Viện Giáo Lý
Bài Học 4: Giảng Dạy bằng Thánh Linh


4

Giảng dạy bằng Thánh Linh

Lời Giới Thiệu

Những người truyền giáo thành công hiểu rằng “khi một người nói lên nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh thì quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ truyền những lời ấy vào tâm hồn con cái loài người” (2 Nê Phi 33:1). Bản thân những người truyền giáo không thể mang các phước lành của chứng ngôn và sự cải đạo đến cho người khác, dù người truyền giáo đó có tài giỏi hay giàu kinh nghiệm đến bao nhiêu đi nữa. Chỉ có Đức Thánh Linh mới mang đến sự cải đạo thực sự. Khi những người tầm đạo cảm thấy Thánh Linh tác động trong lòng họ, hoặc khi họ thấy bằng chứng về tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa trong cuộc sống của họ, thì họ được gây dựng và củng cố phần thuộc linh, đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô gia tăng, và họ có nhiều khả năng sẽ trở nên được cải đạo.

Chuẩn Bị Trước

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Giảng dạy bằng Thánh Linh

Giải thích cho sinh viên biết rằng Chủ Tịch Brigham Young đã có lần kể về sự cải đạo của ông theo phúc âm và về người truyền giáo mà đã giúp ông có được một chứng ngôn. Rồi cho xem video “A Man without Eloquence” (6:06). Yêu cầu sinh viên chú ý đến cách Thánh Linh đã ảnh hưởng đến Chủ Tịch Brigham Young và giúp ông trở nên được cải đạo.

Sau khi xem video, hãy đặt ra những câu hỏi sau đây:

  • Việc nghe thấy người đàn ông khiêm nhường đó chia sẻ chứng ngôn đã giúp Brigham Young trở nên thực sự được cải đạo như thế nào?

  • Từ kinh nghiệm của Brigham Young, các nguyên tắc nào các em học được về việc giảng dạy bằng Thánh Linh? (Sinh viên có thể nhận ra các nguyên tắc này: Giảng dạy bằng Thánh Linh có thể dẫn đến sự cải đạo của người khác; khi chúng ta giảng dạy bằng Thánh Linh, chúng ta cần phải chân thành và nói thật lòng; chúng ta cần phải khiêm nhường [xin xem GLGƯ 136:33].)

Cho sinh viên một giây lát để học Giáo Lý và Giao Ước 42:14; 50:13–14 và 17–23, tìm kiếm những chỉ dẫn của Chúa dành cho những người giảng dạy phúc âm của Ngài. Rồi hỏi:

  • Các nguyên tắc nào của việc giảng dạy phúc âm đã được ban cho trong các điều mặc khải này? (Có nhiều câu trả lời đúng mà sinh viên có thể đưa ra. Những câu trả lời có thể bao gồm nguyên tắc sau đây: Chúa đã truyền lệnh rằng phúc âm sẽ được giảng dạy bằng Thánh Linh và không bằng bất cứ cách thức nào khác.)

  • Theo như Giáo Lý và Giao Ước 50:22, điều gì xảy ra khi một người truyền giáo giảng dạy bằng Thánh Linh? (Cả người truyền giáo và người tầm đạo đều “hiểu được nhau, và cả hai được gây dựng và cùng nhau vui vẻ.” Vạch rõ cho sinh viên thấy rằng việc giảng dạy bằng Thánh Linh có thể chỉ xảy ra khi Đức Thánh Linh hiện diện và được cảm nhận bởi giảng viên, sinh viên, hoặc cả hai. Hãy cân nhắc việc viết nguyên tắc này lên trên bảng.)

Nhắc các sinh viên nhớ rằng sự hiện diện của Thánh Linh không luôn luôn được biểu hiện bằng cảm xúc và nước mắt. Nếu cần, hãy đọc cho lớp học những lời sau đây của Chủ Tịch Howard W. Hunter:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Howard W. Hunter

“Tôi muốn đưa ra một lời cảnh báo về đề tài này. … Tôi cảm thấy lo âu khi cảm xúc có vẻ như mãnh liệt hoặc việc nước mắt tuôn chảy lại được cho rằng đó là sự hiện diện của Thánh Linh. Chắc chắn là Thánh Linh của Chúa có thể mang đến những cảm nghĩ xúc động mãnh liệt, kể cả những giọt lệ, nhưng cách biểu hiện bên ngoài đó không được nhầm lẫn với sự hiện diện của Thánh Linh.

