2023
Quyền Năng Gắn Bó
Tháng Mười Một năm 2023


Quyền Năng Gắn Bó

Quyền năng gắn bó làm cho sự cứu rỗi của cá nhân và sự tôn cao của gia đình có sẵn trên toàn cầu cho con cái của Thượng Đế.

Điều đã được tiên tri ít nhất kể từ thời Ê Sai1 là trong những ngày sau, dân giao ước thời xưa của Chúa, gia tộc Y Sơ Ra Ên, “sau một thời gian bị phân tán lâu dài, họ sẽ được quy tụ lại từ các hải đảo và từ bốn phương trời của thế gian”2 và họ sẽ được mang trở về “đất thừa hưởng của mình.”3 Chủ Tịch Russell M. Nelson thường nói một cách hùng hồn về sự quy tụ này và gọi đó là “một điều quan trọng nhất đang diễn ra trên thế gian ngày nay.”4

Mục đích của sự quy tụ này là gì?

Qua sự mặc khải ban cho Tiên Tri Joseph Smith, Chúa đã xác định một mục đích chính là sự bảo vệ dân giao ước. Ngài phán: “Sự quy tụ lại trên đất Si Ôn, và trên các giáo khu của nó [sẽ] để phòng vệ và dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút nguyên vẹn lên toàn thể thế gian.”5 “Cơn thịnh nộ” trong bối cảnh này có thể được hiểu là hậu quả tất nhiên của việc bất tuân đang lan rộng đối với luật pháp và các giáo lệnh của Thượng Đế.

Quan trọng hơn hết, sự quy tụ là nhằm mang lại các phước lành cứu rỗi và tôn cao cho tất cả những ai chịu tiếp nhận các phước lành này. Đó là cách mà những lời hứa giao ước được ban cho Áp Ra Ham sẽ được thực hiện. Chúa phán bảo Áp Ra Ham rằng qua dòng dõi và chức tư tế của ông “tất cả các gia đình trên thế gian sẽ được ban phước, ngay cả với những phước lành của Phúc Âm, là những phước lành cứu rỗi, tức là cuộc sống vĩnh cửu.”6 Chủ Tịch Nelson đã nói về điều đó theo cách này: “Khi tiếp nhận phúc âm và chịu phép báp têm, chúng ta mang lấy thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Phép báp têm là cánh cổng dẫn đến việc trở thành những người đồng kế tự tất cả những lời hứa mà thời xưa được Chúa ban cho Áp Ra Ham, Y Sác, Gia Cốp và con cháu của họ.”7

Năm 1836, Môi Se đã hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith trong Đền Thờ Kirtland và “trao cho … những chìa khóa về sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên từ bốn phương trời.”8 Cũng trong dịp đó, Ê Li A hiện đến và “trao cho gian kỳ phúc âm của Áp Ra Ham và nói rằng, trong chúng tôi và dòng dõi chúng tôi gồm tất cả các thế hệ sau chúng tôi sẽ được phước.”9 Với thẩm quyền này, giờ đây chúng ta mang phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô—tin lành về sự cứu chuộc qua Ngài—đến mọi nơi và mọi dân tộc trên thế gian và quy tụ tất cả những ai chịu lập giao ước phúc âm. Họ trở thành “dòng dõi của Áp Ra Ham, và giáo hội và vương quốc, và dân chọn lọc của Thượng Đế.”10

Cũng vào dịp đó ở Đền Thờ Kirtland có một thiên sứ thứ ba hiện đến cùng Joseph Smith và Oliver Cowdery. Tôi nói về tiên tri Ê Li, và chính là thẩm quyền và các chìa khóa ông đã phục hồi mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay.11 Quyền năng làm cho có hiệu lực tất cả các giáo lễ của chức tư tế và làm cho chúng ràng buộc dưới thế gian lẫn trên trời—quyền năng gắn bó—là rất quan trọng để quy tụ và chuẩn bị một dân giao ước ở cả hai bên bức màn che.

