2022
Các Phước Lành từ Việc Học Kinh Cựu Ước
Tháng Một/Tháng Hai năm 2022


Hãy Đến Mà Theo Ta

Các Phước Lành từ Việc Học Kinh Cựu Ước

Khi đọc các chương và đoạn thánh thư trong sách thánh thư cổ xưa này, chúng ta sẽ được củng cố về mặt thuộc linh.

Hình Ảnh
Jesus Christ with stars in background

Những lời hứa của Chủ Tịch Nelson rất sâu sắc, và chúng là sự thật.

Christ and the Creation (Đấng Ky Tô và Sự Sáng Tạo), tranh do Robert T. Barrett họa

Chào mừng anh chị em đến với việc học Kinh Cựu Ước trong năm 2022, được hướng dẫn bởi tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta! Kinh Cựu Ước là một quyển sách thánh thư thiêng liêng đã được bàn tay Thượng Đế bảo tồn để chúng ta đọc và suy ngẫm. Sách này có thể là một phước lành và sự hướng dẫn cho chúng ta trong những ngày sau này.

Kinh Cựu Ước mang đến cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về 3.500 năm của đức tin và sự cống hiến từ khoảng năm 4.000 trước Công Nguyên đến năm 500 trước Công Nguyên. Có 39 sách trong Kinh Cựu Ước. Sách Sáng Thế Ký kể lại bốn gian kỳ của A Đam, Hê Nóc, Nô Ê, và Áp Ra Ham. 38 sách còn lại, từ sách Xuất Ê Díp Tô Ký đến sách Ma La Chi, kể riêng về gian kỳ của Môi Se.

Khi đọc Kinh Cựu Ước, chúng ta sẽ trở nên quen thuộc hơn với những vị tiên tri và những lời giảng dạy của họ. Họ giảng dạy về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ đã tiên tri và trông đợi ngày Đấng Mê Si đến. Những lời giảng dạy đầy soi dẫn của họ được bảo tồn cho thời kỳ chúng ta.

Khi đọc những chương và đoạn thánh thư trong Kinh Cựu Ước, chúng ta sẽ được củng cố về mặt thuộc linh. Đức Thánh Linh sẽ khiến chúng ta chú ý đến những câu thánh thư cụ thể mà sẽ là sức mạnh cho chúng ta trong lúc chúng ta trông đợi Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Một Câu Hỏi Đầy Soi Dẫn

Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện về cách mà một câu thánh thư duy nhất từ Kinh Cựu Ước đã ảnh hưởng đến tôi trong suốt cuộc đời mình.

Vào năm 1974, lúc đó tôi 17 tuổi. Tôi đang tận hưởng cuộc sống của một học sinh trung học. Tôi đang mong đợi được đi truyền giáo. Trong tạp chí Ensign tháng Mười năm 1974, tôi đọc được một sứ điệp mạnh mẽ từ Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) có tựa đề “Khi Thế Gian Được Cải Đạo.”1 Tôi đã đọc sứ điệp này nhiều lần kể từ đó. Sứ điệp đó vẫn còn soi dẫn tôi đến ngày nay.

Chủ Tịch Kimball đã trình bày một viễn cảnh toàn cầu về sự phát triển của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô trong gian kỳ này. Ông đã dạy về cơ hội và trách nhiệm của chúng ta để mang phúc âm đến khắp thế gian. Chủ Tịch Kimball đã trích dẫn một câu thánh thư trong sách Sáng Thế Ký. Câu thánh thư đó đã và vẫn còn tiếp tục soi dẫn tôi trong suốt cuộc đời: “Há điều chi Đức Giê-hô-va làm không được chăng?” (Sáng Thế Ký 18:14, được hoạch định cho việc học vào tháng Hai).

Hình Ảnh
Abraham praying

Abraham on the Plains of Mamre (Áp Ra Ham trên Vùng Đồng Bằng Mam Rê), tranh do Grant Romney Clawson họa; ảnh những người truyền giáo do Alicia Cerva chụp; ảnh chụp trái đất trích từ Getty Images

Chủ Tịch Kimball đã ôn lại câu chuyện về Áp Ra Ham và Sa Ra. Sa Ra đã bật cười trước lời hứa của Chúa rằng bà và Áp Ra Ham sẽ có một đứa con trai. Họ chưa bao giờ được ban phước để có con cái. Lúc bấy giờ hai người đã 90 và 100 tuổi. Họ đã qua những năm tháng sinh nở rất lâu.

“Đức Giê Hô Va phán hỏi Áp Ra Ham rằng: Cớ sao Sa Ra cười như vậy …?”

“Há điều chi Đức Giê Hô Va làm không được chăng? Đến kỳ đã định, trong một năm nữa, ta sẽ trở lại cùng ngươi, và Sa Ra sẽ có một con trai.” (Sáng Thế Ký 18:13–14).

