Viện Giáo Lý
Bài Học 9: Phát Triển Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô


9

Phát Triển Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô

Lời Giới Thiệu

Những người truyền giáo cần cố gắng hết sức để trở nên giống Đấng Cứu Rỗi khi họ lao nhọc để mời những người khác đến với Ngài. Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo của chúng ta và Ngài chỉ dẫn chúng ta để trở nên giống như Ngài (xin xem 3 Nê Phi 27:27), và Sự Chuộc Tội của Ngài cho phép chúng ta trở nên giống như Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta hơn. Một phần quan trọng trong việc trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô là học về cách Ngài đã sống, hành động, và giảng dạy. Khi cá nhân chúng ta phát triển những thuộc tính giống như Đấng Ky Tô một cách trọn vẹn hơn, chúng ta sẽ sẵn sàng hơn để phục vụ Thượng Đế và người khác trong công việc phục vụ truyền giáo của mình và trong suốt cuộc đời.

Chuẩn Bị Trước

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Tầm Quan Trọng của Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô

Mời các sinh viên giở đến trang 142 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta và xem ảnh chụp thẻ tên của người truyền giáo. Hãy hỏi:

  • Hai phần dễ thấy nhất trong thẻ tên của người truyền giáo là gì? (Tên của người truyền giáo và danh của Đấng Cứu Rỗi.)

  • Tại sao là điều quan trọng đối với các em và những người khác để liên kết tên của các em với danh của Đấng Cứu Rỗi?

Yêu cầu các sinh viên thay phiên nhau đọc to năm đoạn ở trang 133–134 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta trong khi cả lớp dò theo, cùng tìm kiếm cách chúng ta có thể chấp nhận lời mời để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Sau khi họ đã đọc xong, hãy hỏi:

  • Làm thế nào chúng ta chấp nhận lời mời của Chúa Giê Su Ky Tô để noi theo Ngài? (Sinh viên cần nhận ra nguyên tắc này: Chúng ta chấp nhận lời mời của Chúa Giê Su Ky Tô để noi theo Ngài bằng cách trở nên giống như Ngài và phát triển những thuộc tính của Ngài.)

  • Làm thế nào việc phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô làm cho các em trở thành người thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô một cách vững mạnh và hữu hiệu hơn?

Yêu cầu mỗi sinh viên chọn ra một trong các đoạn thánh thư trong ô Học Tập Thánh Thư ở trang 134 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Yêu cầu các sinh viên đọc đoạn thánh thư họ đã chọn và tìm xem đoạn đó nói gì về việc noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô. Mời các sinh viên chia sẻ với lớp học điều họ đã học được. Sau khi một vài sinh viên đã trả lời, hãy hỏi:

  • Một số thuộc tính của các em mà có liên kết với Chúa Giê Su Ky Tô là gì?

Cho xem video “Christlike Attributes (Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô)” (2:54), mà có minh họa một số thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi. Yêu cầu các sinh viên tìm kiếm cách các thuộc tính thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi đã được cho thấy hiển nhiên qua những hành động của Ngài—đặc biệt là trong cách Ngài tiếp xúc với những người khác.

Sau khi xem video, hãy hỏi những câu hỏi như sau, hãy chắc chắn cho sinh viên đủ thời gian để suy ngẫm câu trả lời của họ:

  • Làm thế nào các thuộc tính thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi là hiển nhiên qua những hành động của Ngài, đặc biệt là trong cách Ngài tiếp xúc với những người khác?

  • Các hành động của Chúa Giê Su đã có ảnh hưởng gì đến những người khác?

Yêu cầu các sinh viên chia sẻ với người ngồi cạnh mình về một kinh nghiệm mà trong đó họ đã được tác động bởi hành vi giống như Đấng Ky Tô của một người nào đó. Cho họ một giây lát để suy ngẫm câu hỏi sau đây:

  • Các em muốn phát triển trọn vẹn hơn các thuộc tính nào của Đấng Ky Tô mà được cho thấy trong video?

Phát Triển Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô

Yêu cầu một vài học viên thay phiên nhau đọc to Giáo Lý và Giao Ước 4:1–7.

  • Theo như Giáo Lý và Giao Ước 4:5–6, mối liên hệ giữa các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô với những điều kiện đòi hỏi để được kêu gọi làm công việc này là gì? (Mặc dù sinh viên có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần nhận ra nguyên tắc sau đây: Các cá nhân mà có các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô đều hội đủ điều kiện để phục vụ trong công việc của Chúa.)

