2023
Lẽ Thật Vĩnh Cửu
Tháng Mười Một năm 2023


Lẽ Thật Vĩnh Cửu

Sự cần thiết của chúng ta để nhận biết lẽ thật chưa bao giờ quan trọng hơn thế!

Các anh chị em thân mến, cảm ơn các anh chị em vì sự tận tâm đối với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đồng thời cảm ơn các anh chị em vì tình yêu thương và sự phục vụ lẫn nhau. Anh chị em thật phi thường!

Lời Giới Thiệu

Sau khi tôi và vợ của tôi, là Anne nhận được sự kêu gọi đi phục vụ với tư cách là những người lãnh đạo phái bộ truyền giáo toàn thời gian, gia đình chúng tôi quyết tâm tìm hiểu tên của từng người truyền giáo trước khi lên đường. Chúng tôi lấy những bức ảnh, làm thẻ ghi chú và bắt đầu tìm hiểu các khuôn mặt cũng như ghi nhớ tên.

Khi đến nơi, chúng tôi tổ chức những buổi họp giới thiệu với những người truyền giáo. Khi chúng tôi đang nói chuyện, tôi tình cờ nghe được đứa con trai chín tuổi của chúng tôi nói:

“Rất vui khi gặp anh, Sam!”

“Rachel, Anh từ đâu đến ạ?”

“Ôi, David, anh cao thật đấy!”

Tôi hốt hoảng đến bên con trai chúng tôi và thì thầm: “Này, hãy nhớ gọi những người truyền giáo là Anh Cả hoặc Chị Truyền Giáo nhé.”

Nó nhìn tôi bối rối và nói: “Cha ơi, con nghĩ chúng ta phải ghi nhớ tên của họ thôi chứ.” Con trai chúng tôi đã làm những gì nó cho là đúng dựa trên sự hiểu biết của nó.

Vậy, sự hiểu biết của chúng ta về lẽ thật trong thế giới ngày nay là gì? Chúng ta liên tục bị tấn công bằng những ý kiến mạnh mẽ, báo cáo sai lệch và dữ liệu không đầy đủ. Đồng thời, khối lượng và nguồn thông tin này đang tăng lên nhanh chóng. Sự cần thiết của chúng ta để nhận biết lẽ thật chưa bao giờ quan trọng hơn thế!

Lẽ thật là điều thiết yếu cho chúng ta để thiết lập và củng cố mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế, tìm thấy sự bình an và niềm vui, và đạt được tiềm năng thiêng liêng của mình. Hôm nay, chúng ta hãy suy ngẫm những câu hỏi sau đây:

  • Lẽ thật là gì, và tại sao lại quan trọng?

  • Làm thế nào để chúng ta tìm thấy lẽ thật?

  • Khi chúng ta tìm thấy lẽ thật, làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ lẽ thật đó?

Lẽ Thật Là Vĩnh Cửu

Chúa đã dạy chúng ta trong thánh thư rằng “lẽ thật là sự hiểu biết về những sự vật đúng theo trạng thái của chúng đang có, đã có, và sẽ có” (Giáo Lý và Giao Ước 93:24). Lẽ thật “không được tạo ra hay làm ra” (Giáo Lý và Giao Ước 93:29) và “không chấm dứt” (Giáo Lý và Giao Ước 88:66).1 Lẽ thật là tuyệt đối, cố định, và không lay chuyển được. Nói cách khác, lẽ thật là vĩnh cửu.2

Lẽ thật giúp chúng ta tránh bị lừa gạt,3 phân biệt điều tốt với điều xấu,4 nhận được sự bảo vệ,5 và tìm thấy sự an ủi và chữa lành.6 Lẽ thật cũng có thể hướng dẫn hành động của chúng ta,7 giải phóng chúng ta,8 thánh hóa chúng ta,9 và dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu.10

Thượng Đế Mặc Khải Lẽ Thật Vĩnh Cửu

Thượng Đế mặc khải lẽ thật vĩnh cửu cho chúng ta qua một mạng lưới các mối quan hệ mặc khải liên quan đến Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, Đức Thánh Linh, các vị tiên tri, và chúng ta. Chúng ta hãy thảo luận về các vai trò riêng biệt nhưng có mối liên hệ với nhau mà mỗi bên tham gia góp phần thiết yếu trong tiến trình này.

Trước hết, Thượng Đế nguồn gốc của lẽ thật vĩnh cửu.11 Ngài và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô,12 có một sự hiểu biết hoàn hảo của hai Ngài về lẽ thật và luôn luôn hành động phù hợp với các nguyên tắc và luật pháp chân chính.13 Quyền năng này cho phép hai Ngài sáng tạo và cai trị các thế giới14 cũng như yêu thương, hướng dẫn và nuôi dưỡng mỗi người chúng ta một cách hoàn hảo.15 Hai Ngài muốn chúng ta hiểu và áp dụng lẽ thật để chúng ta có thể tận hưởng những phước lành mà hai Ngài ban cho.16 Hai Ngài có thể trực tiếp truyền đạt lẽ thật hoặc, thông thường hơn là qua các sứ giả như Đức Thánh Linh, các thiên sứ, hoặc các vị tiên tri tại thế.

