Đại Hội Trung Ương
Dâng Sự Thánh Thiện cho Chúa
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


Dâng Sự Thánh Thiện cho Chúa

Sự hy sinh có ý nghĩa là “dâng cho” Chúa hơn là “từ bỏ”.

Năm ngoái, trong khi đang phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Bắc Á, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Chủ Tịch Russell M. Nelson để mời tôi phục vụ với tư cách là Đệ Nhị Cố Vấn trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa. Ông ân cần mời vợ tôi, Lori, cùng tham gia vào cuộc nói chuyện. Sau khi cuộc gọi kết thúc, chúng tôi vẫn còn chưa tin vào điều vừa mới diễn ra khi vợ tôi hỏi, “Em không hiểu, Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa thì làm những công việc gì vậy?” Sau khi suy nghĩ trong giây lát, tôi đáp: “Anh không biết rõ!”

Một năm sau đó—và sau khi có được những cảm nhận sâu sắc về sự khiêm nhường cùng lòng biết ơn—tôi có thể trả lời câu hỏi đó của vợ tôi với một sự hiểu biết lớn lao hơn. Trong số nhiều điều khác, Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa giám sát công việc an sinh và nhân đạo của Giáo Hội. Giờ đây, công việc này đang diễn ra trên toàn cầu và ban phước cho nhiều con cái của Thượng Đế hơn bao giờ hết.

Với tư cách là Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, chúng tôi được hỗ trợ bởi các nhân viên tuyệt vời của Giáo Hội cùng những người khác, bao gồm Chủ Tịch Đoàn Hội Phụ Nữ Trung Ương, là những người phục vụ cùng chúng tôi trong Ủy Ban Chấp Hành Chương Trình An Sinh và Tự Lực của Giáo Hội. Trong vai trò của chúng tôi với tư cách là các ủy viên, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã yêu cầu tôi—cũng như Chị Sharon Eubank, là người đã nói chuyện cùng với chúng ta buổi tối hôm qua—để chia sẻ với anh chị em một bản cập nhật về các nỗ lực viện trợ nhân đạo gần đây của Giáo Hội. Họ cũng đặc biệt đề nghị rằng chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của họ—bởi vì, thưa anh chị em, chính anh chị em là những người mà đã làm cho những nỗ lực nhân đạo này được khả thi.

Hình Ảnh
Các khoản hiến tặng nhân đạo
Hình Ảnh
Các khoản hiến tặng nhân đạo bổ sung

Khi chúng ta quan sát với mối lo ngại về những ảnh hưởng ban đầu về mặt kinh tế của cuộc khủng hoảng COVID-19 trên toàn thế giới, chúng ta có thể dễ dàng dự kiến một sự suy giảm trong việc đóng góp tiền bạc mà Các Thánh Hữu có thể đưa ra. Suy cho cùng, các tín hữu của chúng ta cũng đã trải qua những trở ngại đến từ cơn đại dịch. Hãy thử tưởng tượng cảm nhận của chúng tôi khi chúng tôi đã thấy được điều đó hoàn toàn ngược lại! Các khoản hiến tặng nhân đạo trong năm 2020 hóa ra lại là cao nhất từng có—và thậm chí đang có xu hướng tăng cao hơn trong năm nay. Nhờ kết quả của sự hào phóng của anh chị em, Giáo Hội đã có thể đạt được sự đáp ứng rộng rãi nhất kể từ khi bắt đầu Quỹ Nhân Đạo, với hơn 1.500 dự án cứu trợ COVID trong hơn 150 quốc gia. Các khoản hiến tặng này, mà các anh chị em đã thực hiện một cách vô vị kỷ đối với Chúa, đã được chuyển đổi thành thực phẩm để duy trì sự sống, khí oxy, đồ tiếp liệu y tế, và vắc-xin dành cho những người mà nếu không có các khoản hiến tặng này từ anh chị em thì họ có thể sẽ không nhận được chúng.

