2023
Chúng Ta Là Con Cái Của Ngài
Tháng Mười Một năm 2023


Chúng Ta Là Con Cái Của Ngài

Chúng ta có cùng một nguồn gốc thiêng liêng và cùng một tiềm năng vô hạn qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh chị em có nhớ về kinh nghiệm mà tiên tri Sa Mu Ên đã có khi Chúa phái ông đến nhà Y Sai để xức dầu cho vị vua mới của Y Sơ Ra Ên không? Sa Mu Ên trông thấy Ê Li Áp, con đầu lòng của Y Sai. Ê Li Áp dường như cao lớn và có dáng vẻ của một vị lãnh đạo. Sa Mu Ên nhìn thấy điều đó và vội vàng đưa ra kết luận. Hóa ra đó là kết luận sai lầm, và Chúa đã dạy Sa Mu Ên: “Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó; … loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê Hô Va nhìn thấy trong lòng.”1

Anh chị em có nhớ về kinh nghiệm mà môn đồ A Na Nia đã có khi Chúa phái ông đến ban phước cho Sau Lơ không? Ai cũng nghe đến danh tiếng của Sau Lơ trước khi gặp mặt, và A Na Nia đã nghe nói về Sau Lơ và sự ngược đãi tàn bạo, không ngừng của ông đối với các Thánh Hữu. A Na Nia nghe và vội vàng kết luận rằng có lẽ ông không nên phục sự Sau Lơ. Hóa ra đó là kết luận sai lầm, và Chúa đã dạy A Na Nia rằng: “Ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y Sơ Ra Ên.”2

Sa Mu Ên và A Na Nia đã gặp rắc rối gì trong hai trường hợp này? Họ đã nhìn bằng mắt và nghe bằng tai, và do đó, họ đã xét đoán người khác dựa trên diện mạo và tin đồn.

Khi các thầy thông giáo và người Pha Ri Si trông thấy người đàn bà phạm tội ngoại tình, họ đã thấy điều gì? Một người đàn bà đồi bại, một người phạm tội đáng chết. Khi Chúa Giê Su nhìn thấy bà, Ngài đã thấy điều gì? Một người phụ nữ đã tạm thời đầu hàng sự yếu kém của xác thịt nhưng có thể được cứu chuộc qua sự hối cải và Sự Chuộc Tội của Ngài. Khi dân chúng trông thấy thầy đội có người tôi tớ bị bệnh bại liệt, họ đã thấy điều gì? Có lẽ họ đã thấy một kẻ xâm lược, một người ngoại quốc, một người bị khinh rẻ. Khi Chúa Giê Su nhìn thấy ông, Ngài đã thấy điều gì? Một người đang lo lắng cho sự an lạc của người thân, một người đã tìm kiếm Chúa với lòng thành kính và đức tin. Khi người ta thấy người đàn bà bị bệnh huyết, họ đã thấy điều gì? Có lẽ là một người phụ nữ ô uế, một kẻ đáng bị ruồng bỏ và xa lánh. Khi Chúa Giê Su nhìn thấy bà, Ngài đã thấy điều gì? Một người phụ nữ đau ốm, cô đơn và bị xa lánh vì những hoàn cảnh mà bà ấy không kiểm soát được, một người hy vọng sẽ được chữa lành và được đón nhận một lần nữa.

Trong mỗi trường hợp, Chúa đã nhìn thấy bản chất thực sự của mỗi người và phục sự cho mỗi người một cách thích hợp. Như Nê Phi và em trai của ông là Gia Cốp đã tuyên bố:

“Ngài đã kêu gọi mọi người hãy đến cùng Ngài … , dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ; Ngài cũng không quên kẻ tà giáo; và tất cả mọi người … đều như nhau trước mặt Thượng Đế.”3

“Dưới mắt Ngài, mọi nhân thể đều quý báu như nhau.”4

Cầu xin cho chúng ta đừng để cho mắt, tai, hoặc nỗi sợ hãi đánh lừa chúng ta, mà hãy mở rộng tấm lòng và tâm trí, rồi phục sự rộng lượng cho những người xung quanh như Ngài đã làm.

Cách đây vài năm, vợ tôi, Isabelle, nhận được một chỉ định phục sự khác thường. Cô ấy được yêu cầu đến thăm một góa phụ lớn tuổi trong tiểu giáo khu của chúng tôi, là một người phụ nữ mà những thử thách về sức khỏe và sự cô đơn đã mang đến nỗi cay đắng trong cuộc sống của bà ấy. Các bức màn của bà ấy bị kéo xuống; căn hộ của bà ấy rất ngột ngạt; bà ấy không muốn ai đến thăm và nói rõ rằng “tôi không thể làm được gì cho bất cứ ai cả.” Không nản lòng, Isabelle đáp: “Có chứ! Điều chị có thể làm cho chúng tôi là cho phép chúng tôi đến thăm chị.” Và Isabelle đã đều đặn đến thăm bà ấy.

