Viện Giáo Lý
Bài Học 6: Chuẩn Bị cho Cuộc Sống với Tư Cách Là Người Truyền Giáo


6

Chuẩn Bị cho Cuộc Sống với Tư Cách Là Người Truyền Giáo

Lời Giới Thiệu

Để phục vụ truyền giáo toàn thời gian là phải chấp nhận sự kêu gọi để đại diện cho Chúa Giê Su Ky Tô. Sự phục vụ truyền giáo là một kinh nghiệm đầy niềm vui, nhưng cũng gồm có cả sự lao nhọc. Để trở thành những người truyền giáo hữu hiệu, những người nam và người nữ cần phải sẵn sàng tin cậy nơi Chúa khi gặp phải những khó khăn thử thách. Khi những người truyền giáo tương lai đặt ra những kỳ vọng lành mạnh về cuộc sống truyền giáo, thì họ sẽ sẵn sàng hơn để phục vụ với tất cả “tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh” (GLGƯ 4:2).

Chuẩn Bị Trước

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Trở Thành một Người Truyền Giáo

Bắt đầu bài học bằng cách hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Trong những phương diện nào các em kỳ vọng lối sống của mình sẽ thay đổi khi các em bắt đầu phục vụ với tư cách là người truyền giáo?

  • Các em có thể bắt đầu làm gì bây giờ để chuẩn bị cho những sự thay đổi về lối sống này?

Trưng bày hoặc mời một sinh viên đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, hoặc cho xem đoạn video về lời phát biểu đó. Giải thích rằng mặc dù Anh Cả Bednar ngỏ lời cùng với các thiếu niên trong một phiên họp chức tư tế của đại hội trung ương, nhưng các nguyên tắc ông giảng dạy cũng áp dụng cho các thiếu nữ.

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

“Trong các buổi họp với các tín hữu trẻ tuổi của Giáo Hội trên khắp thế giới, tôi thường mời những người có mặt đặt câu hỏi. Một trong những câu hỏi mà tôi thường được hỏi nhất bởi các thiếu niên là: ‘Em có thể làm gì để chuẩn bị một cách hữu hiệu nhất cho việc phục vụ với tư cách là người truyền giáo trọn thời gian?’ Một câu hỏi thành thật như vậy xứng đáng có được một câu trả lời nghiêm túc.

Các em thân mến, chỉ có một điều quan trọng nhất mà các em có thể làm để chuẩn bị cho sự kêu gọi phục vụ là trở thành một người truyền giáo từ lâu trước khi các em đi truyền giáo. Xin lưu ý rằng trong câu trả lời của tôi, tôi đã nhấn mạnh trở thành thay vì đi. Tôi xin được giải thích điều tôi muốn nói.

Trong từ vựng thông thường của Giáo Hội, chúng ta thường nói đi nhà thờ, đi đền thờ, và đi truyền giáo. Tôi xin được táo bạo để đưa ra giả thuyết rằng thói quen của chúng ta khi nhấn mạnh đến việc đi đã không trúng vấn đề.

“Vấn đề không phải là đi nhà thờ; mà đúng hơn vấn đề là thờ phượng và tái lập các giao ước khi chúng ta tham dự nhà thờ. Vấn đề không phải là đi đến hay đi qua đền thờ; mà đúng hơn, vấn đề là có được trong lòng mình tinh thần, các giao ước và các giáo lễ trong Ngôi Nhà của Chúa. Vấn đề không phải là đi truyền giáo; mà đúng hơn, vấn đề là trở thành người truyền giáo và phục vụ trong suốt đời mình với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí và sức mạnh. Có thể có một thiếu niên đi truyền giáo mà không trở thành một người truyền giáo, và đây không phải là điều mà Chúa đòi hỏi hoặc Giáo Hội cần.

Hy vọng thiết tha của tôi cho mỗi em thiếu niên là các em sẽ không chỉ đi truyền giáo—mà các em còn sẽ trở thành những người truyền giáo từ lâu trước khi các em nộp giấy tờ xin đi truyền giáo của mình, từ lâu trước khi các em nhận được sự kêu gọi để phục vụ, từ lâu trước khi các em được sắc phong bởi vị chủ tịch giáo khu của các em, và từ lâu trước khi các em vào Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo” (“Trở Thành một Người Truyền Giáo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 45).