Thứ hai, Đức Thánh Linh làm chứng về tất cả lẽ thật.17 Ngài biểu lộ trực tiếp các lẽ thật cho chúng ta và làm chứng về các lẽ thật do người khác giảng dạy. Những ấn tượng từ Thánh Linh thường đến như là những ý nghĩ trong tâm trí và cảm nghĩ trong tâm hồn chúng ta.18

Thứ ba, các vị tiên tri nhận được lẽ thật từ Thượng Đế và chia sẻ lẽ thật đó với chúng ta.19 Chúng ta học được lẽ thật từ các vị tiên tri thời xưa trong thánh thư20 và từ các vị tiên tri tại thế tại đại hội trung ương và qua các kênh chính thức khác.

Cuối cùng, anh chị em và tôi đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này. Thượng Đế kỳ vọng chúng ta tìm kiếm, nhận ra, và hành động theo lẽ thật. Khả năng của chúng ta để tiếp nhận và áp dụng lẽ thật tùy thuộc vào sức mạnh của mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, khả năng đáp ứng của chúng ta trước ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, và sự liên kết của chúng ta với các vị tiên tri ngày sau.

Chúng ta cần nhớ rằng Sa Tan đang cố gắng ngăn cản chúng ta khỏi lẽ thật. Nó biết rằng không có lẽ thật thì chúng ta không thể đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Nó dệt nên những sợi dây lẽ thật với những triết lý của thế gian để làm chúng ta bối rối và xao lãng những gì Thượng Đế truyền đạt.21

Tìm Kiếm, Nhận Ra và Áp Dụng Lẽ Thật Vĩnh Cửu

Khi chúng ta tìm kiếm lẽ thật vĩnh cửu,22 hai câu hỏi sau đây có thể giúp chúng ta nhận ra một khái niệm đến từ Thượng Đế hay từ một nguồn khác:

  • Khái niệm này có được giảng dạy một cách nhất quán trong thánh thư và các vị tiên tri tại thế không?

  • Khái niệm này có được xác nhận bởi sự làm chứng của Đức Thánh Linh không?

Thượng Đế mặc khải các lẽ thật giáo lý qua các vị tiên tri, và Đức Thánh Linh xác nhận những lẽ thật đó với chúng ta và giúp chúng ta áp dụng chúng.23 Chúng ta phải tìm kiếm và sẵn sàng để nhận những ấn tượng thuộc linh khi chúng đến.24 Chúng ta dễ tiếp nhận sự làm chứng của Thánh Linh nhất khi chúng ta khiêm nhường,25 thành tâm cầu nguyện và học hỏi những lời của Thượng Đế,26 và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.27

Khi Đức Thánh Linh xác nhận một lẽ thật cụ thể cho chúng ta, sự hiểu biết của chúng ta gia tăng khi chúng ta thực hành nguyên tắc đó. Theo thời gian, khi kiên định sống theo nguyên tắc, chúng ta sẽ đạt được sự hiểu biết chắc chắn về lẽ thật đó.28

Ví dụ, tôi đã phạm phải những lỗi lầm và cảm thấy hối hận vì những lựa chọn sai lầm. Nhưng qua sự cầu nguyện, học tập và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, tôi đã nhận được sự làm chứng về nguyên tắc hối cải.29 Khi tôi tiếp tục hối cải, thì sự hiểu biết của tôi về sự hối cải trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi cảm thấy gần Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài hơn. Giờ đây, tôi biết rằng tội lỗi có thể được tha thứ qua Chúa Giê Su Ky Tô, vì tôi cảm nhận được các phước lành của sự hối cải mỗi ngày.30

Tin Cậy Thượng Đế Khi Lẽ Thật Chưa Được Mặc Khải

Vậy thì, chúng ta nên làm gì khi chúng ta thành tâm tìm kiếm lẽ thật chưa được mặc khải? Tôi đồng cảm với những người trong chúng ta mà khao khát có được những câu trả lời dường như không đến.

Chúa đã khuyên Joseph Smith: “Hãy yên lặng cho đến khi nào ta thấy thích hợp để phổ biến mọi điều … về vấn đề này.” (Giáo Lý và Giao Ước 10:37).

Và Ngài đã giải thích cho Emma Smith: “Chớ lầm bầm về những gì ngươi không được trông thấy, vì những điều ấy bị che giấu khỏi ngươi và thế gian không thấy được. Đây là sự thông sáng của ta cho thời gian sắp tới” (Giáo Lý và Giao Ước 25:4).

Tôi cũng đã tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi chân thành. Nhiều câu trả lời đã đến, và một số thì không.31 Khi chúng ta tiếp tục—tin cậy sự thông sáng và tình yêu thương của Thượng Đế, tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, và trông cậy vào điều chúng ta biết—Ngài sẽ giúp chúng ta tìm thấy sự bình an cho đến khi Ngài mặc khải lẽ thật của tất cả mọi điều.32

Hiểu Giáo Lý và Chính Sách

Khi tìm kiếm lẽ thật, việc hiểu được sự khác biệt giữa giáo lý và chính sách sẽ hữu ích. Giáo lý đề cập đến các lẽ thật vĩnh cửu, chẳng hạn như thiên tính của Thiên Chủ Đoàn, kế hoạch cứu rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chính sách là sự áp dụng giáo lý dựa trên hoàn cảnh hiện tại. Chính sách giúp chúng ta điều hành Giáo Hội một cách có trật tự.

