Viện Giáo Lý
Bài Học 3: Học Tập bằng Thánh Linh


3

Học Tập bằng Thánh Linh

Lời Giới Thiệu

Để những người truyền giáo tăng trưởng trong phúc âm và ở trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu, họ cần phải phát triển một thói quen học hỏi phúc âm. Tại các trung tâm huấn luyện truyền giáo, những người truyền giáo dành ra nhiều giờ mỗi ngày tự học và học cùng với những người bạn đồng hành của họ. Trong phái bộ truyền giáo, họ được trông mong sẽ tiếp tục học hỏi phúc âm mỗi ngày. Họ cần phải học “bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” (GLGƯ 88:118) để có một sự hiểu biết sâu rộng về phúc âm và gia tăng sự cải đạo của họ. Là điều thiết yếu để những người truyền giáo có được sự hiểu biết sâu rộng qua việc học tập được Thánh Linh hướng dẫn để giảng dạy với quyền năng và làm tròn mục đích của họ.

Chuẩn Bị Trước

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Tầm Quan Trọng của Việc Học Hỏi Phúc Âm

Cho sinh viên thấy tấm hình của Joseph Smith và anh trai của ông là Hyrum và yêu cầu họ giở thánh thư đến Giáo Lý và Giao Ước 11. Giúp sinh viên hiểu nội dung của phần này bằng cách giải thích rằng trong khi Joseph Smith đang phiên dịch Sách Mặc Môn, anh trai của ông là Hyrum trở nên hết sức quan tâm đến công việc này và mong muốn chia sẻ sứ điệp về Sự Phục Hồi với những người khác. Trong khi tìm kiếm ý muốn của Chúa, Hyrum đã yêu cầu Joseph cầu xin một điều mặc khải thay cho ông. Lời đáp ứng của Chúa được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 11. Trong nhiều khía cạnh, Hyrum đã ở trong cùng một vị trí như các thành viên trong lớp học của anh chị em, là những người đang tự chuẩn bị mình để chia sẻ sứ điệp của phúc âm phục hồi.

Cho hai sinh viên thay phiên nhau đọc to Giáo Lý và Giao Ước 11:15–17 trong khi lớp học dò theo, cùng tìm kiếm lời khuyên bảo Chúa ban cho Hyrum. Rồi hỏi:

  • Tại sao Chúa phán bảo Hyrum phải “chờ đợi một ít lâu nữa” trước khi chia sẻ sứ điệp của phúc âm với những người khác?

Cho sinh viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 11:21–22 và 26, và tìm kiếm lời khuyên bảo phù hợp với những người truyền giáo tương lai.

  • Chúa đã chỉ dẫn Hyrum phải làm điều gì khi ông chuẩn bị để chia sẻ phúc âm với những người khác? Việc thu nhận lời của Thượng Đế có nghĩa là gì? Việc tích lũy trong lòng các em lời của Chúa có nghĩa là gì?

  • Làm thế nào lời khuyên bảo của Chúa trong các câu này giúp một người nào đó ngày nay đang chuẩn bị để phục vụ truyền giáo? (Mặc dù sinh viên có thể sử dụng những lời khác nhau, nhưng họ cần nhận ra nguyên tắc sau đây: Việc học hỏi phúc âm chuẩn bị cho những người truyền giáo để thuyết giảng phúc âm với Thánh Linh và với quyền năng.)

  • Chúa hứa ban các phước lành nào cho những người “tìm kiếm để thu nhận lời của [Ngài]”?

Yêu cầu sinh viên giở đến trang 207 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, và cho một sinh viên đọc to đoạn bắt đầu với “Khả năng của các anh chị em để giảng dạy với quyền năng.” Rồi hỏi:

  • Những ý kiến nào trong đoạn này củng cố tầm quan trọng của việc học thánh thư hàng ngày cho những người muốn trở thành những người truyền giáo hữu hiệu? (Việc học thánh thư chuẩn bị những người truyền giáo giảng dạy phúc âm với quyền năng.)

