Liahona
Chúa Giê Su Ky Tô trong Sách Mặc Môn
Tháng Một năm 2024


“Chúa Giê Su Ky Tô trong Sách Mặc Môn,” Liahona, tháng Một năm 2024.

Chúa Giê Su Ky Tô trong Sách Mặc Môn

Chúa đã được đề cập đến bao nhiêu lần trong Sách Mặc Môn?

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô phục sự dân chúng ở Châu Mỹ

Theo các anh chị em, ai là nhân vật chính trong Sách Mặc Môn? Mặc dù một số người có thể nói đó là Nê Phi, An Ma, hoặc Mặc Môn, nhưng nhân vật chính thực sự là Chúa Giê Su Ky Tô. Nê Phi đã viết:

“Vì chúng tôi cố gắng cần mẫn viết ra, để thuyết phục con cháu chúng ta … biết tin vào Đấng Ky Tô. …

“Và chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 25:23, 26).

Vào năm 1978, Susan Ward Easton đã xuất bản một bài viết nổi tiếng, cho thấy bằng số liệu rằng Chúa Giê Su Ky Tô là nhân vật chính trong Sách Mặc Môn. Chị ấy đã chỉ ra các danh xưng khác nhau của Chúa Giê Su Ky Tô và cho thấy rằng Ngài đã được nhắc đến bằng danh xưng hoặc danh hiệu 3.925 lần trong Sách Mặc Môn, trung bình là một lần trong mỗi 1,7 câu thánh thư.1

Nghiên cứu quý báu này nhấn mạnh đến tính chính yếu của Đấng Cứu Rỗi trong Sách Mặc Môn; tuy nhiên, vì không đếm các đại từ ám chỉ đến Ngài, nghiên cứu này đã làm giảm đi đáng kể mức độ thường xuyên mà Đấng Ky Tô được đề cập đến.

Suy cho cùng, số lần đề cập đến Chúa Giê Su Ky Tô không phải là chi tiết quan trọng nhất để học hỏi từ Sách Mặc Môn; tuy nhiên, mỗi sự đề cập đến Ngài đều có thể dạy chúng ta về thiên tính và sứ mệnh của Ngài. Chúng tôi đã xem xét kỹ Sách Mặc Môn, tìm kiếm tất cả những lời đề cập đến Chúa Giê Su Ky Tô, bao gồm các danh hiệu và đại từ. Chúng tôi đã tìm ra 7.452 sự đề cập—trung bình nhiều hơn một lần đề cập trong mỗi câu thánh thư.2 Các danh xưng của Đấng Ky Tô được sử dụng trong khoảng 50 phần trăm những lần đề cập đến Đấng Ky Tô trong Sách Mặc Môn, với phần còn lại đến từ việc sử dụng các đại từ.

Việc tìm kiếm Chúa Giê Su Ky Tô cung ứng một cách thức độc đáo để học hỏi về Ngài. Hãy xem xét cách mà câu thánh thư sau đây nhấn mạnh về Ngài: “Hãy bắt đầu tin nơi Vị Nam Tử của Thượng Đế, rằng Ngài sẽ đến để cứu chuộc dân Ngài, và Ngài sẽ chịu thống khổ và chết để chuộc tội cho họ, và rằng Ngài sẽ sống lại từ cõi chết, mà điều này sẽ mang lại sự phục sinh, khiến cho tất cả mọi người đều sẽ được đứng lên trước mặt Ngài để được phán xét vào ngày phán xét cuối cùng, tùy theo những việc làm của mình.” (An Ma 33:22; phần nhấn mạnh được thêm vào).

Trong nghiên cứu ban đầu của Chị Easton, câu này có lẽ đã được tính là chỉ đề cập đến Đấng Ky Tô một lần từ danh hiệu “Vị Nam Tử của Thượng Đế.” Tuy nhiên, Đấng Cứu Rỗi được đề cập đến thêm năm lần nữa. Câu thánh thư này không những nhấn mạnh rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế mà còn rằng Ngài là Đấng cứu chuộc chúng ta qua Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh vĩnh cửu và Ngài sẽ là Đấng phán xét của chúng ta.

Có lẽ mạnh mẽ nhất là khi Đấng Ky Tô ám chỉ chính Ngài trong Sách Mặc Môn. Ví dụ, chúng ta đọc được khi Đấng Cứu Rỗi phán: “Nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ. Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ biết khiêm nhường; và ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ” (Ê The 12:27; sự nhấn mạnh được thêm vào). Mặc dù danh của Đấng Ky Tô không xuất hiện trong câu này, nhưng Đấng Cứu Rỗi đã đề cập đến bản thân Ngài tám lần. Vai trò của Ngài được nhấn mạnh khi chúng ta tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi trong đoạn này.

Các câu thánh thư sau đây cho thấy mối liên kết cá nhân mà Đấng Cứu Rỗi đã cảm nhận được với từng người và cảm nghĩ của họ đối với Ngài:

“Hãy đứng dậy và tiến lại gần ta, để các ngươi có thể đặt tay lên hông ta, và cũng để các ngươi có thể rờ thấy vết đinh đóng trên tay ta và chân ta, để các ngươi biết được rằng taThượng Đế của Y Sơ Ra Ên, và là Thượng Đế của cả thế gian này, và ta đã bị giết chết vì tội lỗi của thế gian.

“… Đám đông tiến lên. Họ để tay lên hông Ngài và rờ các dấu đinh đóng trên tay Ngài và trên chân Ngài” (3 Nê Phi 11:14–15; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Mặc dù chúng ta chưa thể tận tay rờ thấy những dấu đinh trên thân thể Ngài, nhưng qua Sách Mặc Môn, chúng ta có thể gia tăng chứng ngôn cá nhân của mình về Chúa Giê Su Ky Tô.

Những sự đề cập thường xuyên đến Chúa trong Sách Mặc Môn giúp chúng ta thấy được vai trò chính của Ngài trong tác phẩm thiêng liêng này. Việc nhận ra Đấng Cứu Rỗi trong Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô là một cách thức mạnh mẽ để đến gần Ngài hơn.

Ghi Chú

  1. Xin xem Susan Ward Easton, “Names of Christ in the Book of Mormon,” Ensign, tháng Bảy năm 1978, trang 60–61.

  2. Một số câu thánh thư đề cập nhiều lần đến Đấng Ky Tô, trong khi những câu khác thì không. Trung bình, Chúa Giê Su Ky Tô được đề cập đến một lần trong mỗi 0,88 câu thánh thư trong Sách Mặc Môn.