu hỏi trong bản liệt kê rồi sau đó xem lại đoạn đi kèm trong Sách Mặc Môn để tìm các giáo lý hoặc các nguyên tắc mà trả lời cho câu hỏi đó. Sau khi đã cho các sinh viên đủ thời gian để chuẩn bị rồi, hãy mời các sinh viên vắn tắt chia sẻ điều họ tìm thấy với sinh viên khác. Khi họ chia sẻ xong, hãy thảo luận câu hỏi sau đây:

  • Làm thế nào những người truyền giáo sử dụng Sách Mặc Môn để giúp những người tầm đạo tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi về con người?

Để minh họa thêm cách Sách Mặc Môn trả lời cho những câu hỏi về con người, hãy cho xem video “A Book of Mormon Story (Một Câu Chuyện Sách Mặc Môn).” Yêu cầu sinh viên xem cách Sách Mặc Môn đã trả lời một số câu hỏi của Anh Cook trước khi anh gia nhập Giáo Hội.

Sau khi xem video xong, anh chị em có thể hỏi:

  • Một số những câu hỏi quan trọng mà đã được trả lời cho Anh Cook khi anh đọc Sách Mặc Môn là gì?

  • Việc tìm kiếm những câu trả lời này đã ảnh hưởng đến anh ấy như thế nào?

Mời các sinh viên cân nhắc một câu hỏi quan trọng có liên quan đến phúc âm mà họ hoặc một người bạn mong muốn nhận được câu trả lời. Làm chứng rằng Chúa sẽ giúp giải đáp thắc mắc của họ qua việc học Sách Mặc Môn của họ.

Sách Mặc Môn Xác Nhận Lẽ Thật của Sự Phục Hồi

Mời các sinh viên thay phiên nhau đọc to phần trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta có tựa đề “Sách Mặc Môn là Nền Tảng của Tôn Giáo Chúng Ta,” bắt đầu ở trang 119 và tiếp tục cho đến cái bảng ở trang 120. Khi họ đọc, hãy yêu cầu họ ngẫm nghĩ lời phát biểu của Joseph Smith về tầm quan trọng của Sách Mặc Môn. Rồi hỏi:

  • Trong những phương diện nào Sách Mặc Môn là “nền tảng của chứng ngôn”?

  • Các em nghĩ tại sao kẻ nghịch thù phản đối Sách Mặc Môn và tìm cách ngăn cản con người đọc sách đó? (Bởi vì sách đó là nền tảng của tôn giáo chúng ta.)

Giải thích rằng có nhiều người trên thế giới cảm thấy khó tin vào câu chuyện của Joseph Smith và nguồn gốc của Sách Mặc Môn. Những người truyền giáo cần chuẩn bị giải thích những mối nghi ngờ về nguồn gốc thiêng liêng của Sách Mặc Môn.

Là một lớp học, hãy cùng nhau đọc phần có tựa đề “Sử Dụng Sách Mặc Môn để Đối Phó với Những Sự Chống Đối” tìm thấy trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, các trang 125–126. Yêu cầu sinh viên tìm kiếm lời khuyên bảo mà sẽ giúp họ củng cố đức tin của những người tầm đạo đang lo âu hoặc có điều gì nghi ngờ. Hỏi những câu hỏi như sau để giúp sinh viên nhận ra một nguyên tắc được tìm thấy trong phần bài đọc của họ:

  • Theo như Chủ Tịch Benson, tại sao là điều quan trọng đối với một người mà có những lo lắng về niềm tin của chúng ta để biết xem Sách Mặc Môn có phải là chân chính hay không?

  • Trong những phương diện nào Sách Mặc Môn có thể giúp một người giải quyết những mối lo âu và nghi ngờ về phần thuộc linh?

Để tóm tắt các nguyên tắc mà sinh viên nhận ra, anh chị em có thể viết nguyên tắc này lên trên bảng: Việc nhận được một chứng ngôn rằng Sách Mặc Môn là chân chính có thể giúp những người tầm đạo vượt qua những mối lo âu và nghi ngờ về phần thuộc linh.

