2023
Gìn Giữ Tiếng Nói của Dân Giao Ước trong Thế Hệ Đang Vươn Lên
Tháng Mười Một năm 2023


Gìn Giữ Tiếng Nói của Dân Giao Ước trong Thế Hệ Đang Vươn Lên

Một trong những trách nhiệm thiêng liêng nhất của chúng ta là giúp cho con cái của mình hiểu biết một cách sâu sắc và rõ rệt rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.

Một trong những khoảnh khắc cảm động nhất trong Sách Mặc Môn là chuyến viếng thăm của Đấng Cứu Rỗi phục sinh với dân chúng tại đền thờ ở xứ Phong Phú. Sau một ngày giảng dạy, chữa lành, và xây đắp đức tin, Chúa Giê Su hướng sự chú ý của dân chúng đến thế hệ đang vươn lên: “Ngài truyền lệnh cho họ hãy đem các trẻ nhỏ lại.”1 Ngài cầu nguyện cho các em và ban phước cho từng em một. Kinh nghiệm này xúc động đến nỗi chính Đấng Cứu Rỗi cũng đã khóc nhiều lần.

Rồi, Chúa Giê Su phán cùng đám đông và bảo họ rằng:

“Hãy nhìn xem các con trẻ của các ngươi.

“Và khi đưa mắt nhìn … họ thấy các tầng trời mở ra, và họ trông thấy các thiên sứ từ trời hạ xuống,” phục sự cho con cái của họ.2

Tôi thường nghĩ về trải nghiệm này. Trải nghiệm này chắc hẳn đã khiến mọi người động lòng trắc ẩn! Những con trẻ ấy đã trông thấy Đấng Cứu Rỗi. Chúng đã chạm vào Ngài. Chúng biết Ngài. Ngài đã giảng dạy chúng. Ngài đã ban phước cho chúng. Và Ngài yêu thương chúng. Thật không có gì là ngạc nhiên khi sau sự kiện thiêng liêng này, những con trẻ đó đã lớn lên và giúp thiết lập một xã hội hòa bình, thịnh vượng, ngập tràn tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô kéo dài qua nhiều thế hệ.3

Chẳng phải sẽ tuyệt vời nếu như con cái của chúng ta cũng có được những trải nghiệm tương tự với Chúa Giê Su Ky Tô hay sao—những trải nghiệm củng cố mối quan hệ của chúng với Ngài! Cũng giống như cách Ngài đã mời gọi các bậc cha mẹ trong Sách Mặc Môn, Ngài mời gọi chúng ta hãy mang con cái của chúng ta đến với Ngài. Chúng ta có thể giúp con cái của mình biết đến Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc theo cách mà những con trẻ trong Sách Mặc Môn đã biết. Chúng ta có thể chỉ cho chúng cách tìm thấy Đấng Cứu Rỗi trong thánh thư và xây dựng nền tảng của chúng nơi Ngài.4

Gần đây, một người bạn thân đã dạy tôi một điều mà trước đây tôi chưa từng để ý trong câu chuyện ngụ ngôn về một người khôn ngoan biết cất nhà mình trên đá. Theo lời tường thuật trong sách Lu Ca, khi người khôn ngoan đặt nền móng cho ngôi nhà của mình, ông ta đã “đào đất cho sâu”.5 Việc đào đất như vậy không phải là một công việc tầm thường hay đơn giản—nó đòi hỏi phải có nỗ lực!

Để xây dựng cuộc sống của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc, Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta cần phải đào đất cho sâu. Chúng ta loại bỏ bất cứ điều gì không vững chắc và không cần thiết trong cuộc sống của mình. Chúng ta tiếp tục đào cho đến khi tìm thấy Ngài. Và chúng ta dạy cho con cái mình phải ràng buộc bản thân chặt chẽ với Ngài thông qua các giáo lễ và giao ước thiêng liêng, để khi những cơn bão táp và lũ lụt ập đến, những điều chắc chắn sẽ xảy ra, thì chúng sẽ ít ảnh hưởng đến con cái của chúng ta “nhờ đá mà [chúng] được xây cất trên đó.”6

Sức mạnh chống chọi này không tự nhiên mà có. Sức mạnh này không được truyền lại cho thế hệ sau như một di sản thuộc linh. Mỗi người phải tự đào sâu để tìm thấy đá của Đấng Cứu Chuộc.

