Quyền Năng Chữa Lành của Đấng Cứu Rỗi trên Các Hải Đảo
Qua các phước lành của đền thờ, Đấng Cứu Rỗi chữa lành các cá nhân, gia đình, và quốc gia.
Vào những năm 1960, cha tôi giảng dạy tại trường Church College of Hawaii trên đảo Laie, nơi tôi chào đời. Bảy người chị của tôi nài nỉ cha mẹ đặt tên cho tôi là “Kimo”, một cái tên Hawaii. Chúng tôi sống gần Đền Thờ Laie Hawaii, nơi đã phục vụ cho nhiều tín hữu của Giáo Hội thuộc Giáo Vùng Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm cả Nhật Bản.1 Vào thời gian đó, những nhóm Thánh Hữu người Nhật Bản bắt đầu đến Hawaii để tiếp nhận các phước lành của đền thờ.
Trong số những tín hữu này, có một chị phụ nữ đến từ hòn đảo Okinawa xinh đẹp. Câu chuyện về chuyến hành trình đến Đền Thờ Hawaii của chị rất đặc biệt. Hai thập kỷ trước đó, chị ấy đã có một cuộc hôn nhân được sắp đặt sẵn và được tổ chức theo truyền thống Phật Giáo. Chỉ vài tháng sau, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng thuộc Hawaii, và đẩy Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột với Nhật. Sau những trận đánh như Midway và Iwo Jima, làn sóng chiến tranh đẩy lui lực lượng Nhật Bản về hòn đảo quê nhà của chị, Okinawa, là tuyến phòng thủ cuối cùng ngăn chặn quân Đồng Minh tiến vào những khu vực trọng yếu của Nhật.
Trong ba tháng khốc liệt năm 1945, Trận Okinawa nổ ra. Một hạm đội gồm 1.300 tàu chiến Hoa Kỳ đã bao vây và bắn phá hòn đảo. Con số thương vong trong quân lính và thường dân rất khủng khiếp. Ngày nay, một đài tưởng niệm trang trọng ở Okinawa đã khắc tên của hơn 240.000 người được xác định đã thiệt mạng trong trận đánh đó.2
Trong nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi cuộc thảm sát, người phụ nữ Okinawa này, cùng chồng, và hai đứa con nhỏ đã trú ẩn trong một hang núi. Họ phải chịu đựng nỗi khốn khổ không gì diễn tả trong suốt nhiều tuần và nhiều tháng sau đó.
Trong một đêm tuyệt vọng giữa trận chiến, khi gia đình sắp chết đói và người chồng thì bất tỉnh, chị đã nghĩ đến việc chấm dứt nỗi đau khổ của họ bằng một quả lựu đạn mà chính quyền đã trao cho chị và những người khác cũng vì mục đích đó. Tuy nhiên, khi chị chuẩn bị làm như vậy, một kinh nghiệm thuộc linh sâu sắc đã đến với chị và chị cảm nhận rõ ràng về sự tồn tại của Thượng Đế và tình yêu thương của Ngài dành cho chị, mà đã ban cho chị sức mạnh để tiếp tục sống. Trong những ngày tiếp theo, chị đã giúp chồng mình tỉnh lại, và nuôi sống gia đình bằng cỏ dại, mật ong rừng, và những con vật mà họ bắt được ở dòng suối gần đó. Kinh ngạc thay, họ đã chịu đựng được 6 tháng sống trong hang, cho đến khi dân làng địa phương báo cho họ biết rằng trận chiến đã kết thúc.
Khi gia đình họ trở về nhà và bắt đầu xây dựng lại cuộc sống, người phụ nữ Nhật Bản này đã bắt đầu tìm kiếm những câu trả lời về Thượng Đế. Chị dần dần nhen nhóm niềm tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và cảm thấy cần phải chịu phép báp têm. Tuy nhiên, chị lo lắng về những người thân yêu của mình, vì họ đã chết mà không biết về Chúa Giê Su Ky Tô và phép báp têm, trong số đó có người mẹ đã chết trong lúc hạ sinh ra chị.
Hãy tưởng tượng niềm vui của chị ấy khi hai chị truyền giáo từ Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đến nhà của chị vào một ngày nọ và dạy rằng mọi người có thể tìm hiểu về Chúa Giê Su Ky Tô trong thế giới linh hồn. Chị bị thu hút bởi lời dạy rằng cha mẹ của chị có thể chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô sau khi chết và chấp nhận phép báp têm được làm thay cho họ trong những nơi thánh được gọi là đền thờ. Chị và gia đình đã được cải đạo theo Đấng Cứu Rỗi và chịu phép báp têm.