Tôi đã quan sát nhiều anh em trong những năm qua và chúng tôi đã cùng chia sẻ một số những kinh nghiệm thuộc linh hiếm có và không thể tả nổi. Những kinh nghiệm này đều rất khác biệt, mỗi kinh nghiệm đều đặc biệt theo cách riêng của nó, và những khoảnh khắc thiêng liêng như thế có hoặc không có kèm theo nước mắt. Những kinh nghiệm đó rất thường xuyên như vậy, nhưng đôi khi chúng kèm theo sự im lặng hoàn toàn. Những lúc khác lại kèm theo niềm vui. Sự biểu hiện của Thánh Linh luôn luôn đi kèm với sự biểu hiện lớn lao về lẽ thật, về sự mặc khải vào tấm lòng” (“Eternal Investments” [bài nói chuyện dành cho các nhà giáo dục tôn giáo thuộc Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 10 tháng Hai năm 1989], trang 3; si.lds.org).

Để giúp sinh viên hiểu rõ hơn cách Đức Thánh Linh có thể ảnh hưởng đến các giảng viên và sinh viên, viết những đoạn tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng, hoặc phân phát cho sinh viên một tờ giấy phát tay. (Xin lưu ý: chỉ đưa cho sinh viên phần tham khảo thôi; những từ trong ngoặc đơn là cho lợi ích của giảng viên):

Chỉ định cho sinh viên học các đoạn thánh thư này theo từng cặp. Để cho một sinh viên trong mỗi cặp tìm kiếm những cách mà trong đó Đức Thánh Linh có thể ảnh hưởng đến một giảng viên phúc âm trong khi sinh viên kia tìm kiếm những cách mà Đức Thánh Linh có thể ảnh hưởng đến những người đang được giảng dạy. Sau đó yêu cầu họ cùng nhau thảo luận điều họ học được. Sau khi mỗi cặp đã có đủ thời giờ để thảo luận, hãy hỏi những câu hỏi như sau để giúp họ phân tích kỹ hơn điều họ đọc được:

  • Theo như các câu các em học, Thánh Linh ảnh hưởng đến những người giảng dạy bằng một số cách thức nào? (Trong khi các sinh viên trả lời, anh chị em có thể hỏi xem họ tìm thấy những câu trả lời của họ trong các đoạn thánh thư nào.)

  • Thánh Linh ảnh hưởng đến việc những người khác trở nên được cải đạo theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào?

  • Các đoạn này cho thấy lý do tại sao lại quan trọng để những người truyền giáo giảng dạy bằng Thánh Linh như thế nào?

Mời Thánh Linh trong khi Anh Chị Em Giảng Dạy

Cho lớp học biết rằng sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta có một vài phần giải thích điều những người truyền giáo có thể làm để mời sự hướng dẫn của Thánh Linh trong khi họ giảng dạy. Chia lớp học ra thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm không nhiều hơn bốn sinh viên. Chỉ định cho mỗi nhóm học một trong các phần sau đây của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta:

  1. “Cách Thức Bắt Đầu Giảng Dạy,” các trang 202–204 (không kể ô Sinh Hoạt)

  2. “Thích Nghi Sự Giảng Dạy của Các Anh Chị Em để Đáp Ứng Những Nhu Cầu,” các trang 204–305 (không kể các ô Sinh Hoạt và các ô Học Tập Thánh Thư)

  3. “Giảng Dạy để Hiểu Biết,” các trang 209–210 (không kể ô Học Tập Thánh Thư)

  4. “Lắng Nghe,” các trang 213–214 (không kể ô Sinh Hoạt)

Viết những chỉ dẫn sau đây lên trên bảng để các nhóm sẽ biết họ phải làm gì:

Đọc phần của các em trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta.

Thảo luận trong các nhóm của các em về các nguyên tắc nào các em đọc được mà cho phép những người truyền giáo trở thành những giảng viên hữu hiệu và có Thánh Linh ở cùng với họ trong khi họ giảng dạy.

Sau khi đã cho sinh viên đủ thời gian, yêu cầu một sinh viên từ mỗi nhóm tóm tắt cách mà kỹ năng họ đọc được có thể đóng góp vào khả năng của một người truyền giáo để giảng dạy với Đức Thánh Linh. Mời một sinh viên tóm tắt các điểm quan trọng lên trên bảng. Trong khi các nhóm tóm tắt những ý kiến của họ, hãy cân nhắc hỏi các câu hỏi giống như sau:

  • Làm thế nào việc mở đầu một bài học bằng một cách thức thích hợp có thể mời Đức Thánh Linh đồng hành trong việc giảng dạy bài học?

  • Làm thế nào việc giữ cho sứ điệp phúc âm được đơn giản có thể mời Đức Thánh Linh đến giảng dạy và gây dựng một người tầm đạo?

