Viện Giáo Lý
Bài Học 8: Giảng Dạy Sứ Điệp của Sự Phục Hồi (Phần 2)


8

Giảng Dạy Sứ Điệp của Sự Phục Hồi (Phần 2)

Lời Giới Thiệu

Sứ điệp của Sự Phục Hồi là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, mà chứa đựng giáo lý vĩnh cửu, thẩm quyền chức tư tế, và các giáo lễ của sự cứu rỗi, đã được phục hồi trên thế gian qua Tiên Tri Joseph Smith. Qua phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô—cùng một phúc âm mà đã được mặc khải trong mỗi gian kỳ của phúc âm—tất cả các con cái của Thượng Đế có thể đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Những người truyền giáo tương lai cần hiểu rõ các khái niệm về Sự Bội Giáo và Sự Phục Hồi và cần phải sẵn sàng để giải thích và làm chứng về các khái niệm đó một cách đơn giản và với quyền năng.

Chuẩn Bị Trước

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Khải Tượng của Joseph Smith về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô

Cho xem đoạn video đầu tiên từ bài nói chuyện của Chủ Tịch Thomas S. Monson “Hãy Đến, Tất Cả Các Ngươi là Con Trai của Thượng Đế,” mà trong đó Chủ Tịch Monson chia sẻ kinh nghiệm cải đạo của Elmer Pollard:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Thomas S. Monson

“Khi tôi phục vụ với tư cách là một chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Canada cách đây hơn 50 năm, một người truyền giáo trẻ đến từ một cộng đồng nhỏ ở nông thôn, kinh ngạc trước thành phố Toronto rộng lớn. Anh ấy thấp bé nhưng có chứng ngôn rất mạnh mẽ. Chẳng bao lâu sau khi anh ấy đến, thì anh ấy và người bạn đồng hành đến thăm nhà của Elmer Pollard ở Oshawa, Ontario, Canada. Vì cảm thấy thương hại cho hai thanh niên này phải đi từ nhà này đến nhà khác trong một trận bão tuyết mù mịt, ông Pollard đã mời hai người truyền giáo này vào nhà ông. Họ trình bày cho ông nghe sứ điệp của họ. Ông đã không cảm nhận được Thánh Linh. Vào lúc thích hợp, ông đã yêu cầu họ ra về và đừng trở lại. Khi họ ra khỏi cửa nhà ông, ông đã nói với hai anh cả một cách đầy chế nhạo: ‘Hai anh không thể nói với tôi là hai anh thật sự tin rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế đâu!’

“Cánh cửa đóng lại” (“Hãy Đến, Tất Cả Các Ngươi là Con Trai của Thượng Đế,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2013, 68).

Sau khi cho xem đoạn video, hãy hỏi:

  • Nếu các em là một trong các người truyền giáo này, các em có thể có những suy nghĩ và cảm giác nào khi các em ra khỏi nhà của Ông Pollard?

  • Các em có thể sẽ làm gì vào lúc này?

Cho xem đoạn video thứ hai, chứa đựng phần còn lại của câu chuyện của Chủ Tịch Monson:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Thomas S. Monson

“Hai anh cả bước xuống lối đi. Anh chàng nông thôn của chúng tôi nói với bạn đồng hành của mình: ‘Anh Cả này, chúng ta đã không trả lời cho Ông Pollard. Ông ấy nói rằng chúng ta không tin rằng Joseph Smith là một vị tiên tri chân chính. Chúng ta hãy quay trở lại và làm chứng với ông ấy.’ Lúc đầu, người truyền giáo có kinh nghiệm hơn đã do dự, nhưng cuối cùng đã đồng ý để đi trở lại với người bạn đồng hành của mình. Lòng đầy sợ hãi, họ tiến đến cánh cửa là nơi họ đã bị khước từ. Họ gõ cửa, đối diện với ông Pollard, chờ đợi trong một khoảnh khắc đầy khó khăn, và sau đó với quyền năng của Thánh Linh, người truyền giáo thiếu kinh nghiệm của chúng ta đã nói: ‘Thưa ông Pollard, ông nói rằng chúng tôi không thực sự tin rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế. Tôi làm chứng với ông rằng Joseph quả thật là một vị tiên tri. Ông ấy quả thật đã dịch Sách Mặc Môn. Ông ấy đã nhìn thấy Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử Chúa Giê Su. Tôi biết điều đó.’