Nhiều năm trước đó, Mô Rô Ni đã nói rõ với Joseph Smith rằng Ê Li sẽ mang đến thẩm quyền thiết yếu của chức tư tế: “Ta sẽ tiết lộ cho các ngươi Chức Tư Tế qua tay đấng tiên tri Ê Li.”12 Về sau Joseph Smith giải thích: “Tại sao gửi Ê Li đến? Vì ông nắm giữ các chìa khóa của thẩm quyền để thực hiện tất cả các giáo lễ của Chức Tư Tế; và [trừ khi] thẩm quyền được ban cho, thì các giáo lễ không thể được thực hiện một cách chính đáng”13 nghĩa là, các giáo lễ sẽ không có tính ràng buộc trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu.14

Trong một lời giảng dạy hiện được công nhận là thánh thư trong Giáo Lý và Giao Ước, Vị Tiên Tri đã tuyên bố: “Có thể sẽ có một số người cho giáo lý chúng ta nói đây thật là bạo dạn—một quyền năng ghi chép hay ràng buộc dưới thế gian và ràng buộc trên trời. Tuy nhiên, trong tất cả thời đại của thế gian, bất cứ khi nào Chúa ban cho một người, hay một nhóm người, một gian kỳ của chức tư tế bằng sự mặc khải thật sự, thì quyền năng này luôn luôn được ban cho. Vì thế, bất cứ điều gì những người ấy làm trong thẩm quyền, trong danh Chúa, và làm một cách trung thành và chân thật, và ghi chép đúng và chính xác việc đó, thì nó trở thành một luật pháp dưới thế gian và ở trên trời, và không thể bị hủy bỏ được, đúng theo các sắc lệnh của Đức Giê Hô Va vĩ đại.”15

Chúng ta thường nghĩ rằng thẩm quyền gắn bó chỉ áp dụng cho một số giáo lễ đền thờ nhất định, nhưng thẩm quyền đó là cần thiết để làm cho bất cứ giáo lễ nào có hiệu lực và ràng buộc sau khi chết.16 Ví dụ, quyền năng gắn bó truyền giao một lễ gắn bó hợp pháp lúc làm lễ báp têm để được công nhận ở nơi đây và trên thiên thượng. Cuối cùng, tất cả các giáo lễ của chức tư tế đều được thực hiện dưới các chìa khóa của Chủ Tịch Giáo Hội, và như Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã giải thích: “Chủ Tịch Giáo Hội đã ban cho chúng ta thẩm quyền, ông đã đặt quyền năng gắn bó vào chức tư tế của chúng ta vì ông nắm giữ các chiếc chìa khóa đó.”17

Có một mục đích quan trọng khác trong việc quy tụ dân Y Sơ Ra Ên mà có ý nghĩa đặc biệt khi chúng ta nói về lễ gắn bó trên thế gian và trên trời—đó là việc xây cất và điều hành các đền thờ. Như Tiên Tri Joseph Smith giải thích: “Mục tiêu quy tụ … dân của Thượng Đế trong bất cứ thời đại nào của thế gian là gì? … Mục tiêu chính là xây cất một ngôi nhà cho Chúa mà nhờ đó Ngài có thể mặc khải cho dân Ngài các giáo lễ của ngôi nhà Ngài và những vinh quang của vương quốc Ngài cùng dạy mọi người con đường cứu rỗi; vì có một số giáo lễ và nguyên tắc nhất định mà khi được giảng dạy và thực hành, đều cần phải được thực hiện trong một nơi hoặc một ngôi nhà được xây cất vì mục đích đó.”18

Dĩ nhiên, giá trị mà quyền năng gắn bó mang lại cho các giáo lễ của chức tư tế bao gồm các giáo lễ làm thay cho người chết được thực hiện ở nơi đã được Chúa chỉ định—đền thờ của Ngài. Ở đây chúng ta thấy vẻ uy nghiêm và thiêng liêng của quyền năng gắn bó—nó làm cho sự cứu rỗi của cá nhân và sự tôn cao của gia đình có sẵn trên toàn cầu cho con cái của Thượng Đế ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào họ có thể sống trên thế gian. Không có thần học, triết lý hay thẩm quyền nào khác mà có thể sánh được với cơ hội toàn diện như vậy. Quyền năng gắn bó này là sự biểu hiện trọn vẹn của công lý, lòng thương xót và tình yêu thương của Thượng Đế.