  • Anh Cả Bednar đã nói điều gì là điều quan trọng nhất các em có thể làm để chuẩn bị cho một sự kêu gọi phục vụ truyền giáo? (Trở thành một người truyền giáo từ lâu trước khi các em đi truyền giáo.)

Mời một sinh viên đọc phần tiếp theo của đoạn trích dẫn bài nói chuyện của Anh Cả Bednar, hoặc cho xem đoạn video về lời phát biểu đó:

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

“Hiển nhiên, tiến trình để trở thành một người truyền giáo không đòi hỏi một thiếu niên phải mặc áo sơ mi trắng và thắt cà vạt đi học mỗi ngày, hoặc tuân theo những chỉ dẫn cho người truyền giáo về giờ đi ngủ và thức dậy, mặc dù đa số cha mẹ chắc chắn là sẽ ủng hộ ý kiến đó. Nhưng các em có thể gia tăng ước muốn của mình để phục vụ Thượng Đế [xin xem GLGƯ 4:3], và các em có thể bắt đầu suy nghĩ như người truyền giáo suy nghĩ, đọc những thứ mà người truyền giáo đọc, cầu nguyện như người truyền giáo cầu nguyện và cảm nhận như người truyền giáo cảm nhận. Các em có thể tránh các ảnh hưởng nào của thế gian khiến cho Đức Thánh Linh phải rút lui, và các em có thể đạt được sự tin tưởng trong việc nhận biết và đáp ứng theo sự thúc giục của Thánh Linh. Từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít, các em có thể dần dần trở thành người truyền giáo mà các em hy vọng sẽ trở thành và người truyền giáo mà Đấng Cứu Rỗi kỳ vọng” (“Trở Thành một Người Truyền Giáo,” trang 45–46).

Rồi hỏi:

  • Theo Anh Cả Bednar, trong những phương diện nào các em có thể trở thành một người truyền giáo trước khi các em vào trung tâm huấn luyện truyền giáo?

Sau khi sinh viên trả lời, hãy viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Tôi có thể trở thành một người truyền giáo bây giờ trong cách tôi suy nghĩ, cảm thấy, và hành động. Để minh họa nguyên tắc này, hãy yêu cầu sinh viên giở đến An Ma 17:2–3, 9, 11, và giải thích rằng các câu này mô tả các con trai của Mô Si A, là những người đang phục vụ truyền giáo cho dân La Man. Mời một sinh viên đọc to các câu này trong khi lớp học dò theo, cùng tìm kiếm điều các con trai của Mô Si A đã làm để chuẩn bị cho việc giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền. Rồi sau đó hỏi các sinh viên:

  • Các con trai của Mô Si A đã làm gì nhằm chuẩn bị để giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền?

  • Làm thế nào những người truyền giáo tương lai có thể noi theo tấm gương của các con trai của Mô Si A trong khi chuẩn bị để trở thành những người truyền giáo từ bây giờ?

Yêu cầu các sinh viên giở đến trang 157 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, và mời một sinh viên đọc to đoạn thứ ba. Sau đó hỏi những câu hỏi như sau:

  • Theo như bức thư kêu gọi phục vụ truyền giáo, những người truyền giáo được kỳ vọng phải dành hết điều gì lên Chúa, và họ được kỳ vọng phải bỏ lại sau lưng điều gì?

  • Những ví dụ về “những sự việc riêng tư” mà những người truyền giáo được yêu cầu phải bỏ lại đằng sau khi họ bắt đầu công việc phục vụ truyền giáo của họ là gì?

  • Có khi nào các em đã được ban phước bằng cách hy sinh nhiều điều để phục vụ Thượng Đế chưa?

Sau đó, cho các sinh viên một vài phút để suy ngẫm và viết xuống những câu trả lời cho các câu hỏi sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập của họ. Khuyến khích sinh viên đặc biệt viết xuống điều họ cảm thấy Đức Thánh Linh đang giao tiếp riêng với họ. Rồi hỏi:

  • Một số điều các em có thể làm bây giờ để bắt đầu suy nghĩ, cảm thấy, và hành động giống như một người truyền giáo là gì?

  • Làm thế nào các em có thể bỏ lại đằng sau những sự việc riêng tư và dành hết tất cả thời giờ và sự chú ý của mình để phục vụ Chúa?

  • Làm thế nào việc làm những điều này chuẩn bị cho các em để giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền giống như các con trai của Mô Si A?