“Một thời gian sau, Ông Pollard, giờ đây là Anh Pollard, đứng trong một buổi họp chức tư tế và nói: ‘Đêm đó tôi không thể ngủ được. Tôi vẫn nghe văng vẳng trong tai những lời: “Joseph Smith quả thật là vị tiên tri của Thượng Đế. Tôi biết phúc âm. Tôi biết phúc âm. Tôi biết điều đó.” Ngày hôm sau tôi gọi điện thoại cho hai người truyền giáo đó và yêu cầu họ quay trở lại. Sứ điệp của họ, kèm theo chứng ngôn của họ, đã thay đổi cuộc sống của tôi và cuộc sống của gia đình tôi’” (“Hãy Đến, Tất Cả Các Ngươi là Con Trai của Thượng Đế,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2013, 68).

Hãy hỏi:

  • Các em nghĩ tại sao chứng ngôn của người truyền giáo về Tiên Tri Joseph Smith có một ảnh hưởng sâu sắc đến Ông Pollard như vậy?

Yêu cầu các sinh viên giở đến Joseph Smith—Lịch Sử trong sách Trân Châu Vô Giá. Yêu cầu một sinh viên đọc to các câu 5–6, rồi sau đó yêu cầu một sinh viên khác đọc to các câu 7–9. Rồi sau đó hỏi các sinh viên:

  • Làm thế nào các em có thể tóm lược các câu này chỉ trong một hoặc hai câu?

Yêu cầu một sinh viên đọc to Joseph Smith—Lịch Sử 1:10. Trong khi câu này được đọc lên, yêu cầu các sinh viên cân nhắc về việc Joseph Smith tìm kiếm lẽ thật tôn giáo tương tự như thế nào với sự việc của nhiều người mà họ sẽ gặp trong khi phục vụ truyền giáo. Rồi hỏi:

  • Thiếu niên Joseph Smith đã phải vật lộn với những câu hỏi nào?

  • Điều gì đã làm cho Joseph cảm thấy quá khó khăn để quyết định nên gia nhập giáo hội nào?

  • Những câu hỏi của Joseph Smith có thể giống với những câu hỏi mà con người có trong thế giới ngày nay như thế nào?

Yêu cầu một sinh viên đọc to Joseph Smith—Lịch Sử 1:11–13. Rồi hỏi:

  • Joseph Smith đã học được nguyên tắc nào về cách tìm kiếm lẽ thật thuộc linh? (Mặc dù các sinh viên có thể sử dụng các từ ngữ khác nhau, nhưng họ có thể sẽ nói về nguyên tắc này: Chúng ta có thể học được lẽ thật thuộc linh từ Thượng Đế nếu chúng ta cầu nguyện lên Ngài để có câu trả lời và sẵn lòng hành động.)

  • Làm thế nào các em có thể sử dụng tấm gương của Joseph Smith để giúp những người mà có mong muốn tìm kiếm lẽ thật thuộc linh?

Yêu cầu sinh viên đọc thầm Joseph Smith—Lịch Sử 1:14–19. Khi sinh viên đọc, hãy bảo họ nghĩ về ảnh hưởng lâu dài mà Khải Tượng Thứ Nhất đã tác động đến thế gian và cuộc sống cá nhân của họ. Sau khi họ đã có một chút thời gian yên lặng để đọc, hãy hỏi những câu hỏi như sau:

  • Một số lý do nào mà kẻ nghịch thù có thể đã tấn công Joseph Smith trước khi Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến? (Kẻ nghịch thù đã muốn ngăn chặn Joseph khỏi việc học lẽ thật thuộc linh và bằng cách ấy ngăn chặn Sự Phục Hồi cuối cùng khỏi xảy ra.)

  • Trong những phương diện nào Khải Tượng Thứ Nhất bắt đầu khắc phục những hậu quả của Sự Đại Bội Giáo? (Hãy nhấn mạnh đến lẽ thật này cho sinh viên: Qua Khải Tượng Thứ Nhất, các tầng trời một lần nữa được mở ra và Sự Phục Hồi bắt đầu.)

