Viện Giáo Lý
Lời Giới thiệu Sách Học về Sự Chuẩn Bị của Người Truyền Giáo dành cho Giảng Viên (Tôn Giáo 130)


Lời Giới thiệu Sách Học về Sự Chuẩn Bị của Người Truyền Giáo dành cho Giảng Viên (Tôn Giáo 130)

Mục Tiêu của Chúng Tôi

Mục Tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo nói rằng:

“Mục đích của chúng tôi là nhằm giúp giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi hiểu cùng trông cậy vào những điều giảng dạy và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, xứng đáng với các phước lành của đền thờ, cũng như chuẩn bị cho mình, gia đình mình và những người khác để nhận được cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng” (Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm: Sách Hướng Dẫn dành cho Các Giảng Viên và Các Vị Lãnh Đạo trong Lớp Giáo Lý và Viện Giáo LýTôn Giáo [2012], 1).

Với tư cách là giảng viên viện giáo lý, anh chị em có thể đạt được mục tiêu này khi anh chị em giảng dạy phúc âm một cách hữu hiệu: “Chúng ta giảng dạy sinh viên các giáo lý và nguyên tắc của phúc âm được tìm thấy trong thánh thư và những lời của các vị tiên tri. Các giáo lý và nguyên tắc này được giảng dạy theo cách thức nhằm dẫn đến sự hiểu biết và gây dựng. Chúng ta giúp các sinh viên làm tròn vai trò của họ trong tiến trình học hỏi và chuẩn bị cho họ giảng dạy phúc âm cho những người khác” (Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm, x).

Sách Các Quy Tắc Cơ Bản của Việc Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm sẽ giúp anh chị em và các sinh viên của mình đạt được Mục Tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo khi anh chị em học thánh thư, những lời của các vị tiên tri, và sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta cùng với nhau. Các quy tắc cơ bản này gồm có:

  • Giảng dạy và học tập bằng Thánh Linh.

  • Nuôi dưỡng một môi trường học tập đầy yêu thương, tôn trọng và có mục đích.

  • Học thánh thư hàng ngày và đọc bài cho khóa học.

  • Thông hiểu văn cảnh và nội dung của thánh thư cùng những lời của các vị tiên tri.

  • Nhận ra, hiểu, cảm nhận lẽ thật cũng như tầm quan trọng của các giáo lý và nguyên tắc phúc âm, rồi áp dụng các giáo lý và nguyên tắc phúc âm đó.

  • Giải thích, chia sẻ và làm chứng về các giáo lý và nguyên tắc phúc âm.

  • Thông thạo các đoạn thánh thư chính yếu và Các Giáo Lý Cơ Bản.

“Khi được thi hành một cách sáng suốt, và phù hợp với nhau, [những yếu tố cơ bản này] góp phần gia tăng khả năng của sinh viên để hiểu thánh thư và các giáo lý cũng như các nguyên tắc trong thánh thư. Những điều này cũng khuyến khích các sinh viên đảm nhận một vai trò tích cực trong việc học hỏi phúc âm và gia tăng khả năng của họ để sống theo và giảng dạy phúc âm cho những người khác” (Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm, 10). Các quy tắc cơ bản này cần phải được thấy như là kết quả thay vì các phương pháp giảng dạy (xin xem Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm, 10). Những đề nghị về cách giảng dạy trong sách học này cung ứng những cách thức để đạt được những kết quả đó trong việc giảng dạy của anh chị em.

Mục Đích của Khóa Học

Tôn Giáo 130: Sự Chuẩn Bị của Người Truyền Giáo được biên soạn để nhằm giúp sinh viên chuẩn bị phục vụ truyền giáo toàn thời gian bằng cách chú trọng vào các giáo lý, các nguyên tắc, và lời khuyên bảo được tìm thấy trong thánh thư, những lời của các vị tiên tri, và sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Sách học này, các thánh thư, và sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta là các cuốn sách chủ yếu của anh chị em khi anh chị em chuẩn bị và giảng dạy khóa học. Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta là sách học dành cho sinh viên trong khóa học này, vì thế anh chị em nên khuyến khích sinh viên cần có một quyển riêng cho việc học tập cá nhân và sử dụng trong lớp học. Anh chị em sẽ ban phước cho cuộc sống của các sinh viên của mình khi anh chị em giúp họ trở nên quen thuộc với sách đó và sử dụng sách đó trong việc chuẩn bị phục vụ truyền giáo.