Khuyến khích các sinh viên viết xuống những mục tiêu cụ thể trong nhật ký của họ. Những ý kiến có thể gồm có học Sách Mặc Môn mỗi ngày, cầu nguyện buổi sáng và buổi tối, tham dự tất cả các buổi họp ở nhà thờ, đi ngủ trước 10 giờ 30 tối và thức dậy trước 6 giờ 30 sáng, giảm bớt thời gian dành ra trên các thiết bị điện tử, hoặc cố gắng tuân theo các giáo lệnh nhiều hơn.

Tiêu Chuẩn của Sự Xứng Đáng

Viết cụm từ “điều kiện tiên quyết” lên trên bảng, và yêu cầu sinh viên nghĩ về những bối cảnh mà trong đó những điều kiện tiên quyết là cần thiết. Cho các sinh viên một giây lát để tìm kiếm Giáo Lý và Giao Ước 88:74 một số điều kiện tiên quyết để phục vụ truyền giáo. Rồi hỏi:

  • Chúa đã khuyên bảo những người lao nhọc trong vương quốc của Ngài phải làm gì để chuẩn bị cho việc rao truyền phúc âm? (Tự thánh hóa mình, làm cho tâm hồn mình được thanh khiết, và tẩy sạch tay của họ.)

  • Được thánh hóa có nghĩa là gì? (Được thanh sạch, trở nên xứng đáng với Đức Thánh Linh.)

  • Nguyên tắc nào về những người truyền giáo được dạy trong Giáo Lý và Giao Ước 88:74? (Sau khi sinh viên trả lời, viết câu sau đây lên trên bảng: Chúa truyền lệnh cho các tôi tớ của Ngài phải trở nên thanh sạch.)

Để giúp giải thích ý nghĩa của việc để cho một người truyền giáo trở nên thanh sạch và xứng đáng để phục vụ truyền giáo, hãy trưng bày đoạn trích dẫn từ một bài nói chuyện của Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và mời một sinh viên đọc to đoạn trích đó:

Hình Ảnh
Anh Cả M. Russell Ballard

“Là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi kêu gọi các em bắt đầu ngay từ bây giờ—đêm nay—hãy sống xứng đáng trọn vẹn và hoàn toàn. Hãy quyết tâm cam kết với mình và với Thượng Đế rằng từ giây phút này trở đi, các em sẽ cố gắng sốt sắng gìn giữ tâm hồn, đôi tay và tâm trí được thanh sạch và không tì vết khỏi bất cứ sự phạm giới nào về mặt đạo đức. Hãy quyết tâm tránh hình ảnh sách báo khiêu dâm như các em tránh căn bệnh khủng khiếp nhất, bởi vì nó đúng là như vậy. Hãy quyết tâm hoàn toàn không dùng thuốc lá, rượu chè và ma túy bất hợp pháp. Hãy quyết tâm sống lương thiện. Hãy quyết tâm làm những công dân tốt và tuân theo luật lệ trong xứ mà các em đang sống. Hãy quyết tâm rằng từ đêm nay trở đi, các em sẽ không bao giờ làm ô uế thân thể mình hoặc sử dụng lời ăn tiếng nói thô tục và không thích hợp với người mang chức tư tế.” (“Thế Hệ Cao Quý Nhất của Những Người Truyền Giáo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2002, trang 47).

Hỏi những câu hỏi giống như những câu hỏi sau đây để giúp các sinh viên phân tích lời khuyên bảo của Anh Cả Ballard:

  • Anh Cả Ballard đã đặc biệt đề cập đến các giáo lệnh nào mà những người truyền giáo tương lai cần phải vâng theo?

  • Để cho tâm hồn, đôi tay, và tâm trí “không tì vết khỏi bất cứ sự phạm giới nào về mặt đạo đức” có nghĩa là gì? (Nếu cần, anh chị em có thể tham khảo phần “Sự Trong Sạch về Mặt Tình Dục” trong Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ [cuốn sách nhỏ, năm 2011], trang 35–37.)

  • Tại sao là điều khôn ngoan để tránh hình ảnh sách báo khiêu dâm như chúng ta sẽ làm đối với một căn bệnh khủng khiếp nhất, và làm thế nào việc tránh hình ảnh sách báo khiêu dâm có thể giúp các em suy nghĩ, cảm thấy, và hành động giống như một người truyền giáo?