  • Các lẽ thật giáo lý nào có thể học được từ Khải Tượng Thứ Nhất? (Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là hai Đấng riêng biệt, các tầng trời được mở ra, chúng ta có thể nhận được sự mặc khải, và vân vân.)

  • Các em nghĩ tại sao sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta đề nghị rằng những người truyền giáo nên giảng dạy về Khải Tượng Thứ Nhất trong lần đầu tiên họ tiếp xúc với người tầm đạo?

  • Làm thế nào việc học hỏi về sự hiện đến của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô giúp những người tầm đạo trong công cuộc tìm kiếm lẽ thật thuộc linh của họ?

Để giúp các sinh viên hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của Khải Tượng Thứ Nhất, hãy đưa cho mỗi sinh viên một tờ giấy phát tay có tựa đề “Nền Tảng Kỳ Diệu của Đức Tin Chúng Ta,” mà có chứa đựng một phần của bài nói chuyện của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley.

Hình Ảnh
Giấy phát tay về nền tảng
Hình Ảnh
Giấy phát tay về nền tảng

Yêu cầu một sinh viên đọc to ba đoạn đầu tiên. Rồi hỏi:

  • Tại sao “toàn thể sức mạnh” của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô dựa trên câu chuyện về Khải Tượng Thứ Nhất là có thật hay không? (Các sinh viên cần hiểu rằng nếu câu chuyện của Joseph Smith về khải tượng của ông là có thật, thì sự xác nhận đó cũng đúng rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là giáo hội duy nhất trên thế gian có sự chấp thuận trọn vẹn và thẩm quyền của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.)

  • Theo Chủ Tịch Hinckley, trong phương diện nào công việc của Joseph Smith khác biệt với công việc đã được thực hiện trước đó bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo mà đã sửa đổi các thủ tục thờ phượng và giảng dạy giáo lý?

Cho sinh viên một vài phút để đọc thầm phần còn lại trong tờ giấy phát tay. Khi họ đọc, hãy khuyến khích họ đánh dấu những từ, cụm từ, hoặc lời phát biểu mà họ thấy là nổi bật. Sau khi sinh viên đã đọc xong, mời một vài em chia sẻ điều họ đã đánh dấu và giải thích tại sao điều đó có ý nghĩa đối với họ. Hãy cân nhắc việc hỏi những câu hỏi giống như sau:

  • Tại sao có thể là khó khăn đối với một số người để chấp nhận tính chân thật của khải tượng của Joseph Smith?

  • Khi cân nhắc các nguyên tắc đã được học trong bài học trước, Khải Tượng Thứ Nhất phù hợp với khuôn mẫu của các gian kỳ, sự bội giáo, và sự phục hồi như thế nào? (Tiếp theo một giai đoạn bội giáo, Khải Tượng Thứ Nhất đã khai mở một sự phục hồi và một gian kỳ phúc âm mới. Giống như trong các gian kỳ trước đây, một vị tiên tri được Thượng Đế kêu gọi để phục hồi các lẽ thật phúc âm và thẩm quyền chức tư tế. Joseph Smith đã được kêu gọi với tư cách là vị tiên tri của “gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn” [Ê Phê Sô 1:10]. Điều này có nghĩa là phúc âm sẽ không bị mất đi qua sự bội giáo mà sẽ tiếp tục có trên thế gian cho đến Ngày Tái Lâm của Đấng Ky Tô.)

  • Làm thế nào việc giúp một người tầm đạo hiểu khuôn mẫu thánh thư này về sự bội giáo và sự phục hồi giúp người ấy chấp nhận tính chất xác thực của Khải Tượng Thứ Nhất và về Sự Phục Hồi của phúc âm trong thời hiện đại?

Mời lớp học giở đến trang 41 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta và đọc thầm ba đoạn cuối ở trang đó, cùng tìm kiếm những điều đã được phục hồi hoặc thiết lập lại qua Sự Phục Hồi. Sau đó yêu cầu sinh viên chia sẻ điều họ đã tìm thấy. Anh chị em có thể muốn chắc chắn rằng lớp học đề cập đến (1) sự phục hồi thẩm quyền chức tư tế, các chìa khóa, và các giáo lễ, (2) sự thiết lập lại Giáo Hội của Đấng Ky Tô, (3) sự kêu gọi mười hai Vị Sứ Đồ, (4) sự khai mở một gian kỳ phúc âm mới, và (5) sự kêu gọi vị tiên tri tại thế.