Một thời gian sau đó, chị phụ nữ tốt bụng này đã được phẫu thuật chân, và cần được thay băng mỗi ngày, một điều mà bà không thể tự làm được. Trong nhiều ngày, Isabelle đến nhà của bà, rửa chân, và thay băng cho bà. Cô ấy không hề nhìn thấy sự gớm ghiếc; cô ấy không cảm nhận mùi hôi thối. Cô ấy chỉ nhìn thấy một người con gái xinh đẹp của Thượng Đế cần được yêu thương và được chăm sóc dịu dàng.

Trong những năm qua, tôi và vô số người khác đã được ban phước nhờ ân tứ của Isabelle để nhìn nhận theo cách của Chúa. Cho dù anh chị em là chủ tịch giáo khu hay người chào đón của tiểu giáo khu, cho dù các anh chị em là vua nước Anh hay sống trong một căn lều, cho dù các anh chị em nói ngôn ngữ của cô ấy hay một ngôn ngữ khác, cho dù các anh chị em tuân giữ tất cả các lệnh truyền hay gặp khó khăn với một vài lệnh truyền, thì cô ấy cũng sẽ phục vụ cho anh chị em bữa ăn ngon nhất trên những cái đĩa đẹp nhất của cô ấy. Hoàn cảnh kinh tế, màu da, hoàn cảnh văn hóa, quốc tịch, mức độ ngay chính, địa vị xã hội, hoặc bất cứ đặc điểm hoặc nhãn hiệu nào khác đều không quan trọng đối với cô ấy. Cô ấy nhìn nhận với tấm lòng của mình; cô ấy xem tất cả mọi người là con cái của Thượng Đế.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giảng dạy:

“Kẻ nghịch thù rất thích những biệt danh vì chúng chia cắt chúng ta và hạn chế cách chúng ta suy nghĩ về bản thân mình và về nhau. Thật đáng buồn khi chúng ta tôn trọng biệt danh hơn là tôn trọng lẫn nhau.

“Những biệt danh có thể dẫn đến việc xét đoán và thù hận. Bất kỳ hình thức lạm dụng hoặc thành kiến nào đối với người khác vì quốc tịch, chủng tộc, khuynh hướng tình dục, giới tính, bằng cấp giáo dục, truyền thống văn hóa, hoặc những danh hiệu quan trọng khác đều xúc phạm đến Đấng Sáng Tạo của chúng ta!”5

Việc là người Pháp không nói lên con người tôi; nó chỉ cho biết nơi tôi sinh ra. Màu da trắng không nói lên con người tôi; nó chỉ cho biết màu da của tôi. Công việc giáo sư không nói lên con người tôi; nó chỉ cho biết điều tôi làm để nuôi sống gia đình mình. Chức vụ Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương không nói lên con người tôi; nó chỉ cho biết nơi tôi phục vụ trong vương quốc vào lúc này.

Như Chủ Tịch Nelson đã nhắc nhở chúng ta: “Trước hết và trên hết,” tôi là một “người con của Thượng Đế.”6 Anh chị em cũng vậy, và tất cả những người khác xung quanh chúng ta cũng vậy. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể trân trọng nhiều hơn lẽ thật tuyệt vời này. Nó sẽ thay đổi tất cả mọi thứ!

Chúng ta có thể đã lớn lên trong các nền văn hóa khác nhau; chúng ta có thể đến từ những hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau; di sản trên trần thế của chúng ta, bao gồm quốc tịch, màu da, sở thích ăn uống, khuynh hướng chính trị, v.v. có thể khác nhau rất nhiều. Nhưng tất cả chúng ta đều là con cái của Ngài, không ai là ngoại lệ. Chúng ta có cùng một nguồn gốc thiêng liêng và cùng một tiềm năng vô hạn qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.

