Đại Hội Trung Ương
Đối Phó với Những Cơn Bão Thuộc Linh của Chúng Ta bằng Đức Tin nơi Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


Đối Phó với Những Cơn Bão Thuộc Linh của Chúng Ta bằng Đức Tin nơi Đấng Ky Tô

Chúng ta đối mặt với những cơn bão thuộc linh của mình một cách tốt nhất bằng cách tin nơi Đấng Ky Tô và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

Trong sáu năm qua, vợ của tôi, Ann, và tôi đã sống ở Texas gần duyên hải Vịnh Mexico, nơi mà một số cơn bão lớn nhất đã đổ bộ vào Hoa Kỳ, để lại sự tàn phá khủng khiếp và thậm chí là thiệt hại về nhân mạng. Đáng buồn thay, những thiên tai như vậy đã không còn xa lạ trong những tháng gần đây. Chúng tôi dành tình yêu thương và những lời cầu nguyện của mình cho tất cả những người đã bị ảnh hưởng trong bất cứ phương diện nào. Vào năm 2017, chính chúng tôi đã trải qua cơn bão Harvey, là cơn bão có lượng mưa kỷ lục lên đến 60 inch (150 cm).

Các quy luật tự nhiên chi phối sự hình thành các cơn bão. Nhiệt độ đại dương phải ít nhất là 80 độ F (27 độ C), trải dài độ sâu đến 165 feet (50 mét) dưới bề mặt đại dương. Khi gió gặp nước biển ấm, nó làm cho nước bay hơi và bốc lên cao trong bầu khí quyển, rồi hóa lỏng. Sau đó, những đám mây hình thành, và gió thổi mây di chuyển theo hình xoắn ốc trên bề mặt đại dương.

Hình Ảnh
Cơn bão

Các cơn bão lốc xoáy có kích thước khổng lồ, cột lốc cao tới 50,000 feet (15,240 mét) trở lên trong bầu khí quyển và trải dài ít nhất 125 dặm (200 km). Thú vị thay, khi cơn bão đổ bộ vào đất liền, thì chúng bắt đầu suy yếu vì chúng không còn ở trên vùng nước ấm cần thiết để tăng cường cho sức mạnh của chúng nữa. 1

Anh chị em có thể chưa bao giờ phải đối mặt với một cơn bão tàn khốc thực sự. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta đều đã và sẽ vượt qua những cơn bão thuộc linh đe dọa sự bình an của chúng ta và thử thách đức tin của chúng ta. Trong thế giới ngày nay, dường như chúng ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ. May thay, Chúa đã ban cho chúng ta một cách chắc chắn để vui vẻ vượt qua chúng. Bằng cách sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta tin chắc rằng “một đôi lúc khó khăn, buồn lo, phiền ưu bủa vây, dọa tan biến bao bình yên của tâm hồn, chợt một ánh sáng hy vọng bật soi trong đêm tối.” 2

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích:

“Các Thánh Hữu có thể vui vẻ trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta có thể cảm thấy niềm vui mặc dù có một ngày tồi tệ, một tuần tồi tệ, hoặc thậm chí là một năm tồi tệ!

“… Niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều đều tùy thuộc vào điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta.

Khi điểm tập trung của cuộc sống chúng ta là vào Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình.” 3

Cũng giống như các quy luật tự nhiên chi phối các cơn bão, các luật pháp thiêng liêng chi phối cách cảm nhận niềm vui trong những cơn bão thuộc linh của chúng ta. Niềm vui hay sự đau khổ chúng ta cảm thấy khi can đảm đối mặt với những cơn bão tố của cuộc đời gắn liền với các luật pháp mà Thượng Đế đã đặt ra. Chủ Tịch Nelson đã chia sẻ: “Chúng được gọi là các giáo lệnh, nhưng chúng cũng chân thật giống như luật lực nâng, luật hấp dẫn, [và] luật điều khiển nhịp tim.”

Chủ Tịch Nelson tiếp tục: “Nó trở thành một công thức khá đơn giản: Nếu anh chị em muốn được hạnh phúc, thì hãy tuân giữ các lệnh truyền.” 4

Nỗi nghi ngờ là kẻ thù của đức tin và niềm vui. Cũng giống như nước biển ấm là nơi sản sinh ra các cơn bão, nỗi nghi ngờ là nơi sản sinh ra những cơn bão thuộc linh. Cũng như niềm tin là một sự lựa chọn, thì nỗi nghi ngờ cũng vậy. Khi chọn để nghi ngờ, chúng ta chọn bị tác động, nhượng bộ quyền năng cho kẻ nghịch thù, do đó làm cho chúng ta yếu đuối và dễ bị tổn thương. 5

Sa Tan tìm cách dẫn dắt chúng ta đi đến nơi sinh ra nỗi nghi ngờ. Hắn tìm cách làm chúng ta cứng lòng để chúng ta sẽ không tin. 6 Nơi sinh ra nỗi nghi ngờ có thể rất hấp dẫn vì vùng nước dường như bình yên, ấm áp của nó không đòi hỏi chúng ta phải “sống theo từng lời nói phán ra từ miệng của Thượng Đế.” 7 Trong những vùng nước như vậy, Sa Tan cám dỗ chúng ta buông lỏng sự cảnh giác thuộc linh của mình. Sự mất cảnh giác đó có thể gây ra sự thiếu sự tin chắc về phần thuộc linh, tức là chúng ta “không lạnh cũng không nóng.” 8 Nếu chúng ta không neo mình vào Đấng Ky Tô, thì nỗi nghi ngờ và sự cám dỗ của nó sẽ dẫn dắt chúng ta đi đến sự thờ ơ, là nơi mà chúng ta sẽ không tìm thấy phép lạ, hạnh phúc lâu dài, hay sự “yên nghỉ cho linh hồn [chúng ta].” 9