Cách Các Bài Học Được Sắp Xếp

Sách học này được biên soạn để nhằm giúp các giảng viên mới được kêu gọi cũng như các giảng viên giàu kinh nghiệm. Khóa học này được dự tính kéo dài trong một học kỳ, và được chia thành 15 bài học. Mỗi bài học được dự tính để giảng dạy trong khoảng thời gian 90 phút của lớp học. Nếu lớp học của anh chị em ngắn hơn 90 phút, anh chị em có thể chọn rút ngắn bài học hoặc chia bài học ra thành nhiều phần để được giảng dạy trong vòng hai hoặc ba buổi học.

Mỗi bài học trong sách học đều gồm có năm phần:

  • Lời Giới Thiệu

  • Chuẩn Bị Trước

  • Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

  • Những Sự Giúp Đỡ Giảng Dạy

  • Lời Mời để Hành Động

Lời Giới Thiệu

Mỗi bài học bắt đầu với một lời giới thiệu ngắn gọn tóm tắt các giáo lý, các nguyên tắc, và các ý chính bao gồm trong bài học.

Chuẩn Bị Trước

Phần này bao gồm các nguồn tài liệu chính yếu để học hỏi và cũng liệt kê các nguồn tài liệu (chẳng hạn như video, giấy phát tay, và vân vân) mà được sử dụng trong mỗi đề cương của bài học và anh chị em sẽ cần phải chuẩn bị trước. Ví dụ, khi bài học đề nghị cho xem một video, thì có thể là sáng suốt để tải xuống hoặc nếu không hãy chuẩn bị sẵn video.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Phần này đưa ra đề nghị về cách giảng dạy các đề tài đã được quy định của khóa học. Là giảng viên, anh chị em cần nghiên cứu kỹ phần này. Những đề nghị về cách giảng dạy trong sách học này tuân theo khuôn mẫu được miêu tả trong chương 3 của sách Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm. Những đề nghị giải thích cách kết hợp chặt chẽ Các Quy Tắc Cơ Bản của Việc Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm trong việc giảng dạy của anh chị em nhằm giúp sinh viên hiểu và áp dụng các nguyên tắc phúc âm và gia tăng sự cải đạo cá nhân của họ.

Trong mỗi thân bài, anh chị em sẽ thấy rằng vài giáo lý, nguyên tắc, và lẽ thật chính yếu đều được tô đậm. Các giáo lý và nguyên tắc này được nhận ra trong chương trình giảng dạy vì (1) chúng phản ảnh các lẽ thật quan trọng trong thánh thư và sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, (2) chúng đặc biệt áp dụng cho các nhu cầu và hoàn cảnh của những người truyền giáo tương lai, hoặc (3) chúng là các lẽ thật chính yếu mà có thể giúp sinh viên gia tăng mối quan hệ của họ với Chúa và chuẩn bị họ cho sự phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn khuyên bảo: “Trong khi các anh chị em chuẩn bị một bài học, hãy tìm kiếm các nguyên tắc cải đạo trong bài học đó. … Một nguyên tắc cải đạo là một nguyên tắc dẫn đến việc tuân theo ý muốn của Thượng Đế” (“Converting Principles” [bài nói chuyện dành cho các nhà giáo dục tôn giáo, ngày 2 tháng Hai năm 1996], 1; si.lds.org). Hãy nhận biết rằng sách học này không có chủ ý nhận ra tất cả các giáo lý và nguyên tắc mà có thể được giảng dạy trong một bài học, và anh chị em có thể được Thánh Linh dẫn dắt để giảng dạy các nguyên tắc và giáo lý khác mà không được đề cập đến trong các tài liệu của bài học. Để có thêm ý kiến về việc thích nghi các bài học, hãy xem phần “Quyết Định Giảng Dạy Điều Gì và Bằng Cách Nào” ở dưới đây.

Những Sự Giúp Đỡ Giảng Dạy

Những sự giúp đỡ giảng dạy hiện ra trong các ô trong khắp bài học, và chúng cung cấp sự hướng dẫn về nhiều phương pháp, kỹ năng, và kỹ thuật giảng dạy. Chúng được thiết kế nhằm cung ứng thêm sự hiểu biết sâu sắc về các nguyên tắc căn bản của sự giáo dục tôn giáo. Hãy tìm kiếm những cách thức để áp dụng những sự giúp đỡ này một cách hữu hiệu và kiên định trong việc giảng dạy của anh chị em.