Hình Ảnh
Người Tị Nạn
Hình Ảnh
Người Tị Nạn
Hình Ảnh
Người Tị Nạn

Cũng đáng kể như việc đóng góp hàng hóa, những đóng góp về mặt thời gian và công sức mà các tín hữu Giáo Hội đã hiến tặng cho các mục đích nhân đạo cũng vô cùng to lớn. Thậm chí khi cơn đại dịch hoành hành, thảm họa thiên nhiên, xung đột dân sự, và sự bất ổn về mặt kinh tế không ngừng xảy ra và đã tiếp tục khiến cho hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ. Liên Hợp Quốc hiện thông báo rằng trên toàn thế giới có hơn 82 triệu người buộc phải tị nạn. 1 Thêm vào con số này là hàng triệu người khác mà chọn thoát khỏi cảnh nghèo đói hoặc đàn áp để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ hay cho con cái của họ, và anh chị em có thể bắt đầu hiểu thêm một chút về mức độ quan trọng của tình trạng toàn cầu này.

Tôi vui mừng thông báo rằng nhờ có sự tình nguyện về thời gian và tài năng của rất nhiều người, Giáo Hội đã vận hành các trung tâm chào đón người tị nạn và người nhập cư ở nhiều địa điểm tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Và nhờ có sự đóng góp của anh chị em, chúng tôi cung cấp hàng hóa, tiền bạc, và tình nguyện viên để giúp các chương trình tương tự mà được vận hành bởi các tổ chức khác nhau trên toàn thế giới.

Tôi xin gửi lòng biết ơn chân thành của mình đến Các Thánh Hữu mà đã tìm đến để cho ăn, cho mặc, và làm bạn với những người tị nạn này cùng giúp họ trở nên được củng cố và tự lực.

Buổi tối hôm qua, Chị Eubank đã chia sẻ với anh chị em một số nỗ lực tuyệt vời của Các Thánh Hữu về vấn đề này. Khi tôi suy ngẫm về các nỗ lực này, những ý nghĩ của tôi thường hướng về nguyên tắc của sự hy sinh và mối liên kết trực tiếp của nguyên tắc này với hai lệnh truyền lớn lao để yêu mến Thượng Đế và yêu thương người lân cận mình.

Trong cách sử dụng thời nay, thuật ngữ sự hy sinh bao hàm khái niệm của việc “từ bỏ” mọi điều vì Chúa và vương quốc của Ngài. Tuy nhiên, trong thời xưa, từ sự hy sinh có ý nghĩa gần hơn với hai từ gốc trong tiếng La Tinh: sacer, có nghĩa là “thiêng liêng” hoặc “thánh thiện,” và facere, có nghĩa là “làm cho.” 2 Vậy nên, theo nghĩa cổ xưa thì sự hy sinh thực ra có ý nghĩa là “làm cho điều gì hoặc ai đó trở nên thánh thiện.” 3 Với sự nhìn nhận như vậy, thì sự hy sinh là tiến trình của việc trở nên thánh thiện và tiến tới việc biết Thượng Đế, chứ không phải là một sự kiện hoặc nghi thức “từ bỏ” mọi điều cho Chúa.

Chúa phán rằng: “Vì ta ưa sự [nhân từ] mà không ưa của lễ, ưa sự nhìn biết Đức Chúa Trời hơn là ưa của lễ thiêu.” 4 Chúa muốn chúng ta trở nên thánh thiện, 5 để có được lòng bác ái, 6 và để tiến tới việc nhận biết Ngài. 7 Như Sứ Đồ Phao Lô đã dạy: “Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.” 8 Sau cùng, Chúa muốn tấm lòng của chúng ta; Ngài muốn chúng ta trở thành người dựng nên mới trong Đấng Ky Tô. 9 Như khi Ngài chỉ dẫn cho dân Nê Phi, “Và các ngươi chỉ phải hiến dâng cho ta một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối làm của lễ hy sinh.” 10

Hình Ảnh
Thánh cho Chúa

Sự hy sinh có ý nghĩa là “dâng cho” Chúa hơn là “từ bỏ”. Được khắc trên cửa vào của mỗi đền thờ của chúng ta là những dòng chữ “Thánh cho Chúa; Nhà của Chúa.” Khi chúng ta tuân giữ các giao ước của mình bằng sự hy sinh, thì chúng ta được làm cho thánh thiện qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô, và tại bàn thờ trong đền thờ thánh, cùng với tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối, chúng ta dâng cho Chúa sự thánh thiện của mình. Anh Cả Neal A. Maxwell đã dạy: “Điều riêng tư duy nhất chúng ta phải đặt lên trên bàn thờ Thượng Đế thật sự là việc phục tùng bởi ý muốn [hoặc tấm lòng 11 ] của chúng ta. … Tuy nhiên, khi các anh chị em và tôi cuối cùng cũng chịu phục tùng, bằng cách để cho những ý muốn cá nhân của mình tuân theo ý muốn của Thượng Đế, thì chúng ta đang thật sự dâng cho Ngài một điều gì đó!” 12