Cho sinh viên biết rằng phần còn lại của bài học sẽ tập trung vào cách họ có thể học thêm được nhiều điều hơn từ việc học thánh thư của họ. Khuyến khích sinh viên suy ngẫm trong suốt bài học về cách áp dụng điều họ học được để cải thiện hiệu quả của việc họ học thánh thư và phúc âm.

Sử Dụng một Nhật Ký Ghi Chép Việc Học Tập

Chỉ dẫn lớp học giở đến trang x trong phần giới thiệu của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Mời hai sinh viên đọc to hai đoạn trong mục nhỏ “Nhật Ký Ghi Chép Việc Học Tập”. Sau khi sinh viên đọc, hãy hỏi:

  • Theo phần này, làm thế nào việc sử dụng nhật ký ghi chép việc học tập có thể giúp các em khi các em học hỏi phúc âm?

  • Tại sao là điều quan trọng để ghi xuống những ý kiến và cảm nghĩ mà các em nhận được trong khi học hỏi phúc âm?

Cân nhắc việc hỏi các sinh viên của mình xem có ai có một nhật ký ghi chép việc học tập không, và mời những ai có nhật ký này chia sẻ cách nhật ký của họ đã mang lại lợi ích cho họ như thế nào. Khuyến khích sinh viên bắt đầu sử dụng nhật ký ghi chép việc học tập nếu họ chưa làm như vậy. Nhắc sinh viên nhớ rằng một nhật ký ghi chép việc học tập có thể đơn giản như là một quyển nhật ký rẻ tiền được đóng bìa, một quyển vở ghi chép hoặc các trang được xếp vào trong một bìa cứng. Sinh viên cũng có thể sử dụng công cụ ghi chép và nhật ký trên LDS.org hoặc một ứng dụng ghi chép trên thiết bị điện tử. Khuyến khích sinh viên mang một quyển nhật ký ghi chép việc học tập đến lớp và ghi xuống những ý tưởng, cảm nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc mà họ có trong lớp học.

Học Tập bằng Thánh Linh

Chia sinh viên ra thành từng cặp. Mời họ cùng nhau đọc đoạn thứ hai ở trang 19 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta rồi sau đó thảo luận điều gì được đòi hỏi để có những kinh nghiệm học thánh thư đầy ý nghĩa. Sau khi sinh viên đã có thời gian thảo luận về đoạn này, mời một vài sinh viên chia sẻ một số ý chính từ cuộc thảo luận của họ. Anh chị em có thể đặt ra những câu hỏi như sau:

  • Việc học tập với “chủ ý thật sự” có nghĩa là gì? (Chủ ý thật sự có nghĩa là chúng ta có ý định vâng lời hoặc đưa vào thực hành điều chúng ta học được.)

  • Làm thế nào việc học tập với “chủ ý thật sự” và “đói khát sự công bình” ảnh hưởng đến việc học hỏi phúc âm của một người? (Khi sinh viên trả lời, hãy cân nhắc việc hỏi những câu hỏi để theo dõi nhằm khuyến khích họ suy nghĩ sâu hơn về câu trả lời của mình. Ví dụ, nếu sinh viên trả lời rằng chủ ý thật sự sẽ được phản ảnh trong cách một người cầu nguyện, thì anh chị em có thể yêu cầu họ giải thích làm thế nào lời cầu nguyện của một người sẽ khác biệt. Nếu sinh viên trả lời rằng điều đó sẽ thể hiện bằng lòng mong muốn của họ, hãy yêu cầu họ dẫn giải ý nghĩ đó.)