Để giúp sinh viên cảm thấy lẽ thật và tầm quan trọng của Khải Tượng Thứ Nhất và Sự Phục Hồi, yêu cầu lớp học của anh chị em trả lời những câu hỏi giống như sau:

  • Làm thế nào các em đã tiến đến việc đạt được một chứng ngôn về lẽ trung thực và tầm quan trọng của Khải Tượng Thứ Nhất?

  • Làm thế nào chứng ngôn của các em về Khải Tượng Thứ Nhất ảnh hưởng đến sự tin tưởng của các em đối với Sự Phục Hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô?

Hỏi xem có sinh viên nào muốn chia sẻ với lớp học chứng ngôn của họ về Khải Tượng Thứ Nhất hoặc về Sự Phục Hồi.

Chia lớp học ra thành từng cặp. Tổ chức các sinh viên thành các nhóm nhỏ gồm có bốn em (mỗi nhóm có 2 cặp). Cho các sinh viên đủ thời gian để chuẩn bị cách họ sẽ giảng dạy một bài học ngắn gọn dài ba đến bốn phút về Khải Tượng Thứ Nhất và Sự Phục Hồi. Giải thích rằng sự giảng dạy của họ cần phải đơn giản và rõ ràng. Cho các sinh viên ôn lại tài liệu trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, các trang 40–44, hoặc trang 11 trong sổ tay của người truyền giáo có tựa đề Sự Phục Hồi Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Khuyến khích các sinh viên sử dụng lời riêng của họ để giải thích về kinh nghiệm của Joseph Smith (trừ khi họ trích dẫn hoặc đọc từ Joseph Smith—Lịch Sử 1:16–17). Nhắc sinh viên nhớ kết thúc với chứng ngôn của họ. Chỉ định cho một cặp trong mỗi nhóm giảng dạy cho cặp kia.

Khi các sinh viên kết thúc kinh nghiệm giảng dạy của họ, yêu cầu mỗi nhóm thảo luận với nhau về việc giảng dạy đã diễn ra tốt đẹp như thế nào và cách những người giảng dạy đó có thể đã dạy tốt hơn.

Sau đó thay đổi vai và cho cặp kia dạy. Hãy chắc chắn là có đủ thời gian cho ý kiến phải hồi. Sau khi tất cả các cặp đều đã giảng dạy, hãy mời các sinh viên trong lớp chia sẻ những hiểu biết sâu sắc từ kinh nghiệm của họ với cả lớp.

Có thể là hữu ích đối với sinh viên để biết cách đối phó với những câu hỏi khó liên quan tới những lời tường thuật khác nhau về Khải Tượng Thứ Nhất do Joseph Smith viết. Giải thích rằng lời tường thuật về Khải Tượng Thứ Nhất tìm thấy trong Joseph Smith—Lịch Sử đã được Vị Tiên Tri viết vào năm 1838 với tính cách là lịch sử chính thức của Giáo Hội mà đã được xuất bản cho toàn thế giới. Bởi vì Joseph Smith ghi lại kinh nghiệm của ông nhiều hơn một lần, nên cũng có những lời tường thuật hiện hữu khác đã được ghi lại về Khải Tượng Thứ Nhất. Giải thích cho sinh viên biết rằng mỗi lời tường thuật đều có phần nào khác nhau về điểm nhấn mạnh và chi tiết. Một số người chỉ trích đã nhầm lẫn tranh luận rằng bất cứ sự thay đổi nào trong câu chuyện kể lại đều là bằng chứng rằng câu chuyện của Joseph là bịa đặt. Tuy nhiên, khi một cá nhân kể lại một kinh nghiệm trong những bối cảnh khác nhau cho các độc giả khác nhau trong nhiều năm, thì mỗi câu chuyện sẽ có khuynh hướng tập trung vào các khía cạnh khác nhau của kinh nghiệm đó và chứa đựng những chi tiết độc đáo. Ví dụ, những điểm khác biệt tương tự như trong những câu chuyện về Khải Tượng Thứ Nhất cũng có trong những câu chuyện của Phao Lô về khải tượng của ông trên đường đến thành Đa Mách (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 9:3–9; 22:6–11; 26:12–18).

