Đại Hội Trung Ương
Tên của Giáo Hội Không Thể Thương Lượng Để Sửa Đổi
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


Tên của Giáo Hội Không Thể Thương Lượng Để Sửa Đổi

Khi chúng ta sẵn sàng tuân theo lời khuyên dạy từ Chúa như đã được mặc khải qua vị tiên tri tại thế của Ngài, đặc biệt nếu điều đó trái với suy nghĩ ban đầu của chúng ta và đòi hỏi lòng khiêm nhường cùng sự hy sinh, thì Chúa sẽ ban cho chúng ta thêm sức mạnh thuộc linh.

Trong một buổi họp báo vào ngày 16 tháng Tám năm 2018, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Chúa đã cho tôi biết về tầm quan trọng của cái tên mà Ngài đã mặc khải cho Giáo Hội của Ngài, chính là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. 1 Chúng ta có công việc trước mắt để làm cho bản thân mình đồng điệu với ước muốn của Ngài.” 2

Hai ngày sau, vào ngày 18 tháng Tám, tôi có mặt cùng Chủ Tịch Nelson ở Montreal, Canada. Sau buổi họp tín hữu của chúng tôi tại Palais de Congrés đầy ấn tượng, Chủ Tịch Nelson đã trả lời câu hỏi từ các phóng viên. Ông thừa nhận rằng sẽ “có thử thách trong việc [thiết lập lại tên của Giáo Hội, và] xóa bỏ [một] truyền thống đã kéo dài hơn một trăm năm.” Nhưng ông nói thêm: “Tên của Giáo Hội không thể thương lượng để sửa đổi.” 3

Bảy tuần sau, Chủ Tịch Nelson đã nói trong đại hội trung ương: “Chúa đã cho tôi biết về tầm quan trọng của cái tên mà Ngài đã đặt cho Giáo Hội của Ngài, chính là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. … Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán: ‘Vì giáo hội của ta sẽ được gọi như vậy.’” Sau đó Chủ Tịch Nelson lặp lại: “Tên của Giáo Hội không thể thương lượng để sửa đổi.” 4

Một Câu Hỏi Hay

Một câu hỏi hay khác được đặt ra: Tại sao vào lúc này, khi trong nhiều thập niên qua chúng ta đã chấp nhận biệt danh “Mặc Môn”? “Đại Ca Đoàn Mormon Tabernacle”, những video ngắn “Tôi là Người Mặc Môn”, bài hát thiếu nhi “I Am a Mormon Boy” [“Tôi Là Cậu Bé Mặc Môn”]?

Giáo lý của Đấng Ky Tô là vĩnh cửu và không thay đổi. Tuy nhiên, các bước quan trọng và cụ thể trong công việc của Đấng Cứu Rỗi sẽ được mặc khải vào thời điểm thích hợp. Buổi sáng hôm nay, Chủ Tịch Nelson đã nói: “Sự Phục Hồi là một quá trình, chứ không phải một sự kiện.” 5 Và Chúa đã phán: “Mọi sự việc phải xảy ra vào thời kỳ của nó.” 6 Đây là thời kỳ của chúng ta, và chúng ta đang tái thiết lập tên đã được mặc khải của Giáo Hội.

Nguồn gốc và số mệnh của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi chúng ta được gọi theo danh Ngài. Gần đây tôi đã đến Kirtland, Ohio, nơi Tiên Tri Joseph Smith cùng với chỉ một vài tín hữu Giáo Hội đã tiên tri rằng: “Giáo Hội này sẽ lan tràn đến Bắc và Nam Mỹ—nó sẽ lan tràn khắp thế gian.” 7 Chúa đã miêu tả rằng công việc của gian kỳ này là “một công việc lạ lùng và một điều kỳ diệu.” 8 Ngài đã phán bảo về một “giao ước [mà sẽ] được thực hiện vào những ngày sau,” để “mọi dân … trên thế gian này [sẽ] được phước.” 9

Những lời trong đại hội này được phiên dịch trực tiếp sang 55 thứ tiếng. Dần dần, những lời này sẽ được nghe thấy và đọc được trong 98 ngôn ngữ trên hơn 220 quốc gia và lãnh thổ.