  • Làm thế nào việc giữ cho bài học tập trung vào nhu cầu của người tầm đạo có thể mời Đức Thánh Linh đến?

  • Làm thế nào việc lắng nghe điều người tầm đạo nói sẽ góp phần vào khả năng của một người truyền giáo để giảng dạy bằng Thánh Linh?

Để giúp sinh viên thấy được một số kỹ năng giảng dạy trên đây như thế nào, hãy cho họ xem video “Teach People, Not Lessons: Jynx (Giảng Dạy Con Người, Chứ Không Phải Dạy Bài Học: Jynx)” (6:34). Khuyến khích sinh viên tìm kiếm bằng chứng mà những người truyền giáo đã giảng dạy bằng Thánh Linh của Ngài. Đặc biệt sinh viên có thể xem để thấy cách những người truyền giáo sử dụng những kỹ năng mà lớp học đã học trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta và cách mà việc sử dụng những kỹ năng này mời Thánh Linh vào sự giảng dạy của những người truyền giáo.

Sau khi xem xong video, hãy thảo luận những điều sau đây:

  • Những người truyền giáo đã làm gì trong việc giảng dạy của họ mà cho phép họ giảng dạy bằng Thánh Linh?

  • Các em đã thấy bằng chứng nào rằng Jynx đang học hỏi bằng Thánh Linh?

Trước khi tiếp tục, cho sinh viên một giây lát để viết xuống câu trả lời cho câu hỏi sau đây:

  • Các em sẽ áp dụng các nguyên tắc chúng ta đã thảo luận cho đến bây giờ trong bài học này như thế nào?

Giúp Những Người Tầm Đạo Nhận Biết Thánh Linh

Yêu cầu một vài sinh viên thay phiên nhau đọc to phần “Quyền Năng của Thánh Linh trong Sự Cải Đạo” nằm ở các trang 104–105 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta (không kể các ô Sinh Hoạt và ô Học Tập Thánh Thư). Yêu cầu các sinh viên còn lại của lớp học dò theo và đánh dấu các cụm từ mô tả điều một người tầm đạo cần phải cảm thấy để sự cải đạo có thể xảy ra. Rồi hỏi:

  • Người tầm đạo cần phải cảm thấy điều gì để sự cải đạo có thể xảy ra? (Chắc chắn rằng các sinh viên nhận ra nguyên tắc sau đây: Nếu người tầm đạo cảm nhận được Thánh Linh đang ảnh hưởng đến họ, thì họ sẽ có nhiều khả năng hơn để trở nên được cải đạo theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.)

  • Làm thế nào các em có thể biết khi nào một người tầm đạo cảm thấy ảnh hưởng của Đức Thánh Linh? (Câu trả lời có thể là: người truyền giáo cảm nhận được Đức Thánh Linh; người tầm đạo cảm thấy thoải mái khi đặt ra câu hỏi, muốn học hỏi thêm, và sẵn sàng lập và tuân giữ những cam kết; có một sự thấu hiểu, một cảm giác hân hoan, và sự gần gũi với Thượng Đế; và có một tình bạn thân thiết hơn giữa người truyền giáo và người tầm đạo.)

  • Anh Cả M. Russell Ballard đã dạy: “Những kinh nghiệm với Thánh Linh sẽ tự động đến khi một người sẵn sàng trắc nghiệm lời nói” (“Now Is the Time,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 75). Một người truyền giáo có thể làm gì để khuyến khích những người tầm đạo trắc nghiệm lời của Thượng Đế?

Giải thích cho các sinh viên biết rằng một trong những vai trò đầy thử thách nhất, với tư cách người truyền giáo, là sẽ giúp những người tầm đạo nhận ra những thúc giục của Đức Thánh Linh và rồi giúp họ hành động theo những ý nghĩ và cảm giác đó. Bằng sự soi dẫn qua Đức Thánh Linh, những người truyền giáo có thể biết được những sự thúc giục thuộc linh nào một người tầm đạo cần phải nhận được để được cải đạo, và họ có thể giúp tạo ra một môi trường nơi mà những sự thúc giục có thể xảy ra.

Để minh họa cách điều này có thể thực hiện được, hãy cho xem video “Teaching about the Holy Ghost and Prayer: John (Giảng Dạy về Đức Thánh Linh và Sự Cầu Nguyện: John)” (5:00). Mời lớp học tìm kiếm cách những người truyền giáo đã giúp John học cách nhận biết Thánh Linh.

Sau khi xem xong video, hãy hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Làm thế nào những người truyền giáo đã giúp John nhận biết Thánh Linh?

  • Những người truyền giáo đã làm gì để giúp John biết cách nhận được những câu trả lời từ Chúa?