Hãy Mời Những Người Khác Đọc Sách Mặc Môn

Bắt đầu thiết lập sự thích hợp của phần này của bài học bằng cách yêu cầu một sinh viên đọc to hai đoạn cuối trong phần giới thiệu Sách Mặc Môn. Mời các sinh viên tìm kiếm những lời hứa ban cho những người nào chọn đọc Sách Mặc Môn, suy ngẫm về sách đó, và cầu vấn Thượng Đế xem sách đó có chân chính không. Mời các sinh viên chia sẻ điều họ tìm được.

Yêu cầu các sinh viên giở đến trang 42 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, rồi yêu cầu một sinh viên đọc to đoạn đầu tiên trong phần “Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô.” Giúp các sinh viên nhận ra một nguyên tắc được giảng dạy trong đoạn này bằng cách hỏi:

  • Tại sao Sách Mặc Môn là một công cụ có giá trị và mạnh mẽ cho người truyền giáo? (Giúp các sinh viên thấy rằng Sách Mặc Môn chứa đựng phúc âm trường cửu, là một bằng chứng đầy sức thuyết phục rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế, và là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô. (Xin xem GLGƯ 20:8–11.)

Để giúp sinh viên hiểu rõ hơn giáo lý này, hãy hỏi mội vài câu hỏi giống như sau:

  • Tại sao Sách Mặc Môn là một bằng chứng đầy sức thuyết phục rằng Joseph Smith là một vị tiên tri? (Nếu một người nào đó kết luận rằng Sách Mặc Môn là chân chính, thì người đó cũng cần phải kết luận là Joseph Smith đã hành động dưới sự hướng dẫn của thiên thượng để khám phá và phiên dịch sách đó và ông là một vị tiên tri của Thượng Đế.)

  • Những người tầm đạo được ban phước như thế nào khi họ đọc Sách Mặc Môn và đạt được một chứng ngôn rằng sách đó là chân chính? (Họ sẽ biết rằng Joseph Smith là một vị tiên tri, và họ sẽ sẵn sàng chấp nhận Sự Phục Hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi.)

Yêu cầu một sinh viên đọc to Mô Rô Ni 10:3–5. Hãy hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Một người cần phải thực hiện những bước nào để đạt được một lời chứng rằng Sách Mặc Môn là chân chính? (Mặc dù họ có thể sử dụng những từ ngữ khác nhau, nhưng hầu như các sinh viên sẽ đều nói đến nguyên tắc này: Khi chúng ta đọc, suy ngẫm, và cầu nguyện với chủ ý thực sự về Sách Mặc Môn, Thượng Đế sẽ tiết lộ lẽ trung thực của sách đó cho chúng ta bằng quyền năng của Đức Thánh Linh.)

  • “Cầu vấn với chủ ý thật sự” có nghĩa là gì (Mô Rô Ni 10:4)? (Thành tâm mong muốn nhận được một câu trả lời qua Đức Thánh Linh và cam kết hành động theo câu trả lời đó.)

Để minh họa lý do tại sao là điều quan trọng để một người tầm đạo đọc Sách Mặc Môn và cầu nguyện với chủ ý thực sự về lẽ trung thực của sách đó, hãy cho xem video “Invitation to Read the Book of Mormon: Jynx (Lời Mời để Đọc Sách Mặc Môn: Jynx)” (8:06).

Dừng video ở phút 0:55 và yêu cầu lớp học suy ngẫm trong một chốc lát những ý nghĩ và cảm nghĩ họ có thể có nếu họ là một trong những người truyền giáo giảng dạy cho Jynx. Yêu cầu một vài sinh viên chia sẻ điều họ sẽ nói cho cô ấy.

Trong khi cho xem phần còn lại của video, hãy cân nhắc việc yêu cầu một nửa lớp học tìm xem lý do tại sao những người tầm đạo cần phải đọc và cầu nguyện về Sách Mặc Môn để đạt được một lời chứng về lẽ trung thực của sách đó. Yêu cầu nửa còn lại của lớp học tìm xem điều những người truyền giáo nói mà đã giúp Jynx cảm thấy được thúc đẩy để đọc Sách Mặc Môn. Sau khi xem video, hãy thảo luận những câu hỏi sau đây với sinh viên:

  • Những người truyền giáo đã nói và làm điều gì để thúc đẩy Jynx đọc và cầu nguyện về Sách Mặc Môn?