Gia đình của chị đã siêng năng làm lụng và bắt đầu khấm khá; họ sinh thêm ba người con nữa. Họ trung tín và tích cực trong Giáo Hội. Rồi chồng chị bất ngờ lên cơn đột quỵ và qua đời, nên chị bắt buộc phải làm việc cật lực, với nhiều công việc khác nhau trong nhiều năm để nuôi nấng năm đứa con.
Một vài người trong gia đình và hàng xóm chỉ trích chị ấy. Họ đổ lỗi, cho rằng những khó khăn của chị bắt nguồn từ quyết định của chị để gia nhập một giáo hội Ky Tô. Không nản lòng trước bi kịch đau thương và những lời chỉ trích gay gắt, chị giữ vững đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, quyết tâm tiến bước, tin cậy rằng Thượng Đế biết chị và những ngày tươi sáng hơn đang ở phía trước.3
Một vài năm sau cái chết đột ngột của chồng chị, vị chủ tịch phái bộ truyền giáo Nhật Bản cảm thấy được soi dẫn để khuyến khích các tín hữu người Nhật cố gắng tham dự đền thờ. Vị chủ tịch này là một cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham gia Trận Okinawa, là trận chiến đã gây bao nỗi thống khổ cho chị phụ nữ này và gia đình chị.4 Thế nhưng, người phụ nữ khiêm nhu đã nói về ông ấy rằng: “Khi xưa, ông ấy là một trong những kẻ thù mà chúng tôi căm hận, nhưng bây giờ, ông ấy ở đây với phúc âm của tình yêu thương và hòa bình. Đối với tôi, đó là một phép lạ.”5
Ngay khi nghe được sứ điệp của vị chủ tịch phái bộ truyền giáo, chị phụ nữ góa bụa ấy đã khao khát được làm lễ gắn bó với gia đình của mình trong đền thờ vào một ngày nào đó. Tuy nhiên, điều đó là không thể với chị, bởi vì những trở ngại tài chính và rào cản ngôn ngữ.
Rồi một vài sáng kiến xuất hiện. Chi phí có thể chỉ còn phân nửa nếu các tín hữu ở Nhật thuê nguyên một chiếc máy bay để bay đến Hawaii vào mùa giảm giá.6 Các tín hữu cũng đã thu âm và bán những đĩa nhạc có tiêu đề Tiếng Hát Các Thánh Hữu Nhật. Một số tín hữu thậm chí đã bán nhà. Những người khác bỏ công ăn việc làm để tham gia chuyến đi.7
Một thử thách khác đối với các tín hữu là phần trình bày trong đền thờ không có bằng tiếng Nhật. Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã kêu gọi một anh em người Nhật đi đến đền thờ ở Hawaii để phiên dịch giáo lễ thiên ân.8 Ông ấy là người Nhật Bản đầu tiên cải đạo sau chiến tranh, nhờ được giảng dạy và làm phép báp têm bởi những người lính Hoa Kỳ trung tín.9
Khi lần đầu tiên lắng nghe phần phiên dịch này, những tín hữu người Nhật đang sinh sống ở Hawaii và đã nhận lễ thiên ân đã bật khóc. Một tín hữu ghi lại trong nhật ký: “Chúng tôi đã đến đền thờ rất nhiều lần. Chúng tôi đã nghe các giáo lễ bằng tiếng Anh. [Nhưng] chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy thánh linh của công việc đền thờ … như chúng tôi cảm thấy bây giờ [nhờ được nghe] bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.”10
Về sau, cũng trong năm đó, 161 người thành niên và trẻ em khởi hành từ Tokyo đến Đền Thờ Hawaii. Một anh em người Nhật hồi tưởng lại chuyến đi: “Khi tôi nhìn ra cửa sổ máy bay và thấy Trân Châu Cảng, và nhớ lại điều mà đất nước tôi đã làm với người dân nơi này vào ngày 7 tháng Mười Hai năm 1941, tôi lo sợ trong lòng. Họ sẽ chấp nhận chúng tôi không? Nhưng, tôi rất ngạc nhiên khi họ cho thấy tình yêu thương và sự tử tế nhiều hơn cả những gì tôi từng chứng kiến trong cuộc đời mình.”11
Ngay khi Các Thánh Hữu người Nhật đến nơi, các tín hữu người Hawaii đã chào đón họ với vô số vòng hoa, trong khi trao nhau những cái ôm và nụ hôn lên má, một phong tục xa lạ với văn hóa Nhật Bản. Sau 10 ngày với những kinh nghiệm đầy thuộc linh ở Hawaii, Các Thánh Hữu Nhật Bản nói lời tạm biệt trong giai điệu bài “Aloha Oe” do Các Thánh Hữu Hawaii hát tặng họ.12
Chuyến đi đền thờ lần thứ hai được tổ chức cho các tín hữu người Nhật có sự tham gia của chị phụ nữ góa bụa ở Okinawa. Chị đã hành trình qua 16.000 cây số nhờ có món quà hào phóng từ những người truyền giáo từng phục vụ trong chi nhánh của chị và đã nhiều lần ăn tối tại nhà của chị. Khi ở trong đền thờ, chị đã rơi lệ vui mừng vì được thực hiện lễ báp têm làm thay cho mẹ của chị và được làm lễ gắn bó với người chồng đã qua đời.