Giáo lý không bao giờ thay đổi còn chính sách lại điều chỉnh theo thời gian. Chúa làm việc qua các vị tiên tri của Ngài để gìn giữ giáo lý của Ngài sửa đổi các chính sách của Giáo Hội tùy theo nhu cầu của con cái Ngài.

Thật không may, đôi khi chúng ta nhầm lẫn chính sách với giáo lý. Nếu không hiểu sự khác biệt, thì chúng ta có nguy cơ mất niềm tin khi các chính sách thay đổi và thậm chí bắt đầu nghi ngờ sự thông sáng của Thượng Đế hoặc vai trò mặc khải của các vị tiên tri.33

Giảng Dạy Lẽ Thật Vĩnh Cửu

Khi chúng ta nhận được lẽ thật từ Thượng Đế, Ngài khuyến khích chúng ta chia sẻ sự hiểu biết đó với người khác.34 Chúng ta làm điều này khi giảng dạy một lớp học hướng dẫn một đứa trẻ, hoặc thảo luận các lẽ thật phúc âm với một người bạn.

Mục đích của chúng ta là giảng dạy lẽ thật theo cách mà mời gọi quyền năng cải đạo của Đức Thánh Linh.35 Tôi xin chia sẻ một số lời mời gọi đơn giản từ Chúa và các vị tiên tri của Ngài mà có thể giúp ích.36

  1. Tập trung vào Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô, và giáo lý cơ bản của hai Ngài.37

  2. Tập trung vào thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau.38

  3. Dựa vào giáo lý được thiết lập qua nhiều nhân chứng có thẩm quyền.39

  4. Tránh suy đoán, theo quan điểm cá nhân hoặc ý tưởng của thế gian.40

  5. Giảng dạy một điểm về giáo lý trong văn cảnh của các lẽ thật phúc âm liên quan.41

  6. Sử dụng các công cụ giảng dạy mà giúp mời gọi ảnh hưởng của Thánh Linh.42

  7. Giao tiếp một cách rõ ràng để tránh hiểu lầm.43

Lấy Lòng Yêu Thương Nói Ra Lẽ Chân Thật

Cách chúng ta giảng dạy lẽ thật thực sự quan trọng. Phao Lô khuyến khích chúng ta “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (xin xem Ê Phê Sô 4:14–15). Lẽ thật có cơ hội tốt nhất để ban phước cho người khác khi được truyền đạt với tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô.44

Lẽ thật được giảng dạy mà không có tình yêu thương có thể gây ra những cảm giác xét đoán, chán nản, và cô đơn. Điều đó thường dẫn đến sự tức giận và chia rẽ—thậm chí là xung đột. Mặt khác, tình yêu thương mà không có lẽ thật thì vô nghĩa và thiếu hứa hẹn về sự phát triển.

Lẽ thật lẫn tình yêu thương đều thiết yếu cho sự phát triển thuộc linh của chúng ta.45 Lẽ thật cung ứng giáo lý, nguyên tắc, và luật pháp cần thiết để đạt được cuộc sống vĩnh cửu, trong khi tình yêu thương đem đến động cơ thúc đẩy cần thiết để chấp nhận và hành động theo điều đúng.

Tôi mãi biết ơn những người khác đã kiên nhẫn giảng dạy cho tôi lẽ thật vĩnh cửu với tình yêu thương.

Kết Luận

Để kết thúc, tôi xin chia sẻ các lẽ thật vĩnh cửu mà đã trở thành chiếc neo cho tâm hồn tôi. Tôi đã biết về các lẽ thật này bằng cách tuân theo những nguyên tắc đã được thảo luận ngày hôm nay.

Tôi biết rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta.46 Ngài có tất cả sự hiểu biết,47 tất cả quyền năng,48 và tình yêu thương hoàn hảo.49 Ngài tạo ra một kế hoạch để chúng ta đạt được cuộc sống vĩnh cửu và trở nên giống như Ngài.50

Là một phần của kế hoạch, Ngài đã gửi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, để giúp đỡ chúng ta.51 Chúa Giê Su giảng dạy chúng ta làm theo ý của Cha Thiên Thượng52 và thương yêu lẫn nhau.53 Ngài chuộc tội lỗi cho chúng ta54 và hy sinh mạng sống của Ngài trên thập tự giá.55 Ngài sống lại từ cái chết sau ba ngày.56 Qua Đấng Ky Tô và ân điển của Ngài, chúng ta sẽ được phục sinh,57 chúng ta có thể được tha thứ,58 và chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh trong nỗi đau khổ.59

Trong giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã thiết lập Giáo Hội của Ngài.60 Theo thời gian, Giáo Hội đó đã bị thay đổi, và các lẽ thật đã bị mất.61 Chúa Giê Su Ky Tô đã phục hồi Giáo Hội của Ngài và các lẽ thật của phúc âm qua Tiên Tri Joseph Smith.62 Và ngày nay, Đấng Ky Tô tiếp tục dẫn dắt Giáo Hội của Ngài qua các vị tiên tri và sứ đồ tại thế.63

Tôi biết rằng khi đến cùng Đấng Ky Tô, cuối cùng chúng ta có thể “được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32), nhận được “niềm vui trọn vẹn” (Giáo Lý và Giao Ước 93:33), và nhận được “tất cả những gì [Đức Chúa Cha] có” (Giáo Lý và Giao Ước 84:38). Tôi làm chứng về các lẽ thật vĩnh cửu này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem thêm Thi Thiên 117:2; Giáo Lý và Giao Ước 1:39.