Trưng bày lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008), và mời một vài sinh viên mỗi em đọc to một hoặc hai đoạn:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley

“Mỗi lần chúng ta khuyến khích người khác đọc Sách Mặc Môn, thì chúng ta đang làm một điều tốt cho họ. Nếu họ thành tâm đọc sách đó và với một ước muốn chân thành để biết lẽ thật, thì họ se biết rằng sách đó là chân chính bằng quyền năng của Đức Thánh Linh.

Một khi họ biết rằng sách đó là chân chính, thì họ sẽ biết nhiều điều khác nữa. Vì nếu Sách Mặc Môn là chân chính, thì Thượng Đế hằng sống. …

Nếu Sách Mặc Môn là chân chính, thì Chúa Giê Su quả thật là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Mục đích chính của việc sách đó được gìn giữ và cho ra đời, như đã được ghi trong trang tựa của sách, là ‘để thuyết phục cho dân Do Thái và Dân Ngoại tin rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế Vĩnh Cửu, đã biểu hiện cho tất cả quốc gia biết.’ (Trang tựa của Sách Mặc Môn.) …

“Nếu Sách Mặc Môn là chân chính, thì Joseph Smith đã là Vị Tiên Tri của Thượng Đế, vì ông đã là công cụ trong tay Thượng Đế trong việc mang ra ánh sáng chứng ngôn về thiên tính của Chúa chúng ta. …

Nếu Sách Mặc Môn là chân chính, thì Giáo Hội này là chân chính, vì cùng thẩm quyển mà nhờ đó biên sử này được mang ra ánh sáng là thẩm quyền hiện hữu và được biểu hiện giữa chúng ta ngày nay. Đó là sự phục hồi của Giáo Hội mà Đấng Cứu Rỗi ở xứ Phi Li Tin đã thiết lập. Đó là sự phục hồi của Giáo Hội mà Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập khi Ngài đến viếng thăm lục địa này như đã được nêu ra trong biên sử thiêng liêng này” (“The Power of the Book of Mormon,” Ensign, tháng Sáu năm 1988, trang 6).

Hãy cân nhắc việc hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Tại sao là điều quan trọng để những người tầm đạo, người truyền giáo, và các tín hữu nhận được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn?

  • Làm thế nào lẽ trung thực của Sách Mặc Môn xác nhận rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế? (xin xem Ma Thi Ơ 7:13–15).

  • Làm thế nào chứng ngôn của các em về Sách Mặc Môn đã giúp xác nhận với tâm hồn các em về tầm quan trọng vĩnh cửu của Sự Phục Hồi?

Hãy cân nhắc việc chia sẻ chứng ngôn của riêng anh chị em rằng Sách Mặc Môn là bằng chứng về lẽ trung thực của Sự Phục Hồi. Kết thúc bài học của anh chị em bằng cách mời một vài sinh viên chia sẻ chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn và giải thích tại sao họ hào hứng được giúp đỡ người khác đọc Sách Mặc Môn và cầu nguyện về sách đó.

Lời Mời để Hành Động

Nhắc những người truyền giáo tương lai rằng cách tốt nhất để chuẩn bị cho sự phục vụ truyền giáo toàn thời gian là bắt đầu làm công việc truyền giáo từ bây giờ. Mời các sinh viên trong lớp học đặt ra mục tiêu cá nhân để làm những điều sau đây:

  • Đọc trọn Sách Mặc Môn và cầu nguyện để biết lẽ trung thực của sách đó, thậm chí nếu họ đã đọc sách này trước đây rồi.

  • Thiết lập một thói quen đọc Sách Mặc Môn hàng ngày.

  • Giới thiệu Sách Mặc Môn với một người nào đó trong tuần sắp tới (một cách trực tiếp hoặc qua phương tiện truyền thông xã hội) và mời họ đọc cùng cầu nguyện về sách đó.

In