Mời lớp học giở đến phần Sinh Hoạt Tìm Kiếm Thuộc Tính ở trang 145 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Sau khi giải thích những chỉ dẫn tìm thấy ở đầu trang, hãy mời các sinh viên hoàn tất sinh hoạt này. Có thể là hữu ích để cho các sinh viên biết họ sẽ cần phải dành ra bao nhiêu thời gian cho sinh hoạt này. Hãy cân nhắc đưa cho sinh viên một bản sao chụp của sinh hoạt này. Nếu sinh viên chọn hoàn tất sinh hoạt này vào trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta của riêng họ, anh chị em có thể khuyến khích họ nên viết bằng bút chì. Cho các sinh viên đủ thời giờ để hoàn tất sinh hoạt này. Sau đó yêu cầu các sinh viên trong lớp học chia sẻ điều họ đã học và cảm thấy khi họ làm phần tự đánh giá này. Nếu cần, hãy cân nhắc việc hỏi những câu hỏi như sau:

  • Các thuộc tính nào từ sinh hoạt này nổi bật đối với các em, và tại sao?

  • Các em đã học được điều gì từ sinh hoạt này?

Giúp các sinh viên hiểu sâu hơn về các thuộc tính của Đấng Ky Tô bằng cách mời họ chọn ra một thuộc tính mà họ muốn học hỏi thêm và phát triển trọn vẹn hơn trong cuộc sống của riêng họ. Yêu cầu sinh viên tìm phần mô tả thuộc tính do họ chọn ở các trang 134–142 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Rồi sau đó cho họ thời giờ để học phần của mình, cùng với các đoạn thánh thư liên quan. Có thể là hữu ích để cho các sinh viên biết họ sẽ có bao nhiêu thời gian để học. Viết những câu hỏi sau đây lên trên bảng để các sinh viên cân nhắc khi họ đọc:

  • Các em đã đạt được những sự hiểu biết sâu sắc mới nào về thuộc tính này?

  • Các em cần phải thay đổi điều gì trong tấm lòng, tâm trí, hay hành động của mình để phát triển thuộc tính này?

  • Việc phát triển thuộc tính này có thể gia tăng mức độ hữu hiệu của các em với tư cách là người truyền giáo như thế nào?

Đi vòng quanh phòng để xem mỗi sinh viên làm bài ra sao và trả lời bất cứ câu hỏi nào sinh viên có thể có. Sau khi đã cho đủ thời gian rồi, hãy mời các sinh viên chia sẻ câu trả lời của họ cho những câu hỏi được viết trên bảng.

Trưng bày lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, và yêu cầu các sinh viên tìm kiếm xem Chủ Tịch Uchtdorf nói gì về điều chúng ta phải làm để phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

“Thánh thư mô tả một số thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà chúng ta cần phải phát triển trong cuộc sống của mình. … Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô là các ân tứ từ Thượng Đế. Các thuộc tính này không thể phát triển nếu không có sự giúp đỡ của Ngài. Một sự giúp đỡ mà chúng ta đều cần được ban cho chúng ta một cách rộng rãi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi Sự Chuộc Tội của Ngài có nghĩa là hoàn toàn trông cậy nơi Ngài—tin tưởng nơi quyền năng vô hạn, trí tuệ và tình yêu thương của Ngài. Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô đến với cuộc sống của chúng ta khi chúng ta sử dụng quyền tự quyết của mình một cách ngay chính. … Trong khi cố gắng trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, chúng ta cần phải đánh giá lại cuộc sống của mình một cách thường xuyên và, qua con đường chân thành hối cải, trông cậy vào công lao của Chúa Giê Su Ky Tô và các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài” (“Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô—Quyền Năng Nâng Đỡ Chúng Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 102–103).

  • “Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô là các ân tứ từ Thượng Đế” có ý nghĩa gì đối với các em? (Chúng là các ân tứ mà không thể được phát triển trọn vẹn nếu không có sự giúp đỡ của Thượng Đế.)

  • Theo như Chủ Tịch Uchtdorf, chúng ta có thể làm gì để tận dụng sự giúp đỡ của Thượng Đế trong việc phát triển các thuộc tính này? (Anh chị em có thể tóm lược những câu trả lời của sinh viên bằng cách viết câu sau đây lên trên bảng: Chúng ta có thể phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô khi chúng ta hối cải, có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và trông cậy vào Sự Chuộc Tội.)