Yêu cầu ba sinh viên thay phiên nhau đọc to các đoạn trong phần có tựa đề “Học Hỏi qua Đức Thánh Linh” ở trang 20 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Yêu cầu các sinh viên còn lại của lớp học dò theo và đánh dấu các phước lành đến với chúng ta khi Đức Thánh Linh giúp chúng ta học hỏi phúc âm. Rồi hỏi:

  • Các phước lành nào có thể đến với chúng ta khi Đức Thánh Linh hướng dẫn việc học hỏi phúc âm của chúng ta? (Cân nhắc việc viết nguyên tắc này lên trên bảng trong khi sinh viên trả lời: Khi Đức Thánh Linh hướng dẫn việc học hỏi phúc âm của chúng ta, chúng ta nhận được ánh sáng và sự hiểu biết lớn lao hơn.)

Để giúp sinh viên hiểu rõ hơn cách họ có thể mời Đức Thánh Linh giảng dạy cho họ trong khi họ đang học hỏi phúc âm, hãy đọc hoặc trưng ra đoạn trích dẫn sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Mời sinh viên tìm kiếm điều họ có thể làm để học hỏi được nhiều điều hơn từ việc học thánh thư của họ.

Hình Ảnh
Anh Cả D. Todd Christofferson

“Muốn phúc âm được chép vào lòng mình, các em cần phải biết phúc âm là gì và đi đến chỗ hiểu biết nó một cách trọn vẹn hơn. Điều đó có nghĩa là các em phải học hỏi phúc âm. Khi tôi nói ‘học hỏi,’ tôi có ý nói đến một việc gì đó nhiều hơn là chỉ đọc. Đôi khi là một điều tốt để đọc một quyển thánh thư trong một thời gian đã định nhằm đạt được một ý nghĩa tổng quát trong sứ điệp của thánh thư, nhưng đối với sự cải đạo, các em nên quan tâm về số thời giờ mà mình dành cho thánh thư hơn số thời giờ mà mình đọc vào lúc ấy. Đôi khi tôi hình dung ra các em đọc một vài câu, ngừng lại để suy ngẫm về chúng, đọc kỹ lại câu đó lần nữa, và trong khi các em suy nghĩ về ý nghĩa của chúng, cầu nguyện để xin hiểu được, đặt ra những câu hỏi trong tâm trí mình, chờ đợi các ấn tượng thuộc linh, và viết xuống những ấn tượng đó và sự hiểu biết có được nhằm giúp cho các em có thể ghi nhớ và học hỏi thêm. Khi học hỏi theo cách này, các em không thể đọc nhiều chương hay câu trong nửa giờ đồng hồ, nhưng các em sẽ dành chỗ trong lòng mình cho lời của Thượng Đế, và Ngài sẽ ngỏ lời cùng các em” (“Đến Khi Ngươi Đã Cải Đạo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, 11. Để có thêm ý kiến cho việc học tập, xin xem bài nói chuyện của Anh Cả Richard G. Scott, “Làm Thế Nào để Nhận được Sự Mặc Khải và Soi Dẫn cho Cuộc Sống Cá Nhân của Mình,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2012, 45–47).

Giúp sinh viên phân tích lời phát biểu của Anh Cả Christofferson bằng cách hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Anh Cả Christofferson đã nhận ra những hành động nào mà có thể dẫn đến sự hiểu biết lớn lao hơn về thánh thư?

  • Làm thế nào những hành động này cho phép Đức Thánh Linh dễ giảng dạy các em nhiều hơn?

  • Một hoặc nhiều hành động trong các hành động đó đã giúp các em hiểu sâu hơn về phúc âm như thế nào?

Giải thích rằng điều hữu ích khi học hỏi thánh thư là hiểu cách Đức Thánh Linh giao tiếp với chúng ta. Chia lớp ra thành từng cặp (có thể là cùng cặp từ sinh hoạt trước). Viết những đoạn tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng, rồi yêu cầu sinh viên chép xuống nhật ký ghi chép việc học tập của họ hoặc một tờ giấy: Giáo Lý và Giao Ước 8:2–3; 9:7–8; 11:12–14; và 138:1–2, 11.