Cho xem video “Stay within the Lines (Hãy ở trong Lằn Ranh)” (5:10) để giúp các sinh viên cảm nhận được lẽ thật và tầm quan trọng của việc trở nên xứng đáng để phục vụ truyền giáo. Trước khi cho xem video, hãy cân nhắc việc thảo luận tại sao những lằn ranh giới là quan trọng trong một số môn thể thao nào đó. Thảo luận sự khác biệt giữa “trong lằn ranh” và “ngoài lằn ranh” và cách những lằn ranh này ảnh hưởng đến hành động của các vận động viên trong trận đấu. Nói cho sinh viên biết rằng Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về ý nghĩa của việc ở trong lằn ranh thuộc linh trước khi phục vụ truyền giáo.

Sau khi xem xong video, hãy cân nhắc việc hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Mối liên hệ giữa “ở bên trong lằn ranh” và việc chuẩn bị để phục vụ truyền giáo là gì?

  • Anh Cả Holland khẩn nài những người ở trong đội của Chúa hãy ở lại với đội và đừng “mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng.” Điều này có ý nghĩa gì đối với các em?

  • Tại sao việc không hối cải những tội lỗi trong quá khứ ngăn cản người truyền giáo khỏi việc giúp đỡ một cách có hiệu quả những người khác đến với Đấng Ky Tô?

Cho các sinh viên một giây lát để suy ngẫm về mức độ xứng đáng của bản thân họ để phục vụ truyền giáo. Giải thích cho sinh viên biết rằng nếu họ có bất cứ nỗi lo âu nào về sự xứng đáng của họ, thì họ cần tìm kiếm sự hướng dẫn trong lời cầu nguyện chân thành và thảo luận những mối lo âu này với vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh của họ.

Sự Chuẩn Bị về Mặt Thể Chất và Cảm Xúc

Trưng bày lời phát biểu sau đây do Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đưa ra vào năm 2002, và mời các sinh viên đọc thầm. Hoặc mời một sinh viên đọc to lời phát biểu đó.

“Sự phục vụ truyền giáo toàn thời gian là một đặc ân đối với những người đã được kêu gọi thông qua sự soi dẫn của Vị Chủ Tịch Giáo Hội. Các vị giám trợ và chủ tịch giáo khu có trách nhiệm hệ trọng để nhận ra các tín hữu xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, là những người đã được chuẩn bị về phần thuộc linh, thể chất, và cảm xúc cho sự phục vụ thiêng liêng này và có thể được giới thiệu đi phục vụ mà không có sự dè dặt ” (thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 11 tháng Mười Hai năm 2002).

Rồi hỏi:

  • Ngoài sự chuẩn bị phần thuộc linh, tại sao một người cần chuẩn bị về mặt thể chất và cảm xúc để phục vụ truyền giáo?

Trưng bày đoạn trích dẫn sau đây, và mời một hoặc nhiều sinh viên đọc to đoạn đó:

Tập luyện thường xuyên (hàng ngày). Một người truyền giáo cần phải đi bộ được trung bình sáu dặm (10 km) một ngày và đạp xe đạp được 12 dặm (19 km) một ngày. Những người truyền giáo tương lai mà thường không đi bộ nhiều hơn việc đi xe tới lớp học hoặc chỗ làm việc thì có nhiều khả năng sẽ bị đau chân hoặc xưng chân khi đi truyền giáo. … Một người truyền giáo không có thân thể khỏe mạnh sẽ rất dễ mệt mỏi khi làm công việc truyền giáo, và người truyền giáo mệt mỏi sẽ dễ nản lòng và lo lắng nhiều về sức khỏe hơn là một người truyền giáo khỏe mạnh về thể chất.

Những người truyền giáo tương lai có thể chuẩn bị cho những đòi hỏi về thể chất của người truyền giáo bằng cách thiết lập một kế hoạch tập thể dục sức bền thường xuyên—như đi bộ, chạy bộ, hoặc đạp xe đạp một tiếng mỗi ngày. …

Ngủ đủ. Mặc dù mỗi người đều có nhu cầu ngủ khác nhau, nhưng những người thành niên trẻ thường cần ngủ từ bảy đến tám tiếng một ngày. Lý tưởng ra, họ nên đi ngủ vào khoảng thời gian từ 10 giờ 30 tối đến 12 giờ đêm và thức dậy vào khoảng thời gian từ 6 giờ 30 đến 8 giờ sáng. Thức khuya đến 2 hoặc 3 giờ sáng và ngủ đến 10 giờ sáng làm cho một người cảm thấy luôn luôn mệt mỏi và muốn ngủ đến trưa. … Người truyền giáo sống một cuộc sống theo lịch trình. Họ phải đi ngủ trước 10 giờ 30 tối và thức dậy trước 6 giờ 30 sáng mỗi ngày. Lịch trình này sẽ rất khó trừ khi người truyền giáo tương lai thiết lập một lịch trình đều đặn tương tự từ lâu trước khi được kêu gọi phục vụ truyền giáo.