Áp Ra Ham và Sa Ra đã thực hành đức tin. Chúa đã giữ lời hứa của Ngài. Y Sác đã ra đời. Áp Ra Ham trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc.

Sức Mạnh để Đối Mặt Với Thử Thách

“Há điều chi Đức Giê Hô Va làm không được chăng?” Sách thánh thư Cựu Ước này đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi khi tôi phải đối mặt với những thử thách hoặc lo lắng trong cuộc sống:

  • Tôi đã cảm thấy choáng ngợp khi mới bắt đầu công việc truyền giáo. “Há điều chi Đức Giê Hô Va làm không được chăng?”

  • Sau khi hoàn tất việc truyền giáo, khi Anne Marie và tôi đang tính đến việc kết hôn và lo lắng về việc chi trả tiền ăn, tiền thuê nhà, và học phí đại học. “Há điều chi Đức Giê Hô Va làm không được chăng?”

  • Khi mới kết hôn, chuẩn bị có con cái và nhận ra những áp lực tài chính trong cuộc sống. “Há điều chi Đức Giê Hô Va làm không được chăng?”

  • Khi đối mặt với những thử thách của bậc cao học, gia đình ngày càng đông con, và lúc bắt đầu sự nghiệp. “Há điều chi Đức Giê Hô Va làm không được chăng?”

  • Khi tôi là chủ tịch của Phái Bộ Truyền Giáo Spain Barcelona, Anne Marie và tôi đã nhiều lần nhắc đến câu thánh thư này khi giảng dạy những người truyền giáo. “Há điều chi Đức Giê Hô Va làm không được chăng?” Các lá thư gửi cho những người truyền giáo của chúng tôi thường đề cập đến câu “Há điều chi Đức Giê Hô Va làm không được chăng?”

Một Nền Tảng Thánh Thư

Hình Ảnh
reproduction of stone tablets with Ten Commandments

Moses Parting the Red Sea (Môi Se Rẽ Biển Đỏ), tranh do Robert T. Barrett họa; Adam and Eve in the Garden (A Đam và Ê Va trong Khu Vườn), tranh do Lowell Bruce Bennett họa; hình ảnh bản sao của các bảng khắc bằng đá trích từ Getty Images; Ảnh Đền Thờ San Diego California do Monica Georgina Alvarado Zarate chụp

Câu thánh thư này chỉ là một trong nhiều ví dụ về những câu thánh thư đầy soi dẫn được tìm thấy trong Kinh Cựu Ước. Tôi chắc chắn rằng có nhiều câu thánh thư đã soi dẫn cho anh chị em rồi. Khi chúng ta chú tâm và thành kính đọc Kinh Cựu Ước trong năm nay, Đức Thánh Linh sẽ khiến chúng ta lưu ý thêm những câu thánh thư cụ thể mà sẽ củng cố sự cải đạo của chúng ta theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.

Kinh Cựu Ước chứa đựng những giáo lý và nguyên tắc có tầm quan trọng bất hủ. Sách này chứa đựng những lời tiên tri vẫn chưa được ứng nghiệm. Sách này dạy chúng ta về nguồn gốc của mình. Và sách này dạy chúng ta về giao ước Áp Ra Ham, mà vẫn còn hiệu lực đến ngày nay.

Kinh Cựu Ước mang đến nền tảng cho các sách thánh thư khác của chúng ta. Khi càng hiểu rõ Kinh Cựu Ước, chúng ta sẽ càng hiểu rõ các sách thánh thư khác hơn, bởi vì lời giảng dạy trong sách này cũng xuất hiện trong các sách thánh thư khác:

  • Trong suốt giáo vụ của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã dùng những câu thánh thư trong Kinh Cựu Ước để giảng dạy.

  • Lê Hi và gia đình ông đã mang những bảng khắc bằng đồng chứa đựng những câu thánh thư từ Kinh Cựu Ước.

  • Nê Phi đã giảng dạy Gia Cốp bằng cách trích dẫn từ sách Ê Sai trong Kinh Cựu Ước.

  • Trong chuyến viếng thăm dân Nê Phi sau khi Ngài phục sinh, Chúa Giê Su Ky Tô đã trích dẫn từ sách Ê Sai và sách Ma La Chi trong Kinh Cựu Ước.

Hình Ảnh
beings appearing to Joseph Smith and Oliver Cowdery in Kirtland Temple

Vision in the Kirtland Temple (Khải Tượng trong Đền Thờ Kirtland), tranh do Gary Smith họa; The Second Coming (Ngày Tái Lâm), tranh Harry Anderson họa

Những vị tiên tri và lời giảng dạy trong Kinh Cựu Ước cũng là trọng tâm của sứ điệp về Sự Phục Hồi phúc âm trong thời kỳ chúng ta:

  • Trong những lần đầu tiên viếng thăm Tiên Tri Joseph Smith, Mô Rô Ni đã trích dẫn từ Ma La Chi.

