Đại Hội Trung Ương
Mở Ra Các Tầng Trời để Giúp Đỡ
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2020


Mở Ra Các Tầng Trời để Giúp Đỡ

Chúng ta hãy đặt đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô thành hành động!

Đây thật là một phiên họp độc đáo và tuyệt vời! Xin cám ơn hai em Laudy và Enzo thân mến. Hai em đã đại diện một cách rất xuất sắc cho các thiếu nữ và các thiếu niên tuyệt vời của Giáo Hội.

Anh chị em, hôm nay chúng ta đã nghe nhiều về Sự Phục Hồi của Giáo Hội—chính là Giáo Hội mà Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, đã thiết lập trong thời gian giáo vụ trần thế của Ngài. Sự Phục Hồi đó đã bắt đầu cách đây 200 năm tính đến mùa xuân này khi Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng thiếu niên Joseph Smith.

Mười năm sau khải tượng siêu việt này, Tiên Tri Joseph Smith và năm người khác được kêu gọi với tư cách là các thành viên sáng lập của Giáo Hội phục hồi của Chúa.

Từ nhóm nhỏ được nhóm họp lại vào ngày 6 tháng Tư năm 1830 đó đã trở thành một tổ chức toàn cầu với hơn 16 triệu tín hữu. Điều tốt đẹp mà Giáo Hội này thực hiện trên khắp thế giới nhằm làm giảm bớt đau khổ cho con người và nâng đỡ nhân loại đã được biết đến rộng rãi. Nhưng mục đích chính của Giáo Hội là giúp những người nam, người nữ và trẻ em noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và hội đủ điều kiện để nhận được tất cả những phước lành lớn nhất—đó là cuộc sống vĩnh cửu với Thượng Đế và những người thân yêu của họ.1

Trong khi chúng ta kỷ niệm sự kiện mà phát động Sự Phục Hồi vào năm 1820, điều quan trọng cần ghi nhớ là mặc dù chúng ta tôn kính Joseph Smith với tư cách là một vị tiên tri của Thượng Đế, nhưng đây không phải là giáo hội của Joseph Smith cũng như không phải là giáo hội của Mặc Môn. Đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài đã ra lệnh cho Giáo Hội của Ngài phải được gọi chính xác bằng tên gì: “Vì giáo hội của ta sẽ được gọi như vậy trong những ngày sau cùng, tức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.”2

Trước đây, tôi đã nói về một sự điều chỉnh cần thiết theo cách chúng ta đề cập đến tên của Giáo Hội.3 Kể từ lúc đó, nhiều việc đã được thực hiện để thực hiện sự điều chỉnh này. Tôi rất biết ơn Chủ Tịch M. Russell Ballard và toàn thể Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, là những người đã làm rất nhiều để hướng dẫn những nỗ lực này cũng như những nỗ lực mà tôi sẽ công bố tối nay.

Các vị lãnh đạo và các phòng sở của Giáo Hội, các tổ chức liên quan và hàng triệu tín hữu—cùng những người khác—hiện đang sử dụng đúng tên của Giáo Hội. Tài liệu hướng dẫn chính thức của Giáo Hội đã được điều chỉnh. Trang web chính của Giáo Hội bây giờ là ChurchofJesusChrist.org. Địa chỉ cho email, tên trang web, và các kênh truyền thông xã hội đã được cập nhật. Đại ca đoàn yêu dấu của chúng ta bây giờ là Đại Ca Đoàn Tabernacle at Temple Square.

Chúng ta đã đạt đến những nỗ lực phi thường này vì khi chúng ta xóa tên Chúa ra khỏi tên của Giáo Hội của Ngài thì chúng ta đã vô tình loại bỏ Ngài là trọng tâm của sự thờ phượng và cuộc sống của chúng ta. Khi mang danh của Đấng Cứu Rỗi lúc chịu phép báp têm, chúng ta cam kết làm chứng, qua lời nói, ý nghĩ và hành động của chúng ta, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.4

Trước đây tôi đã hứa rằng nếu chúng ta “cố gắng hết sức để phục hồi lại đúng tên của Giáo Hội của Chúa,” thì Ngài “sẽ trút quyền năng và các phước lành của Ngài xuống đầu Các Thánh Hữu Ngày Sau, theo cách mà chúng ta chưa từng thấy bao giờ.”5 Ngày hôm nay tôi lặp lại lời hứa đó.

Để giúp chúng ta tưởng nhớ đến Ngài và nhận biết Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội của Chúa, chúng tôi hân hạnh giới thiệu một biểu tượng mà sẽ biểu thị vị trí chính yếu của Chúa Giê Su Ky Tô trong Giáo Hội của Ngài.

Biểu tượng này bao gồm tên của Giáo Hội được ghi bên trong một tảng đá góc nhà. Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà chính.6

Hình Ảnh
Nhãn chữ với đá góc nhà

Ở chính giữa biểu tượng này là một bức tượng bằng đá cẩm thạch của Thorvaldsen Đấng Ky Tô. Bức tượng này là chân dung của Chúa phục sinh, hằng sống đang dang tay ra để tiếp nhận tất cả những người nào sẽ đến cùng Ngài.

Một cách tượng trưng, ​​Chúa Giê Su Ky Tô đang đứng dưới một cái cổng vòm hình cung. Cổng vòm này nhắc nhở chúng ta về Đấng Cứu Rỗi phục sinh đã bước ra khỏi ngôi mộ vào ngày thứ ba sau khi Ngài bị đóng đinh.

