2022
Tìm Chúa Giê Su Ky Tô trong Kinh Cựu Ước
Tháng Một/Tháng Hai năm 2022


Tìm Chúa Giê Su Ky Tô trong Kinh Cựu Ước

Năm lẽ thật này có thể giúp chúng ta hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi khi học thánh thư trong năm nay.

Hình Ảnh
fine art painting of Jesus Christ

Light of the World (Ánh sáng của Thế Gian), tranh do Walter Rane minh họa, không được sao chép

Một ngày nọ, Chúa Giê Su Ky Tô gặp hai môn đồ của Ngài trên đường từ Giê Ru Sa Lem đến Em Ma Út. Khi họ cùng đi, Ngài đã dạy họ về vai trò của Ngài như được miêu tả trong thánh thư mà ngày nay chúng ta gọi là Kinh Cựu Ước.

“Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi Se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh” (Lu Ca 24:27). Việc học biết về Đấng Cứu Rỗi và sứ mệnh của Ngài là một kinh nghiệm thuộc linh sâu sắc đối với các môn đồ, và họ xin Ngài nán lại lâu hơn (xin xem Lu Ca 24:28–32).

Cũng như những môn đồ thời xưa đó của Đấng Ky Tô, chúng ta có cơ hội để hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi một cách đầy ý nghĩa hơn khi chúng ta khám phá Kinh Cựu Ước trong năm nay. Biên sử này, đi kèm với sách Môi Se và sách Áp Ra Ham trong sách Trân Châu Vô Giá, cho chúng ta hiểu biết trọn vẹn hơn về Ngài—thiên tính của Ngài, sứ mệnh của Ngài, và mối quan hệ giữa Ngài với Cha Ngài và với mỗi người chúng ta. Chúng ta cần biết điều này để nhận được ân tứ của cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Giăng 17:3).

Dưới đây là năm lẽ thật mà có thể giúp chúng ta nhận biết và hiểu rõ hơn về Chúa Giê Su Ky Tô trong suốt cuốn sách thánh thư cổ xưa này.

Lẽ Thật Thứ Nhất: Chúa Giê Su Ky Tô Chính Là Đức Giê Hô Va

Trong Kinh Tân Ước, chúng ta đọc về một thời kỳ mà Chúa Giê Su Ky Tô tự nhận Ngài là Đức Giê Hô Va (xin xem Giăng 8:58, cước chú b). Dân chúng đã phẫn nộ và cố gắng ném đá Ngài vì tội báng bổ (xin xem Giăng 8:59). Họ không nhận ra một lẽ thật quý báu mà nhiều người ngày nay vẫn tiếp tục hiểu lầm: rằng Chúa Giê Su Ky Tô chính là Đức Giê Hô Va, Thượng Đế trong Kinh Cựu Ước.1

Có lẽ một phần lý do tại sao danh tính của Đấng Cứu Rỗi trong Kinh Cựu Ước thường bị hiểu lầm là vì danh xưng “Chúa Giê Su Ky Tô” không được sử dụng trong sách ấy. Thay vào đó, các tác giả đã sử dụng nhiều danh hiệu để đề cập đến Ngài, chẳng hạn như “Đức Chúa Trời”, “Đấng Tự Hữu”, hoặc “Chúa.”2 Khi biết điều này, chúng ta bắt đầu nhìn thấy Chúa Giê Su Ky Tô rõ ràng hơn trong suốt thánh thư. Ví dụ:

  • Khi Môi Se trò chuyện cùng “Đức Chúa Trời” trong bụi gai đang cháy, ông đang trò chuyện với Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 3:6)3

  • Cũng giống như vậy, Chúa Giê Su Ky Tô đã tự nhận Ngài là “Đấng Hằng Hữu Vĩ Đại” với Joseph Smith (Giáo Lý và Giao Ước 29:1).

  • Giăng Báp Tít đã được kêu gọi để dọn đường cho “Chúa” (Ma Thi Ơ 3:3). Đây là sự ứng nghiệm của Ê Sai 40:3, mà đã tiên tri về Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Xin xem biểu đồ trên trang 17 để biết thêm những ví dụ về Giê Hô Va trong suốt thánh thư.

Lẽ Thật Thứ 2: Những Đồ Vật và Sự Kiện Có Thể Dạy Chúng Ta về Đấng Cứu Rỗi

Hình Ảnh
an angel appearing to Adam and Eve as they prepare a burnt offering

A Đam và Ê Va được truyền lệnh phải hiến tế các con vật như một phần trong việc họ thờ phượng. Những sự hy sinh hiến tế đó nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê Su Ky Tô, Chiên Con của Thượng Đế, đã cho phép chính Ngài bị giết như một phần trong Sự Chuộc Tội của Ngài.