  2. “Ngược lại với những nghi ngờ của một số người, thì thật sự điều đúng và sai. Thật sự lẽ thật tuyệt đối—lẽ thật vĩnh cửu. Một trong những tai họa của thời kỳ chúng ta là có quá ít người biết phải tìm lẽ thật ở đâu” (“Lẽ Thật Thuần Khiết, Giáo Lý Thuần Khiết và Sự Mặc Khải Thuần Khiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 6).

  3. Xin xem Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:37.

  4. Xin xem Mô Rô Ni 7:19.

  5. Xin xem 2 Nê Phi 1:9; Giáo Lý và Giao Ước 17:8.

  6. Xin xem Gia Cốp 2:8.

  7. Xin xem Thi Thiên 119:105; 2 Nê Phi 32:3.

  8. Xin xem Giăng 8:32; Giáo Lý và Giao Ước 98:8.

  9. Xin xem Giăng 5:17.

  10. Xin xem 2 Nê Phi 31:20.

  11. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:11-13; 93:36.

  12. Xin xem Giăng 5:19–20; 7:16; 8:26; 18:37; Môi Se 1:6.

  13. Xin xem Hê Bơ Rơ 42:12–26; Giáo Lý và Giao Ước 88:41.

  14. Xin xem Môi Se 1:30–39.

  15. Xin xem 2 Nê Phi 26:24.

  16. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 82:8–9.

  17. Xin xem Giăng 16:13; Gia Cốp 4:13;Mô Rô Ni 10:5; Giáo Lý và Giao Ước 50:14; 75:10; 76:12; 91:4; 124:97.

  18. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:22–23; 8:2–3.

  19. Xin xem Giê Rê Mi 1:5, 7; A Mốt 3:7; Ma Thi Ơ 28:16–20; Mô Rô Ni 7:31; Giáo Lý và Giao Ước 1:38; 21:1–6; 43:1–7. Một vị tiên tri là “một người đã được Thượng Đế kêu gọi để nói thay cho Ngài. Là sứ giả của Thượng Đế, vị tiên tri tiếp nhận các lệnh truyền, những lời tiên tri và mặc khải từ Thượng Đế. Trách nhiệm của ông là để cho loài người biết ý muốn và đặc tính thật sự của Thượng Đế và cho thấy ý nghĩa của những sự giao tiếp của Ngài với họ. Vị tiên tri tố cáo tội lỗi và tiên báo những hậu quả của nó. Ông là một người thuyết giảng sự ngay chính. Đôi khi các vị tiên tri được soi dẫn để tiên báo về tương lai vì lợi ích của nhân loại. Tuy nhiên, trách nhiệm chính yếu của ông là làm chứng về Đấng Ky Tô. Vị Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vị tiên tri của Thượng Đế trên thế gian ngày nay. Các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Mười Hai Vị Sứ Đồ được tán trợ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tiên Tri,” Thư Viện Phúc Âm). Ví dụ về những nguyên tắc này được tìm thấy trong cuộc đời của A Đam (xin xem Môi Se 6:51–62), Hê Nóc (xin xem Môi Se 6:26–36), Nô Ê (xin xem Môi Se 8:19, 23–24), Áp Ra Ham (xin xem Sáng Thế Ký 12:1–3; Áp Ra Ham 2:8–9), Môi Se (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 3:1–15; Môi Se 1:1–6, 25–26), Phi E Rơ (xin xem Ma Thi Ơ 16:13–19), và Joseph Smith (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 5:6–10; 20:2; 21:4–6).

  20. Xin xem 2 Ti Mô Thê 3:16.

  21. Xin xem Giăng 8:44; 2 Nê Phi 2:18; Giáo Lý và Giao Ước 93:39; Môi Se 4:4.

  22. Xin xem 1 Nê Phi 10:19. Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã hướng dẫn: “Chúng ta cần phải thận trọng khi tìm kiếm lẽ thật [của Thượng Đế] và chọn nguồn thông tin cho công cuộc tìm kiếm đó. Chúng ta không nên coi những sự việc nổi bật hoặc có thẩm quyền như là những nguồn thích hợp về lẽ thật. … Khi chúng ta tìm kiếm lẽ thật về tôn giáo, chúng ta nên sử dụng những phương pháp thuộc linh phù hợp với sự tìm kiếm đó: cầu nguyện, sự làm chứng của Đức Thánh Linh, và nghiên cứu thánh thư cùng những lời của các vị tiên tri hiện đại” (“Lẽ Thật và Kế Hoạch,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 25).