  • Làm thế nào sự hối cải và có đức tin nơi Sự Chuộc Tội có thể giúp chúng ta phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô? (Qua đức tin và sự hối cải, chúng ta mời Chúa ban phước cho chúng ta với các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô. Khi chúng ta hối cải, chúng ta cho thấy ước muốn của chúng ta để trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn, và chúng ta mời Đức Thánh Linh vào cuộc sống của mình nhiều hơn.)

Trưng ra lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và mời một sinh viên đọc to đoạn đó cho cả lớp nghe:

Hình Ảnh
Anh Cả Dallin H. Oaks

“Trong khi giảng dạy dân Nê Phi, Đấng Cứu Rỗi đã nói là họ phải trở thành những người như thế nào. Ngài phán bảo họ phải hối cải và chịu phép báp têm và được thánh hóa qua sự tiếp nhận Đức Thánh Linh: ‘để các người có thể đứng lên không tỳ vết trước mặt ta vào ngày sau cùng’ (3 Nê Phi 27:20). Ngài kết luận: ″Vậy nên, các ngươi nên là những người như thế nào? Quả thật, ta nói cho các ngươi hay, các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27).

“Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là kế hoạch mà qua đó chúng ta có thể trở thành những con cái của Thượng Đế cần phải trở thành. Trạng thái không tì vết và hoàn hảo này sẽ là kết quả của một chuỗi tiến trình vững chắc của các giao ước, giáo lễ, và hành động, sự tích lũy của những sự lựa chọn ngay chính, và sự hối cải liên tục. ‘Cuộc sống này là thời gian cho loài người chuẩn bị để gặp Thượng Đế’ (An Ma 34:32)” (“The Challenge to Become,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, 33).

Hãy hỏi:

  • Theo như Anh Cả Oaks, chúng ta cần phải làm gì để trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn? (Chúng ta cần phải lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng, xứng đáng tiếp nhận các giáo lễ, đưa ra những lựa chọn ngay chính, và hối cải.)

Mời siinh viên giở đến Mô Rô Ni 7:47–48. Giải thích rằng mặc dù các câu này đề cập đặc biệt đến lòng bác ái, nhưng cũng dạy một nguyên tắc căn bản hơn về việc đạt được các thuộc tính giống như Đấng Ký Tô. Mời một sinh viên đọc các câu này trong khi cả lớp dò theo cùng tìm kiếm điều chúng ta có thể làm để mời Cha Thiên Thượng giúp đỡ trong việc trở nên giống như Vị Nam Tử của Ngài hơn (câu trả lời nên tập trung vào tầm quan trọng của việc cầu xin Cha Thiên Thượng giúp đỡ chúng ta và trở thành “những môn đồ ngay chính” của Đấng Ky Tô). Nêu ra rằng vì các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô là các ân tứ từ Thượng Đế, chúng ta cần phải cầu xin Ngài giúp đỡ trong việc phát triển các thuộc tính đó.

Để giúp sinh viên cân nhắc cách họ có thể áp dụng điều họ học được, anh chị em có thể yêu cầu sinh viên chia sẻ ví dụ về những hành động mà một người truyền giáo có thể làm khi tìm cách phát triển thuộc tính mà họ đã học. Sau đó cho sinh viên một vài phút để viết xuống một kế hoạch, kể cả một số những lựa chọn đúng và kiên định mà họ có thể đưa ra, nhằm giúp họ phát triển thuộc tính đó. Khuyến khích họ chia sẻ kế hoạch của mình với cha mẹ hoặc một người bạn tin cậy. Ngoài ra, cũng khuyến khích các sinh viên đừng nên trì hoãn tuân theo kế hoạch của mình. Những nỗ lực họ bỏ ra bây giờ có thể có tác động lớn trong những kinh nghiệm truyền giáo của họ.

Kết thúc phần này của bài học bằng cách bảo đảm với các sinh viên rằng Chúa sẽ ban phước cho họ khi họ vận dụng đức tin nơi Sự Chuộc Tội và tìm cách trở nên giống Ngài hơn.

Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô trong Công Việc Truyền Giáo

Viết lên trên bảng lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, trong đó ông chia sẻ một đoạn trích dẫn mà thường được cho là của Thánh Francis ở Assisi. Yêu cầu một sinh viên đọc to lời phát biểu này:

“Hãy luôn luôn rao giảng phúc âm và nếu cần, hãy dùng lời nói” (“Chờ Đợi trên Con Đường Dẫn Đến Thành Đa Mách” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2011, 77).

Sau đó hỏi những câu hỏi như sau:

  • Làm thế nào chúng ta có thể rao giảng phúc âm mà không dùng lời nói?

  • Làm thế nào việc đạt được các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô cho phép chúng ta rao giảng phúc âm một cách hữu hiệu hơn, cả bằng lời nói lẫn không bằng lời nói?

  • Điều gì sẽ xảy đến với tấm lòng của các cá nhân khi họ được đối xử bằng một thái độ giống như Đấng Ky Tô? (Họ sẽ mềm lòng và sẽ dễ tiếp thu hơn để lắng nghe sứ điệp phúc âm).

  • Tại sao các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô của một người truyền giáo vô cùng quan trọng cho sự thành công của công việc truyền giáo? (Câu trả lời của sinh viên có thể gồm có lẽ thật này: Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô có thể là một ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc mang mọi người đến với Đấng Cứu Rỗi.)

Cho xem video “Impressions of Missionaries (Những Ấn Tượng của Người Truyền Giáo)” (4:32). Yêu cầu các sinh viên ghi xuống những thuộc tính mà những người tầm đạo quan sát được ở người truyền giáo và các thuộc tính này mang đến ảnh hưởng gì đến những người tầm đạo.

Sau khi xem video, hãy hỏi:

  • Một số thuộc tính tích cực của những người truyền giáo mà người tầm đạo nhận ra là gì?

  • Các em nghĩ tại sao các đức tính này để lại một ấn tượng tích cực nơi những người tầm đạo?

  • Một số đức tính không mấy tích cực mà những người tầm đạo đề cập đến. Các đức tính này tác động đến những người tầm đạo như thế nào?

  • Làm thế nào những người truyền giáo có thể tránh để lại những ấn tượng không mấy tích cực?

Để minh họa rõ hơn cách các thuộc tính và hành vi giống như Đấng Ky Tô có thể giúp những người truyền giáo chuẩn bị cho những người họ giảng dạy tiếp nhận phúc âm, hãy yêu cầu một sinh viên tóm tắt câu chuyện về những nỗ lực của Am Môn để rao giảng phúc âm giữa dân La Man. Chia lớp học ra thành bốn nhóm, và chỉ định một trong các đoạn thánh thư cho mỗi nhóm. Yêu cầu các sinh viên đọc thầm đoạn được chỉ định và nhận ra các đức tính giống như Đấng Ky Tô mà Am Môn đã cho thấy.

An Ma 17:22–25

An Ma 17:28–31

An Ma 17:33–37

An Ma 18:1–3, 8–10

Sau khi các sinh viên đã có thời gian để đọc, hãy thảo luận các câu hỏi sau đây với lớp học:

  • Am Môn đã cho thấy các thuộc tính nào giống như Đấng Ky Tô trong các đoạn các em đọc?

  • Các thuộc tính của Am Môn đã ảnh hưởng đến những người ông đang giảng dạy như thế nào?

  • Một số cách thức mà những người truyền giáo thời hiện đại có thể noi theo tấm gương của Am Môn là gì?

Mời các sinh viên nghĩ về một người họ quan sát mà thể hiện các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô. Hãy hỏi:

  • Người này có ảnh hưởng như thế nào đến các em qua hành vi giống như Đấng Ky Tô của mình?

Phục Vụ với một Người Bạn Đồng Hành

Nhắc các sinh viên nhớ rằng những người truyền giáo luôn luôn được chỉ định phục vụ với một người bạn đồng hành. Mời các sinh viên gợi ý những thử thách trong tương lai mà có thể xảy ra khi phục vụ với một người bạn đồng hành. Hỏi sinh viên các câu hỏi sau đây:

  • Tại sao các em nghĩ những người truyền giáo phục vụ trong các cặp đồng hành?