Adam and Eve Offering Sacrifices (A Đam và Ê Va Dâng Của Lễ Hy Sinh), tranh do D. Keith Larson họa

Kinh Cựu Ước chứa đựng nhiều biểu tượng và câu chuyện mà có thể nhắc nhở chúng ta về sự giúp đỡ từ Đấng Cứu Rỗi. Ví dụ:

  • Nhiều đoạn thánh thư miêu tả về nhiều lần mà những người trung tín đã được truyền lệnh phải hiến tế các con vật như một phần trong sự thờ phượng của họ. Ví dụ, con cái Y Sơ Ra Ên được phán bảo phải hiến tế một con chiên và lấy máu của nó để đánh dấu trên cửa của họ. Những người làm điều này đã được bảo vệ khỏi một cơn dịch bệnh nguy hiểm ở Ai Cập. Những sự hy sinh hiến tế đó nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê Su Ky Tô, Chiên Con của Thượng Đế, đã cho phép chính Ngài bị giết như một phần trong Sự Chuộc Tội của Ngài. Sự hy sinh của Ngài đã cứu chúng ta khỏi cái chết thể xác và thuộc linh. (Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 12:13.)

  • Khi tiên tri Ê Li phải bỏ chạy để bảo toàn mạng sống và ẩn náu trong sa mạc, ông cảm thấy đau buồn và nói rằng ông ước gì mình được chết. Trong lúc ngủ, bánh mì và nước xuất hiện một cách kỳ diệu để nuôi dưỡng ông, giúp ông có thêm sức mạnh để tiếp tục. Điều này có thể nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Nước Sống và Bánh Sự Sống. Ngài chính là nguồn hy vọng cuối cùng của chúng ta. (Xin xem 1 Các Vua 19:1–8.)4

  • “Lời Chúa là ngọn đèn cho chơn tôi,” một tác giả Thi Thiên đã viết (Thi Thiên 119:105; sự nhấn mạnh được thêm vào). Mi Chê đã làm chứng: “Dầu ngồi trong nơi tối tăm, Đức Giê Hô Va sẽ làm sự sáng cho ta” (Mi Chê 7:8; sự nhấn mạnh được thêm vào). Những lời của họ nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê Su Ky Tô chính là Sự Sáng của Thế Gian, dẫn dắt chúng ta trở về mái nhà thiên thượng của mình.

Khi đọc, anh chị em có thể khám phá ra những điều khác mà nhắc nhở anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô và khả năng của Ngài để cứu rỗi chúng ta—giống như khi gia đình của Nô Ê được cứu khỏi trận lụt khi ở trong chiếc tàu, hoặc khi Giô Na được ban cho thời gian để hối cải khi ở trong con cá voi. Những sự kiện này có thể nhắc nhở chúng ta rằng Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta vượt qua những cơn bão tố trong cuộc đời, và rằng Ngài sẽ luôn cho chúng ta cơ hội để trở lại con đường đúng. (Xin xem Sáng Thế Ký 7:1; Giô Na 1:17.)

Lẽ Thật Thứ 3: Đức Giê Hô Va Là một Thượng Đế Của Riêng Mỗi Người

Đôi khi có vẻ như Thượng Đế của Kinh Cựu Ước luôn tức giận và muốn báo thù. Chúng ta nên nhớ rằng các tác giả ban đầu của sách ấy thuộc về những nền văn hóa cổ xưa với những phong tục và lời mô tả mà ngày nay chúng ta khó có thể hiểu một cách trọn vẹn. Tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta, những cuộc thảo luận nhóm, và sự soi sáng từ Đức Thánh Linh có thể giúp chúng ta dung hòa những điều chúng ta đọc trong Kinh Cựu Ước với những điều chúng ta biết về Chúa Giê Su Ky Tô từ các sách thánh thư khác.