  23. Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy: “Các vị tiên tri và sứ đồ … nói lời của Thượng Đế, nhưng ngoài ra, chúng ta thường tin rằng những người nam và người nữ, ngay cả các trẻ em có thể học hỏi và được sự soi dẫn thiêng liêng hướng dẫn để đáp ứng lời cầu nguyện và học hỏi thánh thư. … Các tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được ban cho ân tứ Đức Thánh Linh, mà tạo điều kiện cho sự giao tiếp liên tục với Cha Thiên Thượng. … Đây không phải là để nói rằng mỗi tín hữu nói thay cho Giáo Hội hoặc có thể định nghĩa giáo lý của Giáo Hội mà là mỗi tín hữu có thể nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng trong việc đương đầu với những thử thách và cơ hội trong cuộc sống của mình.” (“Giáo Lý của Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 89–90, ghi chú 2).

  24. Xin xem 2 Nê Phi 33:1–2.

  25. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:28.

  26. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10:3–5; Giáo Lý và Giao Ước 9:7–9; 84:85.

  27. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 5:35; 63:23; 93:27–28. Bất chấp những nỗ lực tha thiết của chúng ta, một số người trong chúng ta vẫn có thể gặp khó khăn trong việc cảm nhận được Thánh Linh do những thử thách về sức khỏe tâm thần. Trầm cảm, lo lắng và các tình trạng thần kinh khác có thể làm cho việc nhận ra Đức Thánh Linh trở nên phức tạp hơn. Trong những trường hợp như vậy, Chúa mời gọi chúng ta tiếp tục sống theo phúc âm và Ngài sẽ ban phước cho chúng ta (xin xem Mô Si A 2:41). Chúng ta có thể tìm kiếm các sinh hoạt bổ sung—chẳng hạn như nghe âm nhạc thiêng liêng, tham gia phục vụ hoặc dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên—mà giúp chúng ta cảm nhận được trái của Thánh Linh (xin xem Ga La Ti 5:22–23) và củng cố mối liên hệ của chúng ta với Thượng Đế.

    Anh Cả Jeffrey R. Holland đã bày tỏ: “Vì vậy, làm thế nào các anh chị em đáp ứng đúng nhất khi những thử thách về tinh thần hoặc cảm xúc xảy đến với chính mình hoặc những người mình yêu thương? Trên hết, đừng bao giờ đánh mất đức tin nơi Cha Thiên Thượng, là Đấng yêu thương các anh chị em nhiều hơn các anh chị em có thể hiểu được.… Hãy trung thành theo đuổi những thực hành sùng đạo được thời gian thử thách nhằm mang đến Thánh Linh của Chúa vào cuộc sống của các anh chị em. Hãy tìm kiếm lời khuyên bảo của những người nắm giữ các chìa khóa cho sự an lạc thuộc linh của các anh chị em. Hãy cầu xin và quý trọng các phước lành chức tư tế. Hãy dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần, và bám chặt vào những lời hứa hoàn hảo của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tin vào phép lạ. Tôi đã thấy có rất nhiều phép lạ khi mọi điều khác đều cho thấy là đã mất hết hy vọng. Hy vọng không bao giờ mất” (“Giống Như Một Cái Bình Bể Nát,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 40–41).

  28. Xin xem Giăng 7:17; An Ma 32:26–34. Cuối cùng, Thượng Đế mong muốn chúng ta đạt được lẽ thật qua “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một,” cho đến khi chúng ta thấu hiểu tất cả mọi điều (xin xem Châm Ngôn 28:5; 2 Nê Phi 28:30; Giáo Lý và Giao Ước 88:67; 93:28).

  29. Xin xem 1 Giăng 1:9–10; 2:1–2.

  30. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích: “Không có gì là tự do, cao quý, hoặc quan trọng đối với sự tiến bộ của cá nhân chúng ta hơn là một sự tập trung thường xuyên, hằng ngày vào sự hối cải. Sự hối cải không phải là một sự kiện mà là một tiến trình. Đó là bí quyết để có được hạnh phúc và sự an tâm. Khi được kết hợp với đức tin, sự hối cải cho chúng ta khả năng tiếp cận với quyền năng chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô” (“Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Nên Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67).

  31. Tôi không biết tất cả lý do tại sao Thượng Đế giữ lại một số lẽ thật vĩnh cửu khỏi chúng ta, nhưng Anh Cả Orson F. Whitney đã cung cấp một sự hiểu biết sâu sắc thú vị: “Phước thay để tin mà không cần nhìn thấy, vì nhờ việc sử dụng đức tin mà có sự phát triển thuộc linh, một trong những mục tiêu vĩ đại của cuộc sống trần thế của con người; trong khi sự hiểu biết, bằng cách cưỡng ép đức tin, ngăn cản việc sử dụng đức tin, do đó cản trở sự phát triển đó. ‘Sự hiểu biết là quyền năng;’ và tất cả mọi sự việc đều phải được biết đến đúng kỳ định. Nhưng sự hiểu biết sớm—biết sai thời điểm—sẽ gây hại cho sự tiến triển lẫn hạnh phúc” (“The Divinity of Jesus Christ,” Improvement Era, tháng Giêng năm 1926, trang 222; xin xem thêm Liahona, tháng Mười Hai năm 2003 trang 14–15).