Cho sinh viên thời gian để học các đoạn này và đánh dấu những từ hoặc cụm từ miêu tả cách Đức Thánh Linh giao tiếp với chúng ta. Họ cũng có thể viết một vài dòng về điều họ học được từ các đoạn này vào trong nhật ký ghi chép việc học tập của họ. Yêu cầu sinh viên thảo luận với người bạn trong cặp của mình điều họ đã đánh dấu trong các câu này và điều họ học được. Sau khi đã cho sinh viên đủ thời giờ, hãy hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Những từ hoặc cụm từ nào các em đã tìm thấy mô tả cách Đức Thánh Linh giao tiếp với chúng ta? (Viết lên trên bảng những câu trả lời của các sinh viên.)

  • Làm thế nào Đức Thánh Linh đã giảng dạy các em bằng một trong những cách thức này và giúp các em hiểu sâu hơn về một giáo lý hoặc nguyên tắc phúc âm? Các em đã có những kinh nghiệm cụ thể nào?

Mời sinh viên giở đến trang 24 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, và mời một sinh viên đọc to bốn điểm dưới tựa đề “Học Tập Những Ý Kiến và Đề Nghị.” Hãy cân nhắc việc hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Làm thế nào những lời đề nghị này có thể ảnh hưởng tới khả năng của một người truyền giáo để chia sẻ phúc âm với những người khác một cách hiệu quả?

  • Làm thế nào các em có thể áp dụng những ý kiến này và đưa vào thực hành bây giờ với tư cách là những người truyền giáo tương lai?

  • Làm thế nào việc cải thiện kỹ năng và thói quen học thánh thư của các em đóng góp vào sự thành công của các em với tư cách là người truyền giáo? (Sinh viên sẽ có khuynh hướng đưa ra một nguyên tắc tương tự như sau: Khi những người truyền giáo phát triển những thói quen học hỏi phúc âm có hiệu quả, thì họ sẽ được giảng dạy bởi Thánh Linh, kinh nghiệm của họ sẽ trở nên đáng bõ công hơn, và họ sẽ sẵn sàng hơn để giảng dạy phúc âm.)

Chia lớp học ra thành các nhóm ba hoặc bốn người. Yêu cầu mỗi nhóm chia ra giữa họ sáu đoạn nhỏ trong phần “Học Tập Những Ký Kiến và Đề Nghị” ở các trang 25–27 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, và mời các thành viên trong nhóm học những đoạn nhỏ được chỉ định cho họ. Một số thành viên trong nhóm có thể cần học nhiều hơn một mục nhỏ. Chỉ định một người lãnh đạo trong mỗi nhóm để hướng dẫn một cuộc thảo luận về điều gì các thành viên trong nhóm học được và điều gì họ có thể làm bây giờ để làm cho việc học hỏi phúc âm của họ trở nên có nhiều quyền năng và hiệu quả hơn. Sau khi các nhóm đã có thời gian để thảo luận rồi, hãy hỏi lớp học:

  • Làm thế nào các kỹ năng hoặc thói quen học tập này giúp các em học thánh thư một cách hiệu quả hơn?

Để giúp sinh viên đích thân áp dụng điều đã được thảo luận, đưa cho mỗi sinh viên một tờ giấy phát tay “Những Thói Quen Học Thánh Thư Cá Nhân.” Cho lớp học một vài phút để hoàn thành sinh hoạt trong tờ giấy phát tay.

Hình Ảnh
Tờ giấy phát tay Học Thánh Thư
Hình Ảnh
Tờ giấy phát tay Học Thánh Thư

Sau khi đã cho sinh viên đủ thời gian, yêu cầu các sinh viên chia sẻ bất cứ ý nghĩ hoặc sự hiểu biết sâu sắc nào họ thu nhận được từ bài tập này. Khuyến khích họ kiên định trong việc kết hợp chặt chẽ những kỹ năng và thói quen học thánh thư mà họ đã chọn ra vào việc học hỏi của cá nhân họ. Đảm bảo với họ rằng khi họ làm như vậy, Đức Thánh Linh sẽ mở tâm trí họ và gia tăng sự hiểu biết của họ về phúc âm.