Đọc to Giáo Lý và Giao Ước 42:62 Cô Rinh Tô 13:1 để giúp các sinh viên thấy rằng những người truyền giáo phục vụ trong các cặp đồng hành bởi vì đó là một khuôn mẫu mà Chúa đã ban ra. Rồi hỏi:

  • Tại sao là điều quan trọng rằng những người truyền giáo thể hiện các thuộc tính và hành động giống như Đấng Ky Tô đối với người bạn đồng hành của mình? (Xin xem GLGƯ 38:24–25, 27.)

Trưng ra lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch James E. Faust (1920–2007) thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, rồi yêu cầu một sinh viên đọc to cho lớp học nghe:

Hình Ảnh
Chủ Tịch James E. Faust

“Đừng bao giờ cho phép sự tranh chấp trong mối quan hệ đồng hành của các em. Một số bạn đồng hành của các em sẽ là những người bạn thân thiết nhất trong cuộc đời các em. Hãy là loại người bạn đồng hành mà các em muốn được ở bên cạnh. Hãy đừng ích kỷ trong mối quan hệ với người bạn đồng hành của mình. Khi có tranh chấp, Thánh Linh của Chúa sẽ rời khỏi bất kể ai là người có lỗi. Mỗi người chúng ta đều là một cá nhân với những sức mạnh và tài năng độc nhất vô nhị, khác với bất cứ người nào trên thế gian. Mỗi người chúng ta đều có những yếu điểm. Trong một mối quan hệ hài hòa, có sự làm việc theo nhóm—trong đó một người thì yếu đuối, còn người kia thì mạnh mẽ” (“What I Want My Son to Know before He Leaves on His Mission,” Ensign, tháng Năm năm 1996, 41).

  • Chủ Tịch Faust đã nói điều gì sẽ xảy ra khi có sự tranh chấp giữa các cặp đồng hành truyền giáo? (Xin xem thêm 3 Nê Phi 11:29.)

  • Làm thế nào các thuộc tính mà chúng ta đã học được giúp những người truyền giáo tránh sự tranh chấp và có mối quan hệ hài hòa hơn? (Giúp các sinh viên nhận ra nguyên tắc rằng khi các cặp đồng hành truyền giáo thể hiện các thuộc tính và hành vi giống như Đấng Ky Tô cho nhau, thì họ được ban phước với Thánh Linh.)

  • Tại sao việc có được mối quan hệ hài hòa có thể làm cho tình bạn đồng hành trở nên hiệu quả hơn trong việc rao giảng phúc âm?

Hãy cân nhắc việc đọc to năm đoạn đầu dưới mục nhỏ “Your Companion” (trong phần “Relationships with Others”) trong Missionary Handbook (Sổ Tay của Người Truyền Giáo) (các trang 29–30). Rồi hỏi:

  • Làm thế nào các em đã sử dụng nguyên tắc được tìm thấy trong các đoạn này để củng cố mối quan hệ của mình với một người trong gia đình hoặc một người bạn?

Kết thúc bằng cách mời các sinh viên của mình chia sẻ chứng ngôn của họ về Đấng Ky Tô và tầm quan trọng của việc trở nên giống Ngài.

Lời Mời để Hành Động

Giúp sinh viên nhận ra rằng tiến trình phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô đòi hỏi sự giúp đỡ của Chúa và nhiều nỗ lực cá nhân. Khuyến khích các sinh viên hoàn tất một hoặc nhiều sinh hoạt được đề nghị sau đây như là một phần của nỗ lực của họ để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi:

  • Chọn ra một trong các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô từ chương 6 trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta và học kỹ hơn bằng cách sử dụng thánh thư, kể cả Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, và vân vân. Lập ra một kế hoạch để phát triển thuộc tính đó trong cuộc sống của các em một cách trọn vẹn hơn. Chia sẻ kế hoạch của các em với cha mẹ hoặc một người bạn tin cậy của mình.

  • Nghĩ về điều các em có thể làm để trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn đối với gia đình, bạn bè (cả tín hữu lẫn không phải là tín hữu) của mình và các vị lãnh đạo Giáo Hội. Viết xuống những ý tưởng cụ thể mà các em có và làm theo những ý tưởng đó trong tuần này.

  • Lập một số mục tiêu về cách các em có thể chuẩn bị để tránh sự tranh chấp với người bạn đồng hành truyền giáo tương lai.

  • Tìm kiếm những cách để bày tỏ tình yêu thương với những người trong gia đình và bạn bè, và phục vụ họ với lòng khiêm nhường và lòng bác ái.