Hình Ảnh
Ngày Tái Lâm

Khi Đấng Cứu Rỗi tái lâm trong uy nghi và vinh quang, các tín hữu trung tín của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ có mặt tại mọi quốc gia, dân tộc, sắc tộc, và nền văn hóa trên thế giới.

Ảnh Hưởng Ngày Càng Tăng của Giáo Hội

Tầm ảnh hưởng của Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ không chỉ đến riêng cho các tín hữu của Giáo Hội. Nhờ những sự biểu hiện từ thiên thượng trong thời kỳ chúng ta, nhờ thánh thư được phục hồi cho thế gian, và ân tứ mạnh mẽ của Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ là ánh sáng trên đồi khi bóng đen u ám của việc không tin tưởng nơi Chúa Giê Su Ky Tô bao phủ thế gian. Mặc dù nhiều người có thể cho phép thế gian làm lu mờ đức tin của họ nơi Đấng Cứu Chuộc, chúng ta sẽ “không bị dời khỏi vị trí [của mình].” 10 Các Ky Tô Hữu không thuộc tôn giáo chúng ta sẽ chào đón vai trò và chứng ngôn vững chắc của chúng ta nơi Đấng Ky Tô. Ngay cả những Ky Tô Hữu đã hoài nghi về chúng ta cũng sẽ xem chúng ta như những người bạn. Trong những ngày sắp tới, chúng ta sẽ được gọi theo danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Xin cảm ơn anh chị em về nỗ lực cao quý của mọi người nhằm nâng cao danh hiệu chân chính của Giáo Hội. Trong đại hội ba năm trước, Chủ Tịch Nelson đã hứa với chúng ta “rằng sự chú ý nghiêm túc của chúng ta để sử dụng tên đúng của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi … [sẽ dẫn đến việc] đức tin được gia tăng và tiếp cận quyền năng thuộc linh lớn lao hơn.” 11

Lời hứa này đã được thực hiện bởi những môn đồ trung tín trên khắp thế giới. 12

Anh Lauri Ahola đến từ miền đông Hoa Kỳ thừa nhận rằng đôi lúc anh cảm thấy ngượng trong việc chia sẻ tên đầy đủ của Giáo Hội. Nhưng nhờ vào lời khuyên dạy của vị tiên tri, anh đã kiên trì. Vào một dịp nọ, anh đến thăm một người bạn tại một nhà thờ thuộc tôn giáo khác. Đây là lời kể của anh:

Một người quen đã hỏi: “Anh là người Mặc Môn à?”

Tôi nói: “‘Đúng vậy, tôi là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô”. Anh ấy bắt đầu hỏi tôi một vài câu hỏi, mỗi câu hỏi đều bắt đầu bằng: ‘Giáo Hội Mặc Môn có tin rằng …?’ Và mỗi lần, tôi đều bắt đầu câu trả lời bằng cụm từ: ‘Trong Giáo Hội phục hồi của Đấng [Giê Su] Ky Tô, chúng tôi tin rằng …’

“… Khi anh ấy để ý rằng tôi không chấp nhận danh hiệu ‘người Mặc Môn,’ thì anh ấy hỏi thẳng: ‘Anh không phải là người Mặc Môn à?’

“Vậy nên tôi đã hỏi xem anh ấy có biết Mặc Môn là ai không—anh ấy không biết. Tôi nói với anh ấy rằng Mặc Môn là một vị tiên tri … [và tôi] rất vinh dự được liên kết với [ông].