Khi những sự hy sinh của chúng ta để cứu giúp người khác được xem xét từ quan điểm của việc “từ bỏ”, chúng ta có thể xem chúng như một gánh nặng và trở nên thất vọng khi những sự hy sinh của chúng ta không được công nhận và tưởng thưởng. Tuy nhiên, khi xem xét từ quan điểm của việc “dâng cho” Chúa, thì sự hy sinh của chúng ta để cứu giúp người khác trở thành những món quà, và niềm vui của sự cho đi một cách rộng lượng sẽ trở thành sự tưởng thưởng. Không còn cần tình yêu thương, sự chấp thuận, hay sự biết ơn từ những người khác, sự hy sinh của chúng ta trở thành những biểu lộ thanh khiết nhất và sâu sắc nhất của lòng biết ơn và tình yêu thương của chúng ta dành cho Đấng Cứu Rỗi cùng đồng loại của mình. Bất cứ cảm nghĩ tự hào về sự hy sinh quên mình mở đường cho những cảm nghĩ về lòng biết ơn, sự rộng lượng, sự mãn nguyện và niềm vui. 13

Có điều gì đó đã được làm cho thánh thiện—dù đó là cuộc sống, tài sản, thời giờ, hay tài năng của chúng ta—không đơn thuần bởi việc cho đi, nhưng thay vào đó là bằng sự hiến dâng 14 điều đó cho Chúa. Công việc nhân đạo của Giáo Hội là một món quà như thế. Đó là kết quả của các của lễ được thu góp, dâng hiến của Các Thánh Hữu, một sự biểu lộ về tình yêu thương của chúng ta dành cho Chúa và con cái của Ngài. 15

Hình Ảnh
Chị Canfield cùng những người mà chị phục vụ

Steve và Anita Canfield là những người đại diện cho Các Thánh Hữu Ngày Sau trên khắp thế giới mà chính họ đã có kinh nghiệm về các phước lành chuyển hóa từ việc dâng cho Chúa. Với tư cách là những người truyền giáo về an sinh và sự tự lực, gia đình Canfield đã được yêu cầu để cung cấp sự trợ giúp tại các trại tị nạn và trung tâm dành cho người nhập cư trên khắp Châu Âu. Về khía cạnh nghề nghiệp, Chị Canfield là một nhà thiết kế nội thất nổi tiếng thế giới, được các khách hàng giàu có ký hợp đồng để trang trí cho những ngôi nhà xa hoa của họ. Đột nhiên, chị thấy mình bị đẩy vào một thế giới mà hoàn toàn trái ngược khi chị phục vụ giữa những người mà gần như đã mất tất cả mọi thứ thuộc về tài sản trên thế gian. Theo lời chị, chị đã đổi “đường đi lót đá cẩm thạch để lấy những nền nhà dơ bẩn,” và khi làm như vậy, chị đã tìm thấy một mức độ viên mãn vô hạn khi chị cùng chồng mình bắt đầu làm bạn—và rồi yêu thương cùng bao bọc—những người mà cần sự chăm sóc của họ.

Gia đình Canfield đã nhận thấy, “Chúng tôi không cảm thấy như là mình đã phải ‘từ bỏ’ bất cứ điều gì để phục vụ Chúa. Ước muốn của chúng tôi đơn giản là ‘dâng cho’ Ngài thời gian và công sức của chúng tôi để ban phước cho con cái Ngài theo bất cứ cách nào mà Ngài thấy phù hợp để sử dụng chúng tôi. Khi chúng tôi làm việc cùng các anh chị em của mình, bất kể diện mạo bên ngoài—bất kể sự khác biệt về xuất thân và tài sản—đều tan biến giữa chúng tôi, và chúng tôi chỉ còn thấy tình yêu thương dành cho nhau. Không có mức độ về sự thành công nghề nghiệp hay sự gia tăng vật chất nào mà có thể sánh được theo cách mà những kinh nghiệm này, việc phục vụ giữa những con cái khiêm nhường nhất của Thượng Đế, đã làm giàu cho chúng tôi.”

