2022
Theo Đuổi Con Đường Hạnh Phúc
Tháng Một/Tháng Hai năm 2022


Theo Đuổi Con Đường Hạnh Phúc

Chúng ta có thể nuôi nấng những đứa con ngay chính, đầy niềm hy vọng ở bất kỳ nơi nào trên thế gian nếu chúng có được nền móng vững chắc nơi Đấng Cứu Rỗi.

Hình Ảnh
African family praying

Ảnh được chụp bởi Jim Lillywhite

Nhiều năm trước, một số anh chị em họ của tôi được giao thực hiện một dự án phục vụ tại nông trại của ông nội chúng tôi là Crozier Kimball. Họ được hứa là sẽ được thưởng1 một cái bánh tuyệt vời do bà nội Clara tự làm.

Khi đã hoàn thành công việc, họ vào nhà bếp để nhận phần thưởng của mình. Tuy nhiên, ông nội chúng tôi chắn trước cửa nhà bếp. Em họ của tôi Kathy Galloway, lúc đó khoảng 14 tuổi, nhớ lại rằng ông nội ngồi xuống chiếc ghế ngồi đàn piano và mời những anh chị em họ của tôi ngồi xuống trên sàn. Ông cảm ơn cho sự làm việc chăm chỉ của họ và sau đó nói rằng ông có một điều gì đó quan trọng để chia sẻ trước khi họ ăn bánh.

Ông nói: “Sẽ có lúc trong cuộc đời mà các cháu sẽ cần biết và hành động theo những điều ông sắp chia sẻ với các cháu”.

Ông giải thích rằng ông nội của ông là Heber C. Kimball (1801–1868) và các tổ tiên tiền phong khác đã đối mặt với những thử thách khó khăn về mặt thể chất. Ông nói rằng những người tiền phong nhanh chóng hiểu được rằng để sống sót, họ phải cùng nhau làm việc và yêu thương và phục vụ lẫn nhau.

Ông nói khi những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên má: “Đây là một trong những di sản tuyệt vời mà họ để lại cho các cháu!”

Ông nói: “Với sự kêu gọi của mình với tư cách là vị tộc trưởng và ông nội của các cháu, khi ông nhìn về tương lai, … lòng ông đau xót cho các cháu”. “Các cháu sẽ đối mặt với những thử thách về mặt tinh thần và thuộc linh mà hầu hết các tổ tiên tiền phong khác đã không bao giờ có thể tưởng tượng được.”

Ông nói thêm: “Trừ khi thế hệ đi sau tôn vinh di sản tuyệt vời từ những người tiền phong về tình thương yêu và sự phục vụ, nhiều người trong các cháu sẽ thất bại bởi vì các cháu sẽ không thể tự mình sống sót.”

Sau đó, bằng sự gần gũi mật thiết, ông nội Kimball kết thúc: “Chúng ta cần nhau. Ngoài việc chia sẻ chứng ngôn về phúc âm với nhau, bổn phận của chúng ta là phải thương yêu, phục vụ, củng cố, nuôi dưỡng, ủng hộ, và tán trợ lẫn nhau, … đặc biệt là trong gia đình chúng ta. Xin hãy nhớ rằng trong những ngày sau cùng, sự sống còn của các cháu có thể tùy thuộc vào sự sẵn lòng để làm việc cùng nhau, để yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Bây giờ, chúng ta hãy đi ăn bánh!”

Chúng Ta Cần Nhau

Hình Ảnh
group of people in India

Ảnh được chụp bởi Wendy Gibbs Keeler

Như được minh họa bởi sự náo động của thế gian xung quanh chúng ta, và cũng như ông nội Crozier Kimball đã nhìn thấy trước, chúng ta cần nhau. Chúng ta cần những gia đình yêu thương, các nhóm túc số và Hội Phụ Nữ đầy lòng phục vụ, và những chi nhánh, tiểu giáo khu, và giáo khu đầy lòng hỗ trợ.

Chủ Tịch Nelson từng nói: “Thượng Đế muốn chúng ta cùng làm việc chung với nhau và giúp đỡ lẫn nhau”. “Đó là lý do tại sao Ngài gửi chúng ta đến thế gian trong các gia đình và tổ chức chúng ta thành các tiểu giáo khu và giáo khu. Đó là lý do tại sao Ngài phán bảo chúng ta phải phục vụ và phục sự lẫn nhau. Đó là lý do tại sao Ngài phán bảo chúng ta phải sống trong thế gian chứ không thuộc về thế gian. Chúng ta có thể hoàn thành nhiều điều hơn cùng với nhau thay vì chỉ làm một mình.”2

Cuộc sống trong trạng thái thứ nhì của chúng ta là rất khó khăn. Do Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va, chúng ta ta phải đối mặt với chông gai, thử thách và cám dỗ. Những kinh nghiệm đó là một phần trong kế hoạch hạnh phúc, nhưng chúng ta giúp đỡ nhau vượt qua những bão tố của cuộc đời.