“‘Nhưng,’ tôi nói tiếp, ‘Mặc Môn đã không chết cho tội lỗi của tôi. Mặc Môn đã không … chịu đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê hoặc chết trên thập tự giá [cho tôi]. … Chúa Giê Su Ky Tô là Thượng Đế và là Đấng Cứu Rỗi của tôi. … Và tôi muốn được biết đến theo danh Ngài. …’

“… Sau một vài giây phút im lặng, [người bạn ấy nói]: ‘Vậy, anh chính là một Ky Tô Hữu rồi!’” 13

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell M. Nelson tại đại hội trung ương

Anh chị em có nhớ những lời của Chủ Tịch Nelson không? “Tôi hứa với anh chị em rằng nếu chúng ta cố gắng hết sức để phục hồi lại đúng tên của Giáo Hội của Chúa, thì Ngài là Đấng mà Giáo Hội này thuộc vào sẽ trút quyền năng và các phước lành của Ngài xuống đầu Các Thánh Hữu Ngày Sau, theo cách mà chúng ta chưa từng thấy bao giờ.” 14

Chúa Luôn Mở Đường

Chúa luôn giữ lời hứa của Ngài. Ngài luôn mở đường cho chúng ta khi chúng ta thực hiện công việc của Ngài.

Trong nhiều năm, chúng ta đã hy vọng được mua hai tên miền ChurchofJesusChrist.org và ChurchofJesusChrist.com. Không tên miền nào được rao bán. Vào khoảng thời gian thông báo của Chủ Tịch Nelson, cả hai tên miền đều bất ngờ có sẵn. Đó là một phép lạ. 15

Chúa đã làm vinh hiển những nỗ lực của chúng ta trong việc sửa đổi những cái tên đã gắn liền với Giáo Hội từ rất lâu.

Tiến tới trong đức tin, tên của Đại Ca Đoàn Mormon Tabernacle được đổi tên thành Đại Ca Đoàn Tabernacle at Temple Square. Trang mạng LDS.org, mỗi tháng nhận được hơn 21 triệu lượt truy cập, đã được chuyển sang trang ChurchofJesusChrist.org. 16 Tên của trường LDS Business College đã được đổi thành Ensign College. Trang mạng Mormon.org đã được điều hướng vào trang ChurchofJesusChrist.org. Hơn một ngàn sản phẩm gắn liền với danh hiệu “Mặc Môn” hoặc “LDS” đã được đổi tên. Nhiều Thánh Hữu Ngày Sau trung tín đã điều chỉnh trang mạng, podcast, và tài khoản Twitter của họ.

Hình Ảnh
Biểu tượng mới của Giáo Hội

Chúng ta đã sử dụng một biểu tượng mới mà đặt trọng tâm vào Chúa Giê Su Ky Tô.

“Ở chính giữa biểu tượng này là một bức tượng Đấng Ky Tô bằng đá cẩm thạch của Thorvaldsen. Bức tượng này là chân dung của Chúa phục sinh, hằng sống đang dang tay ra để tiếp nhận tất cả những người nào sẽ đến cùng Ngài.

“Về mặt biểu tượng, Chúa Giê Su Ky Tô đang đứng dưới một mái vòm [để nhắc nhở] chúng ta về Đấng Cứu Rỗi phục sinh bước ra khỏi ngôi mộ.” 17

Hình Ảnh
Tên của Giáo Hội trong nhiều ngôn ngữ
Hình Ảnh
Tên của Giáo Hội trong một số ngôn ngữ khác

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã thích ứng biểu tượng và thiết kế mới này trong hơn 50 ngôn ngữ. Các tên miền mới đã được mua trên khắp thế giới.

Biết Ơn Sự Giúp Đỡ từ Người Khác

Chúng tôi biết ơn những người tử tế và nhân từ đã tôn trọng mong muốn của chúng tôi để được gọi bằng danh hiệu đúng của mình. Tôi đọc được một bài báo gần đây đã trích dẫn lời của một vị hồng y Công Giáo đề cập đến “các Thánh Hữu Ngày Sau.” 18 Khi tôi đến thăm vị lãnh đạo của một giáo hội Ky Tô Giáo cách đây một tháng ở miền đông Hoa Kỳ, ông đã đề cập đến Giáo Hội vào lần đầu tiên bằng tên đầy đủ, và theo sau đó ít nhất một lần bằng, “Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Chúng tôi nhận ra rằng việc thêm sáu từ vào tên Giáo Hội chúng ta sẽ không lý tưởng cho giới truyền thông, nhưng như Chủ Tịch Nelson đã dự báo trước, “các kênh truyền thông có trách nhiệm sẽ thông cảm khi đáp ứng yêu cầu của chúng ta.” 19 Xin cảm ơn quý vị đã cân nhắc sử dụng tên mà chúng tôi muốn như đã làm với các tổ chức văn hóa, thể thao, chính trị, hoặc cộng đồng khác.