Chúng ta học được bài học này từ một câu chuyện khác trong Sách Mặc Môn. Khi Vua Bên Gia Min ngỏ lời khuyên giảng cuối cùng cho dân mình, họ đã nhóm họp lại theo gia đình để nghe những lời của ông.7 Vua Bên Gia Min làm chứng hùng hồn về Chúa Giê Su Ky Tô, và dân chúng vô cùng cảm động trước chứng ngôn của ông. Họ tuyên bố rằng:

“Thánh Linh … đã đem lại một sự thay đổi lớn lao trong chúng tôi, hay trong lòng chúng tôi. …

“Và chúng tôi sẵn lòng lập giao ước với Thượng Đế của chúng tôi để làm theo ý Ngài … trong suốt quãng đời còn lại của mình.”8

Người ta thường cho rằng trẻ em có cha mẹ đã cải đạo sâu sắc cũng sẽ dần dần được cải đạo và tự mình lập các giao ước. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó không được ghi chép trong các bảng khắc, một số đứa trẻ không hề để tâm đến giao ước mà cha mẹ của chúng đã lập. Sau vài năm, “có nhiều người trong thế hệ đang vươn lên không hiểu được những lời của vua Bên Gia Min nói, vì khi vua nói với dân ông thì họ đang còn nhỏ; và họ không tin vào truyền thống của tổ phụ họ.

“Họ không tin những lời nói về sự phục sinh của người chết, cũng như họ không tin về sự hiện đến của Đấng Ky Tô. …

“Và họ không chịu báp têm, cũng không chịu gia nhập giáo hội. Còn về đức tin thì họ là một dân tộc riêng biệt.”9

Thật là một điều cảnh tỉnh! Đối với thế hệ đang vươn lên, nếu họ chỉ đơn thuần tuân giữ “truyền thống của tổ phụ họ” thì chưa đủ để có được đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Họ cần phải tự phát triển đức tin của mình nơi Đấng Ky Tô. Với tư cách là dân giao ước của Thượng Đế, làm thế nào chúng ta có thể ghi khắc vào lòng con cái mình ước muốn để lập và tuân giữ các giao ước với Ngài?

Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc noi theo tấm gương của Nê Phi: “Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”10 Những lời của Nê Phi hàm ý một nỗ lực liên tục, không ngừng nghỉ để giảng dạy con cái của chúng ta về Đấng Ky Tô. Chúng ta có thể đảm bảo rằng tiếng nói của dân giao ước không bị im bặt trong đôi tai của thế hệ đang vươn lên và chứng ngôn về Chúa Giê Su không chỉ được chia sẻ với thế hệ đang vươn lên vào mỗi ngày Chủ Nhật mà thôi.11

Tiếng nói của dân giao ước được tìm thấy trong lời chứng của chúng ta. Tiếng nói này được tìm thấy trong những lời của các vị tiên tri tại thế. Và nó được gìn giữ một cách mạnh mẽ trong thánh thư. Khi nghe tiếng nói của dân giao ước, con cái của chúng ta sẽ biết đến Chúa Giê Su và tìm được câu trả lời cho những thắc mắc của chúng. Khi nghe tiếng nói của dân giao ước, chúng sẽ tự học được giáo lý của Đấng Ky Tô. Khi nghe tiếng nói của dân giao ước, chúng sẽ tìm thấy hy vọng. Điều này sẽ chuẩn bị chúng cho việc tìm kiếm lẽ thật và bước đi trên con đường giao ước trong suốt cuộc đời mình.

Tôi yêu mến lời khuyên dạy này từ Chủ Tịch Russell M. Nelson:

“Chúng ta có thể làm gì để nghe lời Ngài?