Lời Mời để Hành Động

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dạy: “Hy vọng thiết tha của tôi cho mỗi em thiếu niên [những người truyền giáo tương lai] là các em sẽ không chỉ đi truyền giáo—mà các em còn trở thành những người truyền giáo từ lâu trước khi các em nộp giấy tờ xin đi truyền giáo của mình, từ lâu trước khi các em nhận được sự kêu gọi để phục vụ, từ lâu trước khi các em được sắc phong bởi vị chủ tịch giáo khu của các em, và từ lâu trước khi các em vào Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo” (“Trở Thành một Người Truyền Giáo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 45). Tương ứng với khái niệm này, mỗi bài học chứa đựng những sinh hoạt đã được đề nghị nhằm khuyến khích những người truyền giáo tương lai bắt đầu suy nghĩ, hành động, và phục vụ giống như người truyền giáo trước khi họ bước chân vào một trung tâm huấn luyện truyền giáo. Các sinh hoạt được tìm thấy trong phần này khuyến khích các sinh viên áp dụng điều họ học được trong lớp học khi ở nhà. Có nhiều cách khác nhau để chỉ định hoặc đề xuất những sinh hoạt này. Ví dụ, anh chị em có thể phân phát tờ giấy phát tay trong buổi học đầu tiên mà có liệt kê các sinh hoạt được đề nghị cho mỗi tuần trong học kỳ. Anh chị em cũng có thể viết danh sách các sinh hoạt hàng tuần lên trên bảng hoặc gửi tin nhắn hoặc email hàng tuần cho sinh viên.

Quyết Định Giảng Dạy Điều Gì và Bằng Cách Nào

Chọn Ra Các Ý Kiến Giảng Dạy Mà Đáp Ứng Các Nhu Cầu của Sinh Viên

Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, anh chị em có thể tự hỏi những câu hỏi như: Những phương pháp hoặc sinh hoạt học tập nào sẽ giúp các sinh viên của tôi hiểu điều họ cần phải biết? Điều gì sẽ giúp sinh viên của tôi nhận ra, thông hiểu, và giải thích được các giáo lý và nguyên tắc chính yếu? Tôi có thể làm gì để giúp các sinh viên của tôi cảm nhận lẽ thật và tầm quan trọng của các giáo lý và nguyên tắc đó? Làm thế nào tôi có thể giúp sinh viên của tôi áp dụng các giáo lý và nguyên tắc vào cuộc sống của riêng họ?

Sách học này nhằm giúp đỡ các anh chị em trong tiến trình hoạch định bài học. Ôn lại kỹ tài liệu của bài học. Chọn ra những ý kiến giảng dạy mà đáp ứng tốt nhất cho những nhu cầu của sinh viên, và cá nhân hóa những ý kiến đó tùy theo phong cách giảng dạy riêng của anh chị em. Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn anh chị em trong tiến trình này. Anh chị em có thể chọn sử dụng tất cả hoặc một phần đề nghị của chương trình giảng dạy hoặc áp dụng những ý kiến được đề nghị tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của lớp học. Trong khi anh chị em xác định cách áp dụng các tài liệu của bài học, hãy nhớ chuẩn bị kỹ lưỡng và cũng để cho Thánh Linh hướng dẫn anh chị em. Cân nhắc lời khuyên bảo này của Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ: “Trước hết chúng ta chấp nhận, sau đó chúng ta thích nghi. Nếu hoàn toàn quen thuộc với bài học mà mình sắp dạy thì chúng ta có thể tuân theo Thánh Linh để thích nghi” (“A Panel Discussion with Elder Dallin H. Oaks” [Buổi phát sóng Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo, ngày 7 tháng Tám năm 2012], si.lds.org).

Tạo Ra Những Cơ Hội Giảng Dạy cho Sinh Viên

Một trong những điều quan trọng nhất anh chị em có thể làm với tư cách là giảng viên của khóa học này là tạo ra cho sinh viên nhiều cơ hội trong lớp học để thực tập giảng dạy và làm chứng, vì nhiều người trẻ tuổi thiếu tự tin trong việc giảng dạy các giáo lý và nguyên tắc của phúc âm. Cho sinh viên cơ hội để trả lời câu hỏi, giải thích các lẽ thật phúc âm cho các sinh viên khác, và giảng dạy các bài học truyền giáo được tìm thấy trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Khi những người truyền giáo tương lai tiến đến việc hiểu cách các giáo lý và nguyên tắc phúc âm dẫn đến sự cứu rỗi, họ sẽ giảng dạy phúc âm một cách chân thành hơn và với quyền năng.