Sẽ có một vài người, với hy vọng gây xao lãng hoặc làm giảm bớt tính nghiêm túc trong sứ mệnh của chúng ta, sẽ tiếp tục gọi chúng ta là “người Mặc Môn” hoặc “Giáo Hội Mặc Môn.” Với phép lịch sự, chúng tôi một lần nữa kêu gọi giới truyền thông công bằng hãy tôn trọng mong muốn của chúng tôi để được gọi bằng tên đã có từ gần 200 năm trước của chúng tôi.

Lòng Can Đảm của Các Thánh Hữu Ngày Sau

Có hàng ngàn hàng vạn Thánh Hữu Ngày Sau đã can đảm tuyên xưng tên của Giáo Hội. Khi chúng ta làm phần vụ của mình, những người khác sẽ noi theo. Tôi thích câu chuyện này từ Tahiti.

Bé gái mười tuổi Iriura Jean đã quyết tâm tuân theo lời khuyên dạy của Chủ Tịch Nelson.

“Khi lớp học của em ấy thảo luận về những ngày cuối tuần của các em … và Iriura đã nói về … nhà thờ.

“Cô giáo của em ấy, Vaite Pifao, đã nói: ‘Ồ, vậy em là người Mặc Môn à?’

“Iriura đã dõng dạc nói: ‘Không, … em là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô!’

“Cô giáo của em đáp lại: ‘Đúng vậy, … em là một người Mặc Môn.’

“Iriura khẳng định: ‘Không thưa cô, em là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô!’

“Cô Pifao ngạc nhiên trước niềm tin chắc chắn của Iriura và tự hỏi tại sao em ấy khăng khăng sử dụng [cái] tên dài của Giáo Hội. [Cô ấy quyết định tìm hiểu thêm về Giáo Hội.]

“[Về sau, khi Chị] Vaite Pifao được làm phép báp têm, [chị ấy biểu lộ lòng biết ơn] rằng Iriura đã tuân theo lời khuyên dạy của Chủ Tịch Nelson.” 20

Hình Ảnh
Chị phụ nữ này đã tìm hiểu về Giáo Hội nhờ vào học sinh của chị ấy

“Tên của Giáo Hội không thể thương lượng để sửa đổi.” Hãy tiến bước với đức tin. Khi chúng ta sẵn sàng tuân theo lời khuyên dạy từ Chúa như đã được mặc khải qua vị tiên tri tại thế của Ngài, đặc biệt nếu điều đó trái với suy nghĩ ban đầu của chúng ta và đòi hỏi lòng khiêm nhường cùng sự hy sinh, thì Chúa sẽ ban cho chúng ta thêm sức mạnh thuộc linh và phái các thiên sứ của Ngài đến hỗ trợ và đồng hành cùng chúng ta. 21 Chúng ta nhận được sự xác nhận và sự chấp thuận từ Chúa.

Tôi là một nhân chứng cho quyền năng từ thiên thượng ở cùng vị tiên tri thân yêu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson. Mong muốn chân thành nhất của ông là làm hài lòng Chúa và ban phước cho các con cái của Cha Thiên Thượng. Từ những trải nghiệm cá nhân thiêng liêng, tôi làm chứng về tình thương yêu của Chúa dành cho ông. Ông là vị tiên tri của Thượng Đế.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem 3 Nê Phi 27:7–9; Giáo Lý và Giao Ước 115:4.

  2. Russell M. Nelson, trong bài viết “The Name of the Church,” Newsroom, ngày 16 tháng Tám năm 2018, newsroom.ChurchofJesusChrist.org.