  32. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:5–10. Chúa cũng khuyên Hyrum Smith “chớ tìm cách rao truyền lời của ta, mà trước hết hãy tìm kiếm để thụ nhận lời của ta. … Hãy giữ yên lặng [và] hãy học hỏi lời của ta” (Giáo Lý và Giao Ước 11:21–22). Tiên tri An Ma đưa ra một ví dụ để giải quyết những câu hỏi chưa được giải đáp: “Giờ đây những điều kín nhiệm này chưa được tiết lộ rõ ràng cho cha biết; vậy nên cha sẽ phải nhẫn nại” (An Ma 37:11). Ông cũng giải thích cho con trai Cô Ri An Tôn của mình rằng “còn nhiều điều kín nhiệm khác nữa đang được giữ kín, để không một ai có thể biết được ngoại trừ Thượng Đế” (An Ma 40:3). Tôi cũng đã tìm thấy sức mạnh từ câu trả lời của Nê Phi khi được hỏi với một câu mà ông không thể trả lời: “Tôi biết [Thượng Đế] yêu thương con cái của Ngài; tuy nhiên, tôi không hiểu được ý nghĩa của mọi sự việc” (1 Nê Phi 11:17).

  33. Tương tự như vậy, các truyền thống văn hóa không phải là giáo lý hay chính sách. Chúng có thể hữu ích nếu chúng giúp chúng ta tuân theo giáo lý và chính sách, nhưng chúng cũng có thể cản trở sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta nếu chúng không dựa trên các nguyên tắc chân chính. Chúng ta nên tránh những truyền thống mà không xây đắp đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô hoặc giúp chúng ta tiến triển đến cuộc sống vĩnh cửu.

  34. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 15:5; 88:77–78.

  35. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 50:21–23.

  36. Phỏng theo tài liệu “Principles for Ensuring Doctrinal Purity,” đã được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chấp thuận vào tháng Hai năm 2023.

  37. Xin xem 1 Nê Phi 15:14. Chúa đã hướng dẫn các tôi tớ của Ngài tránh tập trung vào các giáo lý hay khái niệm mà không phải là trọng tâm của phúc âm Ngài: “Và ngươi chớ nói về các giáo điều mà chỉ nên rao truyền sự hối cải và đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi cùng sự xá miễn các tội lỗi bằng phép báp têm, và bằng lửa, phải, đó là Đức Thánh Linh” (Giáo Lý và Giao Ước 19:31).

    Anh Cả Neil L. Andersen đã giải thích: “Chúng ta hãy tập trung vào Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô và ân tứ về sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể kể một kinh nghiệm từ chính cuộc sống của mình hoặc chia sẻ ý nghĩ từ người khác. Tuy chủ đề của chúng ta có thể là về gia đình hay sự phục vụ hay đền thờ hay một công việc truyền giáo gần đây nhưng mọi điều trong sự thờ phượng của chúng ta nên hướng về Chúa Giê Su Ky Tô.” (“Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 89-90).

  38. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 28:2–3, 8. Tiên tri An Ma khuyên nhủ những người được chỉ định thuyết giảng phúc âm phải “không được giảng dạy những điều gì ngoài các điều ông đã dạy, và những điều do từ miệng các thánh tiên tri đã nói ra” (Mô Si A 18:19).

    Chủ Tịch Henry B. Eyring tuyên bố: “Chúng ta phải giảng dạy các giáo lý cơ bản của Giáo Hội như được chứa đựng trong các tác phẩm tiêu chuẩn và những lời giảng dạy của các vị tiên tri, là người có trách nhiệm để tuyên bố giáo lý” (“The Lord Will Multiply the Harvest” [buổi họp tối với một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, ngày 6 tháng Hai năm 1998], trong Teaching Seminary: Preservice Readings [năm 2004], trang 96).

    Anh cả D. Todd Christofferson làm chứng rằng “trong Giáo Hội ngày nay, cũng giống như Giáo Hội thời xưa, việc thiết lập giáo lý của Đấng Ky Tô hoặc sửa đổi giáo lý đi chệch hướng là một vấn đề mặc khải thiêng liêng đối với những người được Chúa ban cho thẩm quyền của sứ đồ.” (“Giáo Lý của Đấng Ky Tô,” trang 86).

  39. Xin xem 2 Cô Rinh Tô 13:1; 2 Nê Phi 11:3; Ê The 5:4; Giáo Lý và Giao Ước 6:28. Anh Cả Neil L. Andersen đã nhận xét: “Một vài người nghi ngờ về đức tin của mình khi bắt gặp một lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội đưa ra cách đây nhiều thập kỷ dường như không phù hợp với giáo lý của chúng ta. Trong đó có một nguyên tắc quan trọng chi phối giáo lý của Giáo Hội. Giáo lý này đã được tất cả 15 thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai giảng dạy. Giáo lý này không ẩn khuất trong một đoạn văn tối nghĩa của một bài nói chuyện. Các nguyên tắc chân chính đều được nhiều người giảng dạy thường xuyên. Giáo lý của chúng ta không khó để tìm thấy” (“Sự Thử Thách Đức Tin của Các Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 41).

    Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy điều tương tự: “Chúng ta cũng nên nhớ rằng không phải bất kỳ lời phát biểu nào do một vị lãnh đạo Giáo Hội đưa ra, thời xưa hay thời nay, đều nhất thiết trở thành giáo lý. Trong Giáo Hội, chúng ta thường hiểu rằng một lời phát biểu do một vị lãnh đạo đưa ra chỉ trong một dịp nào đó thường thể hiện một quan điểm cá nhân, dù đã được suy nghĩ chín chắn, chứ không có nghĩa là tuyên bố chính thức hay ràng buộc toàn thể Giáo Hội” (“Giáo Lý của Đấng Ky Tô,” trang 88).

  40. Xin xem 3 Nê Phi 11:32, 40. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói: “Trước đây tôi đã nói trước về tầm quan trọng của việc giữ cho giáo lý của Giáo Hội được thanh khiết. … Tôi lo lắng về điều này. Những sai lầm nhỏ trong việc giảng dạy giáo lý có thể dẫn đến những điều sai lầm lớn và xấu xa” (Teachings of Gordon B. Hinckley [năm 1997], trang 620).

    Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã cảnh báo rằng có một số người “chọn ra một vài câu từ những lời giảng dạy của một vị tiên tri và sử dụng những điều này để hỗ trợ chương trình nghị sự chính trị hoặc các mục đích cá nhân khác của họ. … Để làm sai lạc những lời của một vị tiên tri để hỗ trợ một chương trình nghị sự cá nhân, chính trị hay tài chính hay những điều tương tự, là cố gắng thao túng vị tiên tri, chứ không noi theo vị tiên tri” (“Our Strengths Can Become Our Downfall” [buổi họp đặc biệt fireside tại trường Brigham Young University, ngày 7 tháng Sáu năm 1992], trang 7, speeches.byu.edu).

    Anh Cả Henry B. Eyring cảnh báo: “Giáo lý đạt được quyền năng của nó khi Đức Thánh Linh xác nhận rằng giáo lý đó là chân chính. … Vì chúng ta cần Đức Thánh Linh, chúng ta cần phải thận trọng và cẩn thận đừng đi xa khỏi việc giảng dạy giáo lý chân chính. Đức Thánh Linh là Thánh Linh của Lẽ Thật. Những sự xác nhận của Ngài được mời gọi bằng cách chúng ta tránh sự suy đoán hoặc sự giải thích cá nhân. Điều đó có thể khó để thực hiện. … Rất dễ bị cám dỗ để thử một điều gì đó mới mẻ hoặc khác lạ. Nhưng chúng ta mời gọi Đức Thánh Linh với tư cách là bạn đồng hành của mình khi chúng ta cẩn thận chỉ giảng dạy giáo lý chân chính mà thôi. Một trong những cách thức chắc chắn nhất để tránh ngay cả việc gần đề cập đến giáo lý sai lầm là chọn điều giản dị trong sự giảng dạy của chúng ta. Sự an toàn có được nhờ vào sự giản dị đó, thì sẽ không bị sai lạc nhiều” (“The Power of Teaching Doctrine,” Liahona, tháng Bảy năm 1999, trang 86).

    Anh Cả Dale G. Renlund đã dạy: “Việc tìm kiếm sự hiểu biết lớn lao hơn là một phần quan trọng trong sự phát triển thuộc linh của chúng ta, nhưng xin hãy thận trọng. Lý do không thể thay thế cho sự mặc khải. Sự suy đoán sẽ không dẫn đến sự hiểu biết thuộc linh lớn lao hơn, mà nó có thể dẫn dắt chúng ta đến sự lừa gạt hoặc làm sự tập trung của chúng ta chuyển hướng khỏi điều đã được mặc khải” (“Thiên Tính của Các Anh Chị Em và Vận Mệnh Vĩnh Cửu,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 70).

  41. Xin xem Ma Thi Ơ 23:23. Chủ Tịch Joseph F. Smith đã cảnh báo: “Thật là điều không khôn ngoan để lấy một mảnh lẽ thật và coi nó như thể nó là toàn bộ lẽ thật. … Tất cả các nguyên tắc đã được mặc khải về phúc âm của Đấng Ky Tô đều cần thiết và thiết yếu trong kế hoạch cứu rỗi.” Ông giải thích thêm: “Sẽ không phải là một chính sách hay giáo lý đúng đắn để lấy bất cứ một giáo lý nào trong số những điều này, tách nó ra khỏi toàn bộ kế hoạch về lẽ thật phúc âm, biến nó thành một sở thích đặc biệt, và phụ thuộc vào nó cho sự cứu rỗi và tiến triển của chúng ta. … Tất cả đều cần thiết” (Gospel Doctrine, ấn bản lần thứ 5 [năm 1939], trang 122).