Cũng như A Đam và Ê Va, những người đã bị “đuổi … ra khỏi vườn Ê Đen” (Sáng Thế Ký 3:23), chúng ta đã được đưa ra khỏi ngôi nhà tiền dương thế để chuẩn bị đến thế gian sa ngã này. Và giống như A Đam và Ê Va, chúng ta vui mừng trong sự hiểu biết của mình về kế hoạch của Thượng Đế cho con cái của Ngài:

“Và vào ngày đó A Đam chúc phước Thượng Đế và ông được đầy dẫy, và bắt đầu nói tiên tri về tất cả các gia đình trên thế gian, với lời rằng: Phước thay danh của Thượng Đế, vì sự phạm giới của tôi nên mắt tôi được mở ra, và trong đời này tôi sẽ có được niềm vui, và một lần nữa trong xác thịt tôi sẽ trông thấy Thượng Đế.

“Và Ê Va, vợ của ông, đã nghe tất cả những lời này, và rất vui sướng mà nói rằng: Nếu không có sự phạm giới của chúng ta thì chúng ta không bao giờ có dòng dõi, và sẽ không bao giờ biết được điều thiện và điều ác, và hưởng niềm vui của sự cứu chuộc của chúng ta cùng cuộc sống vĩnh cửu mà Thượng Đế ban cho tất cả những ai biết vâng lời.” (Môi Se 5:10–11; xin xem thêm 2 Nê Phi 2:25).

“Một Phần trong Mục Đích Thiêng Liêng Của Ngài”

Mang lại “sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu” cho chúng ta là “công việc và … sự vinh quang” của Đức Chúa Cha (Môi Se 1:39). “Chúng ta,” như Chủ Tịch Nelson đã dạy, “là một phần trong mục đích thiêng liêng của Ngài.”3

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã tuyên bố rằng với tư cách là những con trai và con gái linh hồn trong cuộc sống tiền dương thế, chúng ta “đã biết và đã thờ phượng Thượng Đế là Cha Vĩnh Cửu của [chúng ta] và chấp nhận kế hoạch của Ngài mà qua đó các con cái của Ngài có thể nhận được một thể xác và đạt được kinh nghiệm trần thế để tiến triển đến sự toàn hảo và cuối cùng ý thức được số mệnh thiêng liêng của mình với tư cách là người thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu.”4 Và Chủ Tịch Dallin H. Oaks, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, gần đây đã dạy: “Dưới kế hoạch của Cha Thiên Thượng, [Chúa Giê Su Ky Tô ] ‘đã sáng tạo trời đất’ (Giáo Lý và Giao Ước 14:9) để mỗi chúng ta có thể có được kinh nghiệm trần thế cần thiết nhằm tìm kiếm vận mệnh thiêng liêng của mình.”5

Thánh thư và các vị tiên tri ngày sau đã nói rõ về vai trò thiết yếu của thể xác chúng ta trong kế hoạch của Thượng Đế. Vận mệnh của chúng ta là để trở về nơi sự hiện diện của Ngài với những thể xác phục sinh và tôn cao, và để sống cùng với gia đình mãi mãi.

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Mối quan hệ của chúng ta với những người khác, khả năng của chúng ta để nhận biết và hành động phù hợp với lẽ thật, và khả năng của chúng ta để tuân theo các nguyên tắc và giáo lễ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô được gia tăng qua thể xác”. “Trên trần thế, chúng ta có được kinh nghiệm về sự dịu dàng, tình yêu thương, lòng nhân từ, hạnh phúc, đau khổ, thất vọng, đau đớn, và thậm chí cả những thử thách về các giới hạn thể chất nhằm chuẩn bị chúng ta cho thời vĩnh cửu.”6

Giảng dạy về Đấng Ky Tô

Hình Ảnh
a family sitting around a table

Trong những thời kỳ đầy lo lắng và không chắc chắn này, sự hiểu biết về kế hoạch hạnh phúc là rất quan trọng đối với sự sống còn về mặt thuộc linh của chúng ta. Nhưng chúng ta không thể mong đợi thế gian sẽ nuôi dưỡng con cái của mình bằng các nguyên tắc hạnh phúc vĩnh cửu. Là cha mẹ, chúng ta cần phải dạy con cái của mình về nguồn gốc và vận mệnh thiêng liêng của chúng.