Những thói quen ăn uống lành mạnh. Thay vì ăn quá nhiều chất đường và chất béo, những người trẻ tuổi nên học cách ăn những món ăn chứa nhiều chất đạm và chất sơ, như thịt nạc, sữa chua, rau, và hoa quả. Ngoài ra, uống nhiều hơn 12 ounces (355 ml) nước ngọt có ga một ngày là quá nhiều” (Donald B. Doty, “Missionary Health Preparation,” Ensign, tháng Ba năm 2007, trang 64).

  • Nếu một người truyền giáo không khỏe mạnh về thể chất, thì điều này có thể có ảnh hưởng gì đối với sự tiến triển của công việc truyền giáo, người bạn đồng hành truyền giáo, và tình trạng sức khỏe của người truyền giáo?

Yêu cầu sinh viên im lặng suy ngẫm về những câu hỏi sau đây:

  • Các em sẽ mô tả sự chuẩn bị hiện tại về thể chất của mình để phục vụ truyền giáo như thế nào?

  • Các em có thể làm những điều gì bây giờ để chuẩn bị đáp ứng cho những điều kiện đòi hỏi về thể chất của sự phục vụ truyền giáo toàn thời gian?

Khuyến khích các sinh viên lập một kế hoạch từ bây giờ để ngủ đủ, ăn thức ăn có lợi cho sức khỏe, và tập thể dục để họ sẽ có thể lực ổn định mà họ cần để phục vụ truyền giáo một cách thành công. Nếu có đủ thời gian, hãy mời các sinh viên viết xuống kế hoạch của họ vào nhật ký ghi chép việc học tập.

Mời một sinh viên giải thích cách phản ứng của cơ thể đối với những sinh hoạt căng thẳng về thể lực như là chạy lên chạy xuống các bậc cầu thang (tăng nhịp tim, thở mạnh hơn, đổ mồ hôi, cơ bắp mệt mỏi, và vân vân). Giải thích rằng sự căng thẳng về mặt thể chất chỉ là một loại thử thách mà những người truyền giáo phải đối phó. Rồi hỏi:

  • Làm thế nào thể xác và tâm trí của người truyền giáo phản ứng với sự căng thẳng về mặt cảm xúc hoặc tâm lý do những thử thách khó khăn hoặc những vấn đề không lường trước gây ra?

Giải thích rằng tất cả những người truyền giáo đều gặp phải một số mức độ căng thẳng về cảm xúc, những cảm giác nhớ nhà và không thích đáng, buồn bã, hoặc những mối xúc cảm khác mà có thể là gánh nặng đối với họ, và những điều này là một điều bình thường của cuộc sống của người truyền giáo.

Hãy cho xem video “Preparation of Gordon B. Hinckley: Forget Yourself and Go to Work (Sự Chuẩn Bị của Gordon B. Hinckley: Hãy Quên Bản Thân Mình và Đi Làm Việc)” (2:04). Khuyến khích sinh viên tìm kiếm những lý do tại sao Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã cảm thấy nản chí khi là một người truyền giáo trẻ ở nước Anh.

Hỏi lớp học:

  • Chủ Tịch Hinckley đã cảm thấy nản chí vì một số những lý do nào sau khi đặt chân tới phái bộ truyền giáo?

  • Chủ Tịch Hinckley đã làm điều gì mà đã giúp ông khắc phục được sự chán nản?