Và đây là một đặc điểm đáng chú ý của Đức Giê Hô Va mà những người học hỏi về Đấng Cứu Rỗi sẽ cảm thấy quen thuộc: Ngài là một Thượng Đế của riêng mỗi người. Sự can thiệp của Ngài, trong cả những cách thức to lớn lẫn nhỏ nhặt, đều cho thấy rằng Ngài luôn sẵn sàng giải cứu những ai tin cậy Ngài. Sau đây là một số ví dụ về giáo vụ của Ngài trong Kinh Cựu Ước:

  • Sau khi A Đam và Ê Va đã phạm giới, Chúa đã mặc lên, hoặc che đậy, họ với những chiếc áo khoác da (xin xem Sáng Thế Ký 3:21). Sự Chuộc Tội trong tiếng Hê Bơ Rơ có nghĩa là “che đậy” hoặc “tha thứ.”

  • Ngài đã mời Hê Nóc đi cùng với Ngài (xin xem Môi Se 6:34) và nâng đỡ dân chúng ở Si Ôn (xin xem Môi Se 7:69).

  • Ngài đã chuẩn bị Giô Sép để giải cứu gia đình của ông và vô số những người khác khỏi nạn đói (xin xem Sáng Thế Ký 37–46).

  • Ngài đã dẫn dắt con cái Y Sơ Ra Ên qua vùng hoang dã (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 13:21–22).

  • Ngài đã đến thăm A Rôn và Mi Ri Am để củng cố đức tin của họ nơi vị tiên tri tại thế (xin xem Dân Số Ký 12:5).

  • Ngài đã dẫn dắt Ru Tơ và gìn giữ dòng dõi của Ngài qua dòng dõi của bà (xin xem Ru Tơ 3:10–11; 4:14–17).

  • Ngài đã gọi cậu bé Sa Mu Ên bằng tên riêng (xin xem 1 Sa Mu Ên 3:3–10).

  • Ngài đã ban cho Ê Xơ Tê quyền năng để can đảm giải cứu dân của bà (xin xem Ê Xơ Tê 2:17; 8:4–11).

Lẽ thật thứ 4: Chúa Giê Su Ky Tô Giúp Chúng Ta Trong Những Cuộc Chiến Của Mình

Cuộc sống hằng ngày đôi lúc cảm thấy như một cuộc chiến. Chúng ta thực ra đang ở giữa một cuộc chiến thuộc linh giữa điều thiện và điều ác, không khác gì với những cuộc chiến được miêu tả trong Kinh Cựu Ước. Cùng với những người lính thuở xưa, chúng ta kêu cầu: “Hỡi Đức Giê Hô Va vĩ đại, xin dẫn dắt chúng con.”5 Trong những câu thánh thư này, chúng ta nghe được câu trả lời đầy trấn an của Ngài:

  • “Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu” (Giô Suê 1:5).

  • “Chớ sợ, chớ kinh hãi bởi cớ đám quân đông đảo này: vì trận giặc này chẳng phải của các ngươi đâu, bèn là của Đức Chúa Trời” (2 Sử Ký 20:15).

  • “Ta sẽ bổ sức cho ngươi; … phải, ta sẽ nâng đỡ người” (Ê Sai 41:10).

  • “Ta ở với ngươi đặng giải cứu ngươi” (Giê Rê Mi 1:8).

Lẽ Thật Thứ 5: Những Lời Hứa Của Chúa Vẫn Còn Tiếp Tục

Chúng ta có nhiều mối liên hệ với những người trung tín trong Kinh Cựu Ước hơn là chúng ta nhận ra. Các nhà tiên kiến thời xưa đã trông đợi và ghi chép về cuộc sống trần thế của Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, Ê Sai đã mô tả Chúa bằng những từ ngữ mạnh mẽ đến nỗi chúng đã trở thành một phần của âm nhạc mà chúng ta thường chia sẻ vào Lễ Phục Sinh và Lễ Giáng Sinh (xin xem Ê Sai 7; 9; 40; và 53).6

Như những vị tiên tri đó, chúng ta cũng mong chờ ngày Đấng Ky Tô đến—lần này trông đợi Ngài trở lại để thân hành trị vì trên thế gian.7 Và khi chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Ngài, chúng ta lấy sức mạnh từ những lẽ thật và lời hứa được ghi lại lần đầu tiên trong Kinh Cựu Ước, chẳng hạn như:

  • Các phước lành tộc trưởng, bao gồm lời tuyên bố về gia tộc Y Sơ Ra Ên mà chúng ta thuộc vào. Giao ước mà Chúa đã lập với Áp Ra Ham hàng ngàn năm trước vẫn áp dụng cho chúng ta ngày nay với tư cách là những tín hữu của Giáo Hội trong giao ước, bất kể là chúng ta thuộc vào gia tộc nào. (Xin xem Sáng Thế Ký 13:14–17; Áp Ra Ham 2:9–11.)