    Anh Cả Neal A. Maxwell giải thích: “Các nguyên tắc phúc âm … đòi hỏi phải đồng bộ hóa. Khi bị tách rời khỏi nhau hoặc bị cô lập, những lời giải thích và thực hành các giáo lý này của con người có thể rất hoang đường. Nếu không tuân theo giáo lệnh thứ bảy, tình yêu thương có thể trở thành xác thịt. Lệnh truyền thứ năm nhấn mạnh đáng ngợi khen về việc kính trọng cha mẹ, trừ khi được xem xét bởi giáo lệnh đầu tiên, có thể dẫn đến sự trung thành vô điều kiện đối với các bậc cha mẹ sai lầm thay vì với Thượng Đế. … Ngay cả lòng kiên nhẫn cũng được cân bằng bằng cách ‘kịp thời khiển trách một cách nghiêm khắc, khi được Đức Thánh Linh tác động’[Giáo Lý và Giao Ước 121:43]” (“Behold, the Enemy Is CombinedEnsign, tháng Năm năm 1993, trang 78–79).

    Chủ Tịch Marion G. Romney hướng dẫn: “Việc tra cứu [thánh thư] cho mục đích khám phá ra điều thánh thư giảng dạy theo lệnh truyền của Chúa Giê Su khác xa mục đích tìm kiếm các đoạn thánh thư mà có thể được thúc giục để phục vụ nhằm ủng hộ một kết luận đã được định trước” (“Records of Great Worth,” Ensign, tháng Chín năm 1980, trang 3).

  42. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 2:4; Mô Rô Ni 6:9. Anh Cả Jeffrey R. Holland nhấn mạnh đến sự cần thiết phải truyền đạt phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô theo cách mà dẫn đến sự gây dựng phần thuộc linh qua quyền năng của Đức Thánh Linh: “Chúa chưa bao giờ ban cho Giáo Hội lời khuyên dạy rõ ràng hơn việc chúng ta phải giảng dạy phúc âm ‘qua Thánh Linh, chính là Đấng An Ủi được phái đi để giảng dạy lẽ thật.’ Chúng ta có giảng dạy phúc âm ‘bằng Thánh Linh lẽ thật không?’ Ngài đã hỏi. Hay là chúng ta giảng dạy điều đó ‘theo một cách nào khác? Ngài cảnh báo: ‘Và nếu qua đường lối nào khác thì đó không phải là của Thượng Đế’ [Giáo Lý và Giao Ước 50:14, 17–18]. … Không có việc học hỏi những điều vĩnh cửu nào có thể diễn ra mà không có sự thúc đẩy đó của Thánh Linh từ thiên thượng. … Đó là điều mà các tín hữu của chúng ta thực sự muốn. … Họ muốn đức tin của họ được củng cố và hy vọng của họ được đổi mới. Nói tóm lại, họ muốn được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế, được củng cố bằng các quyền năng của thiên thượng” (“A Teacher Come from God”, Ensign, tháng Năm năm 1998, trang 26).

  43. Xin xem An Ma 13:23. Khi nói về Cha Thiên Thượng, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã làm chứng: “Ngài giao tiếp một cách đơn giản, lặng lẽ, và với sự minh bạch thật rõ ràng đến mức chúng ta không thể hiểu lầm Ngài được” (“Hãy Nghe Lời Ngài,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 89).

  44. Xin xem Thi Thiên 26:3; Rô Ma 13:10; 1 Cô Rinh Tô 13:1–8; 1 Giăng 3:18.

  45. Xin xem Thi Thiên 40:11.

  46. Xin xem Rô Ma 8:16.

  47. Xin xem 1 Sa Mu Ên 2:3; Ma Thi Ơ 6:8; 2 Nê Phi 2:24; 9:20.

  48. Xin xem Sáng Thế Ký 17:1; Giê Rê Mi 32:17; 1 Nê Phi 7:12; An Ma 26:35.

  49. Xin xem Giê Rê Mi 31:3; 1 Giăng 4:7–10; An Ma 26:37.

  50. Xin xem 2 Nê Phi 9; Giáo Lý và Giao Ước 20:17–31; Môi Se 6:52–62.

  51. Xin xem Giăng 3:16; 1 Giăng 4:9–10.

  52. Xin xem Giăng 8:29; 3 Nê Phi 27:13.

  53. Xin xem Giăng 15:12; 1 Giăng 3:11.

  54. Xin xem Lu Ca 22:39–46.

  55. Xin xem Giăng 19:16–30.

  56. Xin xem Giăng 20:1–18.

  57. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:20–22; Mô Si A 15:20–24; 16:7–9; Giáo Lý và Giao Ước 76:16–17.

  58. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 11:17–18; 1 Ti Mô Thê 1:14–16; An Ma 34:8–10; Mô Rô Ni 6:2–3, 8; Giáo Lý và Giao Ước 19:13–19.

  59. Xin xem Ma Thi Ơ 11:28–30; 2 Cô Rinh Tô 12:7–10; Phi Líp 4:13; An Ma 26:11–13.

  60. Xin xem Ma Thi Ơ 16:18–19; Ê Phê Sô 2:20.

  61. Xin xem Ma Thi Ơ 24:24; Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28–30.

  62. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:1–4; 21:1–7; 27:12; 110; 135:3; Joseph Smith—Lịch Sử 1:1–20.

  63. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:14, 38; 43:1–7; 107:91–92.