Đại Hội Trung Ương
Hãy Tin Cậy Lần Nữa
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


Hãy Tin Cậy Lần Nữa

Sự tin cậy nơi Thượng Đế và tin cậy lẫn nhau mang lại những phước lành thượng thiên.

Khi còn nhỏ, có một lần tôi thoáng nghĩ đến việc bỏ nhà ra đi. Theo cách nghĩ trẻ con, tôi cảm thấy không ai yêu mến tôi.

Người mẹ tinh ý của tôi đã lắng nghe và trấn an tôi. Tôi được an toàn ở nhà.

Anh chị em có bao giờ cảm thấy mình muốn bỏ nhà ra đi chưa? Việc bỏ nhà đi thường có nghĩa là sự tin cậy đã bị giảm sút hoặc đánh mất—sự tin cậy nơi bản thân chúng ta, lẫn nhau, và nơi Thượng Đế. Khi sự tin cậy bị thử thách, chúng ta thầm hỏi làm cách nào để tin cậy lần nữa.

Sứ điệp ngày hôm nay của tôi là cho dù hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta là gì đi nữa, thì Thượng Đế luôn có mặt để hỗ trợ và yêu thương chúng ta. 1 Chúng ta có thể tìm thấy đức tin và sự can đảm, sự hiểu biết cùng sự suy xét khôn ngoan nơi Ngài để tin cậy lần nữa. Cũng như Ngài đã làm cho chúng ta, Ngài đòi hỏi chúng ta tiếp tục yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau, để trở nên tha thứ và ít xét đoán hơn bản thân chúng ta và lẫn nhau, để Giáo Hội của Ngài có thể trở thành một nơi chúng ta có cảm giác như là nhà cho dù chúng ta đến lần đầu tiên hay đang quay trở lại.

Sự tin cậy là một hành động với đức tin. Thượng Đế tin cậy nơi chúng ta. Tuy nhiên, sự tin cậy con người có thể bị xói mòn hoặc đánh mất khi:

  • Một người bạn, người cộng tác kinh doanh, hoặc một ai đó chúng ta tin cậy không thật thà, làm tổn thương chúng ta, hay lợi dụng chúng ta. 2

  • Một người phối ngẫu không chung thủy.

  • Một người nào đó chúng ta yêu thương có thể bất thình lình đương đầu với cái chết, chấn thương, hoặc bệnh tật.

  • Chúng ta đối mặt với một câu hỏi phúc âm không lường trước, có thể là một điều gì đó về lịch sử của Giáo Hội hoặc chính sách của Giáo Hội, và một người nào đó nói Giáo Hội của chúng ta bằng cách nào đó đã che đậy hoặc không đưa ra sự thật.

Những tình huống khác có thể ít cụ thể hơn những cũng đồng quan ngại.

Có lẽ chúng ta cảm thấy Giáo Hội không còn là nơi cho chúng ta, không cảm thấy được chấp nhận, cảm thấy bị người khác xét đoán.

Hay là cho dù chúng ta đã làm hết những gì được kỳ vọng nơi bản thân, mọi thứ vẫn không diễn ra như ý muốn. Bất chấp những kinh nghiệm cá nhân với Đức Thánh Linh, chúng ta có thể chưa cảm thấy mình biết rằng Thượng Đế hằng sống hoặc phúc âm là chân chính.

Nhiều người ngày nay cảm thấy một nhu cầu lớn lao để khôi phục sự tin cậy trong các mối quan hệ con người và trong xã hội hiện tại. 3

Khi chúng ta suy ngẫm về sự tin cậy, chúng ta biết Thượng Đế là một Thượng Đế của lẽ thật và “không thể nói dối được.” 4 Chúng ta biết lẽ thật là một sự hiểu biết về những sự vật đúng theo trạng thái của chúng đang có, đã có, và sẽ có. 5 Chúng ta biết sự mặc khải và soi dẫn liên tục phù hợp với lẽ thật bất biến và những hoàn cảnh hay biến đổi.