Câu chuyện của gia đình Canfield và rất nhiều người khác như thế đã giúp tôi biết ơn lời của một bài hát thiếu nhi đơn giản mà sâu sắc:

Con suối nhỏ nói: “Hãy cho.”

Khi nó vội vã chảy xuống ngọn đồi;

“Tôi biết tôi nhỏ bé, nhưng bất cứ nơi nào tôi đi qua

Các cánh đồng vẫn mọc lên xanh tươi hơn.”

Đúng thế, mỗi người chúng ta tuy nhỏ bé, nhưng cùng với nhau khi chúng ta thúc đẩy để dâng cho Thượng Đế và cho đồng loại của mình; thì bất cứ nơi đâu chúng ta đi, cuộc sống sẽ được làm cho dồi dào và được ban phước.

Câu thứ ba của bài hát này tuy ít phổ biến hơn nhưng kết thúc cùng lời mời gọi yêu thương này:

Vậy hãy cho như Chúa Giê Su cho;

Có một điều gì đó tất cả đều có thể cho.

Hãy làm như các dòng suối và các đóa hoa nở rộ đang làm:

Vì Thượng Đế và những người khác sống. 16

Thưa anh chị em, khi chúng ta sống vì Thượng Đế và những người khác bằng cách cho đi của cải, thời gian, và vâng, thậm chí chính bản thân chúng ta, thì chúng ta đang làm cho thế giới xanh hơn một chút, làm cho con cái của Thượng Đế hạnh phúc hơn một chút, và, trong tiến trình đó, trở nên thánh thiện hơn một chút.

Cầu xin Chúa ban phước cho anh chị em một cách dồi dào vì những sự hy sinh mà anh chị em sẵn lòng dâng cho Ngài.

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống. “Đấng Thánh Thiện là danh Ngài.” 17 Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Ngài và Chúa là Đấng ban cho mọi ân tứ tốt lành. 18 Cầu xin qua ân điển của Ngài cùng sự tuân giữ các giao ước của chúng ta qua sự hy sinh mà chúng ta được làm cho thánh thiện và luôn dâng cho Chúa nhiều tình yêu thương cùng sự thánh thiện hơn. 19 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem “Global Trends: Forced Displacement in 2020,” báo cáo UNHCR, ngày 18 tháng Sáu năm 2021, unhcr.org.

  2. Sacrifice có nguồn gốc từ tiếng La Tinh sacrificium, được kết hợp bởi hai từ gốc La Tinh sacerfacere, theo Merriam-Webster Dictionary (xin xem merriam-webster.com). Theo Latin-English Dictionary (xin xem latin-english.com), từ sacer có nghĩa là “thiêng liêng” hoặc “thánh thiện”, và từ facere có nghĩa là “làm hoặc làm cho.”

  3. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Hy Sinh,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.

  4. Ô Sê 6:6; xin xem thêm cước chú b, nói rằng lòng thương xót trong tiếng Hơ Bơ Rơ có nghĩa là “lòng bác ái” hoặc “lòng yêu thương nhân từ.” Xin xem thêm Ma Thi Ơ 9:10–13; 12:7.

  5. Xin xem Lê Vi Ký 11:44.

  6. Xin xem Mô Rô Ni 7:47.

  7. Xin xem Mô Si A 5:13.

  8. 1 Cô Rinh Tô 13:3; xin xem thêm Mô Si A 2:21.

  9. Xin xem 2 Cô Rinh Tô 5:17.

  10. 3 Nê Phi 9:20, sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm câu 19.

  11. Từ tấm lòng được thêm vào ở đây là một từ đồng nghĩa của từ ý muốn.

  12. Neal A. Maxwell “Swallowed Up in the Will of the Father,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 24; sự nhấn mạnh được thêm vào. Xin xem thêm Ôm Ni 1:26; Rô Ma 12:1.

  13. Xin xem Mô Rô Ni 10:3.

  14. Dâng hiến có nghĩa là “bày tỏ hoặc dành riêng một cách thiêng liêng,” theo American Heritage College Dictionary.

  15. Xin xem Ma Thi Ơ 22:36–40.

  16. “‘Give,’ Said the Little Stream,” Children’s Songbook, bài số 236.

  17. Môi Se 6:57.

  18. Xin xem Mô Rô Ni 10:18.

  19. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 97:8.