Giải thích cho lớp học biết rằng một số những người truyền giáo lỗi lạc nhất trong thánh thư đã trải qua sự chán nản và vật lộn với nhiều điều khác nữa trong công việc truyền giáo của họ. Viết những đoạn tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng: Giê Rê Mi 1:4–9; An Ma 17:5; 26:27; và Môi Se 6:31–32. Cho các sinh viên chọn ra và đọc thầm một trong các đoạn thánh thư này, cùng tìm kiếm những khó khăn thử thách mà các cá nhân họ đang đọc đã nhận ra hoặc gặp phải. Khi sinh viên trả lời, hãy cân nhắc việc tóm lược những câu trả lời của họ lên trên bảng, như cho thấy dưới đây:

Giê Rê Mi 1:4–9. Giê Rê Mi lo sợ rằng mọi người sẽ không lắng nghe lời ông bởi vì ông còn quá trẻ.

An Ma 17:5; 26:27. Am Môn và những người bạn truyền giáo của ông đã chịu nhiều thống khổ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ cảm thấy chán nản và sẵn sàng bỏ cuộc.

Môi Se 6:31–32. Hê Nóc lo lắng rằng không ai sẽ nghe ông nói bởi vì ông nói năng chậm chạp và vẫn còn rất trẻ.

Rồi hỏi:

  • Chúng ta học được điều gì từ ba câu chuyện này về những thử thách thuộc cảm xúc của việc rao giảng phúc âm? (Khi các sinh viên trả lời, anh chị em có thể muốn viết lẽ thật này lên trên bảng: Những thử thách về thể chất và cảm xúc là một điều bình thường của cuộc sống của người truyền giáo.

  • Các em có những suy nghĩ gì khi đọc câu nói rằng những thử thách về thể chất và cảm xúc là một điều bình thường của cuộc sống của người truyền giáo?

  • Việc biết được rằng tất cả những người truyền giáo đều gặp phải những thử thách ảnh hưởng đến cách các em chuẩn bị để phục vụ như thế nào?

Giúp các sinh viên hiểu rằng gần như tất cả những người truyền giáo đều trải qua những thử thách về cảm xúc hoặc thể chất. Vì thế, những người truyền giáo cần học cách đối phó với tâm trạng căng thẳng trong một cách thức lành mạnh và thích hợp với công việc truyền giáo. Thường thì những cách thức lành mạnh để đối phó với tâm trạng căng thẳng một cách hữu hiệu bên ngoài phái bộ truyền giáo, như dành thời gian một mình, nghe nhạc, hoặc chơi thể thao, đều không thể làm được đối với những người truyền giáo một cách thường xuyên. Những người truyền giáo cần phải học cách đối phó với tâm trạng căng thẳng theo những cách thức mà tuân theo những điều lệ của phái bộ truyền giáo.

Chia lớp học ra thành các nhóm nhỏ, và phân phát cho các sinh viên tờ giấy phát tay “Những Đòi Hỏi của Cuộc Sống Người Truyền Giáo”. Cho mỗi nhóm (1) đọc to phần đầu tiên, có tựa đề “Những Đòi Hỏi của Cuộc Sống Người Truyền Giáo,” và (2) thảo luận việc trở nên quen thuộc với những đòi hỏi của cuộc sống người truyền giáo có thể giúp họ trở nên sẵn sàng hơn cho những thử thách của cuộc sống người truyền giáo.

Hình Ảnh
Giấy phát tay Cuộc Sống Người Truyền Giáo
Hình Ảnh
Giấy phát tay Cuộc Sống Người Truyền Giáo
Hình Ảnh
Giấy phát tay Cuộc Sống Người Truyền Giáo

Sau khi các nhóm đã có đủ thời gian để đọc và thảo luận về phần này, yêu cầu một vài sinh viên chia sẻ một số điểm chính yếu mà các nhóm của họ đã thảo luận. Rồi sau đó dành ra một vài phút để cả lớp đọc và thảo luận phần tiếp theo của tờ giấy phát tay có tựa đề “Thích Nghi với Những Kinh Nghiệm Mới,” và nói về việc hiểu những giai đoạn thông thường trong việc thích nghi mà có thể giúp các sinh viên khi họ vào Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo.

Tìm Đến Chúa để Được Giúp Đỡ với Những Khó Khăn Thử Thách

Để khuyến khích các sinh viên bắt đầu nghĩ về cách họ sẽ đối phó với những khó khăn thử thách khi họ gặp phải những thử thách này trong khi phục vụ truyền giáo, hãy giải thích rằng Nê Phi đã cảm thấy không thích đáng và chán nản một cách mãnh liệt và viết về điều ông đã làm để khắc phục những cảm giác đó. Yêu cầu một sinh viên đọc to 2 Nê Phi 4:17–19. Rồi hỏi:

  • Những từ hoặc cụm từ nào Nê Phi đã sử dụng để miêu tả kết quả của những sự yếu kém của ông?