Ngoài việc học về điều gì nên nói và làm, những người truyền giáo tương lai cần phải học cách tập trung vào nhu cầu của người cải đạo và phân biệt bằng Thánh Linh điều gì mỗi người cải đạo cần để tiếp tục trên con đường dẫn đến sự cải đạo. Giúp sinh viên hiểu rằng sự cải đạo lâu dài của một người tầm đạo tùy thuộc ít hơn vào điều người truyền giáo nói và làm, mà tùy thuộc vào việc người tầm đạo đó có hành động trong đức tin không. Những người truyền giáo hữu hiệu nhất tập trung cẩn thận vào điều người tầm đạo nói và làm rồi sau đó giúp đỡ họ trong tình yêu thương để tiến triển đến sự cải đạo.

Định Rõ Những Kỳ Vọng cho Sinh Viên

Những đề nghị sau đây có thể hữu ích khi anh chị em chuẩn bị và giảng dạy bài học:

  • Chỉ định các sinh viên đọc các phần thích hợp của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta hoặc các sứ điệp đại hội trung ương trước mỗi bài học. Cân nhắc việc đưa cho sinh viên một đề cương khóa học vào lúc bắt đầu khóa học mà giải thích những gì sẽ được giảng dạy trong mỗi lớp học và những gì sinh viên cần đọc để chuẩn bị cho mỗi lớp học. Sinh viên nào tự chuẩn bị trước thì có nhiều khả năng sẽ được giảng dạy bởi Đức Thánh Linh trong các bài học.

  • Kỳ vọng sinh viên làm tròn vai trò của họ với tư cách là sinh viên (xin xem Gospel Teaching and Learning, trang 6, 15, 55).

  • Để cho sinh viên khám phá các lẽ thật phúc âm cho bản thân mình. Các sinh viên được gây dựng khi được dẫn dắt qua một tiến trình học hỏi tương tự với điều anh chị em đã cảm nhận được trong khi chuẩn bị bài học. Khi sinh viên khám phá các giáo lý và nguyên tắc cho bản thân mình, hãy tạo cho họ các cơ hội để giải thích các lẽ thật này bằng lời riêng của họ và chia sẻ cùng làm chứng về điều họ biết, cảm nghĩ của họ, và điều họ dự định làm.

  • Tạo ra một môi trường nơi mà sinh viên có thể cảm thấy Thánh Linh của Chúa khi họ giảng dạy và học hỏi lẫn nhau (xin xem GLGƯ 88:78, 122).

  • Khuyến khích sinh viên mang theo thánh thư riêng của họ, một quyển sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, và một cuốn nhật ký học tập tới mỗi lớp học. Giải thích nhật ký học tập là gì và cách sử dụng nó.

Khi anh chị em quyết định giảng dạy điều gì và bằng cách nào, hãy ghi nhớ những lời của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Tôi đã nhận thấy một đặc tính phổ biến trong số các giảng viên mà đã có ảnh hưởng lớn lao nhất trong cuộc đời tôi. Họ đã giúp tôi tìm tòi học hỏi bằng đức tin. Họ từ chối cho tôi những câu trả lời dễ dàng trước các câu hỏi khó. Thật ra, họ không đưa cho tôi bất cứ lời giải đáp nào cả. Thay vì thế, họ chỉ hướng và giúp tôi tìm cách để từng bước tìm ra lời giải đáp cho riêng mình. Tôi chắn chắn đã không luôn luôn biết ơn cách tiếp cận này, nhưng kinh nghiệm đã cho phép tôi hiểu rằng một lời giải đáp do người khác đưa ra thường không được ghi nhớ lâu, nếu có được nhớ đến đi nữa. Nhưng một lời giải đáp chúng ta khám phá và đạt được bằng cách vận dụng đức tin, thì nói chung đều được ghi nhớ suốt đời” (“Seek Learning by Faith” [một buổi tối với Anh Cả David A. Bednar, ngày 3 tháng Hai năm 2006], trang 5; si.lds.org).

