2023
Anh Chị Em Có Muốn Được Hạnh Phúc Không?
Tháng Mười Một năm 2023


Anh Chị Em Có Muốn Được Hạnh Phúc Không?

Hãy ở trên con đường giao ước. Cuộc sống của anh chị em sẽ dễ dàng hơn, hạnh phúc hơn, và tràn đầy niềm vui.

Anh chị em có muốn được hạnh phúc không? Điều gì khiến chúng ta không hạnh phúc? Chủ Tịch Russell M. Nelson nói: “Nếu các anh chị em muốn bị khổ sở, thì hãy vi phạm các lệnh truyền—và đừng bao giờ hối cải. Nếu các anh chị em muốn có niềm vui, thì hãy ở trên con đường giao ước.”1 Hạnh phúc không phải là điều đơn giản sao? Chỉ cần lập các giao ước và tuân giữ các giao ước đó trong cuộc sống của anh chị em. Chúng ta hãy ôn lại một số điều mà có thể giúp chúng ta ở trên con đường giao ước và giúp chúng ta hạnh phúc.

1. Con Đường Giao Ước Là Gì?

Theo lời của Anh Cả Dale G. Renlund: “Cụm từ con đường giao ước ám chỉ một loạt các giao ước mà qua đó chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và kết nối với Ngài. Qua sự ràng buộc giao ước này, chúng ta có quyền tiếp cận quyền năng vĩnh cửu của Ngài. Con đường đó bắt nguồn với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải, tiếp theo là phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh.”2 Chúng ta tái lập các giao ước này mỗi khi dự phần Tiệc Thánh.

Bắt đầu với giao ước báp têm, chúng ta lập thêm nhiều giao ước trong suốt cuộc đời mình. Một lần nữa, Anh Cả Renlund đã nói: “Con đường giao ước dẫn đến các giáo lễ của đền thờ, chẳng hạn như lễ thiên ân trong đền thờ. Lễ thiên ân là ân tứ của Thượng Đế về các giao ước thiêng liêng mà kết nối chúng ta trọn vẹn hơn với Ngài.”3

2. Anh chị em có đang ở trên Con Đường Giao Ước không?

Thỉnh thoảng khi chúng ta lập giao ước, chúng ta không tuân giữ các giao ước đó. Khi điều này xảy ra, làm thế nào anh chị em có thể trở lại con đường giao ước? Tôi xin chia sẻ một số ví dụ về việc trở lại con đường giao ước.

Cách đây hơn một tháng, tôi nhận được tin nhắn từ một người truyền giáo được giải nhiệm mà từng phục vụ với chúng tôi. Em ấy nói: “Gần đây, mọi thứ thật khó khăn. Nỗi lo âu và chán nản mỗi ngày đã làm cho cháu cảm thấy nặng nề và điều này rất khó khăn. Cháu cảm thấy cô đơn và khổ sở. Cháu liên tục cầu xin sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng để có được sự bình an và an ủi về điều mình có thể làm để vượt qua sự khổ sở. … Trong khi cầu nguyện, cháu cảm thấy sự thúc giục của Thánh Linh rằng cháu cần phải đóng tiền thập phân đầy đủ. … Cháu cảm nhận Thánh Linh rất mạnh mẽ và ngay lập tức cảm thấy được thúc giục để làm như vậy. Với ước muốn để làm như vậy, cháu cảm nhận sự thúc giục rằng ‘Nếu ngươi đóng tiền thập phân thì mọi việc sẽ ổn thỏa.’ Cháu vẫn đang gặp khó khăn để tìm kiếm sự bình an, nhưng cháu thực sự có chứng ngôn nơi Đấng Cứu Rỗi và rằng qua sự vâng lời của mình, cháu có thể cảm nhận và tìm thấy sự bình an trong tâm trí mà mình đang tìm kiếm. Gần đây cháu đã quyết định đi nhà thờ trở lại và tìm kiếm Thánh Linh trong tất cả những gì mình làm.”