“Chúng ta có thể tìm đến thánh thư. Thánh thư dạy chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, tầm quan trọng của Sự Chuộc Tội của Ngài, và kế hoạch hạnh phúc và cứu chuộc vĩ đại của Đức Chúa Cha. Việc hằng ngày chú tâm đến lời của Thượng Đế là rất thiết yếu cho sự sống còn thuộc linh, nhất là trong những ngày biến động càng ngày càng gia tăng này. Khi chúng ta nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô, thì những lời này sẽ cho chúng ta biết cách đối phó với những khó khăn mà chúng ta không bao giờ nghĩ là mình sẽ gặp phải.”12

Vậy chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô và nghe lời Ngài? Hãy làm theo cách thức hữu hiệu nhất đối với anh chị em! Cách thức đó có thể là nhóm họp với gia đình của anh chị em để thảo luận về những điều Đức Thánh Linh đã dạy anh chị em và con cái trong việc học thánh thư thông qua chương trình Hãy Đến Mà Theo Ta. Cách thức đó có thể là ngồi lại với con cái của anh chị em mỗi ngày để đọc một vài câu thánh thư và sau đó tìm kiếm cơ hội để thảo luận về điều mà anh chị em và con cái đã học được khi dành thời gian cùng nhau. Hãy tìm ra những cách thức phù hợp với anh chị em và gia đình của anh chị em; sau đó hãy cố gắng làm tốt hơn một chút mỗi ngày.

Hãy cân nhắc sự hiểu biết sâu sắc này từ sách Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi: “Nếu thực hiện riêng lẻ, chỉ một buổi họp tối gia đình, một buổi học thánh thư, hoặc một cuộc trò chuyện về phúc âm có vẻ như không đạt được kết quả gì to tát. Nhưng sự tích lũy của những nỗ lực nhỏ bé, đơn giản, được lặp đi lặp lại một cách kiên định theo thời gian, có thể trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn và vững chãi hơn là một khoảnh khắc phi thường hoặc một bài học quan trọng, nhưng hiếm hoi. … Vì vậy, đừng bỏ cuộc, và đừng lo lắng về việc đạt được một điều gì đó lớn lao mỗi lần. Chỉ cần kiên định trong các nỗ lực của anh chị em.”13

Một trong những trách nhiệm thiêng liêng nhất của chúng ta là giúp cho con cái của mình hiểu biết một cách sâu sắc và rõ rệt rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của cá nhân chúng, là Đấng đứng đầu Giáo Hội của Ngài! Chúng ta không thể để cho tiếng nói giao ước của mình trở nên câm lặng hoặc im bặt khi chúng ta nói đến Ngài.

Anh chị em có thể cảm thấy mình còn yếu kém trong vai trò này, nhưng anh chị em đừng bao giờ cảm thấy đơn độc. Ví dụ, hội đồng tiểu giáo khu được phép tổ chức các buổi họp hội đồng giảng viên dành cho bậc cha mẹ. Trong các buổi họp hằng quý này, các bậc cha mẹ có thể ngồi lại cùng nhau để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, thảo luận về cách họ đang củng cố gia đình mình cũng như học hỏi các nguyên tắc then chốt trong việc giảng dạy giống như Đấng Ky Tô. Buổi họp này nên được tổ chức vào giờ thứ hai của nhà thờ.14 Buổi họp được hướng dẫn bởi một tín hữu ở tiểu giáo khu do vị giám trợ lựa chọn và tuân theo hình thức của các buổi họp hội đồng giảng viên thường kỳ, sử dụng sách Giảng dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi làm nguồn tài liệu chính.15 Thưa các Vị Giám Trợ, nếu tiểu giáo khu của các anh em hiện đang không tổ chức các buổi họp hội đồng giảng viên dành cho bậc cha mẹ, thì hãy hợp tác với chủ tịch Trường Chủ Nhật và hội đồng tiểu giáo khu của mình để tự tổ chức.16