Mời các sinh viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 11:12, rồi sau đó cho họ thảo luận câu hỏi sau đây theo từng cặp:

  • Nếu một người tầm đạo hỏi các em cảm thấy được Đức Thánh Linh như thế nào, thì Giáo Lý và Giao Ước 11:12 sẽ giúp các em trả lời như thế nào?

Hành Động theo Những Thúc Giục của Thánh Linh

Trưng bày đoạn trích dẫn sau đây và cho một sinh viên đọc to:

Hình Ảnh
Anh Cả Richard G. Scott

“Sự giao tiếp với Cha Thiên Thượng không phải là một vấn đề nhỏ nhặt. Đó là một đặc ân thiêng liêng. Sự giao tiếp được dựa vào các nguyên tắc vĩnh cửu bất biến. Chúng ta nhận được sự giúp đỡ từ Cha Thiên Thượng để đáp ứng đức tin, sự vâng lời và việc sử dụng thích hợp quyền tự quyết của mình” (Richard G. Scott, “Làm Thế Nào để Nhận Được Sự Mặc Khải và Soi Dẫn cho Cuộc Sống Cá Nhân của Mình,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 47).

Rồi hỏi:

  • Trong những cách thức nào mà sự giao tiếp của chúng ta với Cha Thiên Thượng trở nên tầm thường? Chúng ta có thể làm gì để làm cho những lời cầu nguyện của mình có ý nghĩa hơn?

  • Việc “chúng ta nhận được sự giúp đỡ từ Cha Thiên Thượng để đáp ứng đức tin, sự vâng lời và việc sử dụng thích hợp quyền tự quyết của mình” có ý nghĩa gì đối với các em? (Mặc dù sinh viên có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ sẽ có thể trả lời tương tự như sau: Chúng ta nhận được sự giúp đỡ từ Cha Thiên Thượng khi chúng ta tập trung vào việc gia tăng đức tin, sự vâng lời, và sử dụng thích hợp quyền tự quyết. Viết nguyên tắc này lên trên bảng.)

Để giúp các sinh viên hiểu sâu hơn về nguyên tắc này, hãy trưng ra hai đoạn trích dẫn sau đây của Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và mời một sinh viên đọc to hai đoạn đó cho cả lớp nghe:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Boyd K. Packer

“Tiếng nói này của Thánh Linh thì rất dịu dàng, thúc giục các anh chị em phải nói hoặc làm điều gì, hoặc tiếng nói đó có thể quở trách hoặc cảnh báo các anh chị em.

“Nếu lảng tránh hoặc không nghe theo những sự thúc giục này, thì Thánh Linh sẽ rời xa các anh chị em. Đó là sự lựa chọn của các anh chị em—quyền tự quyết của các anh chị em” (“Personal Revelation: The Gift, the Test, and the Promise,” Ensign, tháng Mười Một năm 1994, trang 60).

Hình Ảnh
Chủ Tịch Boyd K. Packer

“Thánh Linh không làm cho chúng ta chú ý bằng cách hét lên hoặc dùng tay lắc mạnh chúng ta. Thay vì thế Thánh Linh thì thầm. Thánh Linh tác động rất nhẹ nhàng đến nỗi nếu chúng ta bận rộn thì chúng ta không thể nào cảm nhận được Thánh Linh. …

“Đôi khi, Thánh Linh sẽ thúc giục vừa đủ mạnh để thu hút sự chú ý của chúng ta. Nhưng nói chung, nếu chúng ta không chú ý đến cảm giác nhẹ nhàng, thì Thánh Linh sẽ rút lui và chờ cho đến khi chúng ta đến tìm hiểu và lắng nghe” (“The Candle of the Lord,” Ensign, tháng Một năm 1983, trang 53).

  • Các em học được điều gì từ những lời giảng dạy này của Chủ Tịch Packer?

  • Vì Đức Thánh Linh nói rất dịu dàng, nên điều gì có thể làm cho chúng ta khó nghe thấy hoặc khó nhận biết Thánh Linh trong thế giới ngày nay?

Khi sinh viên trả lời, hãy cân nhắc việc thảo luận về cách thức mà việc sử dụng quá mức các thiết bị điện tử có thể làm cho chúng ta khó nhận biết Thánh Linh. (Để biết thêm về đề tài này, xin xem Anh Cả M. Russell Ballard, “Be Still, and Know That I Am God” [Buổi họp đặc biệt devotional dành cho những người thành niên trẻ tuổi của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội, ngày 4 tháng Năm năm, 2014].)