Yêu cầu sinh viên học 2 Nê Phi 4:19–26, tìm kiếm những điều đã giúp Nê Phi khắc phục những cảm giác chán nản của ông. Rồi hỏi:

  • Nê Phi đã sử dụng những cụm từ nào để mô tả cách ông đã khắc phục những cảm giác tiêu cực mãnh liệt của ông? (Sinh viên cần nhận ra rằng Nê Phi đã tin Cậy nơi Chúa [xin xem câu 19], ông nhớ tới những gì Chúa đã làm cho ông trước đây [xin xem các câu 20–23], ông dâng lên những lời cầu nguyện chân thành [xin xem câu 24], và ông nhớ tới lòng thương xót của Chúa [câu 26].)

  • Làm thế nào việc ghi nhớ Chúa và lòng nhân từ của Ngài đã giúp các em trong những lúc chán nản hoặc căng thẳng?

  • Lúc nãy trong bài học, chúng ta đã thừa nhận rằng là điều bình thường đối với những người truyền giáo để có những tâm trạng căng thẳng về cảm xúc, những cảm giác nhớ nhà và không thích đáng, buồn bã, hoặc những cảm xúc khác mà có thể làm cho họ nản chí. Xem xét điều Nê Phi viết trong 2 Nê Phi 4:19–26, lời khuyên nào các em sẽ đưa ra cho một người truyền giáo đang trải qua những cảm giác này? (Giúp các sinh viên nhận ra nguyên tắc sau đây, và cân nhắc việc viết nguyên tắc đó lên trên bảng: Khi những người truyền giáo tin Cậy nơi Chúa, Chúa có thể giúp họ xoay xở với những đòi hỏi về thể chất và cảm xúc của cuộc sống người truyền giáo.)

Hãy cân nhắc việc chia sẻ với các sinh viên lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Hình Ảnh
Anh Cả Jeffrey R. Holland

“Tôi không tin rằng công việc truyền giáo là dễ dàng, cũng như sự cải đạo, sự giữ chân người tín hữu, sự kiên trì trung tín cũng thế. Tôi tin rằng việc sống theo phúc âm đòi hỏi một nỗ lực nào đó, một điều gì từ đáy sâu tâm hồn của chúng ta.

“Nếu Ngài có thể bước đi trong đêm, quỳ xuống, sấp mình xuống, rướm máu từ mỗi lỗ chân lông, và kêu lên: ‘A Ba, lạy Cha, xin Cha cất chén này khỏi con,’ [xin xem Mác 14:36], thì không nên trông mong sự cứu rỗi là một điều dễ dàng cho chúng ta. Nếu các anh chị em tự hỏi có một cách nào dễ dàng hơn chăng, thì các anh chị em nên nhớ rằng các anh chị em không phải là người đầu tiên hỏi điều đó. Một người nào đó cao trọng hơn nhiều và uy nghiêm hơn nhiều đã hỏi cách đây rất lâu là còn có một cách nào dễ dàng hơn chăng.

“Sự Chuộc Tội sẽ giúp đỡ những người truyền giáo thậm chí có lẽ còn quan trọng hơn việc giúp đỡ những người tầm đạo. Khi các anh chị em phải vất vả tranh đấu, khi các anh chị em bị chối bỏ, khi các anh chị em bị phỉ nhổ và đuổi xua, thì các anh chị em đang sống cuộc sống tốt nhất mà thế gian không hề biết được, một cuộc sống thanh sạch và trọn vẹn duy nhất chưa từng có. Các anh chị em có lý do để tự hào và biết ơn rằng Vị Nam Tử Hằng Sống của Thượng Đế Hằng Sống biết tất cả mọi điều về nỗi buồn phiền và thống khổ của các anh chị em. Cách thức duy nhất để có được sự cứu rỗi là qua Vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ. Cách thức duy nhất để có được cuộc sống vĩnh cửu là qua Ngài—Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống” (“Công Việc Truyền Giáo và Sự Chuộc Tội,” Liahona, tháng Mười năm 2001, 32).

Rồi hỏi:

  • Theo Anh Cả Holland, vì lý do gì những người truyền giáo phải đứng vững trong những lúc vật lộn?