Hiện nay, em ấy đã tiến triển rất tốt. Anh chị em cũng có thể cầu xin Cha Thiên Thượng ban cho sự bình an, nhưng câu trả lời có thể khác với những gì mà anh chị em mong đợi. Miễn là anh chị em tìm cách biết về Đấng Cứu Rỗi và cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng, thì Ngài sẽ ban cho câu trả lời thích hợp với hoàn cảnh của anh chị em.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy:

“Bài học quan trọng nhất chúng ta có thể học được trên trần thế là khi nào Thượng Đế phán và chúng ta tuân theo thì chúng ta sẽ luôn luôn đúng.”4

“Khi chúng ta tuân giữ các giáo lệnh, cuộc sống của chúng ta sẽ được hạnh phúc hơn, mãn nguyện hơn, và ít phức tạp hơn. Những thử thách và vấn đề của chúng ta sẽ dễ chịu đựng hơn, và chúng ta sẽ nhận được các phước lành đã được hứa [của Thượng Đế].”5

Tôi được kêu gọi làm giám trợ vào thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi là một người cha trẻ ở độ tuổi 30, nhưng tôi gặp khó khăn về tài chính vì những thử thách trong gia đình. Tôi không thể tìm ra giải pháp nào cả, và tôi nghĩ rằng những thử thách sẽ không bao giờ chấm dứt. Tôi kiệt quệ cả về mặt tài chính lẫn cảm xúc. Tôi cũng bắt đầu nghi ngờ sức mạnh thuộc linh của mình. Chính vào thời điểm khó khăn đó mà chủ tịch giáo khu của tôi đã đưa ra sự kêu gọi đó cho tôi. Tôi chẳng ngần ngại chấp nhận sự kêu gọi đó, mặc dù điều đó thật khó khăn.

Vợ tôi cũng đã có một cuộc phỏng vấn với chủ tịch giáo khu, và cô ấy đã không thể chấp nhận nhưng cũng không từ chối, mà cứ tiếp tục rơi nước mắt. Cô ấy đã khóc suốt cả tuần và hỏi Cha Thiên Thượng rằng: “Tại sao lại là lúc này?” và “Ngài có thực sự biết rõ từng cá nhân không?” Cô ấy không nhận được câu trả lời, nhưng tôi đã được tán trợ với tư cách là giám trợ vào ngày Chủ Nhật tiếp theo. Cô ấy đã không cầu vấn Cha Thiên Thượng những câu hỏi đó nữa nhưng đã hỗ trợ tôi trong chức vụ kêu gọi của tôi trong sáu năm.

Vào ngày Chủ Nhật khi tôi được giải nhiệm, vợ tôi nghe một giọng nói trong lúc cô ấy dự phần Tiệc Thánh. Giọng nói đó thì thầm với cô ấy rằng: “Vì chặng đường của các ngươi quá khó khăn, nên ta đã kêu gọi anh ấy làm giám trợ để nâng đỡ và đồng hành cùng các ngươi.” Khi nhìn lại sáu năm qua, cô ấy nhận thấy rằng tất cả những thử thách dường như bất tận giờ đây đã dần được giải quyết.

Chúng tôi học được rằng khi chúng tôi nghĩ rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để chúng tôi nhận một sự kêu gọi, thì đó có thể là lúc mà chúng tôi cần sự kêu gọi đó nhất. Bất cứ khi nào Chúa yêu cầu chúng ta phục vụ trong bất cứ sự kêu gọi nào, cho dù sự kêu gọi đó nhẹ nhàng hay nặng nề hơn, thì Ngài cũng thấy được nhu cầu của chúng ta. Ngài cung ứng sức mạnh mà chúng ta cần và sẵn sàng trút xuống các phước lành khi chúng ta trung tín phục vụ.