Các chuyến đi từ Nhật Bản đến đền thờ Hawaii tiếp tục diễn ra đều đặn cho đến khi Đền Thờ Tokyo Japan được làm lễ cung hiến vào năm 1980, trở thành ngôi đền thờ thứ 18 đi vào hoạt động. Vào tháng Mười Một năm nay, ngôi đền thờ thứ 186 sẽ được làm lễ cung hiến ở Okinawa, Nhật Bản. Đền thờ nằm không xa hang núi ở miền trung Okinawa, là nơi mà chị phụ nữ này và gia đình đã trú ẩn.13
Mặc dù tôi chưa bao giờ gặp người phụ nữ Okinawa tuyệt vời này, nhưng di sản của chị vẫn tiếp nối qua những hậu duệ trung tín của chị, mà tôi đã được quen biết và yêu mến nhiều người trong số đó.14
Cha của tôi, một cựu chiến binh Thế Chiến thứ Hai ở Thái Bình Dương, mừng rỡ khi tôi được kêu gọi để phục vụ ở Nhật Bản với tư cách là một người truyền giáo trẻ tuổi. Tôi đến Nhật Bản không lâu sau khi Đền Thờ Tokyo được làm lễ cung hiến và đã tận mắt chứng kiến tình yêu thương của họ dành cho đền thờ.
Các giao ước đền thờ là ân tứ từ Cha Thiên Thượng của chúng ta dành cho các môn đồ trung tín của Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Qua đền thờ, Cha Thiên Thượng của chúng ta ràng buộc các cá nhân và gia đình vào với Đấng Cứu Rỗi và lẫn nhau.
Năm ngoái, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã tuyên bố:
“Mỗi người nào lập giao ước trong các hồ báp têm và trong các đền thờ—và tuân giữ các giao ước đó—đều được gia tăng khả năng tiếp cận quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô. …
“Phần thưởng cho việc tuân giữ các giao ước với Thượng Đế là quyền năng từ trời—quyền năng củng cố chúng ta để chống lại những thử thách, cám dỗ và nỗi đau lòng một cách hiệu quả hơn. Quyền năng này làm cho đường đi của chúng ta được dễ dàng.”15
Qua các phước lành của đền thờ, Đấng Cứu Rỗi chữa lành các cá nhân, gia đình, và quốc gia—ngay cả những người đã từng là kẻ thù của nhau. Chúa phục sinh đã tuyên phán với một xã hội đầy xung đột trong Sách Mặc Môn rằng đối với những người kính sợ “danh Ngài [thì] Vị Nam Tử Ngay Chính sẽ trỗi dậy với sự chữa lành trong đôi cánh của Ngài.”16
Tôi biết ơn vì được chứng kiến lời hứa của Chúa tiếp tục được làm tròn, và “sẽ đến lúc sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi sẽ lan tràn đến mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc,”17 kể cả những người sống “trên các hải đảo.”18
Tôi làm chứng về Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và về vị tiên tri và các sứ đồ của Ngài trong những ngày sau này. Tôi long trọng làm chứng về quyền năng của thiên thượng để những gì được ràng buộc dưới đất cũng được ràng buộc trên trời.
Đây là công việc của Đấng Cứu Rỗi, và các đền thờ là nhà thánh của Ngài.
Với niềm tin vững chắc, tôi tuyên bố những lẽ thật này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.