Giúp lớp học hiểu rằng ngoài cách họ học tập, việc họ học khi nàođiều gì cũng rất quan trọng trong việc giúp họ trở thành những người truyền giáo hữu hiệu. Yêu cầu các sinh viên trong lớp giở đến trang viii trong phần giới thiệu của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta và xem phần Thời Khóa Biểu Hằng Ngày của Người Truyền Giáo tìm thấy ở phần “Sự Học Tập của Riêng Cá Nhân, Sự Học Tập Chung với Người Bạn Đồng Hành, Các Buổi Họp Chi Bộ Truyền Giáo, và Các Đại Hội Khu Bộ Truyền Giáo”. Rồi hỏi:

  • Thời Khóa Biểu Hằng Ngày của Người Truyền Giáo minh họa tầm quan trọng của việc học hỏi phúc âm như thế nào?

  • Việc kiên định học thánh thư hàng ngày từ bây giờ có thể chuẩn bị các em cho một thời khóa biểu nghiêm ngặt khi làm người truyền giáo như thế nào?

Đánh Dấu Thánh Thư

Nếu anh chị em còn thời gian, hãy cân nhắc cho xem video “Advice for Studying the Scriptures (Lời Khuyên dành cho Việc Học Thánh Thư)” (2:07) để giúp lớp học nghĩ về những cách mà qua đó họ có thể cải thiện cách họ đánh dấu thánh thư.

Sau khi cho xem video, hãy hỏi:

  • Các em đã học được điều gì từ Anh Cả Bednar mà sẽ giúp các em cải thiện việc học thánh thư của mình?

  • Mục đích của việc đánh dấu thánh thư là gì? (Để giúp các em nhớ lại điều mình đã học khi các em cần đến sau này.)

  • Tại sao việc những người truyền giáo có một cách thức hiệu quả để nhớ điều họ học được lại quan trọng?

Sống Theo Điều Các Anh Chị Em Học Được

Mời một sinh viên đọc cho lớp học nghe đoạn đầu tiên dưới tựa đề “Sống Theo Điều Các Anh Chị Em Học Được” trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 21. Sau đó mời một sinh viên đọc to Giăng 7:17. Giúp các sinh viên nhận ra một nguyên tắc được giảng dạy trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của TaGiăng 7:17 bằng cách hỏi:

  • Có điều gì khác biệt giữa việc biết về thánh thư và việc sống theo những điều giảng dạy được tìm thấy trong thánh thư? (Mặc dù các sinh viên có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần hiểu nguyên tắc này: Khi chúng ta sống theo những lời giảng dạy của phúc âm, thì Đức Thánh Linh sẽ làm chứng về lẽ thật của các nguyên tắc này và sẽ củng cố đức tin, sự hiểu biết, và chứng ngôn của chúng ta.)

Giải thích rằng Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về tầm quan trọng của việc hành động theo điều chúng ta học được. Trưng ra đoạn trích dẫn sau đây, và mời một sinh viên tình nguyện đọc to câu đó cho cả lớp nghe:

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

“Là những người học hỏi phúc âm, chúng ta nên ‘làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ’ (Gia Cơ 1:22). Tâm hồn của chúng ta đã được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh khai mở khi sử dụng quyền tự quyết một cách thích hợp cũng như hành động theo các nguyên tắc đúng—và như vậy chúng ta mời gọi lời giảng dạy cùng quyền năng làm chứng của Ngài” (“Dùng Sự Bền Đổ Trọn Vẹn mà Tỉnh Thức,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 42).

  • Làm theo lời và chớ lấy nghe làm đủ có nghĩa là gì?