Sau đó, hãy cân nhắc đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Hình Ảnh
Anh Cả Richard G. Scott

Sự khiêm nhường là thiết yếu trong việc đạt được kiến thức thuộc linh. Trở nên khiêm nhường tức là trở nên dễ dạy. Sự khiêm nhường cho phép các anh chị em được giảng dạy bởi Thánh Linh và bởi các nguồn tài liệu mà đã được Chúa soi dẫn, chẳng hạn như thánh thư. Hạt giống của sự phát triển và sự hiểu biết cá nhân nảy mầm và phát triển trong đất đai mầu mỡ của sự khiêm nhường. Trái của kiến thức thuộc linh này sẽ hướng dẫn các anh chị em ở nơi đây và trong cuộc sống mai sau.

“Một cá nhân kiêu ngạo không thể biết được những sự việc của Thánh Linh. Phao Lô đã dạy lẽ thật này, bằng cách nói rằng:

“Nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời. …

“‘Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng’ (1 Cô Rinh Tô 2:11, 14)” (“Acquiring Spiritual Knowledge,” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, trang 87).

  • Sự khiêm nhường đóng vai trò gì trong khả năng của chúng ta để tiếp nhận và nhận biết sự thúc giục của Thánh Linh?

  • Các em đã có những kinh nghiệm khi mà các em được Thánh Linh hướng dẫn chưa? Cảm giác đó như thế nào? Làm thế nào các em biết đó là Thánh Linh? (Xin xem Mô Rô Ni 7:13.)

Nếu có đủ thời gian, hãy chia lớp học ra làm hai. Giải thích cho các sinh viên biết rằng họ sẽ xem xét hai ví dụ thực tiễn để thấy cách Thánh Linh của Chúa hướng dẫn công việc của các tôi tớ của Ngài. Cho một nửa lớp đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 4:5–13. Bảo nửa này của lớp học rằng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 3, Phi E Rơ và Giăng đã chữa lành cho một người đàn ông. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 4, họ bị bắt giữ và bị giải đến trước các nhà lãnh đạo Do Thái để bị chất vấn về sự chữa lành đó. Yêu cầu nửa kia học Công Vụ Các Sứ Đồ 16:6–15. Cho nửa này của lớp học biết rằng các câu này là về Phi E Rơ trong một trong những cuộc hành trình truyền giáo của ông. Chỉ định cả hai nửa lớp học tìm kiếm cách Đức Thánh Linh đã giúp cả Phi E Rơ và Phao Lô rao giảng phúc âm. Sau khi đã có đủ thời gian rồi, yêu cầu sinh viên báo cáo về cách Đức Thánh Linh đã hướng dẫn lần lượt Phi E Rơ và Phao Lô. Rồi hỏi:

  • Phi E Rơ và Phao Lô đã sử dụng quyền tự quyết của họ như thế nào để tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh?

  • Bằng chứng nào cho thấy rằng Phi E Rơ và Phao Lô đang tuân theo Thánh Linh?

  • Cụ thể điều gì đã xảy ra cho Phi E Rơ trong Công Vụ Các Sứ Đồ 4 và cho Phao Lô trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16 bởi vì họ đều tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh?

  • Các em đã được ban phước như thế nào vì tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh?

Kết thúc bằng cách mời các sinh viên làm chứng về cách Chúa đã ban phước cho họ qua Thánh Linh của Ngài. Yêu cầu họ cân nhắc cách học hỏi thêm về sự giảng dạy bằng Thánh Linh đã ảnh hưởng đến ước muốn của họ để mời những người khác đến với Đấng Ky Tô. Bảo đảm với họ rằng khi họ tìm kiếm Thánh Linh trong cuộc sống của mình, thì họ sẽ gia tăng khả năng của họ để giảng dạy bằng Thánh Linh.

Lời Mời để Hành Động

Mời các sinh viên chuẩn bị để giảng dạy phúc âm bằng Thánh Linh bằng cách hoàn tất một hoặc nhiều hơn các sinh hoạt sau đây:

  • Xem một số đoạn của The District (được tìm thấy trên LDS.org) trong khi các em chuẩn bị để phục vụ truyền giáo.

  • Thực tập các cách khác nhau để bắt đầu giảng dạy một bài học với một vài cụm từ mà mời gọi Thánh Linh đầy mạnh mẽ trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, các trang 202–204.

  • Suy ngẫm và cầu nguyện về một người mà các em muốn củng cố trong phúc âm. Cầu nguyện về một sứ điệp phúc âm mà các em có thể chia sẻ với người này. Chia sẻ sứ điệp đó và chứng ngôn của các em với người đó, bằng cách trực tiếp hoặc qua phương tiện truyền thông xã hội.