Khi tiếp cận được quyền năng gắn bó, thì tấm lòng của chúng ta tất nhiên hướng về những người đã qua đời. Sự quy tụ ngày sau vào giao ước đi xuyên qua bức màn che. Theo trật tự hoàn hảo của Thượng Đế, người sống không thể nhận được trọn vẹn cuộc sống vĩnh cửu nếu không tạo ra những mối liên kết lâu dài với “các tổ phụ,” các tổ tiên của chúng ta. Tương tự như vậy, sự tiến triển của những người đã qua đời hoặc những người có thể chưa chết mà chưa hưởng nhận được giáo lễ gắn bó, thì sẽ không đầy đủ cho đến khi các giáo lễ làm thay ràng buộc họ với chúng ta, con cháu của họ và chúng ta với họ trong trật tự thiêng liêng.19 Sự cam kết để giúp đỡ nhau bước qua bức màn che có thể được coi là một lời hứa giao ước, một phần của giao ước mới và vĩnh viễn. Theo lời của Joseph Smith, chúng ta muốn “gắn bó với những người thân đã qua đời của mình để được sống lại [với chúng ta] trong lần phục sinh thứ nhất.”20

Sự biểu hiện cao quý và thiêng liêng nhất của quyền năng gắn bó là sự kết hợp vĩnh cửu của một người nam và người nữ trong hôn nhân cùng mối liên kết của loài người qua tất cả các thế hệ của họ. Nhờ vào thẩm quyền thực hiện các giáo lễ này rất thiêng liêng nên Chủ Tịch Giáo Hội đích thân giám sát việc ủy thác thẩm quyền đó cho những người khác. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói trong một dịp nọ: “Tôi đã nhiều lần nói rằng cho dù điều duy nhất có được từ sự hy sinh của Các Thánh Hữu đầu tiên là sự phục hồi quyền năng gắn bó, thì quyền năng này vẫn đáng giá cho tất cả sự hy sinh của họ.”21

Nếu không có những lễ gắn bó tạo nên gia đình vĩnh cửu và liên kết các thế hệ ở đây và mai sau, thì chúng ta sẽ bị bỏ lại trong thời vĩnh cửu mà không có cả rễ lẫn nhánh—tức là không có tổ tiên lẫn con cháu. Một mặt, chính trạng thái không ràng buộc, không kết nối này của các cá nhân hoặc các mối liên kết coi thường các mối quan hệ hôn nhân và gia đình mà Thượng Đế đã quy định,22 thì mặt khác, sẽ làm cản trở mục đích chính của sự sáng tạo thế gian. Nếu điều đó trở thành thông lệ thì chẳng khác nào thế gian bị nguyền rủa hoặc “bị tận diệt” khi Chúa đến.23

Chúng ta có thể thấy tại sao “hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn và gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài.”24 Đồng thời, chúng ta cũng nhận ra rằng trong hiện tại không hoàn hảo, đây không phải là thực tế hay thậm chí không có thể là hiện thực đối với một số người. Nhưng chúng ta có hy vọng nơi Đấng Ky Tô. Trong khi chúng ta chờ đợi Chúa, Chủ Tịch M. Russell Ballard nhắc nhở chúng ta rằng “thánh thư và các vị tiên tri ngày sau xác nhận rằng tất cả những ai trung thành tuân giữ các giao ước phúc âm đều sẽ có cơ hội để được tôn cao.”25