  3. President Nelson Discusses the Name of the Church,” Newsroom, ngày 21 tháng Tám năm 2018, newsroom.ChurchofJesusChrist.org.

  4. Russell M. Nelson, “Tên Đúng của Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 87.

  5. Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Tảng Thuộc Linh Của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 94.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 64:32.

  7. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 147.

  8. 2 Nê Phi 27:26.

  9. 1 Nê Phi 15:18.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 101:17.

  11. Russell M. Nelson, “Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 114.

  12. Xin xem Henry B. Eyring, “Giáo Hội của Ta Sẽ Được Gọi Như Vậy,” Liahona, tháng Mười năm 2021, trang 6–9.

  13. Lauri Ahola, “Việc Sử Dụng Tên Đầy Đủ của Giáo Hội Tuy Lúng Túng nhưng Rất Đáng Làm,” (bài viết chỉ dành cho nền tảng kỹ thuật số), Liahona, tháng Tư năm 2020, ChurchofJesusChrist.org.

  14. Russell M. Nelson, “Tên Đúng của Giáo Hội,” trang 89.

  15. Văn Phòng Sở Hữu Trí Tuệ của Giáo Hội đã theo dõi tên miền ChurchofJesusChrist.org từ năm 2006, và tên miền đó đã không có sẵn. Điều đáng chú ý là tên miền này đã được rao bán gần như vào đúng thời gian thông báo của Chủ Tịch Nelson, và Giáo Hội đã mua tên miền đó với một khoản tiền rất nhỏ.

    Theo cách tương tự, Giáo Hội đã theo dõi trạng thái và tính sẵn có của tên miền ChurchofJesusChrist.com từ năm 2011. Ngạc nhiên thay, tên miền này cũng đã có sẵn vào tháng Tám năm 2018 và cũng đã được mua.

  16. Trong đại hội trung ương tháng Mười năm 2018, Chủ Tịch Nelson đã nói:

    “Thưa các anh chị em, có nhiều cuộc tranh luận trên thế gian chống lại việc phục hồi tên đúng của Giáo Hội. Vì thế giới kỹ thuật số mà chúng ta đang sống trong đó, và với sự tối ưu hóa của công cụ tìm kiếm mà giúp tất cả chúng ta tìm thấy thông tin chúng ta cần hầu như ngay lập tức—kể cả thông tin về Giáo Hội của Chúa—các nhà phê bình nói rằng sự sửa đổi vào thời điểm này là không khôn ngoan. …

    “… Tôi hứa với anh chị em rằng nếu chúng ta cố gắng hết sức để phục hồi lại đúng tên của Giáo Hội của Chúa, thì Ngài là Đấng mà Giáo Hội này thuộc vào sẽ trút quyền năng và các phước lành của Ngài xuống đầu Các Thánh Hữu Ngày Sau” (“Tên Đúng của Giáo Hội,” trang 88, 89).

    Kể từ khi chuyển đổi LDS.org sang ChurchofJesusChrist.org, điểm xếp hạng tên miền (khả năng và quyền hạn của một trang mạng để được xếp hạng trong các công cụ tìm kiếm) đã tăng lên nhiều hơn trước đây. Ví dụ, trang chủ ChurchofJesusChrist.org giờ đây, và đã hơn một năm nay, là kết quả tìm kiếm hàng đầu trên Google ở Hoa Kỳ khi một ai đó tìm kiếm cụm từ “giáo hội/nhà thờ,” việc mà trước đó tên miền này không đạt được.

  17. Russell M. Nelson, “Mở Ra Các Tầng Trời để Giúp Đỡ,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 73.

  18. Xin xem Tad Walch, “‘If We Can’t Get Along, It’s Downright Sinful’: The Partnership between Catholics and Latter-day Saints,” Deseret News, ngày 1 tháng Bảy năm 2021, deseret.com.

  19. Russell M. Nelson, “Tên Đúng của Giáo Hội,” trang 89.

  20. The Correct Name of the Church: A Tahitian Story,” Pacific Newsroom, ngày 15 tháng Chín năm 2019, news-nz.ChurchofJesusChrist.org.

  21. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:88.