Chúng ta bắt đầu bằng cách giúp đỡ chúng phát triển chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, cũng là trọng tâm của kế hoạch cứu rỗi. Tôi tin rằng chúng ta có thể nuôi nấng những đứa con ngay chính, đầy niềm hy vọng ở bất kỳ nơi nào trên thế gian nếu chúng có được nền móng vững chắc nơi Đấng Cứu Rỗi.

Vào buổi họp tối gia đình, trong lúc cầu nguyện gia đình và khi học thánh thư, qua các sinh hoạt và truyền thống gia đình, và ngay cả những lúc sửa sai, “chúng [ta] nói về Đấng Ky Tô, chúng [ta] hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng [ta] thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng [ta] tiên tri về Đấng Ky Tô, … để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng” (2 Nê Phi 25:26).

Chúng ta giúp con cái mình hiểu rằng trong kế hoạch cứu rỗi, sự hối cải là một “chương trình học hỏi suốt đời”7 mà sẽ mang lại hy vọng và sự chữa lành khi làm giảm gánh nặng cho tâm hồn và làm tươi sáng tương lai.

Khi con cái chúng ta phát triển đức tin nơi Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, chúng sẽ dần biết được rằng tất cả sẽ không bao giờ mất đi bởi vì Đấng Cứu Rỗi chờ đợi chúng ta với vòng tay rộng mở. Chúng ta giúp chúng hiểu rằng “bất kỳ điều gì mà [chúng ta] phải bỏ lại để đi trên con đường quay về mái nhà thiên thượng [của chúng ta] thì đến một ngày nào đó sẽ dường như không còn là sự hy sinh chút nào.”8

Quy Tụ Con Cái của Thượng Đế

Chúng ta không đạt được vận mệnh thiêng liêng của mình một mình. Như những Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta có bổn phận đặc biệt để mời gọi những người khác trên đường trở về mái nhà thiên thượng của mình. Thế gian cần những Thánh Hữu Ngày Sau sẵn lòng để ánh sáng của Sự Phục Hồi chiếu rọi qua chứng ngôn, tấm gương, và sự sẵn lòng chia sẻ phúc âm của họ. Khi chúng ta tỏa sáng, tức là chúng ta quy tụ.

Chủ Tịch Nelson nói: “Khi nói về sự quy tụ, đơn giản là chúng ta đang nói về lẽ thật nền tảng này: mỗi một người con của Cha Thiên Thượng, ở cả hai bên bức màn che, đều xứng đáng được nghe về sứ điệp của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ tự quyết định cho bản thân họ liệu họ có muốn biết thêm không.”9

Và do đó, như ông nội Crozier đã khuyên dạy, chúng ta chia sẻ chứng ngôn của mình về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta yêu thương và phục vụ, củng cố, nuôi dưỡng, hỗ trợ và tán trợ những người thân yêu và người lân cận của mình.

Khi giúp người khác tiến đến vận mệnh thiêng liêng của họ, tức là chúng ta cũng tự giúp mình trên con đường đó, “được thu nhận vào vương quốc của Đức Chúa Cha, để không còn phải đi ra ngoài nữa, mà được ở cùng Thượng Đế mãi mãi trên các tầng trời” (3 Nê Phi 28:40).

Ghi Chú

  1. Sau khi người vợ đầu tiên của ông nội Crozier, Mary Lenora Roberts, qua đời, ông đã kết hôn với Clara, người họ hàng của người vợ đầu tiên của ông. Các con của ông gọi bà ấy là “dì Clara.” Các cháu của ông gọi bà ấy là “bà nội.”

  2. Russell M. Nelson, “Điều Chúng Ta Đang Học và Sẽ Không Bao Giờ Quên,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 79.

  3. Russell M. Nelson, “Your Body: A Magnificent Gift to Cherish,” Liahona, tháng Tám năm 2019, trang 50.

  4. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org.

  5. Dallin H. Oaks, “Đấng Cứu Rỗi Đã Làm Gì cho Chúng Ta?,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 77.

  6. David A. Bednar, “Chúng Tôi Tin ở Sự Trinh Khiết,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 41.

  7. Lynn G. Robbins, “Đến Bảy Mươi Lần Bảy,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 22.

  8. José A. Teixeira, “Ghi Nhớ Con Đường Về Nhà của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 94.

  9. Russell M. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), HopeofIsrael.ChurchofJesusChrist.org.