Chúng ta biết những giao ước bị vi phạm mang đến nỗi đau khổ và buồn phiền. Anh ấy nói: “Anh đã làm những điều dại dột.” “Em có thể tha thứ cho anh được không?” Người chồng và người vợ có thể nắm tay, hy vọng để tin cậy lần nữa. Trong một bối cảnh khác, một tù nhân ngẫm nghĩ, “Nếu tôi đã tuân giữ Lời Thông Sáng thì ngày hôm nay tôi đã không phải ở tù.”

Chúng ta biết rằng niềm vui có được trên con đường giao ước của Chúa, và những sự kêu gọi để phục vụ trong Giáo Hội của Ngài là một lời mời để cảm nhận sự tin cậy và tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta và cho lẫn nhau. Các tín hữu Giáo Hội, bao gồm cả những người thành niên độc thân, thường xuyên phục vụ trong Giáo Hội và trong khắp các cộng đồng của chúng ta.

Với sự soi dẫn, một vị giám trợ kêu gọi một cặp vợ chồng trẻ để phục vụ trong lớp ấu nhi tiểu giáo khu. Thoạt tiên, người chồng vô tư và thờ ơ ngồi trong góc phòng. Dần dần, anh ấy bắt đầu mỉm cười với những đứa trẻ. Sau đó, cặp vợ chồng ấy bày tỏ lòng biết ơn. Lúc đầu, họ bảo người vợ muốn có con nhưng người chồng thì không. Giờ đây, việc phục vụ đã làm thay đổi và đoàn kết họ lại. Sự phục vụ đó cũng mang niềm vui từ con cái đến với cuộc hôn nhân và gia đình của họ.

Tại một thành phố nọ, một người mẹ trẻ với con cái còn nhỏ và chồng của mình khá ngạc nhiên và choáng ngợp nhưng đã chấp nhận khi cô ấy được kêu gọi để phục vụ với tư cách là chủ tịch Hội Phụ Nữ tiểu giáo khu. Không lâu sau đó, cơn bão làm đóng băng mọi thứ gây mất điện, khiến cửa hàng không kịp cung cấp hàng hóa và nhiều nhà lạnh như băng. Vì nhà họ vẫn có điện và sưởi ấm, gia đình trẻ này đã rộng lượng chào đón vài gia đình và cá nhân đến nhà họ ở để tránh bão.

Sự tin cậy trở thành hiện thực khi chúng ta làm những điều khó khăn với đức tin. Sự phục vụ và hy sinh làm gia tăng khả năng và tôi luyện tấm lòng. Sự tin cậy nơi Thượng Đế và tin cậy lẫn nhau mang lại những phước lành thượng thiên.

Sau khi vượt qua được căn bệnh ung thư, một anh tín hữu trung tín đã bị xe đụng. Thay vì cảm thấy tủi thân cho chính mình, anh ấy đã chân thành cầu nguyện, “Con có thể học được điều gì từ kinh nghiệm này?” Trong phòng chăm sóc đặc biệt của mình, anh cảm thấy được thúc giục để nhận thấy một người y tá lo lắng cho chồng và con cái của chị ấy. Anh ấy đã tìm thấy câu trả lời khi anh tin cậy nơi Thượng Đế và tìm đến người khác.

Khi một anh tín hữu với những vấn đề liên quan đến hình ảnh sách báo khiêu dâm đang chờ đợi trước văn phòng chủ tịch giáo khu, thì vị ấy cũng đang cầu nguyện để biết cách giúp đỡ. Một ấn tượng rõ rệt đến, “Hãy mở cửa và mời anh ấy vào.” Với đức tin và sự tin cậy là Thượng Đế sẽ giúp đỡ, vị lãnh đạo chức tư tế này mở cửa và ôm chầm lấy anh tín hữu đó. Mỗi người đều cảm thấy tình yêu thương và sự tin cậy có khả năng làm thay đổi dành cho Thượng Đế và cho lẫn nhau. Được củng cố, anh tín hữu đó có thể bắt đầu hối cải và thay đổi.