Có nhiều điều khác làm chúng ta xao lãng khỏi việc ở trên con đường giao ước. Cho dù đó là gì đi nữa, thì cũng không bao giờ là quá muộn để hướng lòng chúng ta đến Cha Thiên Thượng để được giúp đỡ. Anh Cả Paul V. Johnson đã dạy chúng ta: “Khi đi theo Sa Tan, chúng ta cho hắn quyền năng. Khi noi theo Thượng Đế, Ngài ban cho chúng ta quyền năng.”6

Vua Bên Gia Min trong Sách Mặc Môn đã làm chứng rằng: “Và ngoài ra, tôi mong rằng các người hãy nên suy ngẫm về trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. Vì này, họ được ban phước lành trong tất cả mọi điều, cả vật chất lẫn tinh thần; và nếu họ trung thành cho đến cùng thì họ sẽ được thu nhận vào thiên thượng, để nhờ đó họ có thể ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”7

3. Việc Tuân Giữ Các Giáo Ước với Thượng Đế Giúp Anh Chị Em Hạnh Phúc Như Thế Nào?

Vợ tôi nói rằng hôn nhân của chúng tôi kết hợp chúng tôi lại với nhau, và nhờ đó mà cô ấy có thể làm những điều mà trước đây cô ấy không thể làm được. Ví dụ, từ khi còn nhỏ, cô ấy đã gặp khó khăn khi đi ra ngoài lúc trời tối, nhưng việc đó không còn khó khăn nữa vì đã có tôi đi cùng cô ấy. Cô ấy thấp bé và không thể với tới các kệ cao trừ khi cô ấy sử dụng một cái ghế hoặc cái thang, nhưng tôi có thể với tới những thứ từ các kệ cao cho cô ấy vì tôi cao hơn cô ấy. Việc chúng ta mang lấy ách của Đấng Cứu Rỗi cũng giống như vậy. Khi chúng ta gánh lấy ách cùng Ngài, chúng ta có thể làm những điều mà chúng ta không thể tự mình làm được vì Ngài có thể làm những điều đó.

Anh Cả David A. Bednar đã nói: “Việc lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng kết hợp chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô. Về cơ bản, Đấng Cứu Rỗi đang mời gọi chúng ta phải dựa vào Ngài và cùng kéo với Ngài, mặc dù những nỗ lực tốt nhất của chúng ta không bằng và không thể sánh được với Ngài. Khi chúng ta tin tưởng và kéo gánh nặng của mình với Ngài trong cuộc sống, thì thực sự cái ách của Ngài là dễ dàng, và gánh nặng của Ngài là nhẹ nhàng.”8

Chủ Tịch Nelson cũng đã dạy:

“Việc gánh ách của mình với Đấng Cứu Rỗi có nghĩa là anh chị em có quyền tiếp cận sức mạnh và quyền năng cứu chuộc của Ngài.”9

“Phần thưởng cho việc tuân giữ các giao ước với Thượng Đế là quyền năng từ trời—quyền năng củng cố chúng ta để chống lại những thử thách, cám dỗ và nỗi đau lòng một cách hiệu quả hơn. Quyền năng này làm cho đường đi của chúng ta được dễ dàng. Những người sống theo luật pháp cao hơn của Chúa Giê Su Ky Tô đều có quyền tiếp cận quyền năng cao hơn của Ngài.”10

“Việc tuân giữ các giao ước quả thực làm cho cuộc sống dễ dàng hơn! Mỗi người nào lập giao ước trong các hồ báp têm và trong các đền thờ—và tuân giữ các giao ước đó—đều được gia tăng khả năng tiếp cận quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô.”11

Các anh chị em thân mến, anh chị em có muốn được hạnh phúc không? Hãy ở trên con đường giao ước. Cuộc sống của anh chị em sẽ dễ dàng hơn, hạnh phúc hơn, và tràn đầy niềm vui. Đấng Cứu Rỗi đang mời gọi chúng ta rằng: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”12 Ngài chính là Đấng Ky Tô hằng sống. Ngài mang gánh nặng của chúng ta và làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.