  • Những người truyền giáo đã nói và làm điều gì để mời Đức Thánh Linh làm chứng về những lời của họ?

  • Tại sao là điều quan trọng để một người tầm đạo đọc và cầu vấn về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn? (Hãy chắc chắn các sinh viên hiểu rằng những người truyền giáo cần làm nhiều hơn là chỉ phân phát các quyển Sách Mặc Môn không thôi. Vai trò của người truyền giáo là giúp những người khác cảm thấy tầm quan trọng của việc đọc và cầu nguyện về Sách Mặc Môn để họ có thể thấy rằng Joseph Smith là một vị tiên tri của Thượng Đế và rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi.)

Giải thích cho lớp học biết rằng bây giờ họ sẽ có cơ hội để đóng vai mời người khác đọc Sách Mặc Môn. Trình bày việc giới thiệu Sách Mặc Môn và đưa ra lời mời để đọc sách đó và cầu vấn để biết sứ điệp của sách đó là chân chính. Sau đó chia lớp học ra thành những cặp, hoặc cân nhắc việc sử dụng những tấm hình để giảng dạy được tìm thấy trong phần “Các Sinh Hoạt Giảng Dạy” trong phần giới thiệu của sách học này.

Cho các sinh viên đủ thời gian chuẩn bị để mời một người tầm đạo đọc Sách Mặc Môn và cầu nguyện để biết sách đó có chân chính không. Mời các sinh viên đọc ô có tựa đề “Sử Dụng Sách Mặc Môn để Xác Nhận Lẽ Thật về Sự Phục Hồi,” nằm ở giữa trang 43 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Sinh viên cũng có thể sử dụng trang 15 của sổ tay của người truyền giáo có tựa đề Sự Phục Hồi Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ cần kết thúc sinh hoạt thực tập bằng cách chia sẻ chứng ngôn của mình về Sách Mặc Môn và đưa ra một lời mời để đọc và cầu nguyện về lẽ trung thực của sách đó.

Sau khi tất cả các sinh viên đều đã có cơ hội để thực tập chia sẻ chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn và đưa ra lời mời để đọc và cầu nguyện, hãy yêu cầu các sinh viên trong lớp chia sẻ những sự hiểu biết sâu sắc từ kinh nghiệm của họ với các sinh viên khác trong lớp.

Khi anh chị em kết thúc bài học, hãy nhắc nhở các sinh viên nhớ các phước lành của việc đọc và củng cố chứng ngôn cá nhân của họ về Sách Mặc Môn trước khi bắt đầu công việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Hỏi các sinh viên xem có ai muốn chia sẻ chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn không. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về Sách Mặc Môn, và bảo đảm với các sinh viên rằng họ sẽ tìm thấy niềm vui khi họ mời những người khác đọc chứng thư mạnh mẽ này về Chúa Giê Su Ky Tô.

Lời Mời để Hành Động

Khuyến khích các sinh viên áp dụng điều họ học được trong bài học này trong tuần sắp tới. Họ có thể cân nhắc làm những điều sau đây:

  • Cầu nguyện để có một chứng ngôn vững mạnh hơn về Khải Tượng Thứ Nhất và lẽ trung thực của Sách Mặc Môn.

  • Đọc bài viết “First Vision Accounts (Những Câu Chuyện về Khải Tượng Thứ Nhất)” trong phần Gospel Topics (Các Đề Tài Phúc Âm) của lds.org/topics.

  • Học thuộc lòng câu chuyện về Khải Tượng Thứ Nhất có ghi trong Joseph Smith—Lịch Sử 1:16–17. Chia sẻ câu chuyện đó với một người bạn hoặc một người trong gia đình và chia sẻ chứng ngôn của các em về tầm quan trọng của sự kiện này.

  • Cầu xin được giúp đỡ để nhận ra một người nào đó mà các em có thể đưa cho một quyển Sách Mặc Môn. Hành động theo những sự thúc giục thuộc linh mà các em nhận được.