Nói cho các sinh viên biết rằng khi đối phó với những hoàn cảnh đầy thử thách trong phái bộ truyền giáo, họ cần phải nhớ rằng công việc họ đang làm là giúp mang những người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô. Viết các đoạn tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng: An Ma 26:11–13; 29:10; và Giáo Lý và Giao Ước 18:15–16. Yêu cầu một vài sinh viên thay phiên nhau đọc to các đoạn này trong khi cả lớp dò theo, cùng tìm kiếm xem điều mà các đoạn này dạy về cuộc sống người truyền giáo. Mời các sinh viên chia sẻ những sự hiểu biết sâu sắc, rồi sau đó bảo đảm với họ rằng mặc dù sự phục vụ truyền giáo toàn thời gian là công việc khó nhọc và đôi khi có thể làm nản chí, nhưng khi chúng ta lao nhọc để mang những người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô, thì Chúa sẽ ban cho chúng ta niềm vui. Hãy cân nhắc việc yêu cầu các sinh viên chia sẻ những kinh nghiệm mà họ đã có được với nguyên tắc này.

Nêu ra cho sinh viên biết rằng đôi lúc họ có thể có người bạn đồng hành mà phải đối phó với những vấn đề về cảm xúc hoặc sức khỏe tâm thần. Trong những trường hợp như thế, họ cần lắng nghe và cho thấy tình yêu thương đối với người bạn đồng hành của mình, bởi vì thái độ ủng hộ của người bạn đồng hành có thể rất quan trọng để giúp khắc phục vấn đề. Họ không nên bao giờ gợi ý một người truyền giáo đang phải vật lộn rằng những thử thách của họ sẽ tan biến nếu họ chỉ cần có thêm đức tin.

Cũng giải thích rằng một số thử thách đòi hỏi sự giúp đỡ thêm từ các vị lãnh đạo chức tư tế và các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, và hầu hết các phái bộ truyền giáo đều có sẵn các chuyên gia về y tế thích hợp cho những người truyền giáo. Những người truyền giáo đang vật lộn về mặt cảm xúc cần thảo luận tình trạng của họ với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của họ để quyết định sự giúp đỡ nào là thích hợp.

Để giúp các sinh viên cân nhắc thêm về cách họ có thể đáp ứng với những thử thách về thể chất và cảm xúc mà họ có thể gặp phải với tư cách là người truyền giáo, hãy cho họ một vài phút để viết về một thời gian khi họ phải vượt qua những tình huống khó khăn. Theo dõi bằng cách hỏi sinh viên xem họ học được điều gì về Chúa và về bản thân mình từ kinh nghiệm này và cách họ sẽ sử dụng kinh nghiệm này để củng cố họ trong tương lại.

Để kết thúc, hãy bày tỏ sự tin tưởng của anh chị em nơi các sinh viên của mình và khả năng của họ để đối phó với những thay đổi đi kèm theo cuộc sống của người truyền giáo. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng Chúa giúp đỡ các cá nhân nào tìm đến Ngài để xoay xở với những đòi hỏi về mặt thể chất và cảm xúc trong cuộc sống của họ.

Lời Mời để Hành Động

Mời các sinh viên trong lớp chuẩn bị cho cuộc sống người truyền giáo bằng cách hoàn tất một hoặc nhiều hơn các sinh hoạt sau đây:

  • Xem xét điều các em cần làm để trở nên thanh sạch và xứng đáng để phục vụ truyền giáo. Nếu cần, tránh những ý nghĩ không thích hợp và những hành vi xúc phạm đến Thánh Linh.

  • Đặt ra những mục tiêu cá nhân để tuân theo một chương trình tập thể dục hàng ngày, ăn thức ăn có lợi hơn cho sức khỏe, hoặc thiết lập những thói quen ngủ mà theo thời khóa biểu hàng ngày của người truyền giáo.

  • Ôn lại các tiêu chuẩn về cách ăn mặc cho người truyền giáo toàn thời gian nằm ở trang LDS.org.

  • Yêu cầu một người truyền giáo giải nhiệm trở về thảo luận về điều người ấy đã làm để xoay xở với tâm trạng căng thẳng và khắc phục những thử thách của cuộc sống người truyền giáo.

  • Thảo luận với cha mẹ hoặc các vị lãnh đạo chức tư tế về những cách để giao tiếp một người bạn đồng hành truyền giáo mà các em có hoặc không có điều gì tương đồng hoặc các em cảm thấy khó giao tiếp.