Liahona
Tại Sao Thượng Đế Đã Không Thay Đổi Cuộc Sống của Tôi?
Tháng Một năm 2024


“Tại Sao Thượng Đế Đã Không Thay Đổi Cuộc Sống của Tôi?,” Liahona, tháng Một năm 2024.

Các Thành Niên Trẻ Tuổi

Tại Sao Thượng Đế Đã Không Thay Đổi Cuộc Sống của Tôi?

Khi cuộc hôn nhân của tôi biến thành ác mộng, tôi đã học được về quyền năng của quyền tự quyết.

Hình Ảnh
bàn tay cầm một cây bút và viết vào một quyển sách đang mở

Khi tôi 23 tuổi, tôi đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ với người đàn ông mà mình mơ ước. Đó là ngày hạnh phúc nhất mà tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời mình.

Nhưng mọi thứ tôi trông mong cho cuộc sống của mình đã bắt đầu đổ vỡ với tốc độ chóng mặt. Chồng tôi càng ngày càng lạm dụng thân thể và tình cảm đối với tôi.

Tôi cảm thấy hoang mang và đau đớn. Tôi không hiểu tại sao sự trung tín của tôi dường như không tạo ra sự khác biệt trong hôn nhân của tôi. Tôi đã phục vụ truyền giáo toàn thời gian, tuân giữ các giao ước của mình, tuân theo các giáo lệnh, và thậm chí còn phục vụ với tư cách là một người làm việc trong đền thờ. Nhưng cho dù tôi có cố gắng nhiều đến mức nào để đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn đi chăng nữa, thì cuộc hôn nhân của tôi vẫn chỉ trở nên khó khăn hơn.

Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng mặc dù tôi đã thành tâm cân nhắc xem tôi có nên kết hôn với chồng tôi và có đức tin rằng chúng tôi có thể giải quyết vấn đề, nhưng tôi đã bỏ qua các dấu hiệu về những vấn đề có thể nảy sinh sau này trong cuộc hôn nhân của chúng tôi.

Tìm Câu Trả Lời

Sau năm năm trong sự cô đơn và lạm dụng, mối quan hệ giữa tôi với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã bị tổn hại. Những kỳ vọng của tôi đối với cuộc sống đã bị suy yếu và không được đáp ứng.

Tôi cảm thấy tổn thương.

Khi rõ ràng là chồng tôi không sẵn lòng thay đổi, tôi bắt đầu cầu xin Thượng Đế giải thoát tôi khỏi hoàn cảnh của mình hoặc chỉ cho tôi con đường đúng để đi. Nhưng khi không nhận được sự đáp ứng mà mình cần, tôi bắt đầu đổ lỗi cho Cha Thiên Thượng là nguyên nhân của nỗi đau đớn của tôi.

Tôi tiếp tục tham dự nhà thờ và tuân giữ các giao ước của mình, nhưng lòng tôi tràn đầy oán giận vì thiếu sự hướng dẫn.

Rồi một ngày nọ, tôi nhận ra rằng tôi đã nhận được câu trả lời cho hoàn cảnh của mình—tôi đã phải sử dụng quyền tự quyết của mình để hành động và thay đổi hoàn cảnh của mình. Và tôi biết quyết định nào sẽ là tốt nhất cho tôi với mục tiêu cuối cùng của mình là trở về với Cha Thiên Thượng.

Cuối cùng tôi quyết định tiến thêm một bước nữa: Tôi nói chuyện với chồng tôi, và kỳ diệu thay, chúng tôi đã chấm dứt mối quan hệ trong sự hòa thuận.

Quyền Năng để Chọn

Kinh nghiệm khó khăn này đã giúp tôi học hỏi về quyền năng và tầm quan trọng thiết yếu của ân tứ quyền tự quyết do Thượng Đế ban cho chúng ta.