  • Trân Châu Vô Giá chứa đựng sách Áp Ra Ham và sách Môi Se.

  • Môi Se, Ê Li A, và Ê Li đã truyền giao các chìa khóa chức tư tế cho Tiên Tri Joseph Smith trong Đền Thờ Kirtland.

Mục Đích Là Gì?

Khi đọc những sách trong Kinh Cựu Ước, chúng ta nên cân nhắc rằng các sách ấy được lựa chọn, nhấn mạnh, và sắp xếp theo một cách cụ thể vì lý do thần học. Chúng ta có thể tự hỏi: “Tại sao thông tin này được gồm vào và nhằm mục đích gì?”

Mặc dù nhiều phần trong Kinh Cựu Ước có thể hơi khó hiểu, chúng ta nên nhớ rằng sách ấy chứa đựng một sự phong phú không thể bỏ qua. Như Joseph Smith đã dạy: “Chúng tôi tin Kinh Thánh là lời của Thượng Đế khi sách ấy được phiên dịch chính xác” (Những Tín Điều 1:8). Chắc chắn là chúng ta sẽ được ban phước qua việc học hỏi lời Thượng Đế!

Việc tìm kiếm các chủ đề và sự hiểu biết có thể hữu ích cho việc học Kinh Cựu Ước của chúng ta. Chúng ta nên tìm cách để hiểu rõ hơn rằng Thượng Đế trong Kinh Cựu Ước cũng là Thượng Đế trong Kinh Tân Ước. Đức Giê Hô Va chính là Chúa Giê Su Ky Tô. Làm thế nào mà việc học Kinh Cựu Ước giúp chúng ta biết rõ hơn về Đấng Cứu Rỗi?

Các chủ đề chính khác mà tôi tìm thấy trong Kinh Cựu Ước bao gồm các giao ước, sự thánh thiện, các vị tiên tri tại thế, sự hy sinh và vâng lời, đức tin và sự hối cải, ca ngợi Chúa, và quyền thống trị của Thượng Đế.

Khi học, chúng ta nên nhớ rằng sự mặc khải ngày sau mang đến cho chúng ta một sự hiểu biết hoàn chỉnh hơn về Kinh Cựu Ước. Ví dụ, nhờ có mặc khải hiện đại, chúng ta biết rằng những vị tiên tri trong Kinh Cựu Ước nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và rằng những vị tiên tri trong những các gian kỳ trước đó đã biết và giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Những Lời Hứa Của Một Vị Tiên Tri

Trong gian kỳ này, chúng ta một lần nữa được phước để biết rằng những vị tiên tri và sứ đồ đưa ra những lời khuyên dạy đầy soi dẫn.

Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ lần đầu tiên giới thiệu tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình tại đại hội trung ương tháng Mười năm 2018.2 Tài liệu này là một phước lành lớn lao cho tất cả chúng ta. Ba năm vừa qua đã mang lại cho tôi một số kinh nghiệm học thánh thư sâu sắc và đầy ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình. Tôi chắc chắn rằng các phước lành tương đương như vậy đang chờ đợi mỗi người chúng ta trong năm 2022.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói rằng khi chúng ta biến ngôi nhà mình thành nơi trú ẩn của đức tin và trung tâm học tập phúc âm, thì chúng ta sẽ nhận được bốn phước lành cụ thể sau đây:

  1. “Dần dần, ngày Sa Bát của anh chị em sẽ thực sự là một ngày vui thích.”

  2. “Con cái của anh chị em sẽ hứng thú để học hỏi và sống theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi.”

  3. “Ảnh hưởng của kẻ nghịch thù trong cuộc sống của anh chị em và trong mái gia đình của anh chị em sẽ giảm bớt.”

  4. “Những thay đổi trong gia đình của anh chị em sẽ rất đáng kể và bền bỉ.”3

Những lời hứa của Chủ Tịch Nelson rất sâu sắc, và chúng là sự thật. Các phước lành này đã trở thành hiện thực và sẽ tiếp tục vào năm 2022 khi chúng ta nghiên cứu và học hỏi từ Kinh Cựu Ước.

Ghi Chú

  1. Xin xem Spencer W. Kimball, “When the World Will Be Converted,” Ensign, tháng Mười năm 1974, trang 2–14.

  2. Xin xem Quentin L. Cook, “Sự Cải Đạo Sâu Đậm và Lâu Dài theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 8–12.

  3. Russell M. Nelson, “Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 113.