Các bạn hữu trong Đấng Ky Tô thân mến, anh chị em đang làm tốt hơn nhiều so với những gì anh chị em nghĩ. Hãy tiếp tục nỗ lực và cải thiện. Con cái của anh chị em đang quan sát, lắng nghe và học hỏi. Khi anh chị em giảng dạy chúng, anh chị em sẽ dần dần biết được bản chất thực sự của chúng, là những người con trai và con gái yêu dấu của Thượng Đế. Con cái của anh chị em có thể quên Đấng Cứu Rỗi trong một khoảng thời gian, nhưng tôi hứa với anh chị em rằng Ngài sẽ không bao giờ quên chúng đâu! Những giây phút Đức Thánh Linh phán với chúng sẽ còn đọng lại trong tâm trí chúng rất lâu. Và một ngày nào đó, con cái của anh chị em sẽ ngân vang chứng ngôn của Ê Nót: Tôi biết cha mẹ tôi là một người công minh, “vì [họ] đã dạy tôi … theo sự dưỡng dục cùng sự khuyên răn của Chúa—phước thay danh Thượng Đế của tôi về vấn đề này.”17

Chúng ta hãy tiếp nhận lời mời của Đấng Cứu Rỗi và mang con cái của mình đến với Ngài. Khi chúng ta làm thế, con cái của chúng ta sẽ trông thấy Ngài. Chúng sẽ cảm nhận được Ngài. Chúng sẽ biết Ngài. Ngài sẽ giảng dạy chúng. Ngài sẽ ban phước lành cho chúng. Và, hỡi ôi, Ngài sẽ yêu thương chúng biết bao. Và, hỡi ôi, tôi yêu mến Ngài biết bao. Trong thánh danh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. 3 Nê Phi 17:11.

  2. 3 Nê Phi 17:23–24; xin xem thêm 3 Nê Phi 17:11–22.

  3. Xin xem 4 Nê Phi 1:1–22.

  4. Xin xem Lu Ca 6:47–49; Hê La Man 5:12.

  5. Lu Ca 6:48.

  6. Hê La Man 5:12.

  7. Xin xem Mô Si A 2:5.

  8. Mô Si A 5:2, 5. Lưu ý rằng: “ngoại trừ những trẻ nhỏ, chẳng một ai mà không lập giao ước và không mang danh của Đấng Ky Tô” (Mô Si A 6:2).

  9. Mô Si A 26:1–2, 4.

  10. 2 Nê Phi 25:26.

  11. “Có quá nhiều điều để giảng dạy trong phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô—các nguyên tắc, các lệnh truyền, những lời tiên tri, và các câu chuyện thánh thư. Nhưng tất cả đều là các cành trên cùng một cây, vì tất cả đều có một mục đích: để giúp tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô và được toàn thiện trong Ngài (xin xem Gia Rôm 1:11; Mô Rô Ni 10:32). Vậy nên, cho dù anh chị em đang giảng dạy điều gì đi nữa, hãy nhớ rằng anh chị em đang thật sự giảng dạy về Chúa Giê Su Ky Tô và cách để trở nên giống như Ngài” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi: Dành Cho Tất Cả Những Ai Giảng Dạy ở Nhà và tại Nhà Thờ [năm 2022], trang 6).

  12. Russell M. Nelson, “Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 89.

  13. Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗitrang 31.

  14. Các điều kiện thích nghi đặc biệt có thể được thiết kế cho những bậc cha mẹ là giảng viên Hội Thiếu Nhi, chẳng hạn như tổ chức buổi họp trong thời gian giờ ca hát trong 20 phút của Hội Thiếu Nhi hoặc tổ chức một buổi họp riêng rẽ vào một thời gian khác (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, phần 17.4, Thư Viện Phúc Âm).

  15. Tín hữu và các vị lãnh đạo có thể đặt mua sách Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi thông qua Distribution Services (Dịch Vụ Phân Phối). Tài liệu này cũng có sẵn dưới dạng kỹ thuật số trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm.

  16. Xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quátphần 13.5.

  17. Ê Nót 1:1. Hãy nhớ rằng trong thế hệ vươn lên có những người không tin vào Sách Mặc Môn như An Ma Con và các con trai của Mô Si A. Cuối cùng, khi An Ma Con nhận ra nhu cầu cần phải thay đổi cuộc sống của mình, ông nhớ lại điều cha ông đã dạy về Chúa Giê Su Ky Tô—những lời giảng dạy mà dường như An Ma đã phớt lờ trong quá khứ. Nhưng ký ức về những lời dạy đó vẫn còn nguyên vẹn, và ký ức đó đã cứu An Ma về mặt thuộc linh (xin xem An Ma 36:17–20).