Mặc dù các hoàn cảnh cá nhân là riêng lẻ, nhưng các nguyên tắc phúc âm và Đức Thánh Linh có thể giúp chúng ta biết liệu, bằng cách nào, và khi nào để tin cậy người khác lần nữa. Khi sự tin cậy bị đánh mất hoặc phụ bạc, sự thất vọng và sự vỡ mộng là có thật; nhu cầu cho nhận thức để biết khi nào đức tin và sự can đảm là đáng để tin cậy lần nữa trong các mối quan hệ con người cũng tồn tại.

Tuy nhiên, khi đề cập tới Thượng Đế và sự mặc khải cá nhân, Chủ Tịch Russell M. Nelson trấn an, “Anh chị em không phải tự hỏi về điều gì là thật.” 6 Chúng ta có thể luôn luôn tin cậy Thượng Đế. Chúa biết chúng ta rõ hơn và yêu thương chúng ta nhiều hơn là chúng ta biết hoặc yêu thương chính mình. Tình yêu thương vô tận và kiến thức hoàn hảo về quá khứ, hiện tại, và tương lai của Ngài làm cho những giao ước và lời hứa của Ngài trở nên bất biến và chắc chắn.

Hãy tin cậy những gì thánh thư gọi là “ít lâu sau.” 7 Với phước lành của Thượng Đế cùng đức tin và sự vâng lời tiếp diễn, ít lâu sau, chúng ta có thể tìm được nghị quyết và sự bình an.

Chúa an ủi:

“Sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng.” 8

“Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê Hô Va và tin cậy sự chăm sóc bất biến của Ngài.” 9

“Không có nỗi thống khổ nào trên trần gian mà thiên thượng không thể chữa lành được.” 10

Hãy tin cậy vào Đấng Thượng Đế 11 và những điều kỳ diệu của Ngài. Chúng ta và các mối quan hệ của mình có thể thay đổi. Thông qua sự chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể cởi bỏ chính bản chất ích kỷ của mình và trở thành một người con của Thượng Đế, nhu mì, khiêm nhường, 12 đầy sự tin cậy thích đáng. Khi chúng ta hối cải, khi chúng ta thú tội và từ bỏ tội lỗi của mình, Chúa phán rằng Ngài sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa. 13 Đó không phải là vì Ngài quên; mà thay vào đó, bằng một cách phi thường, Ngài chọn để không còn nhớ đến những tội lỗi đó nữa, và chúng ta cũng không cần nhớ đến.

Hãy tin cậy sự soi dẫn của Thượng Đế để nhận biết một cách khôn ngoan. Chúng ta có thể tha thứ cho người khác vào đúng thời điểm và đúng cách như Chúa phán chúng ta phải làm thế, 14 “hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu.” 15

Thỉnh thoảng khi tấm lòng của chúng ta đau khổ và tâm hồn chúng ta thống hối nhiều nhất, chúng ta mới mở lòng nhiều nhất cho sự an ủi và hướng dẫn của Đức Thánh Linh. 16 Cả sự chỉ trích lẫn tha thứ đều bắt đầu với việc nhận ra điều sai trái. Thông thường, sự chỉ trích tập trung vào quá khứ. Sự tha thứ hướng một cách tự do đến tương lai. “Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu.” 17

Vị Sứ Đồ Phao Lô hỏi, “Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Ky Tô?” Ông đáp, “Bất kỳ sự chết, sự sống, … bề cao, hay là bề sâu … chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô, là Chúa chúng ta.” 18 Tuy nhiên, có một người mà có thể phân rẽ chúng ta khỏi Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô—và người đó là chính chúng ta. Như Ê Sai nói, “Tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi.” 19