Cũng giống như các cơn bão bị suy yếu trên mặt đất, nỗi nghi ngờ được thay thế bằng đức tin khi chúng ta xây dựng nền móng của mình trên Đấng Ky Tô. Sau đó, chúng ta có thể thấy được bản chất của những cơn bão thuộc linh, và khả năng của chúng ta để khắc phục chúng được gia tăng. Để rồi, “khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải, những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, … thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo [chúng ta] xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà [chúng ta] được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc.” 10

Chủ Tịch Nelson đã dạy:

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là nền tảng của mọi niềm tin và là cách tiếp cận quyền năng thiêng liêng. …

“Chúa không đòi hỏi đức tin hoàn hảo để chúng ta có thể tiếp cận với quyền năng hoàn hảo của Ngài. Nhưng Ngài thực sự yêu cầu chúng ta phải tin.” 11

Kể từ đại hội trung ương tháng Tư, gia đình tôi và tôi đã tìm cách củng cố đức tin của chúng tôi nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài để giúp chúng tôi “biến thử thách [của chúng tôi] thành cơ hội và sự tăng trưởng vô song.” 12

Đứa cháu gái Ruby của chúng tôi đã được ban phước với một ý chí mạnh mẽ và dám chịu trách nhiệm. Khi mới sinh, thực quản của nó không dính liền với dạ dày. Với sự giúp đỡ của cha mẹ, Ruby đã đối mặt với những thử thách này bằng quyết tâm khác thường ngay cả khi còn là một đứa trẻ sơ sinh. Ruby giờ đây đã năm tuổi. Mặc dù vẫn còn rất nhỏ, nhưng nó là một tấm gương mạnh mẽ về việc không để hoàn cảnh quyết định hạnh phúc của mình. Nó luôn luôn hạnh phúc.

Tháng Năm năm ngoái, với đức tin của mình, Ruby phải đối mặt với một cơn bão khác trong cuộc đời. Nó cũng được sinh ra với một bàn tay chưa phát triển đầy đủ mà cần được phẫu thuật tái tạo. Trước cuộc giải phẫu khá phức tạp này, chúng tôi đã đến thăm và tặng nó một bức tranh mô tả tuyệt đẹp bàn tay của một đứa trẻ đang nắm tay Đấng Cứu Rỗi. Khi chúng tôi hỏi nó có lo lắng không, nó trả lời: “Không, cháu rất vui ạ!”

Hình Ảnh
Ruby với bức tranh vẽ bàn tay của Đấng Cứu Rỗi

Sau đó chúng tôi hỏi nó: “Vì sao thế Ruby?”

Ruby tự tin khẳng định: “Bởi vì cháu biết rằng Chúa Giê Su sẽ nắm tay cháu ạ.”

Sự hồi phục của Ruby thật là kỳ diệu, và nó tiếp tục được hạnh phúc. Sự thanh khiết trong đức tin của một đứa trẻ tương phản làm sao với sự nghi ngờ khờ dại mà thường có thể cám dỗ chúng ta khi chúng ta lớn tuổi hơn! 13 Nhưng tất cả chúng ta đều có thể trở thành như trẻ nhỏ và chọn bỏ qua một bên sự không tin của mình. Đó là một sự lựa chọn đơn giản.

Một người cha ân cần đã khẩn nài Đấng Cứu Rỗi rằng: “Nếu thầy làm được việc gì, xin thương xót chúng tôi và giúp cho.” 14

Rồi Chúa Giê Su phán cùng ông:

“Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả.

“Tức thì [người] cha … la lên rằng: Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi.” 15

Người cha khiêm nhường này đã khôn ngoan chọn tin cậy nơi Đấng Ky Tô thay vì nỗi nghi ngờ của mình. Chủ Tịch Nelson đã chia sẻ: “Chỉ có sự không tin của anh chị em mới ngăn Thượng Đế ban phước cho anh chị em với phép lạ để dời núi trong cuộc sống của anh chị em.” 16

Thượng Đế của chúng ta có lòng thương xót biết bao để đặt thước đo cho chúng ta ở mức độ tin tưởng chứ không phải ở mức độ hiểu biết!

An Ma dạy:

“Phước thay cho những ai tin vào lời của Thượng Đế.” 17

“[Vì] Thượng Đế thương xót tất cả những ai tin vào danh Ngài; vậy nên, việc đầu tiên là Ngài muốn các người phải có đức tin.” 18

Vâng, trước hết, Thượng Đế mong muốn chúng ta tin nơi Ngài.

Chúng ta đối mặt với những cơn bão thuộc linh của mình một cách tốt nhất bằng cách tin nơi Đấng Ky Tô và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Đức tin và sự vâng lời của chúng ta liên kết chúng ta với quyền năng vượt quá khả năng của chính mình để khắc phục “[bất kể điều gì] đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình.” 19 Vâng, Thượng Đế “ban phước lành cho [chúng ta] ngay nhờ sự tin tưởng và vâng lời. 20 Thật vậy, theo thời gian, trạng thái của chúng ta thay đổi thành hạnh phúc, và “chúng ta được làm cho sống lại trong Đấng Ky Tô” khi chúng ta thực hành đức tin của mình nơi Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. 21

Thưa các anh chị em, cầu xin cho chúng ta chọn ngày hôm nay để “chớ nghi ngờ mà hãy tin.” 22 “Con đường ngay chính tức là tin nơi Đấng Ky Tô.” 23 Chúng ta “đã chạm … trong lòng bàn tay [Ngài].” 24 Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, là Đấng đứng trước cửa và gõ cửa của chúng ta. 25 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.