C. S. Lewis đã nói: “Chúng ta không thể coi thường việc sống trong một xã hội gồm có những người nam và nữ mà đều có khả năng trở thành những vị thần, và hãy nhớ rằng người khù khờ, tẻ nhạt nhất mà bạn trò chuyện có thể một ngày nào đó sẽ là một người mà, nếu bạn nhìn thấy bây giờ, thì bạn sẽ được thôi thúc mạnh mẽ để phải thờ phượng. … Không có người nào là tầm thường cả. Bạn chưa bao giờ nói chuyện với một người phàm trần. Các quốc gia, văn hóa, nghệ thuật, nền văn minh—đó là những thứ hữu diệt, và tuổi thọ của chúng so với của chúng ta chỉ như cuộc đời của một con muỗi. Sự bất diệt chính là những người mà chúng ta cùng đùa cợt, làm việc, kết hôn, hắt hủi, và bóc lột.”7

Gia đình chúng tôi được đặc ân sống ở các quốc gia và nền văn hóa khác nhau; con cái chúng tôi đã được ban phước để kết hôn với những người đến từ các sắc tộc khác nhau. Tôi đã nhận ra rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là điều mang lại sự bình đẳng lớn lao. Khi chúng ta thực sự sống theo phúc âm, thì “Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái của Thượng Đế.”8 Lẽ thật kỳ diệu này giải thoát chúng ta, và tất cả những sự gán ghép và phân biệt, mà có thể làm đau khổ chúng ta và mối quan hệ của chúng ta, sẽ hoàn toàn bị “nuốt trọn trong … Đấng Ky Tô.”9 Chẳng bao lâu, rõ ràng rằng chúng ta, cũng như những người khác, “chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Thượng Đế.”10

Gần đây tôi có nghe chủ tịch chi nhánh của một trong các đơn vị đa ngôn ngữ đa văn hóa của chúng tôi đề cập đến việc thuộc về giao ước, như Anh Cả Gerrit W. Gong đã làm.11 Thật là một khái niệm tuyệt vời! Chúng ta thuộc vào một nhóm người cố gắng đặt Đấng Cứu Rỗi và các giao ước của mình làm trọng tâm cuộc sống và vui sống theo phúc âm. Do đó, thay vì nhìn nhau qua lăng kính méo mó của thế gian, phúc âm gia tăng tầm nhìn của chúng ta và cho phép chúng ta nhìn nhau qua lăng kính bất biến hoàn hảo đến từ các giao ước thiêng liêng của chúng ta. Khi làm như vậy, chúng ta bắt đầu loại bỏ những thành kiến tự nhiên của mình đối với người khác, và đổi lại giúp họ giảm bớt thành kiến đối với chúng ta,12 trong một chu kỳ đức hạnh tuyệt vời. Quả thật, chúng ta tuân theo lời mời gọi của vị tiên tri yêu quý của mình: “Anh chị em thân mến, cách chúng ta đối xử với nhau là thực sự quan trọng! Cách chúng ta nói chuyện với người khác và về họ ở nhà, ở nhà thờ, ở nơi làm việc và trên mạng là thực sự quan trọng. Hôm nay, tôi yêu cầu chúng ta hãy giao tiếp với những người khác theo cách thức cao cả hơn, thánh thiện hơn.”13

Buổi chiều hôm nay, với tinh thần của lời mời đó, tôi muốn thêm lời cam kết của mình vào lời ca của các em thiếu nhi tuyệt vời trong Hội Thiếu Nhi của chúng ta:

Nếu bạn không bước đi như hầu hết mọi người,

Thì một số người sẽ xa lánh bạn,

Nhưng tôi thì không! Tôi thì không!

Nếu bạn không nói chuyện như hầu hết mọi người,

Thì một số người sẽ nói xấu và cười nhạo bạn,

Nhưng tôi thì không! Tôi thì không!

Tôi sẽ đi với bạn. Tôi sẽ nói chuyện với bạn.

Đó là cách tôi bày tỏ tình yêu thương dành cho bạn.

Chúa Giê Su không xa lánh ai cả.

Ngài ban phát tình yêu thương cho tất cả.

Tôi cũng sẽ làm như vậy! Tôi sẽ làm như vậy!14

Tôi làm chứng rằng Đấng mà chúng ta xưng là Cha Thiên Thượng quả thật là Đức Chúa Cha của chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta, Ngài biết rõ và quan tâm sâu sắc đến mỗi con cái của Ngài, và chúng ta thật sự đều như nhau trước mặt Ngài. Tôi làm chứng rằng cách chúng ta đối xử với nhau là một sự phản ảnh trực tiếp về sự hiểu biết và lòng biết ơn của chúng ta đối với sự hy sinh tột bậc và Sự Chuộc Tội của Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi cầu nguyện rằng, giống như Ngài, chúng ta có thể yêu thương người khác vì đó là điều đúng để làm, không phải vì họ đang làm điều đúng hoặc thuộc vào một khuôn mẫu “đúng đắn”. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.