  • Làm thế nào việc “hành động theo các nguyên tắc đúng” giúp chúng ta hiểu sâu hơn theo cách mà chỉ việc học tập không thôi không thể làm được?

  • Làm thế nào việc hành động theo các nguyên tắc đúng cho phép các em đạt được một sự hiểu biết sâu rộng hơn cùng chứng ngôn về một nguyên tắc phúc âm mà các em đang tìm kiếm để sống theo?

Mời một sinh viên đọc đoạn hai ở trang 21 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta trong khi lớp học cùng dò theo, và tìm kiếm thêm những cách mà việc sống theo phúc âm ảnh hưởng đến tấm lòng và khả năng của người truyền giáo. Sau khi sinh viên đọc xong, hãy hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Còn có các phước lành nào nữa đến với những người truyền giáo khi họ sống theo các nguyên tắc phúc âm mà họ biết là đúng? (Giúp các sinh viên nói rõ nguyên tắc sau đây: Khi những người truyền giáo sống theo phúc âm, Đức Thánh Linh gia tăng ước muốn và khả năng của họ để chia sẻ phúc âm.)

  • Khi các em chuẩn bị để phục vụ truyền giáo, Đức Thánh Linh đã gia tăng ước muốn của các em để phục vụ như thế nào?

Mời Những Người Tầm Đạo Đến Nhà Thờ

Những người truyền giáo giúp những người tầm đạo tiến triển tới phép báp têm bằng cách mời họ tuân giữ các giáo lệnh. Ví dụ, giải thích cho các sinh viên biết rằng khi những người tầm đạo đến nhà thờ, thì họ có thể nhận được sự mặc khải nhiều hơn qua Đức Thánh Linh và mong muốn được đến gần Thượng Đế hơn. Việc tham dự nhà thờ có thể giúp những người tầm đạo đạt được một chứng ngôn về phúc âm phục hồi và chuẩn bị để chịu phép báp têm.

Trình bày cách mời một người nào đó đến tham dự nhà thờ. Trước hết, hãy chia sẻ ngắn gọn những phước lành đến từ việc tham dự nhà thờ. Sau đó sử dụng quyển sách nhỏ dành cho người truyền giáo The Restoration (Sự Phục Hồi) (các trang 22–23) để giải thích điều gì xảy ra trong buổi họp tiệc thánh. Sau đó trình bày cách đưa ra một lời mời cho một người tầm đạo tham dự các buổi họp ở nhà thờ. Sau khi anh chị em trình bày xong, mời các sinh viên đóng vai theo như những bước anh chị em đã làm với một người bạn khác. Cho phép mỗi em thay phiên nhau chia sẻ một cách ngắn gọn các phước lành họ nhận được qua việc tham dự nhà thờ, giải thích điều gì xảy ra trong buổi họp tiệc thánh, và mời người kia tham dự nhà thờ.

Làm chứng về các giáo lý và nguyên tắc của phúc âm được đề cập đến trong bài học này.

Lời Mời để Hành Động

Mời các sinh viên đặt ưu tiên cho việc học thánh thư riêng cá nhân khi họ chuẩn bị phục vụ truyền giáo. Các sinh hoạt gợi ý sau đây có thể giúp các sinh viên tập trung vào việc học tập với Thánh Linh:

  • Thiết lập một thói quen hàng ngày cho việc học thánh thư riêng cá nhân, kể cả việc học tập và suy ngẫm Sách Mặc Môn.

  • Cầu nguyện trước khi bắt đầu việc học hỏi phúc âm cá nhân để mời Thánh Linh giúp đỡ các em. Nếu các em chưa làm như vậy, thì hãy bắt đầu sử dụng một quyển nhật ký ghi chép việc học tập trong khi học hỏi phúc âm riêng cá nhân.

  • Chọn một trong số các ý kiến và đề nghị để học hỏi phúc âm được tìm thấy trong các trang 24–27 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, và kết hợp điều đó vào việc học hỏi cá nhân của các em tuần này.