  • Lệnh truyền để giữ cho ngày Sa Bát được thánh, mà Chúa đã phán rằng sẽ “là một dấu giữa ta và các ngươi, trải qua mọi đời, để thiên hạ biết rằng ta, là Đức Giê Hô Va, làm cho các ngươi nên thánh” (Xuất Ê Díp Tô Ký 31:13).

  • Việc tẩy rửa, xức dầu, và các y phục thiêng liêng là một phần của sự thờ phượng trong đền thờ ngày nay mà trước tiên đã được ban cho A Rôn và hậu duệ của ông (xin xem Lê Vi Ký 8).

Hãy nghĩ xem biết bao nhiêu người nam và người nữ ngay chính đã hy sinh để đưa chúng ta đến thời điểm này trong lịch sử nhân loại. Chúng ta xây đắp trên các nỗ lực thiêng liêng của họ và chia sẻ tầm nhìn của họ về một thế giới được dẫn dắt bởi Đấng Cứu Rỗi. Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Sau khoảng 4.000 năm mong đợi và chuẩn bị, thì đây là ngày đã được định tức là phúc âm phải được mang đến cho các sắc tộc trên thế gian. Đây là thời gian quy tụ đã được hứa cho dân Y Sơ Ra Ên. Và chúng ta được tham gia!”8

Một Năm Nghiên Cứu Tuyệt Vời

Hình Ảnh
Christ in red robe

Christ in a Red Robe (Đấng Ky Tô trong Áo Choàng Đỏ), tranh do Minerva Teichert họa, được cung cấp bởi Viện Bảo Tàng Lịch Sử Giáo Hội

Chúng ta có trong tay mình câu chuyện về sự khởi đầu của nhân loại—câu chuyện của chúng ta với tư cách là những Ky Tô Hữu trong giao ước. Nhờ có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta biết cuộc hành trình tuyệt vời này sẽ kết thúc như thế nào. Sa Tan sẽ bị tiêu diệt, và những người ngay chính sẽ chiến thắng. Nhưng câu chuyện cá nhân của chúng ta sẽ diễn ra như thế nào?

Chúng ta liệu có chọn đi cùng với Chúa Giê Su Ky Tô trong năm nay không? Chúng ta có nài xin Ngài ở cùng với mình và sốt sắng lắng nghe những lời Ngài phán dạy không?

Ngài là một Đấng Cứu Rỗi đầy yêu thương cho mỗi cá nhân, có tiếng nói chúng ta nghe được trong Giáo Lý và Giao Ước, có cuộc đời được ghi lại trong Kinh Tân Ước, và có những lời dạy được giảng dạy rõ ràng trong Sách Mặc Môn. Với một chút thực hành, chúng ta sẽ có thể thấy rằng giáo vụ của Ngài được thêu dệt xuyên suốt những trang sách của Kinh Cựu Ước. Ngài là trung tâm của quá khứ, hiện tại, và tương lai của nhân loại. Ngài đã—và sẽ luôn—ở cạnh chúng ta trên mỗi bước đường.

Ghi Chú

  1. Xin xem đoạn thứ nhì trong tài liệu “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” ChurchofJesusChrist.org.

  2. Trong các bản dịch tiếng Anh, những từ đề cập đến Chúa Giê Su Ky Tô thường được viết hoa, chẳng hạn như: LORD (CHÚA). 1 Sa Mu Ên 1:15 đưa ra hai ví dụ của từ: “lord (chúa)”, để ám chỉ một người, và “LORD (CHÚA)”, để ám chỉ Chúa Giê Su Ky Tô. Xin xem James E. Talmage, Jesus the Christ (năm 1916), trang 36.

  3. Trong các phiên bản Kinh Thánh được Giáo Hội xuất bản, các cước chú có thể giúp làm rõ khi nào thánh thư đang đề cập đến Đấng Cứu Rỗi. Ví dụ, xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 3:6, cước chú a.

  4. Để biết thêm về tính biểu tượng của câu chuyện này, xin xem Marissa Widdison, “The Bread and Water of Hope,” Ensign, tháng Chín năm 2019, trang 56.

  5. “Guide Us, O Thou Great Jehovah,” Hymns, số 83.

  6. Một số câu thánh thư từ sách Ê Sai được dùng làm lời hát trong bản oratorio Messiah của Handel.

  7. Xin xem Những Tín Điều 1:10.

  8. Russell M. Nelson, “Giao Ước,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 88.