Một số người đã trải qua hoàn cảnh gia đình bất hạnh cũng như không tốt đẹp và cảm thấy không mấy mong muốn có được một mối quan hệ gia đình vĩnh cửu. Anh Cả David A. Bednar đã đưa ra lời nhận xét này: “Đối với anh chị em nào đã trải qua nỗi đau lòng của việc ly dị trong gia đình mình hoặc cảm thấy bị tổn thương vì niềm tin cậy bị phản bội, thì xin hãy nhớ rằng [mẫu mực của Thượng Đế dành cho gia đình] bắt đầu lại với anh chị em! Một mối dây trong chuỗi mắt xích các thế hệ của anh chị em có thể đã bị đứt, nhưng mặc dù vậy những mắt xích ngay chính khác và phần còn lại của chuỗi mắt xích đó vẫn còn quan trọng vĩnh viễn. Anh chị em có thể thêm vào sức mạnh cho chuỗi mắt xích của mình và có lẽ thậm chí còn giúp đỡ để phục hồi các mắt xích đã bị đứt. Việc đó sẽ được thực hiện cho từng mắt xích một.”26

Trong tang lễ của Chị Pat Holland, vợ của Anh Cả Jeffrey R. Holland, vào tháng Bảy vừa qua, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Cuối cùng, Patricia và Jeffrey sẽ được đoàn tụ. Về sau, họ sẽ cùng với con cháu biết tuân giữ giao ước của họ cảm nhận được niềm vui trọn vẹn mà Thượng Đế dành sẵn cho con cái trung tín của Ngài. Khi biết được như thế, chúng ta hiểu rằng ngày quan trọng nhất trong cuộc đời Patricia không phải là ngày sinh hay ngày mất của chị. Ngày quan trọng nhất của chị là ngày 7 tháng Sáu năm 1963, khi chị và Jeff được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ St. George. … Tại sao điều này lại quan trọng như vậy? Vì lý do chính mà thế gian được tạo dựng là để các gia đình có thể được hình thành và gắn bó với nhau. Sự cứu rỗi là một vấn đề của cá nhân nhưng sự tôn cao là một vấn đề của gia đình. Không một ai có thể được tôn cao một mình.”

Cách đây không lâu, vợ chồng tôi cùng một người bạn thân vào căn phòng làm lễ gắn bó ở Đền Thờ Bountiful Utah. Lần đầu tiên tôi gặp người bạn này là khi chị ấy còn nhỏ ở Córdoba, Argentina. Người đồng hành truyền giáo của tôi và tôi đang liên lạc với những người ở trong một khu xóm chỉ cách văn phòng phái bộ truyền giáo vài dãy nhà, và chị ấy đã ra mở cửa khi chúng tôi đến nhà chị. Cuối cùng, chị ấy cùng mẹ và các anh chị em của chị gia nhập Giáo Hội và họ vẫn luôn là các tín hữu thành tín. Bây giờ chị ấy là một người phụ nữ dễ mến, và ngày đó chúng tôi có mặt trong đền thờ để làm lễ gắn bó cho cha mẹ đã qua đời của chị ấy và sau đó làm lễ gắn bó chị ấy với họ.

Một cặp vợ chồng qua nhiều năm đã trở thành bạn thân đã đại diện cho cha mẹ của chị trước bàn thờ. Đó là một giây phút cảm động mà càng trở nên tuyệt vời hơn khi người bạn Argentina của chúng tôi được làm lễ gắn bó với cha mẹ của chị. Chỉ có sáu người chúng tôi có mặt trong một buổi chiều yên tĩnh cách biệt với thế giới, tuy nhiên một trong những điều quan trọng nhất từng có trên thế gian đang diễn ra. Tôi rất hài lòng rằng vai trò và sự kết giao của tôi đã được lặp lại trọn vẹn từ khi gõ cửa nhà chị ấy lúc còn là một người truyền giáo trẻ tuổi cho đến bây giờ, sau nhiều năm, thực hiện các giáo lễ gắn bó để kết nối chị ấy với cha mẹ và các thế hệ trước.

Đây là một cảnh tượng diễn ra liên tục ở khắp nơi trên thế giới trong các đền thờ. Đây là bước cuối cùng trong việc quy tụ dân giao ước. Đây là đặc ân cao nhất của vai trò tín hữu của anh chị em trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi hứa rằng khi anh chị em trung tín tìm kiếm đặc ân đó, thì dù lúc cuối đời hay thời vĩnh cửu, đặc ân đó chắc chắn cũng sẽ thuộc về anh chị em.