Chủ tịch Dallin H. Oaks, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy: “Khi nhìn lại, chúng ta có thể thấy một sự khác biệt lớn đến từ một số lựa chọn mà chúng ta đã đưa ra trong đời mình. Chúng ta đưa ra những lựa chọn hoặc quyết định tốt hơn nếu chúng ta nhìn vào các khả năng chọn lựa và suy ngẫm xem chúng sẽ dẫn chúng ta đến đâu. Khi làm như vậy, chúng ta đang vâng theo lời khuyên nhủ của Chủ Tịch Russell M. Nelson là khi làm việc gì cũng phải nhớ đến mục tiêu cuối cùng của chúng ta. Đối với chúng ta, mục tiêu cuối cùng là luôn luôn ở trên con đường giao ước đi qua đền thờ hướng đến cuộc sống vĩnh cửu, ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.”1

Tôi nhận ra rằng Cha Thiên Thượng sẽ không can dự vào quyền tự quyết của bất cứ ai—Ngài để cho tôi tự quyết định trong việc kết hôn với chồng tôi. Ngài cũng sẽ không ép buộc chồng tôi phải thay đổi, mặc dù tôi đang tuân giữ các giao ước của mình, vì một cuộc hôn nhân vĩnh cửu đòi hỏi nỗ lực thuộc linh và thể chất từ cả hai người khi họ noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi đương đầu với những khó khăn, chúng ta có thể sử dụng quyền tự quyết để thay đổi quan điểm, thái độ, và ngay cả chính mình. Đó là ân tứ thiêng liêng về quyền tự quyết. Cha Thiên Thượng muốn chúng ta tìm kiếm Ngài và Thánh Linh và sau đó tin cậy bản thân mình để đưa ra những quyết định tốt nhất cho cuộc sống của chúng ta.

Hướng về Đấng Cứu Rỗi

Lúc đầu, tôi trông mong được chữa lành và nhanh chóng quên đi cuộc hôn nhân đầy ngược đãi của mình, nhưng tiến trình này rất chậm và khó khăn. Qua các công cụ hỗ trợ, việc lắng nghe sứ điệp của các vị tiên tri, đọc thánh thư, cầu nguyện, và cảm nhận tình yêu thương cùng sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình, tôi cảm thấy hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Khi sử dụng quyền tự quyết của mình để tìm kiếm sự chữa lành, tôi trông chờ một cuộc sống gồm có sự tha thứ và các mối quan hệ tuyệt vời với những người khác, kể cả Đấng Cứu Rỗi.

Khi tôi hiểu biết nhiều hơn về cách sử dụng quyền tự quyết trong cuộc sống, lòng cay đắng của tôi đối với Thượng Đế đã chuyển thành sự hiểu biết, và mối quan hệ giữa tôi với Ngài đã có thể được chữa lành.

Đây là ý nghĩa của phúc âm—đưa ra những lựa chọn của riêng mình để đến cùng Đấng Ky Tô, hành động theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri là những người khuyến khích chúng ta sử dụng quyền tự quyết của mình để tin cậy Chúa, và tạo ra một cuộc sống tuyệt vời tràn đầy đức tin.

Như Chị Camille N. Johnson, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã dạy: “Dĩ nhiên, nguyên tắc siêu phàm của quyền tự quyết là cho phép chúng ta tự quyết định câu chuyện cuộc đời của riêng mình. … Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô sẵn sàng sử dụng chúng ta làm những công cụ thiêng liêng … để viết lên một kiệt tác … nếu [chúng ta] có đức tin để cho Ngài làm, nếu [chúng ta] để Ngài làm cội rễ cho câu chuyện cuộc đời [của chúng ta].2

Việc chấm dứt cuộc hôn nhân của tôi là một trong những kinh nghiệm đau đớn nhất mà tôi từng trải qua. Nhưng tôi đã học được rằng khi đối phó với những thử thách bất ngờ trong cuộc sống, chúng ta có thể tìm kiếm sự hướng dẫn thuộc linh và đưa ra những quyết định mà giúp chúng ta tiến bước trên con đường giao ước. Bằng cách noi theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể luôn luôn hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến và vào các phước lành đã được hứa của hai Ngài về sự bình an và niềm vui.

Tác giả sống ở Chile.