Nhờ có tình yêu thương thiêng liêng và luật pháp thiêng liêng, chúng ta chịu trách nhiệm cho những sự lựa chọn của mình và hậu quả của chúng. Nhưng tình yêu thương chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là “vô hạn và vĩnh cửu.” 20 Khi chúng ta sẵn sàng để trở về nhà, ngay cả khi chúng ta “còn ở đằng xa,” 21 Thượng Đế với lòng trắc ẩn lớn lao vẫn sẵn sàng để chào đón chúng ta trở về, hân hoan ban cho chúng ta điều tốt nhất mà Ngài có. 22

Chủ tịch J. Rueben Clark từng nói, “Tôi tin rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn cứu mỗi người con của Ngài, … rằng với công lý và lòng thương xót, Ngài sẽ ban cho chúng ta phần thưởng cao nhất cho những hành động của chúng ta, ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có thể ban, và ngược lại, tôi tin rằng Ngài sẽ đặt lên chúng ta sự trừng phạt nhẹ nhất mà Ngài có thể đặt lên chúng ta.” 23

Trên thập tự giá, ngay cả sự van nài đầy thương xót của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta lên Đức Chúa Cha của Ngài không phải là một lời van nài vô điều kiện “Lạy Cha, xin tha cho họ” mà thay vào đó là “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” 24 Quyền tự quyết và sự tự do của chúng ta có ý nghĩa bởi vì chúng ta chịu trách nhiệm trước Thượng Đế và chính chúng ta cho con người chúng ta trở thành, cho điều chúng ta biết và làm. Thật biết ơn biết bao, chúng ta có thể tin cậy công lý hoàn hảo và lòng thương xót hoàn hảo của Thượng Đế để phán xét những chủ ý và hành động của chúng ta một cách vẹn toàn.

Chúng ta hãy kết thúc như chúng ta đã bắt đầu—với lòng trắc ẩn của Thượng Đế khi mỗi người chúng ta quay trở về với Ngài và với nhau.

Anh chị em có nhớ câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê Su Ky Tô về một người đàn ông có hai người con trai không? 25 Một người con bỏ nhà đi và tiêu sạch gia tài mình. Khi người con trai ấy tỉnh ngộ, anh ấy tìm cách trở về nhà. Người con trai kia cảm thấy mình đã tuân giữ các lệnh truyền “bấy nhiêu năm,” 26 không muốn chào đón em mình trở về nhà.

Các anh chị em thân mến, anh chị em sẽ cân nhắc việc Chúa Giê Su đang mời gọi chúng ta mở lòng, sự hiểu biết, lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường của mình và nhìn nhận chính bản thân chúng ta trong cả hai nhân vật này chứ?

Như người con trai hay con gái đầu tiên, chúng ta có thể đi lang thang và sau đó tìm đường trở về nhà. Thượng Đế chờ đợi để chào đón chúng ta.

Và cũng giống như người con trai hoặc con gái kia, chúng ta được Thượng Đế dịu dàng kêu gọi cùng nhau hân hoan khi mỗi người chúng ta trở về nhà với Ngài. Ngài mời gọi chúng ta làm cho các giáo đoàn, nhóm túc số, lớp học, và sinh hoạt được không thành kiến, đích thực, an toàn—một mái nhà cho nhau. Với sự tử tế, hiểu biết, và tôn trọng lẫn nhau, mỗi chúng ta khiêm nhường tìm đến Chúa cùng cầu nguyện và chào đón những phước lành phúc âm phục hồi của Ngài cho tất cả mọi người.

Những cuộc hành trình trong cuộc sống của chúng ta là riêng lẻ, nhưng chúng ta có thể một lần nữa đến với Thượng Đế Đức Chúa Cha của chúng ta và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài thông qua sự tin cậy nơi Thượng Đế, lẫn nhau, và chính bản thân mình. 27 Chúa Giê Su kêu gọi, “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi.” 28 Như Vị Tiên Tri Joseph đã làm, cầu xin chúng ta dũng cảm tin cậy vào sự chăm sóc của của Cha Thiên Thượng. 29 Anh chị em và các bạn thân mến, xin hãy một lần nữa tìm lại đức tin và sự tin cậy—một phép lạ Ngài hứa với anh chị em hôm nay. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.