Tôi làm chứng rằng quyền năng và thẩm quyền gắn bó được phục hồi trên thế gian qua Joseph Smith là có thật, do đó những gì được ràng buộc trên thế gian thì thực sự cũng được ràng buộc trên thiên thượng. Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Russell M. Nelson, với tư cách là Chủ Tịch Giáo Hội, là người duy nhất trên thế gian ngày nay chỉ dẫn việc sử dụng quyền năng thiêng liêng này bằng các chìa khóa của ông. Tôi làm chứng rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho sự bất diệt trở thành có thật và những mối quan hệ gia đình được tôn cao có thể trở thành hiện thực. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ví dụ, xin xem Ê Sai 49.

  2. 2 Nê Phi 10:8.

  3. 2 Nê Phi 10:7.

  4. Russell M. Nelson và Wendy W. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), Thư Viện Phúc Âm.

  5. Giáo Lý và Giao Ước 115:6.

  6. Áp Ra Ham 2:11.

  7. Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” Liahona, tháng Mười năm 2022, trang 4; xin xem thêm Russell M. Nelson, “Children of the Covenant,” Ensign, tháng Năm năm 1995, trang 34. “‘Giao ước mới và vĩnh viễn’ (Giáo Lý và Giao Ước 132:6) và giao ước Áp Ra Ham về cơ bản là giống nhau—hai cách nói về giao ước mà Thượng Đế đã lập với những người nam và người nữ trên trần thế vào những thời điểm khác nhau” (Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” trang 4).

  8. Giáo Lý và Giao Ước 110:11.

  9. Giáo Lý và Giao Ước 110:12.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 84:34.

  11. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:13–16.

  12. Giáo Lý và Giao Ước 2:1.

  13. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 310.

  14. “Thánh linh, quyền năng và sự kêu gọi của Ê Li là các người có được quyền năng để nắm giữ chìa khóa về sự mặc khải, các giáo lễ, những lời sấm, các quyền năng và những sự ban cho Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trọn vẹn và của vương quốc của Thượng Đế trên thế gian; và để tiếp nhận, đạt được và thực hiện tất cả các giáo lễ thuộc vào vương quốc của Thượng Đế, chính là để làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, ngay cả những người đang ở trên trời” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith, trang 311).

  15. Giáo Lý và Giao Ước 128:9.

  16. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:7.

  17. Joseph Fielding Smith, trong Henry B. Eyring, “Gia Đình trong Giao Ước,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 63; xin xem thêm ghi chú số 5 trên trang 65.

  18. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith, trang 416–417.

  19. Nếu không có những “mối liên kết gắn bó” này (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:18) giữa cha và con cái mà được tạo ra qua các giáo lễ đền thờ, thì Chúa phán: “các ngươi … sẽ bị chối từ cùng với những người chết của các ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 124:32). Thảo nào Vị Tiên Tri đã cảnh báo: “Tôi xin cam đoan với anh chị em rằng đây là những nguyên tắc về người chết và người sống mà không thể bị xem thường được, đối với sự cứu rỗi của chúng ta. Vì sự cứu rỗi của họ là cần thiết và thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta, như Phao Lô nói về các tổ phụ—là nếu không có chúng ta thì họ không thể đạt đến sự trọn vẹn—chúng ta cũng không thể đạt đến sự trọn vẹn được nếu không có những người chết của chúng ta” (Giáo Lý và Giao Ước 128:15).

  20. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith, trang 312.

  21. Teachings of Gordon B. Hinckley (năm 1997), trang 475–476.

  22. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:8–12.

  23. Xin xem Ma La Chi 4:6; Giáo Lý và Giao Ước 2:3.

  24. Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Thư Viện Phúc Âm.

  25. M. Russell Ballard, “Niềm Hy Vọng ở Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 55.

  26. David A. Bednar, “A Welding Link” (buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 10 tháng Chín năm 2017), Thư Viện Phúc Âm.