Hình Ảnh
Biểu tượng mới của Giáo Hội

Nhiều người sẽ cảm thấy quen thuộc với biểu tượng này vì từ lâu chúng ta đã xác định phúc âm phục hồi với Đấng Ky Tô phục sinh hằng sống.

Biểu tượng này giờ đây sẽ được sử dụng như là một hình ảnh để nhận diện cho văn học, tin tức và sự kiện chính thức của Giáo Hội.7 Biểu tượng này sẽ nhắc nhở mọi người rằng đây là Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi và mọi việc chúng ta làm, với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Ngài, đều tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.

Anh chị em thân mến, ngày mai là ngày Chủ Nhật Lễ Lá, như Anh Cả Gong đã dạy một cách thật hùng hồn. Vậy thì chúng ta bước vào tuần lễ đặc biệt mà cực điểm là Lễ Phục Sinh. Là tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, sống trong một thời kỳ mà đại dịch COVID-19 gây hỗn loạn trên thế giới, chúng ta chớ chỉ nói về Đấng Ky Tô hay thuyết giảng về Đấng Ky Tô hoặc sử dụng một biểu tượng về Đấng Ky Tô.

Chúng ta hãy đặt đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô thành hành động!

Như anh chị em đã biết, các tín hữu của Giáo Hội tuân thủ luật nhịn ăn một ngày mỗi tháng.

Giáo lý nhịn ăn là từ thời xưa. Giáo lý này từng được thực hành bởi những người anh hùng trong Kinh Thánh từ những ngày xưa. Môi Se, Đa Vít, E Xơ Ra, Nê Hê Mi, Ê Xơ Tê, Ê Sai, Đa Ni Ên, Giô Ên và nhiều người khác đã nhịn ăn và thuyết giảng về sự nhịn ăn.8 Chúa đã phán qua bài viết của Ê Sai: “Sự kiêng ăn mà ta chọn lựa, há chẳng phải là bẻ những xiềng hung ác, mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gãy mọi ách, hay sao?”9

Sứ Đồ Phao Lô khuyên Các Thánh Hữu ở Cô Rinh Tô phải “chuyên việc nhịn ăn và cầu nguyện.”10 Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán rằng có những điều nào đó “nếu không cầu nguyện và không kiêng ăn thì chẳng trừ nó được.”11

Mới gần đây tôi đã nói trong một video trên mạng truyền thông xã hội rằng “là một người thầy thuốc và bác sĩ phẫu thuật, tôi rất ngưỡng mộ các chuyên gia y tế, các nhà khoa học, và tất cả những người đang làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.”12

Giờ đây, là Chủ Tịch Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi biết rằng Thượng Đế “có đủ mọi quyền năng, mọi sự thông sáng và mọi sự hiểu biết; Ngài thông suốt tất cả mọi điều, Ngài là một Đấng đầy lòng thương xót, và Ngài ban sự cứu rỗi cho bất cứ ai hối cải và tin nơi danh Ngài.”13

Vậy nên, trong thời điểm đầy đau khổ, như khi bệnh tật đạt đến tầm cỡ đại dịch, thì điều tất nhiên nhất đối với chúng ta là kêu cầu Cha Thiên Thượng và Con Trai của Ngài—Đức Thầy Chữa Lành—để tỏ cho thấy quyền năng kỳ diệu của hai Ngài nhằm ban phước cho mọi người trên thế gian.

Trong sứ điệp trên video của tôi, tôi đã mời mọi người tham gia nhịn ăn vào Chủ Nhật ngày 29 tháng Ba năm 2020. Nhiều anh chị em có thể đã xem video đó và đã tham gia nhịn ăn. Một số có thể đã không tham gia. Giờ đây chúng ta vẫn cần đến sự giúp đỡ từ thiên thượng.

Vì vậy, anh chị em thân mến của tôi, buổi tối hôm nay, theo tinh thần của các con trai của Mô Si A, chính là những người đã hết lòng nhịn ăn và cầu nguyện,14 và là một phần của đại hội trung ương tháng Tư năm 2020, tôi đang kêu gọi nên có một buổi nhịn ăn khác trên toàn thế giới. Đối với tất cả những người mà sức khỏe có thể cho phép, chúng ta hãy nhịn ăn, cầu nguyện và đoàn kết đức tin của mình một lần nữa. Chúng ta hãy thành tâm cầu khẩn để được cứu giúp khỏi đại dịch toàn cầu này.

Tôi xin mời mọi người, kể cả những người không cùng tín ngưỡng với chúng ta, nhịn ăn và cầu nguyện vào Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 10 tháng Tư, để đại dịch hiện tại có thể được kiềm chế, những người chăm sóc được bảo vệ, nền kinh tế được vững mạnh và cuộc sống được trở lại bình thường.

Chúng ta nhịn ăn bằng cách nào? Thông thường là hai bữa ăn hoặc một khoảng thời gian 24 giờ. Nhưng anh chị em nên quyết định điều gì sẽ được xem là một sự hy sinh cho anh chị em, khi tưởng nhớ tới sự hy sinh tột bậc mà Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện cho mình. Chúng ta hãy cùng nhau cầu xin sự chữa lành trên toàn thế giới.

Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ là ngày hoàn hảo để Cha Thiên Thượng và Con Trai của Ngài nghe chúng ta cầu xin!

Anh chị em thân mến, tôi bày tỏ tình yêu thương sâu đậm của tôi dành cho anh chị em, cùng với lời chứng của tôi về sự thiêng liêng của công việc mà chúng ta đang tham gia. Đây Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài đứng đầu Giáo Hội và hướng dẫn mọi việc làm của chúng ta. Tôi biết rằng Ngài sẽ đáp lại những lời khẩn nài của dân Ngài. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.