Các Sinh Hoạt Giảng Dạy

Có một số cách để sắp xếp các sinh hoạt giảng dạy trong lớp học được đề nghị trong đề cương bài học. Thường rất hữu ích để thay đổi việc sắp xếp các sinh hoạt nhằm giúp các sinh viên trở nên thích thú và tập trung. Chẳng hạn như trong việc đóng vai, hãy cân nhắc việc mời sinh viên thay đổi vai để làm cả người truyền giáo và người tầm đạo và người đánh giá khi thích hợp. Anh chị em cũng có thể tham gia vào bất cứ vai nào khi cần.

Hình Ảnh
sơ đồ nhóm 4 người
Hình Ảnh
sơ đồ nhóm 2, 3 người

M = Người Truyền Giáo; I = Người Tầm Đạo; E = Người Đánh Giá

Khuôn Mẫu Huấn Luyện

Khuôn mẫu huấn luyện đã được sử dụng trong chương trình giảng dạy ở MTC (Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo) có thể được sửa lại cho hợp với việc sử dụng trong khóa học này nhằm giúp sinh viên phát triển kỹ năng và khả năng. Các yếu tố của khuôn mẫu này có thể được sử dụng trong bất cứ trình tự nào và được lặp lại nhằm đạt được mục tiêu một cách tốt nhất trong việc giúp sinh viên tiến bộ hơn bằng cách thực tập.

Giải Thích—Thể Hiện—Thực Tập—Đánh Giá—Thực Tập Lại

Giải thích

Giải thích các khái niệm và kỹ năng mà sinh viên cần biết, và dạy họ cách các kỹ năng và khái niệm này giúp làm tròn mục đích của công việc truyền giáo.

Thể Hiện

Đưa ra một ví dụ về điều sinh viên phải làm. Việc này có thể đạt được bằng những cách chứng minh trực tiếp, các video hoặc các phương tiện khác.

Thực tập

Cho các sinh viên thực tập các kỹ năng theo từng cặp hoặc theo nhóm.

Đánh giá

Với sự đóng góp của sinh viên, hãy nhận ra những điều họ làm giỏi và những cách thức họ có thể cải thiện kỹ năng của mình. Đưa ra những lời khích lệ họ.

Thực tập lại

Nếu có thể, dành ra thời gian cho việc thực tập lại.

Công Việc Truyền Giáo Trực Tuyến

Với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian, sinh viên của anh chị em sẽ sử dụng internet làm một công cụ để tìm và liên lạc với người tầm đạo, liên lạc với các tín hữu, làm việc với các vị lãnh đạo chức tư tế và công việc truyền giáo địa phương, trả lời câu hỏi, tiếp nhận và liên lạc với các mối liên lạc, theo dõi những cam kết, xác nhận các cuộc hẹn, và giảng dạy các nguyên tắc từ sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Nhiều đề nghị trong khắp sách học này sẽ giúp anh chị em khuyến khích sinh viên bắt đầu chia sẻ phúc âm bằng cách sử dụng các công cụ trực tuyến.

Là giảng viên của khóa học này, anh chị em có thể tận dụng các công cụ điện tử bằng cách liên lạc với các sinh viên trong tuần bằng tin nhắn văn bản hoặc qua phương tiện truyền thông xã hội để theo dõi bài tập ở trường, khuyến khích họ học tập trước khi tới lớp, hoặc nhắc họ nhớ đọc Sách Mặc Môn mỗi ngày.

Làm Cho Sách Học Thích Nghi với Những Người Khuyết Tật

Khi hướng dẫn những sinh viên khuyết tật, các giảng viên có thể điều chỉnh bài học để đáp ứng khả năng của sinh viên. Ví dụ, để làm cho bài học thích nghi với sinh viên không biết đọc, anh chị em có thể cân nhắc việc tự đọc to, để cho sinh viên tự học, hoặc sử dụng các tài liệu đã được thu âm trước (chẳng hạn như các phiên bản audio hoặc video của thánh thư, trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, và từ các bài nói chuyện tại đại hội trung ương). Khi bài học đòi hỏi phải viết ra câu trả lời, thay vì thế anh chị em có thể khuyến khích sinh viên trả lời bằng lời nói. Các sinh viên khác cũng có thể giúp đỡ những người khuyết tật bằng cách đọc riêng cho họ các tài hiệu hoặc viết câu trả lời cho họ.

Để có thêm ý kiến và các nguồn tài liệu, hãy tham khảo trang Disability Resources tại disabilities.lds.org phần sách học về chính sách của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý có tựa đề “Adapted Classes and Programs for Students with Disabilities (Làm Cho Các Bài Học và Chương Trình Thích Hợp với Các Sinh Viên Khuyết Tật).”